Nói Với Giới Trẻ

(Những Loạt Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ

của Nữ Tu Mai An thực hiện

trong chương trình Phát Thanh

của Ðài Chân Lý Á Châu năm 1995)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 34 -

Tuổi Trẻ, Sứ Giả Của Hy Vọng

 

Vào thời xa xưa khi người ta chưa phát minh ra đèn điện, tại các nước nghèo thuộc miền Á Châu, người đi đường ban đêm thường dùng loại đèn làm bằng những thanh tre gián giấy chung quanh và với cây nến cháy sáng bên trong. Một hôm có người đến thăm người bạn bị mù cả hai mắt. Ðộng lòng thương, người ấy tặng cho bạn mình một cái đèn làm bằng tre gián giấy. Người mù từ chối với giọng lịch sự và nói:

- Tôi không cần đèn để đi đường, bởi vì đối với tôi ngày cũng như đêm, bóng tối cũng như ánh sáng.

Người bạn nài nỉ nói thêm:

- Mặc dù anh không cần đèn để thấy đường đi, nhưng xin anh vui lòng nhận cho, vì với đèn sáng trong tay, ban đêm đi đường, người ta sẽ không té nhào vào anh.

Thấy người bạn nói có lý, người mù nhận đèn và hết lòng cám ơn người bạn chân thành. Tối hôm sau, người mù xách đèn đi đến nhà người bạn có việc khẩn cấp. Vừa đi được một đoạn thì ông nghe có tiếng kêu la đâu đó:

- Hãy coi đường mà đi.

Người mù đáp lại:

- Thế ông không thấy cái đèn này hay sao?

Tiếng lạ nói thêm:

- Nhưng đèn của ông bị tắt rồi!

(Ferrero Bruno, 40 stories, p. 25)

 

Các bạn thân mến, người mù đi đường với cái đèn tắt ngúm trong câu chuyện trên đây là hình ảnh của giới trẻ bị đốt cháy vì những hưởng thụ ngay trước mắt. Họ không khác gì người mù mò mẫm từng bước dưới chân mà không thể nhìn xa được nữa. Họ chỉ lo tìm kiếm thú vui trong giây phút hiện tại mà không biết tính toán hơn thiệt cho ngày mai hoặc sửa soạn tương lai mình.

Các nhà giáo dục và tâm lý xã hội học đều công nhận rằng, mất kiên nhẫn là căn bệnh kinh niên của giới trẻ ngày nay và là gia tài của những người trưởng thành thiếu lý tưởng để lại cho họ. Tuổi trẻ tuy là tuổi đầy nhựa sống nhưng cũng là tuổi đầy hấp tấp vội vã, thiếu nhẫn nại, mất bình thản. Lòng ham thích xáo động như ăn nhập khắp cả huyết quản họ. Họ như bị đốt cháy bởi hàng trăm đam mê và ham muốn hưởng thụ ngay lập tức. "Sống vội" là khẩu hiệu trên môi miệng nhiều bạn trẻ tại Việt Nam hiện nay. Họ chỉ quan tâm đến giây phút hiện tại và không lo chi đến ngày mai, đến lý tưởng cao xa phải đạt tới. Thay vì "việc làm hôm nay chớ để đến ngày mai" thì họ lại nói rằng "Ðiều có thể hưởng thụ hôm nay, đừng để đến ngày mai". Họ thường lo sợ và nghi ngờ về tương lai, về những gì sẽ xảy đến trong ngày mai.

Cũng vì bị thôi thúc bởi ham muốn hưởng thụ ngay lập tức đó mà có nhiều bạn trẻ đã sớm bỏ ghế nhà trường để lao đầu vào công việc làm, có lẽ không phải vì nhu cầu kinh tế và lợi ích của cả gia đình cho bằng để kiếm tiền, để có thể tiêu xài và để hưởng thụ. Chịu khó hôm nay để chuẩn bị tương lai ngày mai đối với họ quả là một sự chờ đợi quá lâu dài. Biết bao nhiêu bạn trẻ sống từng ngày một mà không chút dự bị cho ngày mai. Trong khi đó, loài kiến còn biết chăm chỉ làm việc để tích trữ lương thực cho những ngày tiết đông giá lạnh.

