Sơ lược tiểu sử

Ðức Tổng Giám Mục Phêrô Ngô Ðình Thục

 

Sơ lược tiểu sử Ðức Tổng Giám Mục Phêrô Ngô Ðình Thục

Sơ lược tiểu sử

Phêrô Ngô Ðình Thục sinh ngày 6 tháng 10 năm 1897 tại Phủ Cam, Huế trong một gia đình vọng tộc. Ngài là con thứ thứ ba trong số 9 người con của Cụ Micae Ngô Ðình Khả (nguyên quán làng Ðại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) - một quan đại thần của triều Nguyễn, thời vua Thành Thái và Duy Tân. Gia đình Ngô Ðình của ngài còn có thể kể đến: Ngô Ðình Khôi, Ngô Ðình Diệm, Ngô Ðình Nhu, Ngô Ðình Cẩn, Ngô Ðình Luyện (các anh em trai), Ngô Ðình Thị Giao, Ngô Ðình Thị Hiệp, Ngô Ðình Thị Hoàng (các chị em gái) và Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (con bà Ngô Ðình Thị Hiệp). Như những người anh em của mình đều được thân phụ đặt tên bằng chữ Hán theo các đức tính, tên Thục của ngài có ý nghĩa là "Sự chỉnh tề".

Năm 1904-1908, Thầy Ngô Ðình Thục theo học tại trường Pellerin, một trường tư thục do Sư Huynh Dòng La San điều hành. Tháng 9 năm 1909, cậu vào Tiểu Chủng Viện An Ninh, Quảng Trị và đến tháng 9 năm 1917, được lên tiếp vào Ðại Chủng Viện Phú Xuân thuộc Giáo phận Huế. Tháng 11 năm 1919, Giám mục Eugène Allys (tên Việt là Lý, 1852-1936) gửi thầy đi du học trường Truyền giáo Rôma. Trong quá trình du học Roma, Thầy Ngô Ðình Thục đỗ các bằng cấp: Tiến sĩ Triết học năm 1922, Tiến sĩ Thần học năm 1926, cử nhân Văn chương và được vào yết kiến Giáo hoàng Piô XI năm 1912. Rồi từ Roma, Thầy được cử sang Pháp dạy đại học Sorbonne ở Paris.

Linh mục

Ngày 20 tháng 12 năm 1925, tại Roma, thầy được thụ phong linh mục (do Hồng y Van Rossum truyền chức). Sau đó, linh mục Ngô Ðình Thục tiếp tục học thêm một năm ở Ðại học Appolinaire lấy bằng Tiến sĩ Giáo luật năm 1927. Linh mục Thục sang Pháp học tại Institut Catholique de Paris từ tháng 10 năm 1927 đến tháng 06 năm 1929 và đỗ Cử nhân Văn chương.

Năm 1929, linh mục Ngô Ðình Thục quay về Việt Nam và làm giáo sư dòng Thánh Tâm ở Huế. Từ tháng 11 năm 1929 đến tháng 9 năm 1931, Giám mục Alexandre Chabanon (tên Việt là Giáo, 1873-1936) bổ nhiệm Cha làm giáo sư Ðại Chủng Viện Phú Xuân, Huế. Tháng 10 năm 1933, Cha làm Giám đốc trường Thiên Hựu (Providence), một trường tư thục Công giáo tại Huế. Năm 1935, ngài làm Chủ nhiệm báo Sacerdos Indosinensis.

Giám mục

Ngày 8 tháng 1 năm 1938, Tòa Thánh thành lập tại Việt Nam giáo phận mới là Giáo phận Vĩnh Long, tách từ Giáo phận Sài Gòn, bao gồm địa giới tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và 2 quận thuộc tỉnh Cần Thơ. Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Phêrô Martin Ngô Ðình Thục làm giám mục giám quản tân giáo phận này (Giám mục Hiệu toà Saesina). Ngày 4 tháng 5 năm 1938, tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, Ðức Khâm sứ Antonin Drapier chủ lễ tấn phong giám mục Ngô Ðình Thục. Ðây là vị Giám mục người Việt thứ ba.

