Nói Với Giới Trẻ

(Những Loạt Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ

của Nữ Tu Mai An thực hiện

trong chương trình Phát Thanh

của Ðài Chân Lý Á Châu năm 1995)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 24 -

Khôn Ngoan Là Hồng Ân Của Chúa

 

Trong lịch sử người Do Thái có thuật lại một vụ xử như sau:

Hồi ấy có hai kỹ nữ đến chầu vua, hai thị đứng trứng mặt ngài.

Một thị tâu:

- Kính bẩm chúa thượng, tôi và bà này ở chung một nhà, rồi tôi sanh ra một con trai nơi phòng bên cạnh bà. Sau ba hôm bà ấy cũng sanh một con trai. Chúng tôi ở chung với nhau, và ngoài hai đứa chúng tôi ra không có ai lạ khác trong nhà. Ban đêm, đứa con trai của bà này chết, vì lúc ngủ bà đè lên con. Thế rồi trong đêm khuya đương lúc tôi ngủ say, bà ấy lén dậy ẵm con trai tôi nằm bên cạnh tôi, đặt nó trong lòng bà, và đặt đứa con trai bà đã chết vào lòng tôi. Sáng hôm sau, vừa thức dậy, tôi cho con bú như thường lệ, nhưng thấy nó đã chết. Khi trời sáng rõ hơn, tôi nhìn kỹ mới khám phá ra nó không phải là đứa con tôi đã sanh ra.

Thiếu phụ kia đáp lại:

- Ðâu phải vậy. Con bà chết rồi. Ðứa trẻ còn sống là con của tôi.

Bà thứ nhất cãi lại:

- Bà nói láo, con tôi còn sống, con bà đã chết rồi.

Cứ như thế hai bà cãi qua cãi lại trước mặt vua. Bấy giờ nhà vua lên tiếng bảo:

- Bà này nói, con tôi còn sống, con bà chết rồi. Bà kia đáp, không phải, quả thật con bà chết rồi, đứa còn sống là con tôi. Vậy hãy trao gươm cho ta.

Khi họ đem gươm đến trước mặt hoàng thượng, ngài truyền:

- Hãy chặt đứa trẻ còn sống làm hai phần và trao cho mỗi bà một nửa.

Nhưng người thiếu phụ thực sự có con còn sống ruột gan bị xúc động vì thương con trai mình, nên quỳ gối tâu cùng vua:

- Tâu chúa thượng, xin đừng giết con trẻ, xin hãy giao nó cho bà kia.

Trái lại, bà kia thì nhửng nhưng đáp:

- Cứ chia đôi, nó chẳng phải con tôi cũng chẳng phải con của bà.

Lúc ấy, nhà vua liền ra lệnh:

- Hãy trao đứa trẻ còn sống cho bà kia, vì thực sự bà là mẹ nó, và chỉ muốn sự sống của nó mà thôi. (1Vua 3:16-27).

Các bạn thân mến, chắc các bạn đã đoán được ông vua trong câu chuyện xử án trên đây là ai rồi. Ðó chính là vua Salomon, con trai vua Ðavít, và là hoàng đế khôn ngoan nhất trong lịch sử Do Thái. Kinh Thánh còn nói thêm, trước vua Salomon chưa có ai khôn ngoan như người, và sau người cũng không có ai khôn ngoan hơn người được. Thử hỏi, bởi đâu vua Salomon được ơn khôn ngoan xuất chúng như vậy? Tác giả sách Các Vua trả lời:

Một hôm ban đêm, Chúa hiện ra cùng Salomon trong chiêm bao, Ngài phán:

- Muốn chi cứ xin, Ta sẽ ban cho ngươi.

Salomon thưa:

- Chúa đã xử nhân hậu với thân phụ tôi là Ðavít nô bộc Chúa nhiều lắm, vì người đã tiến tới trước tôn nhan Chúa bằng cách chân thành công minh và thẳng thắn đối với Chúa. Chúa lại ban ơn vĩ đại cho người là ban đứa con trai hiện nay đương ngồi trên ngai của người. Ôi Chúa là Thiên Chúa, giờ đây Chúa khiến tôi tớ Ngài trị nước kế vị Ðavít thân phụ tôi. Tôi còn ngây thơ, chưa thông thạo đường đi nước bước, mà nô bộc Ngài phải đương đầu với dân tộc chính Chúa đã chọn lựa, một dân vô kể, không thể đếm được. Vậy, xin Chúa ban cho tôi tớ Ngài được tấm lòng khôn sáng, ngõ hầu đoán xét dân chúng, phân biệt việc lành điều dữ. Vì ai tài sức mấy mà xét xử dân này, dân riêng của Chúa đông đảo như vầy chăng?

