Sơ lược tiểu sử
Ðức Cha Ða-Minh Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948)
Sơ lược tiểu sử Ðức Cha Ða-Minh Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948).
1. Ðôi Dòng Tiểu Sử
Cậu Hồ Ngọc Ca sinh ngày 3 tháng 12 năm 1876 (18 tháng 10 Âm lịch năm Bính Tý) tại xứ đạo Ba Châu (làng Vĩnh Lưu, xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên). Cha là Giuse Hồ Ngọc Thi (làm nghề dạy học và thầy thuốc), mẹ là Anna Nguyễn Thị Ðào (người làng Trường An thuộc giáo xứ Thợ Ðúc, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên). Ông bà sinh được hai người con trai đặt tên là Hồ Ngọc Ca và Hồ Ngọc Vịnh. Khi rửa tội, Cha mẹ lấy tên thánh cho ngài là Ðôminicô (Dominique), nay gọi là Ða Minh Hồ Ngọc Ca về sau đổi tên là Hồ Ngọc Cẩn (1898). Cha mất sớm, mẹ đưa hai con về quê ngoại sinh sống.
Về nguồn gốc của ngài, nhiều người cho biết quê nội của ngài ở làng Cổ Thành, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, vì hoàn cảnh đặc biệt, gia đình phải vào lập nghiệp ở Thừa Thiên. Bên họ nội không theo Công Giáo. Lúc sinh thời, thân phụ của ngài làm nghề đông y, kiêm nghề giáo làng, vì thế ngài được thừa hưởng từ nhỏ một sự giáo dục cơ bản về chữ Hán cũng như các kiến thức y dược và tinh thần yêu mến văn hóa quê hương. Ðiều này về sau đã có ảnh hưởng lớn đến vị giám mục và nhà văn hóa Hồ Ngọc Cẩn trong tương lai. Khi ngài chịu chức Giám Mục thì người làng Cổ Thành có cử một phái đoàn vào Tòa Giám Mục Huế chúc mừng và mang theo gia phả của dòng họ để nhận bà con. Nhưng ngài chỉ vui vẻ mời tất cả mọi người vào dự tiệc mà không nhắc gì đến chuyện quá khứ.
2. Con Ðường Học Hành Và Ơn Gọi
Do thân phụ mất sớm, thân mẫu đem ngài và người em trai về sống tại quê ngoại ở làng Trường An (còn có nghệ danh là Phường Ðúc, vì làng này chuyên nghề đúc đồng nổi danh xứ Huế), họ đạo Trường An, giáo xứ Thợ Ðúc, thuộc huyện Hương Thủy, cùng tỉnh Thừa Thiên.
Linh mục Phanxicô Xavie Trương Văn Thường, cha xứ Trường An, là người đã giới thiệu cậu Hồ Ngọc Ca (Cẩn) vào tu học tại Tiểu Chủng Viện An Ninh năm 1889 (Cửa Tùng, Quảng Trị). Khi thi nhập học, cậu Hồ Ngọc Ca đã không đủ điểm. May nhờ Cha Thường xin với Linh mục giám khảo (cha Izarn: Ý) và Linh mục Giám Ðốc Tiểu Chủng Viện (Cha Girard) cho cậu vào học thử vài tháng. Chú Ca đã tiến bộ vượt bực, chỉ trong vài tháng đã theo kịp chúng bạn và những năm sau đó đều dẫn đầu lớp. Chương trình tại Tiểu Chủng Viện là 8 năm mà Hồ Ngọc Ca chỉ học trong 6 năm là xong! Các Linh mục cùng thời với ngài đã kể lại rằng tất cả những sách vở trong thư viện, Hồ Ngọc Ca đều đọc hết. Chú Ca còn tự học thêm về sinh ngữ, cổ ngữ và các môn khoa học thường thức khác. Sau khi Cha Thường qua đời (1891) thì Linh mục Eugène Marie Joseph Allys (tức Cố Lý, cha xứ Phủ Cam) nhận chú Hồ Ngọc Ca làm nghĩa tử. Cha Allys người Pháp về sau làm Giám Mục Huế (thường gọi là Ðức Cha Lý).
3. Hồ Ngọc Ca Ðổi Tên: Linh Mục Hồ Ngọc Cẩn
Hồ Ngọc Ca học ở Tiểu Chủng Viện từ 1889 đến 1896. Vào Ðại Chủng Viện Phú Xuân ngày 5 tháng 8 năm 1896. Chịu phép cắt tóc ngày 17-12-1896, chịu bốn chức nhỏ ngày 23-12-1899. Chịu chức Năm ngày 22-12-1900. Chịu chức Sáu ngày 22-2-1902. Chịu chức Linh Mục ngày 21-12-1902 lúc mới 26 tuổi. Trước ngày chịu chức Linh mục, Thầy Hồ Ngọc Ca xin đổi tên là Hồ Ngọc Cẩn. Sau này, trong tiệc mừng tấn phong Giám Mục, ngài đã tán tự như sau: "Ca đổi ra Cẩn làm thêm dấu "ớ" tức cái mão, thêm dấu "hỏi" tức cái gậy, thêm chữ "n" tức cái nhẫn. Ðó là biểu tượng chức Giám mục ngày nay". Cử tọa đều vỗ tay không ngớt.