Ngày 23 tháng 6 năm 1938, Giám mục Ngô Ðình Thục chính thức nhận giáo phận với khẩu hiệu "Chiến sĩ Chúa Kitô". Ðây là vị giám mục tiên khởi của giáo phận Vĩnh Long và có nhiều đóng góp xây dựng giáo phận này suốt 23 năm đương nhiệm.

Trên cương vị giám mục Vĩnh Long, ngài đã mua một kiến trúc tư gia để làm trụ sở Tòa Giám mục, lập Tiểu Chủng viện Á Thánh Minh năm 1944 gồm 3 lớp, khai giảng ngày 15 tháng 8 năm 1944 ban đầu có 15 chủng sinh. Dòng Thầy giảng Cái Nhum được trùng tu và mang tên mới là Dòng Sư Huynh Kitô Vua. Cải tiến Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn và Cái Nhum, các nữ tu được gửi đi học các trường trung học và đại học. Tổ chức khoá huấn luyện thanh niên, hoạt động Công giáo Tiến hành.

Tổng Giám mục

Năm 1960, Công giáo tại Việt Nam được Tòa Thánh thiết lập Hàng giáo phẩm Chính tòa với ba Tổng giáo phận: Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Giám mục Ngô Ðình Thục được thăng chức Tổng giám mục và về nhận sứ vụ tại Tổng giáo phận Huế vào ngày 12 tháng 4 năm 1961. Ðây là lần đầu tiên một người Việt Nam làm giám mục chính tòa cai quản một giáo phận. Giáo phận Vĩnh Long lúc này do tân giám mục Antôn Nguyễn Văn Thiện cai quản.

Khi đương nhiệm Tổng giám mục Huế, Giám mục Ngô Ðình Thục đã kiến tạo hoàn toàn Nhà Thờ Chánh toà Phủ Cam. Nhà thờ cổ kính này được xây cất từ 1898 nên xuống cấp trầm trọng, Giám mục Thục cho phá hủy và xây mới theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Cũng trong thời gian từ năm 1962-1963, Giám mục Ngô Ðình Thục đã thực hiện cho tổng giáo phận này nhiều công trình:

* Trùng tu Tòa Giám mục và Nhà Chung.

* Sửa sang Ðại Chủng Viện Phú Xuân Huế, mời các linh mục giáo sư thuộc Hội Xuân Bích (Sulpice) về giảng dạy.

* Thành lập Tiểu Chủng viện Hoan-Thiện (lấy tên hai vị thánh Tử đạo Ðoàn Trinh Hoan và Trần Văn Thiện). Sau đó tiến hành thành lập Liên Chủng viện cho toàn Tổng Giáo phận Huế.

* Năm 1962, thống nhất các Dòng Mến Thánh Giá trong tổng giáo phận: Di Loan (dời vào La Vang), Tam Toà (dời vào Kim Long), Kẻ Bàng (sát nhập vào Phủ Cam), Phủ Cam, Dương Sơn, Trí Bưu. Sáu nhà Dòng này tạo thành Dòng Mến Thánh Giá Thừa sai Huế, nay là Dòng Mến Thánh Giá Huế.

* Ðặc biệt, ngài tiến hành trùng tu và tôn tạo khu vực La Vang trở thành trung tâm hành hương của giáo dân Việt Nam. Xin Tòa Thánh nâng nhà thờ La Vang lên bậc Vương cung thánh đường. Lập tờ Nguyệt san "Ðức Mẹ La Vang", thu hút đông đảo người đọc và người viết cộng tác.

Do cuộc đảo chính tháng 11 năm 1963 với cái chết của các em ruột là Tổng thống Ngô Ðình Diệm, cố vấn Ngô Ðình Nhu và Ngô Ðình Cẩn, Ðức Tổng Giám Mục Phêrô Ngô Ðình Thục buộc phải lưu vong rồi sa vào khủng hoảng niềm tin và cuộc sống. Từ đó ngài ngả theo nhóm Giáo hội La Mã Chính thống (Orthodox Roman Catholic Movement, ORCM) nên bị Tòa Thánh ra vạ tuyệt thông. Ngài sống tại Rochester, New York đến năm 1984 thì về lại với Giáo hội Công giáo Rôma và được giải vạ.

Ngài mất tại Joplin, Missouri ngày 13 tháng 12 năm 1984.

(Tư Liệu "Giáo Hội Việt Nam / Giám Mục Việt Nam)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page