Giọt Nước Mắt Cuối Cùng
(118 Câu Chuyện Suy Tư Và Cầu Nguyện
Ðôi Hàng Tâm Tư Cho Một Ðời Kitô Hữu)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 67 -
Chúa Giêsu Con Người Của Lịch Sử
Trong một bài dạy về triết học ở đại học Colombia bên Anh Quốc, giáo sư Avan Strô đã nói rằng: Ông Giêsu có lẽ cũng tồn tại, nhưng huyền thoại về ông ấy nhiều quá đến nỗi không thể nào nghiên cứu về con người thật của ông ta được.
Thường thì một học giả nói ra điều gì thì điều ấy thường thường đúng. Nhưng riêng trường hợp này, học giả Avan Strô hoàn toàn sai lầm. Nhiều người khi đối diện với một vấn đề nào đó, đã có ngay một thành kiến mà không cần bằng chứng.
Một nhà sử học nổi danh là tiến sĩ John Wahrich Mankemery, sau khi nghe về giáo sư Strô đã bảo rằng: Giáo sư Strô đã rơi vào bốn điều sai lầm thuộc về sử và triết học.
Ðầu tiên là ông ta không chịu khảo cứu bằng cớ chân thật. Ông ta dựa vào những con người có thẩm quyền hiện đại thay vì đến tận nguồn của tài liệu lịch sử.
Thứ hai ông ta đã vi phạm một lỗi lầm không thể tha thứ được, là bỏ qua các tài liệu tiên khởi. Những tài liệu ghi lại lịch sử Kitô giáo mà chúng ta hiện có không phải từ các dữ kiện của Phúc Âm, nhưng trong các thư tín của thánh tông đồ Phaolô.
Sai lầm thứ ba là chối từ tính chất lịch sử về Chúa Giêsu, là coi như vấn đề đã xác định rồi không cần phải bàn cãi nữa.
Sai lầm thứ tư là giáo sư Strô lầm Chúa Giêsu với các người phái Et-xin, những người tự coi họ là Thượng Ðế thành nhục thể, vì có một số dữ kiện lịch sử không phải Thánh Kinh nói về Chúa Giêsu.
Hầu hết những gì chúng ta biết về Chúa Cứu Thế Giêsu đều do từ Thánh Kinh mà ra. Nhiều học giả đã bỏ cả đời nghiên cứu Thánh Kinh đã xác nhận tài liệu Thánh Kinh là đáng tin hơn cả. Tài liệu giáo lý rõ ràng nhất, dễ hiểu nhất đã được Phaolô soạn 25 năm sau khi Chúa hy sinh.
Học giả Robinson, tác giả của cuốn sách văn phạm dễ hiểu nhất của tiếng Hy Lạp thời Tân Ước nói rằng: Hiện nay có đến 8,000 bản thảo bằng tiếng La Tinh của nhóm Vulgate và ít nhất là 1,000 bản thảo nguyên thủy, cộng thêm vào đó trên 4,000 bản thảo bằng tiếng Hy Lạp.
Như thế chúng ta hiện có 13,000 bản thảo các phần trong kinh Tân Ước, đây là một kho dữ liệu nhiều nhất để từ đó ta in ra bộ kinh Tân Ước và phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tuyên bố rằng cuộc đời của Chúa Giêsu không có căn bản lịch sử là đã bỏ qua kho tàng dữ kiện lịch sử này vậy.