Từ 3 tháng 11 năm 1903, ngài làm cha Phó ở Kẻ Văn (Quảng Trị) với Cha Gilbert (Cố Quý) và từ 8-8-1907 làm phó cho Cha Antôn Marillebau (Cố Nhiệm) cũng ở giáo xứ Kẻ Văn.
Ngày 3-11-1907, làm cha xứ ở họ Kẻ Hạc (Vạn Lộc) thuộc tỉnh Quảng Bình.
4. Người Việt Nam Ðầu Tiên Làm Giáo Sư Chủng Viện
Sau 3 năm làm phó xứ Kẻ Văn, và 5 năm là chánh xứ Kẻ Hạt, ngài được cử làm giáo sử Tiểu Chủng viện An Ninh tháng 9-1910. Thời bấy giờ, chương trình học là 8 năm, chia làm bốn lớp, mỗi lớp hai năm. Làm như thế có lẽ để giảm bớt được số thầy dạy. Trường nổi tiếng vì nhiều cựu học sinh đã thành tài mặt đạo, mặt đời, như cụ Nguyễn Hữu Bài, Cụ Ngô Ðình Khả, Ðức Cha Ngô Ðình Thục. Cha Hồ Ngọc Cẩn về dạy từ năm 1910-1924.
Cha Hồ Ngọc Cẩm làm giáo sư tại Tiểu Chủng Viện An Ninh là một giáo sư người Việt Nam đầu tiên. Trước đó, các giáo sư toàn là người Âu Châu. Ngài dạy các môn La Tinh, Pháp, Toán, Việt với một phương pháp sư phạm rất tiến bộ, dễ hiểu, dễ nhớ, trình bày rất rõ ràng, sáng sủa khiến cho học trò rất thích thú.
5. Nhà Giảng Thuyết Thời Danh
Trong thời gian đó, cha Bề Trên Cẩn năng được giảng dạy cho các dòng nam nữ. Kết quả là những cuốn sách: Tu thân minh cảnh, Viện tu trinh nữ, Tu thân hướng đạo, Vào nhà tập làm gì? Sách gối đầu giường các bà Bề trên. Ðặc sắc nhất là cuốn Cấm phòng nhà kín với tư tưởng diệu huyền, văn chương bóng bẩy như sách Diểm tình ca.
Ai cũng biết tìm đấng giảng tuần tĩnh tâm hằng năm cho hàng linh mục là khó khăn thế nào. Xưa nay thường là một đức cha hoặc một cố tây lãnh việc đó. Năm nọ, các linh mục Huế đã tựu về đông đủ mà chưa biết đấng nào sẽ giảng. Ông nọ hỏi ông kia thì thấy căn phòng quen dành cho vị giảng thuyết có bảng ghi: Cha Ðôminicô thì đoán có cha dòng Ða minh tới giảng. Mãi tới giờ khai mạc mới biết là Cha Cẩn của nhà. Các cha ban đầu cũng hơi bỡ ngỡ. Nhưng càng nghe, càng thấy đắc ý hợp tình, chứa chan đạo vị, nên đem lòng cảm mến. các bài giảng đã in thành sách. Ðó là cuốn Cấm Phòng Linh Mục.
Các bài ngài giải thích Thánh Ca Ða vít đăng trên tạp chí Linh mục Ðông dương, rất được chú ý. Năm 1933, công đồng Ðông Dương họp tại Hà nội, ngài được cử làm ký lục. Nhân đó, nhiều vị cao cấp trong hàng giáo phẩm thẩm định được tài uyên bác của ngài. Tuy vậy, ở Huế, không ai nghĩ ngài sẽ làm giám mục. Chính ngài cũng không bao giờ nghĩ tới. Vì ngài đã cao niên, xấp xỉ lục tuần. Phải chăng thời đó, ngay cả sau khi Ðức Cha Nguyễn Bá Tòng đã thụ phong, chức Giám mục vẫn còn như xa với với hàng giáo sĩ Việt nam.
6. Ðắc Cử Giám Mục Phó Bùi Chu
Ðang khi Ðức Cha Trung còn lần lữa, thì tại Huế, vào buổi chiều người ta thường thấy Ðức Khâm Sứ Dreyer lên Trường An, thăm Dòng Thánh Tâm và gặp Cha Bề trên Cẩn. Không ai hiểu vì lý do gì. Nhưng khi sự việc đã xảy ra, người ta đoán là ngài đi lại để có dịp nhận định tài đức của đấng, mà ngài sẽ đề nghị làm Giám mục. Nghe nói Ðức Cha Nguyễn Bá Tòng cũng được tham khảo ý kiến và nhiệt liệt tán đồng, vì là chỗ bạn thân, biết rõ tài ba đức độ của nhau.
