Nói Với Giới Trẻ

(Những Loạt Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ

của Nữ Tu Mai An thực hiện

trong chương trình Phát Thanh

của Ðài Chân Lý Á Châu năm 1995)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 22 -

Khôn Ngoan Và Thông Biết

 

Demostene là một nhà thuyết gia rất nổi tiếng người Hy Lạp. Hôm ấy ông đóng vai trạng sư biện hộ cho một bị cáo rất nghèo, nhưng các quan tòa không chút bận tâm đến những lời bào chữa của ông. Họ tỏ ra lơ là chia trí và thì thầm chuyện riêng của họ. Thấy vậy ông Demostene ngưng biện hộ và với giọng hấp dẫn ông bắt đầu kể chuyện. Demostene nói:

- Kính thưa quan tòa và các trạng sư, xin cho phép tôi được kể một sự kiện có liên quan đến vụ xử của chúng ta hôm nay.

Một bác thợ mộc nọ đến nhà người phú hộ xin thuê một con lừa để trẩy đi đến thành Atene. Dọc đường, gặp lúc trời nóng nực, bác thợ mộc bèn xuống khỏi lưng lừa và ngồi nấp bóng lừa. Chủ lừa biết được sự việc nên đòi tăng thêm tiền thuê lừa. Người phú hộ nói:

- Ông phải trả thêm tiền cho tôi, bởi vì không những ông đã cưỡi trên lưng lừa, mà còn nấp bóng nó nữa.

Bác thợ mộc trả lời:

- Chẳng phải tôi đã trả tiền thuê cả con lừa hay sao? Kể cả bóng nó nữa chứ!

Từ đó nảy sinh cuộc tranh luận và kèm theo những cú ẩu đả nữa...

Câu chuyện của thuyết gia Demostene mỗi lúc một thêm hấp dẫn và bầu khí tòa án trở nên im bặt. Các quan tòa đều im lặng chú ý lắng nghe. Thấy vậy, Demostene liền cắt ngang câu chuyện và trở lại với những lời lẽ biện hộ cho người bị cáo nghèo. Lập tức các quan tòa liền đứng lên đồng thanh phản đối đòi Demostene kể tiếp cho họ sự việc con lừa kết thúc ra sao. Trước những lời yêu cầu của quan tòa, Demostene liền nghiêm nét mặt và dõng dạc nói:

- Hỡi các quan tòa, thật là điều đáng hổ ngươi cho các ông! Khi tôi lên tiếng biện hộ để bênh vực cho người nghèo bị cáo oan thì các ông chia trí, lơ đãng không thèm lắng nghe. Thế mà khi nói đến bóng của con lừa thì các ông lại chú ý hết mọi chi tiết về sự việc. Thử hỏi, có phải các ông đã đối xử và hành động như người khôn ngoan hay chăng? (Jesus, v.8, N.1).

Các bạn thân mến, các bạn trả lời thế nào cho câu hỏi của thuyết gia Domestene? Các bạn nghĩ gì về tư cách của các quan tòa trong mẩu chuyện trên đây? Ðối với bạn khôn ngoan là gì? Khôn ngoan và thông biết khác nhau thế nào?

Thường thì chúng ta có quan niệm không mấy rõ rệt về người khôn ngoan và người thông thái, hiểu rộng biết nhiều.

Người tây phương định nghĩa khôn ngoan theo tiêu chuẩn khoa học và trí thức. Nhiều khi chúng ta đọc trên báo chí về một nhà thông thái người Mỹ, người Ðức, người Nga đã làm cho thế giới phải ngạc nhiên thán phục về những khám phá mới mẻ của họ. Họ được coi là người khôn ngoan, tài giỏi. Quan niệm của người tây phương về người khôn ngoan là người giàu kiến thức, hiểu biết nhiều, có tài đào sâu các bí quyết của khoa học, và có thể phát minh những cái mới mẻ. Thế nhưng, xem ra quan niệm đó thật hạn hẹp, nếu không dám nói là sai lầm. Cần phải phân biệt sự hiểu biết, tài giỏi, tài khéo chưa hẳn đã là người khôn ngoan. Các nhà bác học tinh anh nắm trong tay bí mật luật thiên nhiên chưa hẳn là người khôn ngoan. Họ quy tụ sự hiểu biết về những sự bên ngoài, về sự việc, theo chiều hướng khám phá vũ trụ, chinh phục thiên nhiên. Họ được thế giới chú ý lưu tâm không phải vì đời sống của họ, nhưng chỉ vì sự hiểu biết và những phát minh khoa học họ có thể minh chứng và biểu diễn cho thế giới biết, vì những thành công họ đã đạt tới.

Trái lại, theo quan niệm của người đông phương và của kinh thánh thì người khôn ngoan là người biết tận dụng và quy tụ sự hiểu biết của mình vào việc khám phá ra chính bản thân, biết hướng về chiều kích siêu nhiên và chiều sâu của cuộc sống, để tiến tới sự cảm nghiệm của tình thương và việc chiêm ngưỡng sự thật.

