Thánh Giuse
(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý
Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 66 -
Mái Ấm Yêu Thương
Mái Ấm Yêu Thương
Bình Minh
(RVA News 10-06-2021) - Lắng nghe câu chuyện của hai vợ chồng ông Giuse Nguyễn Ðình Chi và bà Maria Nguyễn Thị Kim Liên mà cứ ngỡ đang nghe chuyện cổ tích giữa đời thường. Bởi lẽ không thể tưởng tượng được hai con người rất bình dị, đơn sơ này lại có thể làm được những việc không ai dám làm, đó là cưu mang và nuôi dưỡng 15 đứa trẻ khôn lớn, tự tay chôn cất và xây mộ cho hơn 11,000 hài nhi xấu số trong suốt 17 năm qua.
Với mạng lưới phá thai dày đặc tại các bệnh viện do nhà nước quản lý và cả tại các phòng khám tư, các địa chỉ phá thai lậu trong cả nước, người ta thống kê được cứ có một em bé được chào đời trên thế gian này, thì cũng có một sinh linh tội nghiệp bị tước quyền sống. Ðiều đáng thương tâm là sau khi bị giết ngay trong bụng mẹ hay bị phá nát hình hài bằng các thủ thuật gắp thai, xác các bé khi thì vứt trong thùng rác, khi thì thả trôi sông, khi thì bị chó mèo tha chạy ngoài đường như một loại rác rưởi. Vì muốn những vì sao nhỏ xấu số này có một nơi yên nghỉ, ông bà Chi âm thầm tới các bệnh viện lượm các thai nhi bị phá bỏ mang về nhà tẩm liệm, rồi chôn cất tại núi Hòn Thơm, sau này hai ông bà tự bỏ tiền mua đất xây dựng thành nghĩa trang Hoa Hồng.
Mẹ Chân Phúc Têrêxa thành Calcutta đã nói: "Trong một vụ phá thai, có hai chủ thể chết yểu, đó là đứa trẻ chưa sinh và lương tâm người mẹ. Thiết tưởng cũng cần thêm cái chết thứ ba: đó là sự liêm chính y khoa của người y sĩ khuyến cáo hay thi hành việc phá thai ấy". Và vì muốn góp phần ngăn chận cái chết trong lương tâm người mẹ, ngăn chận cái chết trong sự liêm chính của y bác sĩ thi hành việc phá thai và trên hết là ngăn chặn việc cướp đi quyền sống của một đứa trẻ, ông bà Chi Liên tìm đến tư vấn, khuyên nhủ các cô gái mang thai lầm lỡ, mang thai trong hoàn cảnh éo le và nhận họ đem về nhà riêng của ông bà, rồi nuôi cho tới ngày các cô sinh nở xong. Sau đó họ để con lại cho ông bà Chi Liên chăm sóc và có thể quay lại nhận con bất cứ lúc nào. Các cháu mới sinh được ông bà Chi Liên chăm sóc sau ba ngày thì giao lại cho các Sơ Mái Ấm Nhân Ái dòng Mến Thánh Giá Nha Trang tiếp tục nuôi dưỡng.
Có lẽ một trong những điều mà người đàn ông cảm thấy khó làm đó là đưa vợ đi sanh, thế mà ông Chi đã đưa gần 100 phụ nữ đến bệnh viện sanh con. Khi đau bụng, họ cứ túm lấy ông mà kêu khóc, ngặt nỗi đa số họ là những cô gái trẻ nên không ít lần ông Chi cũng nhận được những ánh mắt ái ngại khi thấy ông đã già còn đưa "vợ" trẻ đi sanh con.
Khi được hỏi vui rằng:
- "Thông thường khi người đàn ông cưu mang người đàn bà trong những hoàn cảnh như thế, họ hay nảy sinh tình cảm, thế thì ông không sợ bà Liên ghen sao?".
Ông Chi cười xòa đáp:
- "Bà Liên hiểu tôi và không bao giờ ghen. Tuy nhiên, nếu đưa một người đi đẻ chắc tui cũng phải lòng, tui cũng đâu thần thánh gì, nhưng đằng này vì đưa cả trăm người nên tui không biết thương ai bỏ ai cả".
Tính từ ngày có Mái Ấm Thiện Tâm đến nay, ông bà Chi đã nhận nuôi 86 em. Hiện còn 13 em không có cha mẹ vẫn đang được ông bà Chi chăm sóc. Vì có nghề y tá nên tự tay bà Liên chăm sóc các em mỗi khi trái gió trở trời. Hàng năm các em được đi du lịch cùng "ông ngoại" và "bà ngoại" - cách gọi thân thương của các em dành cho ông bà Chi Liên. Mặc dù có người mẹ tật nguyền đi tha phương cầu thực và chết tại Campuchia, thế nhưng khi được hỏi về ước mơ của mình, hai anh em sanh đôi năm nay 15 tuổi, học lớp 9 ở tại mái ấm Thiện Tâm đã trả lời: "Con muốn đi tu" và "Con muốn làm bác sĩ".
Tông Huấn của Ðức Gioan Phaolô II về đời sống hôn nhân và gia đình trong số 21 đã nói đến việc xây dựng cộng đồng tình yêu trong gia đình như sau: "Tất cả mọi phần tử của gia đình, mọi người tuỳ theo năng khiếu riêng của mình đều nhận lãnh ân sủng và trách nhiệm để ngày qua ngày xây dựng sự thông hiệp giữa nhau. Nhờ thế, họ biến gia đình thành một trường dạy về nhân bản đầy đủ và phong phú nhất. Ðiều đó được thể hiện bằng sự săn sóc hay tình thương yêu đối với những người bé mọn, những người bệnh tật và người già cả, bằng việc phục vụ nhau mỗi ngày, bằng sự chia sẻ cho nhau của cải, niềm vui cũng như nỗi buồn. Một sự thông hiệp như thế chỉ có thể duy trì và thêm hoàn hảo nhờ tinh thần hy sinh mà thôi".
Có câu: "Thuận vợ, thuận chồng, tát biển Ðông cũng cạn", để có thể kiên trì làm một việc mà không phải ai cũng dám làm trong suốt hơn 17 năm qua rõ ràng cần phải có sự sẵn sàng và quảng đại cao độ của hai vợ chồng. Chắc chắn họ đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng họ đã biết cảm thông với nhau, khoan dung với nhau, tha thứ cho nhau, hoà giải với nhau để cùng nhau biến gia đình có hơn 15 đứa trẻ thành "một trường dạy về nhân bản đầy đủ và phong phú nhất" cho chúng vào đời.
Lạy Chúa, xin Chúa chúc lành cho cuộc đời của những đứa trẻ trong mái ấm Thiện Tâm , đặc biệt là cho ước nguyện của hai anh em sanh đôi mồ côi. Xin Chúa trả công vô cùng cho ông bà Chi Liên, những người đã nhiệt tình đáp trả Ơn Gọi đặc biệt của Chúa trong bậc sống hôn nhân của mình. Amen.
Bình Minh