Nói Với Giới Trẻ
(Những Loạt Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ
của Nữ Tu Mai An thực hiện
trong chương trình Phát Thanh
của Ðài Chân Lý Á Châu năm 1995)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 21 -
Biết Nhật Ðịnh Chân Giá Trị
Năm 1923, tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ đã gặp gỡ nhau trong một khách sạn tại miền viễn tây. Họ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm về kinh doanh và hình như muốn khẳng định câu châm ngôn thường tình của con người ở khắp mọi nơi là "Có tiền mua tiên cũng được". Thế nhưng 25 năm sau, những gì đã xảy đến cho tám nhà kinh doanh giàu có này? Số phận họ ra sao?
- Charles Schwab, giám đốc của một trong những công ty sắt lớn nhất tại Mỹ đã chết vì phá sản. Trong năm năm cuối cùng, ông đã sống nhờ vào đồng tiền vay mượn của người khác.
- Samuel Insull, giám đốc của một công ty chuyên sản xuất các vật dụng cần thiết trong nhà, phải bỏ quê hương ra đi và chết tha phương không một đồng xu dính túi.
- Howard Hopson, giám đốc của một hãng gas lớn đã trở thành điên loạn.
- Arthue Cutten, chuyên xuất nhập cảng lúa mỳ, cũng chết ở nước ngoài không một đồng xu dính túi.
- Richard Whitney, giám đốc một phòng hối đoái lớn tại New York, vừa bình phục sau một thời gian dưỡng bệnh trong một nhà thương điên.
- Albert Fall, một nhân vật cấp cao trong chính phủ, vừa ra khỏi tù vì tội dính líu vào một vụ tham nhũng.
- Người cuối cùng trong danh sách tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ khoảng thập niên 20 cũng đã tự kết liễu cuộc sống mình. (LS p. 21).
Bạn thân mến, nghe xong câu chuyện trên đây và những gì chúng ta đề cập tới trong hai bài trước, có lẽ bạn sẽ thầm nghĩ rằng, phải chăng đó chỉ là những lời tuyên truyền chống lại tiền bạc, bôi nhọ chức quyền và vinh dự trần gian? Phải chăng đó chỉ là luận điệu của những nhà đạo đức dạy đời, có cái nhìn bi quan về hạnh phúc, nghi ngờ mọi thứ vui sướng và chỉ muốn nhỏ giọt thuốc đắng trên muỗng mật ngọt. Các bạn sẽ có thể biện chứng rằng đâu phải tất cả mọi người giàu sang có quyền thế đều phải chịu số phận hẩm hiu như tám nhà kinh doanh của Hoa Kỳ nói trên. Và có lẽ bạn cũng đã có dịp nghe biết về những người tuy rất giàu có nhưng lại cũng rất may mắn có được một cuộc sống an lành hạnh phúc.
Bạn rất có lý, và thực sự ai ai cũng phải công nhận rằng tiền bạc, của cải tự nó không phải là một điều xấu. Ai trong chúng ta lại không cần đến tiền bạc để sống xứng đáng với nhân phẩm. Tuy nhiên, ai lại không biết rằng tiền bạc, của cải chức quyền là con dao hai lưỡi, là người đầy tớ tốt, nhưng lại là ông chủ xấu. Hạnh phúc cho ai biết khôn ngoan xử dụng nó như một phương tiện phục vụ lý tưởng cao đẹp. Ðồng thời thật khốn cho những ai mù quáng chạy theo nó như một cứu cánh trong đời, hoặc tôn thờ nó như thần tượng để quên đi tất cả những giá trị khác trong cuộc sống con người. Tất nhiên vận mệnh họ tự kéo xuống cho bản thân là sự phá sản, nếu không về mặt vật chất thì sẽ về mặt tinh thần, và nhiều khi còn cả vật chất lẫn tinh thần nữa.
Vấn đề thiết thực không phải là khinh dễ tiền bạc, có ác cảm với chức quyền, hoặc trở nên thù địch với những người giàu có, cũng không phải là khước từ hết tất cả mọi điều tốt lành trên trần gian này, nhưng là biết khôn ngoan nhận định đâu là giá trị tuyệt đối và đâu là những điều tương đối, đâu là những cái sẽ qua đi và đâu mới là thứ sẽ tồn tại mãi mãi. Ðiều quan trọng là biết khôn ngoan đặt ra cho mình những bậc thang giá trị đúng đắn và can đảm sống theo lý tưởng cao đẹp đã vạch ra cho mình. Biết chọn lựa, đó là bí quyết sự trưởng thành trong tâm trí và là dấu chỉ người khôn ngoan, là biết sáng suốt đặt giá trị tuyệt đối lên trên những giá trị tương đối, những điều phụ thuộc.
