Vai trò quan trọng

của người Cha trong gia đình

 

Mến chào tất cả các bạn.

Ðể mở đầu, mời các bạn nghe tâm sự của một thiếu niên bị giam trong Tù Thanh Thiếu Niên như sau:

Ðối với tôi, ba tôi là người lạnh nhạt tình thương và ít thông cảm. Hồi tôi còn bé, ba rất thương yêu tôi. Tôi còn nhớ rõ, một lần bị lỗi phạm, và từ ngày đó, ba tôi không còn can đảm đến gần tôi và ôm hôn tôi như trước nữa. Tình thương mà ba đã dành cho tôi từ thuở bé bỗng dưng biến đâu mất. Hồi ấy, tôi mới lên 13 tuổi, ba tôi đã cắt đứt mối dây tình thương chính trong lúc tôi cần được yêu thương nâng đỡ hơn cả. Tôi không còn ai để tâm sự và giãi bày những nỗi khổ tâm của tôi nữa. Tôi thiết nghĩ một phần cũng là lỗi của ba mà ngày hôm nay tôi bị rơi vào hố sâu của đau khổ như thế này. Nếu như tôi ở đứng trong chỗ đứng của ba, tôi sẽ xử lý một cách khác. Chắc chắn tôi sẽ không bỏ rơi con tôi trong giai đoạn khó khăn như vậy, chắc hẳn tôi sẽ động viên và nâng đỡ để con tôi quay trở về đường ngay nẻo chính, với sự thông cảm và tình thương của một người cha thật và nhân từ. Nhưng rất tiếc là tôi đã không nhận được những điều đó.

Các bạn thân mến, lần trước chúng ta đã lắng nghe lời tâm sự và than phiền của một bà mẹ, vì cảm thấy bất lực trước sự vô kỷ luật của con cái. Qua những lời tâm sự đượm màu tê tái của thiếu niên trên đây, chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào lý do của sự vô kỷ luật của con cái, nhất là con cái ở tuổi vị thành niên. Qua kinh nghiệm, các nhà tâm lý nhận định rằng: Nhiều lúc bên cạnh đứa con quá bồn chồn hiếu động, là mình người mẹ hoặc người cha quá băn khoăn áy náy. Một đứa bé tính tình quá thất thường là hoa trái của sự bất an của người lớn. Vậy đâu là trách nhiệm của người cha trong gia đình? Ðâu là những đức tính người cha cần có trong việc giáo dục con cái? Mời các bạn cùng tìm hiểu.

Bổn phận trước tiên của người cha đối với con cái là yêu thương vợ mình là mẹ của con cái. Gia đình là một cơ cấu chỉ đứng vững được trên nền tảng của tình yêu thương. Không phải là thứ tình yêu lý tưởng hay mơ ước, nhưng là tình yêu thương chân thật và thực tế. Không có tình yêu thương, hạnh phúc gia đình không thể là hạnh phúc lâu bền được, trước những phong ba bão tố của cuộc sống. Không thể chỉ đóng vai trò làm cha mẹ vì bổn phận, nhưng trước hết và trên hết là vì tình thương. Giáo dục con cái cũng không phải là công việc cá nhân nhưng phải là công việc của cả cha lẫn mẹ, trong tinh thần đồng trách nhiệm và cùng chia sẻ mọi vui buồn gian khổ. Giữa cha mẹ cũng như đối với con cái, cần có sự ý hợp tâm đầu, liên kết chặt chẽ và sâu xa, để cổ võ sự phát triển của con cái trên nền tảng vững chắc. Người cha không thể chỉ biết đến công việc làm ăn, lo kiếm tiền và cung cấp nhu cầu vật chất cho gia đình, trong khi lại phủi tay để cho người mẹ phải gánh vác hết mọi công việc trong cũng như ngoài nhà và dạy dỗ con cái. Nhưng cha mẹ cần biết thay phiên nhau để mỗi người có sự tiếp xúc gần gũi với con cái, đồng thời cũng tìm được chút thời giờ nghỉ ngơi thuận tiện và cần thiết cho bản thân nữa.

Thứ hai, người cha cần phải có mặt và có chỗ đứng trong gia đình. Sự hiện diện của người cha nói lên tầm quan trọng của vợ con trong cuộc sống mình. Tiếc thay, trên thực tế, kết quả của các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, phần lớn các người cha thường chỉ thực sự có mặt trong gia đình mỗi ngày trung bình khoảng năm mười phút với tư cách là người giáo dục con cái. Kết quả các cuộc thăm dò ấy cũng cho thấy, sự tương quan tương đối giữa sự hiện diện của người cha với hạnh kiểm tốt hay xấu, thành công hay thất bại trong việc học cũng như mức độ trí thông minh và tội phạm của con cái. Sự hiện diện của người cha trong gia đình nói lên nhu cầu cần thiết của đối thoại, trao đổi tư tưởng để có sự chia sẻ mật thiết và tham dự tích cực vào cuộc sống giữa phụ huynh và con cái. Ðồng thời cũng là dịp tốt để nhận ra những dấu hiệu con cái gửi tới và kịp thời can thiệp một cách hữu hiệu trong những hoàn cảnh khó khăn con cái cần phải đương đầu với.

