Nói Với Giới Trẻ
(Những Loạt Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ
của Nữ Tu Mai An thực hiện
trong chương trình Phát Thanh
của Ðài Chân Lý Á Châu năm 1995)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 33 -
Tuổi Trẻ, Sứ Giả Của Tình Yêu Vị Tha
Sau đây xin trích những lời tâm sự của cậu Giacomo, một sinh viên thuộc ngành y khoa trong thư gửi cho người bạn thân và đồng nghiệp của anh:
Ðiều quan trọng đối với tôi hơn cả lúc này là vấn đề thăng tiến nghề nghiệp. Tôi đã bắt đầu chuyên về ngành y khoa và tôi sẵn sàng hiến dâng đời sống tôi vì nghề này. Tôi cũng rất thích môi trường đại học, nơi tôi có dịp làm quen với những người có thế giá, có địa vị và giới học thức thuộc cao tầng xã hội. Hơn nữa, với mảnh bằng bác sĩ, tôi có hy vọng đạt được địa vị tốt, để được người đời tín nhiệm hơn và có được một đời sống trưởng giả hơn.
Các bạn nghĩ gì về những lời trên đây? Nó diễn tả tâm trạng và thái độ nào trong sứ mệnh của đời sống mỗi người nói chung, và cách riêng trong đời sống của cậu Giacomo? Ðối với Giacomo nghề nghiệp là bàn đạp để tiến thân, để đạt tới danh vọng, chức quyền, hay là phương tiện để phục vụ? Chắc các bạn đã đoán được và trong đời sống các bạn đã gặp những người sống theo chủ nghĩa thực dụng và thuyết vụ lợi. Như thế đối với những người này nghề nghiệp quan trọng hơn cả là nghề có lợi cho cá nhân, cho gia đình, là cơ hội cho họ thắng thế, là tất cả những gì có thể làm ra tiền cho họ. Trái lại, khoa học của tinh thần, những gì không hướng về năng xuất mà chỉ hướng về ý nghĩa của đời sống, giá trị thánh thiêng của công việc, ca tụng vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn cao thượng, chẳng hạn như triết học, nhân chủng học, thi văn, các môn học tôn giáo, đều bị coi là dư thừa, vô ích.
Những người theo thuyết thực dụng (pragmatismo) thì điều ích lợi là điều có thể sinh ra tiền bạc, có thể đem lại khoái lạc, có thể đạt tới thắng lợi trên bình diện cụ thể. Ðối nghịch với chủ nghĩa thực dụng, những điều có giá trị là những gì cho đi cách nhưng không, là chân, thiện, mỹ, là sự an bình nội tâm v.v... Tuy nhiên, cần phải có một lương tâm thật bén nhạy để nhận ra nguy cơ của những cám dỗ tinh xảo núp sau bộ mặt của thành công và thắng lợi. Không thiếu chi những người trong xã hội không hề đụng tay làm việc gì nếu không vì tiền bạc. Tiền bạc là giá trị tuyệt đối, là như thần tượng trong đời sống họ. Họ sẵn sàng hy sinh tất cả vì tiền bạc, khác nào dân Do Thái trong sa mạc đã không ngần ngại cúi đầu thờ con bò vàng như là Thiên Chúa của họ. Tai hại hơn nữa là có những người đã dại dột để cho tiền bạc làm mờ mắt họ, mê hoặc họ đến nỗi đã nên như cơn ác mộng luôn giày vò đay nghiến tâm can họ. "Thời giờ là vàng bạc" đó là khẩu hiệu và là luật sống của họ thường được lặp đi lặp lại trên môi miệng qua mọi thời đại và dưới mọi bầu trời. Xem như họ không sống vì mục đích hoặc lý tưởng nào khác hơn ngoài việc thu tích tiền của. Ðời sống họ hầu như chỉ được thêu dệt bằng tiền bạc và không còn biết đến giá trị gì khác hơn ngoài túi tiền của họ. Tiếc thay họ lại cũng không được hưởng tiền của đó nữa. Trong năm 1995, tại Italia, báo chí đã đăng tải rất nhiều vụ con cái sát hại cha mẹ để chiếm đoạt gia tài trước thời hạn, để có tiền tiếp tục nghề nghiện ngập. Có một chàng thanh niên đã dã man giết bà nội để chiếm đoạt số tiền hưu mà chàng đã đi lãnh dùm cho bà. Ðồng tiền đã làm cho họ mù mắt đến điên dại, vì thực sự họ đã phải tạ tội suốt cuộc đời còn lại trong ngục tù, và chỉ một xu của tiền đó họ cũng không đượng hưởng.