Mặt khác, chúng ta không cần phải sợ Chúa Giêsu cũng không cần phải tránh né sứ điệp của Ngài. Ngài không phải là con người khắc khổ mặc áo da cừu, ăn châu chấu và mật ong rừng như Gioan tẩy giả. Trái lại, Ngài biết ăn chay nhịn đói và cầu nguyện suốt 40 ngày trong sa mạc, nhưng đồng thời cũng chấp nhận lời mời đến dự tiệc tại nhà những người phú hộ, quý phái. Ngài còn nhận lời mời đến dự tiệc cưới và làm phép lạ cho nước trở thành rượu để khỏi làm bẽ mặt đôi tân hôn và kéo dài niềm vui của họ. Ðến nỗi nhiều người đã không hiểu Ngài và dèm pha, khinh chê Ngài như người thích ăn chơi, bạn bè với những kẻ xấu nết, những người thu thuế, hối lộ dân chúng. Hơn nữa, sứ điệp của Ngài không phải là lời lên án, nhưng là tin mừng nước Trời. Lời Ngài là như con dao hai lưỡi vạch trần nội tâm chúng ta, không phải để tàn phá nhưng để xây dựng, để kiện cường những gì tốt lành trong tâm hồn mỗi người. Ngài đến trần gian này không phải để ngăn cản chúng ta tìm kiếm hạnh phúc, nhưng là để vạch chỉ cho chúng ta con đường dẫn tới hạnh phúc chân thật và lâu bền hơn, là để giúp chúng ta sống thực tế, đặt chân trên đất, nhưng đầu ngẩng lên cao và mắt nhắm thẳng tới cùng đích của đời sống mình.
Kinh nghiệm bản thân và của người khác cũng đủ để chúng ta xác tín điều này: Con người không thể chỉ sống với thỏa mãn, thành công, và chiếm đoạt. Tất cả mọi sự đó đều tương đối và sẽ mau qua. Trong thâm tâm, con người còn có những khát vọng sâu xa và tuyệt đối hơn nữa. Ðành rằng sức khỏe, sắc đẹp, bạn bè, thành công v.v... đều là tốt đẹp và là hồng ân của Chúa và có thể giúp con người sống hạnh phúc; nhưng hạnh phúc con người không thể chỉ căn cứ trên những điều đó mà thôi.
Chúng ta cũng không thể định ranh giới phân chia rõ rệt giữa điều thiện và điều ác, như dùng dao bổ trái táo làm hai. Ðiều khó là biết phân biệt và nhận định rõ ràng giữa điều tốt và điều hoàn hảo hơn, điều tuyệt đối và điều tương đối. Chỉ một mình Chúa Giêsu là Thầy chí thánh mới có thể dạy bảo chúng ta phải chọn lựa thế nào, bởi vì Ngài là chủ mọi sự và biết rõ đâu là giá trị chân thực của mọi sự trên trời dưới đất.
Cha mẹ, vợ con, anh chị em, của cải, ruộng đất hẳn là điều tốt lành, là hồng ân của Chúa, nhưng so với giá trị Nước Trời, chúng chỉ là những điều tương đối. Vì thế Ngài mời gọi các môn đệ phải sẵn sàng khước từ những giá trị tương đối đó vì Nước Trời. Ngài hứa với họ:
Ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp (Mt 19:29).
Sự sống con người vốn là giá trị thánh thiêng, bất khả xâm phạm. Sống lâu dài lại còn là món quà quý giá của Chúa nữa, nhưng nhiều khi cũng phải sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì Chúa Kitô, hoặc vì sự sống và phần rỗi của người khác nữa. Ðó là trường hợp các vị anh hùng tử đạo, thà chịu tra tấn, hành hạ và bị giết còn hơn là chối bỏ đức tin vào Chúa Kitô. Cha Massimiliano Kolbe đã tình nguyện chết thay cho một tù nhân khác để cứu lấy đời sống của ông và vì hạnh phúc của gia đình, của vợ con ông ta nữa. Các vị thừa sai truyền giáo đã từ bỏ quê hương, gia đình, của cải, chức nghiệp để tình nguyện dấn thân phục vụ anh em nghèo và rao giảng Tin Mừng về Chúa Kitô cho họ.
Nói tóm lại, hy sinh, từ bỏ chỉ để từ bỏ mà thôi quả là điều điên rồ. Nhưng thật là cao cả và anh hùng thay người biết hy sinh những giá trị tương đối vì giá trị tuyệt đối, biết hy sinh một phần nhỏ để đổi lấy sự hoàn hảo lớn lao hơn. Chúa Giêsu còn quả quyết rằng:
Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt nó đi, thà cụt tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt (Mc 9:43).
Sự lầm lẫn, khờ dại của con người không phải vì yêu chuộng sự sống, hay những điều tốt đẹp trên trần gian này, nhưng là vì đã thần thánh hóa chúng, và để cho chúng chiếm chỗ ưu tiên trong đời sống họ thay vì dành chỗ ưu tiên cho Thiên Chúa hằng sống và độc nhất.
Mai An
Thứ Tư, ngày 20/09/1995