Trong khi các nhà bác học tìm kiếm sự hoàn hảo của sự vật, thì người khôn ngoan đông phương tìm kiếm sự hoàn hảo và quyền tự chủ của con người. Vì thế có thể hiểu được rằng có nhiều nhà bác học không hẳn là người khôn ngoan, nhưng cũng có nhiều người khôn ngoan nhưng lại kém hiểu biết về khoa học. Xem ra danh từ khôn ngoan của tiếng Việt Nam ta gói ghém ý nghĩa thật phong phú, cả về sự hiểu biết khôn khéo, lẫn trong cách cư xử ngoan đạo.

Giá trị của sự hiểu biết về khoa học tùy thuộc vào đường hướng và ý nghĩa các nhà bác học mặc cho nó. Nếu một nhà bác học có tài hiểu biết nhưng thiếu khôn ngoan có thể biến đổi sự hiểu biết của mình thành dụng cụ để biểu dương quyền thế, danh vọng trước mắt người khác. Các phát minh khoa học của thế giới ngày nay quả là con dao hai lưỡi. Một mặt nó đẩy mạnh sự thăng tiến con người, và mặt khác lại là dụng cụ tiêu diệt sự sống con người cách dã man nhất.

Trong phúc âm, Chúa Giêsu đã không ngần ngại lên tiếng khiển trách những kẻ coi mình là bậc thầy trong dân chúng. Họ tự hào vì biết rõ mọi chi tiết của luật pháp, không trừ dấu phẩy, dấu chấm nào, và thuộc lòng mọi kinh kệ. Họ rất khôn khéo trong việc áp dụng luật pháp để làm lợi cho mình, để bóc lột người khác và công chính hóa mọi hình thức bất công phạm pháp của họ. Chúa Giêsu tuyên bố thẳng thắn với họ: Khốn cho các ngươi, hỡi luật sĩ và pharisiêu giả hình. Các ngươi như người mù dẫn đường mù quáng, để rồi cùng rơi xuống hố. Các ngươi giống như mồ mả bên ngoài quét vôi trắng, nhưng bên trong đầy xương người chết hôi thối. Các ngươi sẽ phải chịu đoán phạt nặng hơn (cf Mt 23).

Hạnh phúc cho nhân loại biết bao nếu có nhiều nhà thông thái, hiểu rộng biết nhiều, nhưng đồng thời lại cũng rất khôn ngoan. Vậy thế nào là khôn ngoan thật? Làm thế nào để có thể dung hòa sự thông thái hiểu biết và khôn ngoan?

Phaolô thành Tarso, một người có học thức cao, xuất thân từ một gia đình có thế giá, và lớn lên trong trường của hàng luật sĩ và Pharisiêu. Ông vốn là người rất hăng say tuân giữ lề luật và tìm kiếm sự hoàn hảo của luật pháp. Thế nhưng, sau khi bị ánh sáng của Chúa phục sinh chinh phục, Phaolô đã được đổi mới hoàn toàn và đã tuyên bố: "Nếu tôi được ơn tiên tri hiểu thấu mọi mầu nhiệm, mọi khoa học, có cả đức tin mạnh mẽ đến dời được núi đồi, nhưng nếu tôi không có đức ái cũng vô dụng" (1Cor 13,2).

Phaolô còn phân biệt rõ ràng hơn giữa sự hiểu biết thuộc về trí thức và sự khôn ngoan chân thật là hồng ân của Chúa Thánh Linh. Phaolô còn nói thêm: "Sự hiểu biết hay khiến người ta kiêu hãnh, còn bác ái thường xây dựng" (1Cor 8:1). Phaolô muốn nói về thứ hiểu biết của trí khôn, nhưng không ăn nhịp với tâm tình của con tim, không có tình thương; thì sự hiểu biết đó sẽ không xây dựng, cũng không làm lợi cho tha nhân, và chỉ làm cho người có sự hiểu biết ấy thêm kiêu căng, tự đắc mà thôi.

Phaolô, không những chỉ là người thông thái hiểu biết nhiều mà thôi, nhưng trong cách thi hành sứ mệnh tông đồ người đã biết khiêm tốn cởi bỏ mọi hình thức khoe khoang về sự hiểu biết của mình.

Phaolô tuyên bố: "Thưa anh em, phần tôi, tôi đến với anh em chẳng phải đến và dùng lời văn hoa khôn khéo hầu minh chứng Ðức Kitô với anh em. Và tôi quả quyết rằng ngoài Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã chịu đóng đanh, tôi chẳng biết gì khác nơi anh em. Tôi ở giữa anh em mà yếu đuối sợ sệt run rẩy lắm, vì lời nói và sự giảng thuyết của tôi không theo sự uyển chuyển khôn khéo nhân loại, nhưng để minh chứng... (1Cor 2:1-5).

Ðâu là đặc điểm của người không ngoan thật? Xin mời các bạn trẻ cùng trả lời...

 

Mai An

Thứ Tư, ngày 27/09/1995

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page