Theo đề nghị của Ðức Khâm Sứ Dreyer, ngày 13 tháng 3 năm 1935, Ðức Giáo Hoàng Pio XI đã ký sắc đắc cử cha Ða Minh Hồ Ngọc Cẩn làm Giám mục hiệu tòa Zenobia, Phó đại diện Tông tòa Bùi Chu với quyền kế vị.
Cha Bề trên Dòng Thánh Tâm đang vô tình, an vui với bổn phận thì thình lình nhận được một bao thơ với hàng chữ: "Kính gởi Ðức Cha Ða Minh Hồ Ngọc Cẩn" từ Rôma gởi về. Ngài nhận thấy choáng váng cả người. Nhưng còn nghi hoặc có ai ghi lộn, hay là đùa giỡn chăng. Mở ra xem thì đó là hai thầy Bùi Chu học tại Trường Truyền giáo, nói là xem Công Báo Tòa Thánh biết được tin đó, liền dâng thơ mừng ngài. Hôm đó là Thứ Sáu Tuần Thánh, đầu tháng 4 năm 1935.
Chiều hôm ấy, ngài tức tốc lên hầu Ðức Khâm sứ để biết rõ sự thật thế nào. Sau khi Ðức Khâm sứ xác nhận tin đó, nhưng chưa kịp lục tống, thì Ðức tân Giám mục xin dâng lời tạ ơn Tòa Thánh, song khiêm tốn xin cáo từ, vì tuổi cao, sức yếu, tài hèn không kham nổi công việc. "Tòa Thánh đã quyết định, Ðức Cha không từ chối được đâu. Ðức Khâm sứ ôn tồn đáp. Xin Ðức Cha vui lòng lãnh nhận thánh ý Chúa. Chúa sẽ giúp đỡ, và tôi cũng sẽ giúp đỡ Ðức Cha". Biết không thể khước từ, ngài xin phục mạng, và chuẩn bị cho lễ tấn phong.
7. Giám Mục Việt Nam Ðầu Tiên Của Giáo Phận Bùi Chu
Lúc bấy giờ Ðức Cha Munagorri (Giám Mục thứ 14 của Giáo Phận Bùi Chu, người Tây Ban Nha) đã già yếu, không thể làm việc được nữa, ngài thường ở Khoái Ðồng, thành phố Nam Ðịnh với Linh mục Casado (Cố Thuận) chứ không ở Tòa Giám Mục. Ngài đề nghị cử Linh mục Hoàng Gia Huệ, chánh xứ Ninh Cường làm Giám Mục Phó. Nhưng Ðức Khâm Sứ Tòa Thánh là Ðức Cha Columban Dreyer ở Huế, sau khi đã tham khảo ý kiến nhiều người, liền viết tờ trình lên Ðức Thánh Cha Piô XI đề nghị cử Linh mục Ða Minh Hồ Ngọc Cẩn làm Giám Mục Phó Bùi Chu với quyền kế vị và được Tòa Thánh chấp thuận.
Lễ tấn phong được tổ chức tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam, Huế ngày 29-3-1935 do Ðức Khâm Sứ Tòa Thánh Columban Dreyer chủ lễ và hai Giám Mục Chabanon (Ðức Cha Giáo ở Huế) và Ðức Cha Nguyễn Bá Tòng (Phát Diệm) phụ phong. Tân Giám Mục Ða Minh Hồ Ngọc Cẩn hiệu tòa Zenobis chọn khẩu hiệu: In omni patientia et doctrina: Hết tình nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn (2 Tm 4,2). Ngài đã nhờ cụ Tôn Thất Sa (1882-1980), một giáo sư hội họa ở Huế vẽ huy hiệu hình thuẫn, giữa là Thánh Tâm Chúa Giêsu chiếu ánh sáng ra hai bên, một bên là sông Hương núi Ngự, một bên là nhà thờ Bùi Chu, phía dưới là cuốn sách với tràng hạt mân Côi.
Ngày 17-5-1936, Ðức Giám Mục Pedro Munagorri chính thức trao quyền cai quản giáo phận cho Ðức Cha Ða Minh Hồ Ngọc Cẩn và một tháng sau, ngài mất. Theo Sắc Lệnh của Tòa Thánh ngày 9-3-1936 hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên được tách ra để thành lập giáo phận mới Thái Bình nên giáo phận Bùi Chu chỉ còn lại một phần đất thuộc tỉnh Nam Ðịnh.
(Tư Liệu "Giáo Hội Việt Nam / Giám Mục Việt Nam)
(Nguồn: Giáo phận Bùi Chu)