Thánh Giuse

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 81 -

Thánh Phaolô Tông đồ

Người Trẻ Sống Trong Ðức Kitô

 

Thánh Phaolô Tông đồ - Người Trẻ Sống Trong Ðức Kitô.

Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P

(RVA News 27-06-2021) - Thánh Phaolô là một trong số các nhân vật của Kinh Thánh Tân Ước được biết đến rất nhiều qua các thư của ngài và sách Công vụ. Sách Công vụ khi thì gọi thánh nhân là Saulô, khi thì gọi là Phaolô.[1] Ngài sinh tại thành Tarso - thủ phủ vùng Cilicia, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Không ai biết thánh Phaolô sinh năm nào. Về nghề nghiệp, sách Công vụ cho biết, thánh Phaolô làm nghề đan lều hay làm chăn, ngài đã lao động để tự mưu sinh, chứ không nhờ vả các tín hữu (1 Ts 2,9; 1 Cr 9,1tt.; Cv 18,1-5). Ngài là người "gốc Do Thái, con của người Do Thái, thuộc chi tộc Bengiamin" (Rm 11,1). Hơn thế nữa, thánh Phaolô đã là thành phần của nhóm nhỏ Biệt Phái, triệt để trung thành với lề luật Môsê và các truyền thống của Do Thái giáo (Pl 3,5). Nhân danh Do Thái giáo thánh Phaolô đã thẳng tay bách hại các kitô hữu. Chính thánh Phaolô tự thú: "Chắc anh chị em đã nghe nói về cách ăn ở của tôi, lúc tôi còn theo đạo Do Thái: Tôi đã bách hại Giáo hội Chúa quá độ" (Gl 1,13; Pl 3,6).

Tuy là biệt phái, xét theo lề luật, nhưng thánh Phaolô đã được ơn trở lại đạo khoảng năm 33-35. Khi được ơn trở lại, thánh Phaolô đã nhiệt tâm truyền giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Hành trình truyền giáo của ngài đã làm mở mang Giáo hội Chúa. Sau khi bị cầm tù lần thứ hai tại Rôma, có lẽ ngài đã bị chém đầu khoảng năm 67[2] và được mai táng trên đường Ostia. Nơi đây, người ta xây vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành.

Thánh Ghêgôriô, giám mục Nítxê đã lấy thánh Phaolô làm mẫu gương về đời trọn lành cho các Kitô hữu, ngài nói: Thánh Phaolô đã tuyên bố rõ ràng hơn bất cứ ai rằng, thánh nhân vừa biết Ðức Kitô là Ðấng nào, vừa biết kẻ đã được mang danh Người thì phải ăn ở làm sao. Thánh nhân đã cặn kẽ noi gương Chúa đến độ có thể diễn tả được Chúa nơi chính bản thân mình. Thật vậy, nhờ tận tình noi gương Ðức Kitô như thế, người đã biến tâm hồn mình nên giống mẫu mực là Ðức Kitô, đến nỗi không phải là Phaolô nữa, nhưng là chính Ðức Kitô. Quả thế, ngài đã khẳng định trong thư gởi tín hữa Galat rằng: "Tôi sống, không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20)[3]

Ðể nên một với Chúa Giêsu như thánh Phaolô, Ðức Thánh cha Phanxicô, trong Tông huấn Ðức Kitô hằng sống đã nhắc người trẻ học hỏi thánh nhân các phương thế sau:

- Thứ nhất, Chúa Giêsu, Ðấng luôn mãi trẻ trung, muốn trao cho chúng ta quả tim trẻ trung, vì thế chúng ta hãy "loại bỏ men cũ để trở thành bột mới" (1Cr 5,7), hãy cởi bỏ "con người cũ" và mặc lấy "con người tươi trẻ (mới)" (Cl 3,9.10).[4]

- Thứ hai, Chúa Giêsu luôn yêu thương chúng ta và thí mạng vì tình yêu ấy, nên các bạn trẻ hãy xác tín: "Giờ đây tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu thương và hiến mạng vì tôi" (Gl 2,20). Mọi lộ trình khác có lẽ sẽ bất cập và tạm bợ. Chúng có vẻ như hữu ích một lúc nào đó, nhưng rồi các bạn trẻ sẽ lại thấy mình chới với trước bão tố trong đời. Chỉ với Ðức Giêsu, tâm hồn các bạn sẽ trải nghiệm một sự an toàn có gốc rễ vững chắc. Thánh Phaolô nói rằng ngài ước ao kết hợp với Ðức Kitô để "được biết Người và quyền năng sự Phục Sinh của Người" (Pl 3,10). Quyền năng ấy cũng sẽ không ngừng được tỏ lộ trong đời sống của các bạn trẻ, vì Người đến để cho các bạn "được sống và sống dồi dào" (Ga 10,10).[5]

- Cuối cùng, hãy rèn luyện sự trưởng thành tâm linh và diễn tả trước hết qua sự trưởng thành trong tình yêu xót thương, quảng đại và huynh đệ đối với mọi người chung quanh. Thánh Phaolô cầu nguyện: "Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết" (1Tx 3,12).[6] Lời cầu nguyện này ắt hẳn phải xuất phát từ cuộc đời đã khát khao và nhuần nhuyễn thực hành.

Và như thế, ước gì các bạn trẻ được đánh động bởi cùng sự thúc đẩy bất khả kháng làm cho Thánh Phaolô đã thốt lên: "Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1Cr 9,16)![7] Ðây chính là hiệu quả tất yếu của việc sống trong Ðức Kitô như thánh Phaolô khi chiêm ngắm ngài hôm nay.

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã cho chúng con một mẫu gương hoán cải và nhiệt thành trở lại là thánh Phaolô, nhờ lời thánh nhân chuyển cầu, xin cho chúng con đặc biệt là các bạn trẻ được ơn trở về và sau khi trở về thì nhiệt thành gấp 10 để phục vụ Chúa. Amen

Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P

- - - - - - - - -

[1] Cv 7,58; 8,1.3; 9,1.8.11.22.24; 11,25.30; 12,25; 13,1.2.7.9.

[2] Chính Tertullien cho chúng ta biết điều này, theo lưu truyền từ xưa.

[3] x. Bđ 2, KS thứ Hai tuần XII thường niên.

[4] x. ÐTC Phanxicô "Tông huấn Ðức Kitô đang sống" số 13.

[5] x. ÐTC Phanxicô "Tông huấn Ðức Kitô đang sống" số 128.

[6] x. ÐTC Phanxicô "Tông huấn Ðức Kitô đang sống" số 163.

[7] x. ÐTC Phanxicô "Tông huấn Ðức Kitô đang sống" số 116.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page