Lời cầu xin của vua Salomon quả thực rất đẹp lòng Chúa, nên Ngài phán cùng vua Salomon:

- Vì ngươi đã cầu xin điều đó, không xin cho sống lâu, hoặc của cải, hoặc mạng sống thù địch ngươi, mà chỉ xin cho được khôn ngoan hầu biết xử đoán. Vì thế, Ta sẽ thi hành như lời ngươi cầu xin mà cho ngươi tâm trí khôn ngoan sáng suốt tuyệt vời, đến nỗi trước ngươi chẳng có ai bằng, sau ngươi cũng chẳng ai ngang hàng được. Vả Ta cũng sẽ ban cho những điều ngươi không xin, tức là giàu có và vinh quang đến nỗi suốt cả đời ngươi trong các vua chúa không vị nào sánh kịp. Nếu ngươi bước theo đường lối Ta, tuân hành luật pháp và giới răn Ta như thân phụ ngươi đã thực hành, Ta sẽ cho ngươi được trường thọ (1Vua 3:5-14).

Lời cầu xin và đối đáp giữa vua Salomon và Thiên Chúa của dân Israel cho ta thấy rõ rằng sự khôn ngoan thật không phải là kết quả của sự cố gắng hoặc của trí thông minh loài người, nhưng trước hết và trên hết là hồng ân của Chúa Thánh Linh. Ngài ban cho ai tùy theo thánh ý và sự kén chọn của Ngài. Ngài cũng ban cho những ai thành tâm cầu xin Ngài với tâm hồn khiêm tốn và với mục đích cao thượng. Salomon không cầu xin ơn khôn ngoan để được người ta kính phục hoặc để khoe khoang; nhưng là vì nhận biết sự hèn mọn ngây ngô của mình trước một sứ mệnh quá nặng nề so với khả năng của vua. Lời cầu xin của vua Salomon diễn tả tấm lòng khiêm tốn và ý hướng ngay thẳng, chỉ muốn chu toàn thánh ý Chúa, vì lợi ích của toàn dân và vì lòng kính sợ Chúa là Thiên Chúa trên hết.

Lời phán bảo của Yaveh Thiên Chúa không những chỉ diễn tả sự hài lòng của Chúa trước thái độ khiêm tốn và tâm tình chân thành của vua Salomon mà thôi, nhưng còn vạch chỉ điều kiện và đượng lối phả theo để duy trì sự khôn ngoan cao cả đó nữa. Ðiều kiện đó là gì? Ðó là tiến bước theo đường lối của Chúa và trung thành tuân giữ giới răn Ngài.

Có lẽ một số trong các bạn sẽ phản đối diều kiện căn bản này vì quan niệm rằng luật pháp và giới răn của Chúa cản trở tự do và sáng kiến của con người, là trở nên như nô lệ. Tuổi trẻ thường thích phóng túng và sống ngoài kỷ luật và coi đó là con đường giải thoát. Nhưng thực sự phải nói rằng quan niệm như thế thật sai lầm và điên dại. Con người sống vô kỷ luật thật chẳng khác gì con ngựa không có giây cương, chạy lông loàn đây đó, vô định hướng, không có lý tưởng và cũng không thể hy vọng làm nên sự nghiệp gì được. người sống vô kỷ luật và ngoài kỷ luật tưởng rằng như thế là có hoàn toàn tự do, nhưng thực sự họ là người nô lệ hơn ai hết, nô lệ chính bản thân họ, nô lệ tình dục và tính lông loàn không kiềm chế. Vậy thì còn gì là khôn ngoan nữa? Khôn ngoan đó sẽ dẫn đưa họ tới đâu? Tới thành công, tới phục vụ, hay chỉ dẫn đưa họ tới nhàm chán, hoặc tệ hại hơn nữa, tới sự tự hủy diệt.

Tông đồ Phaolô cảnh cáo các tín hữu thành Côrintô đừng lo tìm kiếm sự khôn ngoan theo thế gian, nhưng sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa để có thể nhận biết những ân huệ Thiên Chúa ban cho chúng ta. Nhưng để được ơn khôn ngoan đó, Phaolô viết:

"Tôi quỳ gối trước mặt Thiên Chúa Cha vinh hiển, là Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và cầu xin Ngài ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng các thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu (Ef 1:17-19).

Khôn ngoan thật chính là hồng ân của Chúa, là điều đáng được tha thiết và trung thành nguyện xin với lòng khiêm tốn và tâm hồn cởi mở để đón nhận hồng ân ấy.

 

Mai An

Thứ Tư, ngày 11/10/1995

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page