Cám dỗ hưởng thụ ngay lập tức là một mối nguy hại lớn đang làm kiệt quệ sinh lực của nhiều bạn trẻ và biến họ trở thành những người thiếu tinh thần trách nhiệm. Họ sống vô lo như trẻ em, buông thả theo bản tính tự nhiên. Cái gì cũng muốn được ngay lập tức. Họ không có sức chịu đựng kỷ luật nào hoặc chấp nhận thuốc đắng để bảo vệ và kiện cường sức khỏe thể xác cũng như tinh thần. Và khi không được như ý muốn, như sở thích, họ nổi giận mất tự chủ như những đứa trẻ quá được cưng chiều. Họ quên rằng đời sống con người sẽ mất đi ý nghĩa cao đẹp đáng sống nếu không có một viễn tượng đầy hy vọng, và không được giải thoát khỏi xiềng xích của hưởng thụ ngay lập tức. Ý nghĩa đời sống bao hàm mọi khía cạnh, và mọi chiều kích của cuộc sống con người, và nó chỉ được lấp đầy bằng một viễn tượng hy vọng. Vì thế người trưởng thành là người biết khôn ngoan khước từ những hưởng thụ giả tạo và mau qua của giây phút hiện tại để tìm kiếm những giá trị lâu bền hơn.

Lần giở phúc âm chúng ta sẽ có dịp khám phá ra Chúa Giêsu là người sống giây phút hiện tại với tinh thần phó thác cậy trông vào Chúa quan phòng, nhưng không chỉ đóng kín giây phút hiện tại mà thôi. Ngài dạy bảo dân chúng còn phải biết khôn ngoan suy tính chuyện ngày mai nữa, chẳng hạn như dụ ngôn người xây tháp và ông vua đem quân ra ứng chiến với địch. Ngài phán:

Há có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà chẳng ngồi dự tính phí tổn cần thiết trước, xem mình có thể làm trọn việc được chăng, kẻo xây nền rồi làm không xong, thiên hạ thấy lại cười rằng: "Người này khởi công mà việc bất thành". Hoặc có vua nào toan đi giao chiến cùng vua khác lại chẳng ngồi suy tính trước xem một vạn binh mình đem đi có thắng được hai vạn binh bên địch chăng? Chẳng vậy, khi vua kia còn ở xa, ông sẽ phải sai sứ đi cầu hòa (Lc 14:28-32).

Chúa Giêsu cũng nói về đời sống của Ngài và của các môn đệ Ngài như hạt giống của hy vọng. Như hạt lúa miến gieo xuống đất phải mục nát đi trong im lặng của lòng đất trước khi trổ sinh hoa trái (Ga 12:24).

Trước sự cứng lòng tin của dân thành Samaria không tiếp nhận Chúa Giêsu và các môn đệ, họ tỏ ra mất kiên nhẫn, và xin Chúa Giêsu khiến lửa trên trời xuống thiêu đốt họ, Chúa Giêsu đã nghiêm trách họ. Ngài nói:

Các ngươi không biết phải có tinh thần nào. Con Người đến không có ý giết ai, chỉ để cứu người ta thôi (Lc 9:53-55).

Tinh thần của Chúa Giêsu là tinh thần kiên nhẫn chịu đựng để xây dựng chứ không phải bồng bột chỉ để phá đổ và giết hại. Lòng tin của các tín hữu Kitô không thể là lòng tin mà không có hy vọng. Lòng ham muốn hưởng thụ ngay lập tức và đức tin không thể nào đi đôi với nhau được. Thánh tông đồ Phaolô lý luận một cách cụ thể hơn rằng:

Phần rỗi là điều ta hy vọng. Ðiều ta đã thấy, ta còn hy vọng gì nữa? Nhưng hy vọng điều ta chưa thấy mới là vững dạ đợi trông. Song nếu ta hy vọng điều gì mình chưa thấy thì ta mới nhẫn nại đợi chờ (Rm 8:24-25).

Cũng vậy, mầu nhiệm Nước Trời không thể nào hiểu được nếu không ở trong viễn tượng hy vọng và không có sự bền tâm chiến đấu, kiên nhẫn đợi chờ. Các tín hữu Kitô không chỉ sống trong hy vọng hão huyền. Họ yêu chuộng sự sống và tận dụng mọi giây phút hiện tại và đồng thời cũng biết nhìn nhận giá trị tương đối của nó, chứ không thần thánh hóa hiện tại. Các môn đệ của Chúa Kitô dùng lòng tin và niềm hy vọng để đối phó với mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống và họ xác tín rằng, như lời thánh tông đồ Phaolô quả quyết với các tín hữu thành Rôma (Rm 8:18):

Thật vậy, tôi nghĩ rằng những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.

Người sống để chỉ hưởng thụ giây phút hiện tại khác nào người đi trong đêm tối, trong đường hầm với cái đèn tắt ngụm trên tay. Trái lại, người sống trong viễn tượng hy vọng là người bước đi dưới bầu trời đầy sao sáng. Người có lòng tin là người sống trong hy vọng.

 

Mai An

Thứ Tư, ngày 20/12/1995

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page