Thứ ba, dù muốn dù không, người cha vẫn là tấm gương con cái luôn để mắt nhìn lên và theo sát. Ngày nay, hơn bao giờ hết vai trò của người cha giữa một tầm quan trọng rất lớn trong việc hướng dẫn và động viên con cái. Lý do là vì con cái cần tấm gương để học cách cư xử và như sự kích thích khích lệ con cái chọn lựa cách sống phù hợp với những giá trị chân thực, như sự ngay thẳng, liêm chính, lòng nhân từ, vân vân... Cả khi con cái không tỏ lộ ra bên ngoài và có khi còn trực tiếp phủ nhận, nhưng thực ra con cái thường rất quan tâm để ý tới công việc làm và cách làm việc của người cha hơn là lý do của việc làm ấy.

Thứ bốn, người cha ban tặng sự an bình, yên ổn, vì là người bảo vệ che chở con cái. Tất cả mọi người trong gia đình đều mong đợi sự che chở của người cha. Người cha bảo vệ sự an bình cả khi phải cứng rắn đặt ra những giới hạn và kỷ luật trên bình diện không gian cũng như thời gian. Biết trả lời không, đúng lúc đúng chỗ, là cách tốt đẹp để nói lên sự quan tâm của người cha đến mỗi phần tử trong gia đình.

Thứ năm, người cha khích lệ, động viên và truyền đạt sức mạnh, sự tin tưởng, tôn trọng, lắng nghe và chấp nhận con cái. Ðiều đó nói lên rằng, bất cứ điều gì xảy ra, cha sẽ luôn ở gần bên con, nhờ đó làm nảy sinh trong tâm hồn con cái lòng tin tưởng và sự tự tin. Người cha luôn sẵn sàng trợ giúp con cái để bù vào sự yếu đuối của chúng.

Thứ sáu, người gia trưởng trong gia đình cũng là người bảo vệ những kỷ niệm ghi nhớ các biến cố và truyền lại gia sản tinh thần cho con cái từ đời này sang đời khác. Ðể được như thế cần biết chọn điều kiện thuận tiện tạo cơ hội tốt đẹp để gia đình được đoàn tụ và chia sẻ vui buồn trong bầu khí thân mật hài hòa. Trong quá khứ, người cha có thể dùng uy quyền của mình để áp đặt và truyền đạt các giá trị. Nhưng ngày nay, các giá trị cần được truyền đạt bằng việc làm và gương đời sống. Nhưng điều đáng tiếc là cuộc sống quá bon chen của xã hội tân tiến lại không tạo điều kiện để thực hiện điều đó được. Làm thế nào có thể bày tỏ và truyền đạt cho con cái điều gì trong khi lại không thể dành được chút thời giờ để đối thoại thân mật với con cái, để ở với gia đình cách thoải mái, để trao đổi tư tưởng, dự tính, hy vọng, niềm vui cũng như thất bại.

Thứ bảy, người cha được coi như tờ thông hành có giá trị để bước vào thế giới bên ngoài. Nơi người cha, quy tụ khả năng làm chủ tình thế và tài khéo đối phó với thế giới đang sống. Có thể nói được rằng, người cha là người phải chỉ cho con cái bản đồ của cuộc sống. Ðó là yếu tố cần thiết trong việc kiến tạo cơ cấu giúp phát triển bản lãnh và nhân vị của con cái.

Thứ tám, người cha luôn rộng lòng tha thứ. Tuổi trẻ là một chuỗi đầy những vấp ngã. Tuy nhiên những thất bại đổ vỡ không phải là những ngõ cụt trong cuộc sống, nhưng là bàn đạp để vươn lên cao hơn. Tha thứ là điều cao cả nhất mà con cái mong đợi cách náo nức hơn cả nơi cha của mình. Tình thương tha thứ đem lại an bình và sức mạnh để chỗi dậy và bắt đầu lại. Tha thứ là như chắp cánh để con cái tiến xa và tiến nhanh hơn.

Thứ chín, người cha vẫn luôn mãi là người cha, cả khi xa vắng hoặc xa cách. Mỗi người con đều được quyền có người cha yêu thương. Bị cha mình bỏ rơi quên lãng quả là vết thương đau đớn sâu xa trong tâm hồn con cái rất khó mà được chữa lành hẳn.

Sau cùng, người cha là họa ảnh của Thiên Chúa. Thiên chức làm cha không chỉ là sự lựa chọn cá nhân mà thôi, nhưng quả là một ơn gọi cao trọng. Kinh nghiệm của các nhà tâm lý đều khẳng định rằng, trẻ em thường tạo cho mình một hình ảnh và khái niệm về Thiên Chúa dựa trên hình ảnh của người cha của các em. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa và gọi Ngài là Cha. Một người mẹ dạy con cầu nguyện và cầu nguyện chung với con cái quả là điều tốt đẹp. Nhưng một người cha cầu nguyện với con cái mình sẽ để lại trong tâm hồn con cái một kỷ niệm rất êm đẹp và là dấu vết không thể nào bị xóa mờ được.

Mến chào và hẹn gặp lại các bạn trong lần tới.

 

Mai An

Thứ Tư, ngày 9/04/2008

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page