Và còn biết bao nhiêu chuyện điên rồ khác nữa trong xã hội, mà chắc các bạn cũng đã nghe biết. Vì đồng tiền mà biết bao nhiêu thiếu nữ, cả trẻ em, đang bán rẻ thân xác mình. Những người coi rẻ danh dự mình để đổi lấy đồng tiền. Bao nhiêu người nhẫn tâm không sợ bẩn tay dính máu người vô tội để được một xấp giấy bạc. Cũng vì đồng tiền mà người ta không sợ bán anh, bán em, hoặc bội phản thầy mình, như ông Giuđa đã phản bội bán Chúa Giêsu với giá 30 đồng bạc. Cũng vì tiền bạc, gia tài mà biết bao gia đình đã phải tan vỡ, anh chị em kiện tụng hằn thù nhau cả đời.
"Có tiền mua tiên cũng được!" Ðáng tiếc thay câu nói đó đã và đang là luật sống của biết bao nhiêu người. Xem như đồng tiền là chìa khóa mở đường cho mọi sự. Ai lại không biết đến chiến lược "đầu tiên" - "tiền đâu" đang được thịnh hành tại các văn phòng ở Việt Nam hiện nay. Không có tiền, người đang hấp hối vẫn phải đợi chờ trước cửa nhà thương. Không có tiền, quan tài người chết đem ra tới huyệt cũng phải đem lại về nhà. Những điều khó tin mà có thật dưới mọi bầu trời. Tất cả cũng chỉ vì và tại đồng tiền. Ai lại đành chịu mất đồng tiền? Bởi vì đồng tiền là chìa khóa để hưởng lạc, để thăng tiến, để chiếm đoạt, để thắng trận. Ðồng tiền là chìa khóa quốc tế vậy. Thảm thương thay, những người tôn thờ tiền bạc như thế lại là những người tự làm nô lệ cho tiền bạc, và là căn bệnh gây nên mọi thứ tàn tật tinh thần.
Bosman, một triết gia người Ðức đã viết: "Hỡi con người, ngươi có giá trị hơn tiền bạc. Phẩm giá của ngươi không thể so sánh với vàng bạc. Ðiều ngươi không thể đổi mua được bằng tiền bạc lại là điều có giá trị hơn cả. Ðó là danh dự, lòng tốt, tình thương, thiện chí, lòng biết ơn, tình bạn, v.v...
Thái độ và lập trường của Chúa Giêsu về vấn đề tiền bạc thật quá rõ ràng và dứt khoát. Ngài là mô phạm hoàn hảo của con người cao thượng, của tình yêu vị tha, của sự cho đi nhưng không. Ngài xử dụng mọi sự vật với tâm hồn thanh thản, hoàn toàn tự do không bị ràng buộc bởi lề luật hoặc sức ép bên ngoài nào, hoàn toàn tự thoát lên trên mọi vụ lợi ty tiện. Tuy nhiên Ngài không phải là Thầy giảng dạy một thứ lý thuyết bông lông, nhưng là thầy dạy rất khôn ngoan và thực tế, chân đi trên đất, nhưng ánh mắt luôn hướng về lý tưởng cao đẹp. Một cách rất thực tế nhưng đầy khôn ngoan, Ngài phán bảo dân chúng: Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó. (Mt 6:19-21).
Lần khác, Ngài cảnh tỉnh dân chúng khỏi cảnh mù quáng vì tiền bạc bằng những lời thách đố này:
Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? (Mt 16:26).
Ngài ca tụng những người nghèo khó bị xã hội khinh bỉ:
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ (Mt 5:3).
Ngài không có tham vọng thu tích tiền của cho mình, nhưng sẵn sàng cho đi và chia sẻ với mọi người những gì Ngài có. Ngài cũng không bận tâm lo lắng đến nhà cửa, cơm ăn áo mặc. Ngài sống thanh thản trong tinh thần phó thác và tin tưởng vào tình thương vô biên của Chúa quan phòng, Ðấng nuôi chim trời và mặc cho các loài hoa cỏ dại, vẻ đẹp không vua quan nào có thể sánh ví được. Tuy con chồn còn có hang, chim trời còn có tổ, nhưng Ngài cũng không có chỗ tựa đầu (Mt 8:20). Ðiều đó không làm cho Ngài phải lo lắng áy náy. Ngài không chạy theo những người có quyền thế để được đền ơn, báo đáp, nhưng chọn trở nên bạn hữu và làm ơn cho những người nghèo khổ, tật nguyền, những người yếu thế không bao giờ có thể đền ơn trả nghĩa cho Ngài. Ngài tự hạ đến gần với con người để nâng họ lên cao. Lên tới gần Chúa hơn. Ngài tình nguyện đến với con người để phục vụ chứ không phải để phục vụ, hoặc để khai thác trục lợi cho mình. Nói tóm lại, kiểu người Chúa Giêsu muốn nêu lên trước mắt bạn là mẫu người tự do, biết xử dụng tiền của như phương tiện chứ không phải như ông chủ. Trái lại, kiểu người của xã hội hưởng thụ nêu bật trước mắt bạn là con người nô lệ, là nạn nhân của hưởng thụ, và trục lợi. Các bạn muốn chọn mẫu người nào?
Mai An
Thứ Tư, ngày 13/12/1995