Thánh Giuse
(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý
Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 163 -
Thánh Piô Piêtrelcina (năm dấu) (1887-1968) Linh mục
Người trẻ đừng sợ mang thương tích của Chúa Giêsu
Thánh Piô Piêtrelcina (năm dấu) (1887-1968) Linh mục - Người trẻ đừng sợ mang thương tích của Chúa Giêsu.
Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P
(RVA News 26-09-2021) - Giáo hội ghi nhận có khoảng 290 người được Chúa in cho năm dấu thánh.[1] Thánh Piô Piêtrelcina (còn được gọi là thánh Piô năm dấu) là một trong số những người được Chúa in năm dấu thánh một cách nhiệm lạ.
[2]Cha thánh Piô tên thật là Phanxicô Forgiône sinh ngày 25 tháng 5 năm 1887 trong một gia đình nông dân đạo đức vững tin ở Piêtrelcina, miền nam nước Ý. Ngay từ tấm bé, cậu đã khát khao nên thánh, yêu mến Chúa thiết tha và ước ao được nên giống Chúa.
Năm 17 tuổi (1903), Phanxicô Forgiône gia nhập dòng Capuxinô và nhận tên là Piô. Năm 23 tuổi (1910), Piô thụ phong linh mục. Cha được một ơn đặc biệt là trở nên giống Ðức Chúa Giêsu hơn bằng cách bắt đầu cảm nhận những dấu đinh của Chúa ẩn trong tay - chân và vết thương của lưỡi đòng nơi cạnh sườn một cách vô hình. Vào ngày 20/9/1918, năm Dấu Thánh này bắt đầu tỏ lộ ra bên ngoài và kéo dài suốt 50 năm sau cho tới lúc cha Piô qua đời.
Thời gian đầu khi mang thương tích của Chúa, cha thường bị hiểu lầm, nhưng cha Piô đã chấp nhận nó như một dịp để càng được nên giống Chúa Giêsu. Sau 15 năm bị hiểu lầm, cha Piô được phép cử hành các bí tích trở lại, rất đông người lại chen chúc nhau trong nhà thờ để cùng cha Piô dâng thánh lễ cũng như xếp hàng để được xưng tội với cha. Mỗi ngày cha Piô giải tội cho trên 100 hối nhân. Việc giải tội của cha thường kéo dài 10 tiếng một ngày. Cha Piô cũng được Thiên Chúa ban cho những ơn lạ như đọc được tâm hồn của người khác, được hiện diện ở hai nơi khác nhau trong cùng một lúc, và năm Dấu Thánh của cha tỏa ra hương thơm ngát.
Cha Piô xuất thân từ gia đình nghèo nên cha rất yêu mến người nghèo và người đau khổ. Cha ao ước có được bệnh viện để phục vụ người bệnh. Ðược Chúa thương giúp nên bệnh viện hoàn tất với tên "Nhà nâng đỡ người đau khổ" có 350 giường bệnh. Với ngôi nhà này, cha Piô muốn chứng minh rằng những phép lạ thông thường của Thiên Chúa thể hiện qua tình bác ái của chúng ta.
[3]Cha về trời ngày 22 tháng 9 năm 1968 và được chọn làm Thánh bảo trợ của các tình nguyện viên dân phòng, bảo trợ thanh thiếu niên và làng Piêtrelcina.
[4]Ðức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói về thánh Piô rằng: Vị tu sĩ Phanxicô khiêm tốn này đã làm cho thế giới khâm phục bằng một cuộc sống hoàn toàn dành cho việc cầu nguyện và lắng nghe anh chị em. Vô số anh chị em đã tuôn đến gặp Ngài khi còn sống cũng như lúc qua đời. Khi tôi còn là sinh viên tại Rôma, chính tôi cũng đã có dịp gặp được ngài, và ngày hôm nay ngày 16 tháng 6 năm 2002 tôi cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho tôi được dịp ghi tên ngài vào sổ những vị Thánh. Ai đã đến San Giôvanni Rôtôndô để tham dự thánh lễ cha Piô dâng, để xin Cha lời khuyên hay để xưng tội, đều nhìn thấy nơi Cha một hình ảnh sống động của Chúa Kitô chịu đau khổ và Phục Sinh.
Hôm nay, mỗi người chúng ta có thể theo gương thánh Piô ở một góc độ nào đó: một cuộc đời thánh thiện, một linh mục tận tụy, một tâm hồn bác ái - thiện nguyện, ngay cả khi chúng ta đau khổ cùng cực, chúng ta cũng cảm nghiệm được chúng ta "mang trong mình thương tích của Chúa Giêsu" như thánh nhân.
Trong Tông huấn Ðức Kitô đang sống Ðức Thánh cha Phanxicô đã mời gọi các bạn trẻ:[5] Mọi người phải nhìn thấy chúng ta là bạn hữu, láng giềng của họ, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải dám khác biệt, dám hướng chỉ những lý tưởng khác với những lý tưởng của thế gian này, dám làm chứng cho vẻ đẹp của sự quảng đại, tinh thần phục vụ, sự trong sạch, nhẫn nại, tha thứ, trung thành với ơn gọi riêng của mình, cầu nguyện, theo đuổi công lý và thiện ích chung, yêu thương người nghèo và trao tình thân hữu với mọi người# Ước chi lời khuyên này thấm nhập vào trong tâm trí chúng ta, như là nguồn mạch của hòa bình, sự thanh thản và niềm an vui; bởi vì chúng ta đang trở nên giống Chúa Giêsu như thánh Piô Piêtrelcina.
Lạy Mẹ Maria, khi xưa thánh Piô luôn cầu khẩn với mẹ, xin mẹ giúp chúng con chăm chú nhìn lên Chúa. Xin Mẹ hướng dẫn và thôi thúc chúng con cố gắng hết sức mình đi tìm tình bác ái siêu nhiên phát sinh từ trái tim bị đâm thâu qua của Ðấng chịu đóng đinh. Lạy thánh Piô, từ trời cao xin đưa mắt nhìn đến tất cả chúng con, xin ngài trợ giúp, trao ban an bình và sự nâng đỡ cho mọi tâm hồn. Amen.
Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P
- - - - - - - - - - - - - -
[1] http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/239343.htm
[2] x. Susan Helen Wallace, Fsp. Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ http://tinmung.net/CAC-THANH/CacThanhINDEX.htm
[3] https://www.tonggiaophanhanoi.org/ngay-23-9-thanh-pi-o-nam-dau-linh-muc-...
[4] x. Trích bài giảng của ÐTC Gioan Phaolô II trong Thánh Lễ phong Chân Phước cho Cha Piô năm Dấu Thánh 2/05/99.
[5] x. ÐTC Phanxicô "Tông huấn Ðức Kitô đang sống" số 36.