Thánh Giuse
(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý
Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 31 -
Cho Con Biết Dùng Tiền
Cho Con Biết Dùng Tiền
(RVA News 01-05-2021) - Một thanh niên chia sẻ câu chuyện như sau:
Một cô gái hỏi:
- "Bao nhiêu tiền 1 trái dừa vậy ông?"
Ông già bán dừa trả lời cô ta:
- "Thưa cô 10 ngàn 1 trái."
Cô gái nói:
- "Bán cho tôi 2 trái 15 ngàn được chứ. Không được tôi đi chỗ khác."
Người bán hàng đành trả lời:
- "Cô lấy đi, 15 ngàn 2 trái. Tôi nghĩ như vậy cũng tốt rồi bởi vì cả ngày nay tôi chưa bán được cho ai cả".
Cô gái lấy 2 trái dừa và bỏ đi với cảm giác của một người chiến thắng. Cô ấy bước vào xe hơi và đi đón cô bạn, cả 2 cùng tới một quán ăn sang trọng. Hai cô gái ngồi xuống bàn và gọi những thứ họ thích. Họ chỉ ăn một ít và để lại rất nhiều thứ mà họ gọi ra. Sau đó cô ta thanh toán hóa đơn. Hóa đơn là 950,000, cô gái đưa 1 triệu và nói với ông chủ quán:
- "Khỏi thối".
Quý vị và các bạn thân mến!
Sự việc này có vẻ rất bình thường đối với ông chủ quán. Nhưng nó rất đau đớn cho người bán dừa tội nghiệp. Cũng vậy, nhiều người rất hào phóng rộng rãi với bạn bè, sẵn sàng rải tiền trên bàn nhậu, tiêu xài thoải mái trong những cuộc vui nhưng trong gia đình thì lại ki bo với người thân, đặc biệt là với cha mẹ, vợ con. Tuy nhiên, đây là điều khá phổ biến trong cách tiêu xài đồng tiền của con người. Vì sao chúng ta thể hiện sự tính toán chi li khi mua hàng của những người nghèo khổ tội nghiệp nhưng lại quá hào phóng với những người không thực sự cần sự hào phóng của chúng ta? Tại sao chúng ta hào phóng với bạn bè ngoài xã hội nhưng lại tiêu xài cách khó khăn với những người thân thuộc gần gũi trong gia đình? Là vì chúng ta thiếu đi sự thánh thiện trong cách tiêu dùng đồng tiền của mình. Chúng ta tiêu dùng đồng tiền để thể hiện mình hơn là quan tâm đến nhu cầu của người khác.
Có những người, khi tiêu dù chỉ một đồng hay phải tốn tiền triệu đó không phải là mối bận tâm lớn nhất nhưng một quan niệm như sợi chỉ hồng xuyên suốt thái độ sử dụng đồng tiền của họ đó là "trong tiền phải có tâm". Tác giả viết tiếp: "Mỗi lần một đứa trẻ nghèo đến với tôi để bán một cái gì đó đơn giản, tôi lại nhớ về ba tôi. Ba tôi thường mua những món đồ lặt vặt từ những người nghèo khó với giá cao, mặc dù ông không thực sự cần đến chúng. Có lần tôi thắc mắc hỏi ba về hành động "kỳ quặc" đó, thì ba tôi nói: "đó chính là chân giá trị của cái gọi là từ thiện".
Cách đây mấy năm, một nguyệt san xuất bản tại Luân Ðôn có yêu cầu độc giả đưa ra một định nghĩa về tiền bạc và cho biết độc giả nào đưa ra câu định nghĩa hay nhất sẽ được trọng thưởng. Tòa soạn đã nhận được hàng ngàn câu định nghĩa khác nhau và đây là câu định nghĩa đã trúng giải nhất: Tiền bạc là giấy thông hành đại đồng, với nó chúng ta có thể đi bất cứ nơi đâu trên thế giới này ngoại trừ lên thiên đàng là không được. Với nó, chúng ta có thể mua sắm mọi sự, trừ hạnh phúc là không thể được. Với một tâm hồn ích kỷ, mê muội thì rõ ràng "tiền chỉ là tiền". Kinh thánh kể rằng phú ông Lazarô đã đánh mất ơn cứu độ chỉ vì ông ta đã sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình và ăn chơi hưởng thụ cho bản thân và nhìn thấy hay vô cảm với sự đói nghèo của Ladarô. Vậy nên, chỉ khi "trong tiền có tâm" của người sử dụng thì nó mới mang lại "chân giá trị của cái gọi là từ thiện", mang lại nhiều lợi ích còn hơn giá trị sẵn có của nó.
Lạy Chúa, xin hãy ban cho con trái tim của Chúa, để chúng con biết cảm nhận nỗi thống khổ của tha nhân và luôn chạnh lòng thương xót, xin giúp chúng con luôn biết sống chia sẻ với những anh em nghèo khó. Xin đừng để chúng con vô cảm thờ ơ trước những phận người khổ đau vì rằng sự thưởng phạt của Chúa ở đời sau tùy thuộc vào đức ái của chúng con dành cho những người anh em sống xung quanh mình ở đời này. Amen.
Bình Minh