Nói Với Giới Trẻ

(Những Loạt Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ

của Nữ Tu Mai An thực hiện

trong chương trình Phát Thanh

của Ðài Chân Lý Á Châu năm 1995)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 19 -

Quan Trọng Là Ý Hướng Ngay Thẳng

 

Trong một góc hè phố, có một người hành khất què cụt nằm co quắp. Chợt có một người đàn ông ăn mặc rất bảnh bao đi ngang qua. Người hành khất bèn cất tiếng khẩn khoản xin bố thí. Người đàn ông ăn mặc sang trọng liền dừng chân, xỏ tay vào túi áo, túi quần, nhưng ông tìm mãi mà chẳng được gì. Vừa lúng túng bối rối vừa thành kính ông ta phân trần với người hành khất:

- Này bác, tôi muốn biếu bác chút đỉnh, nhưng rất tiếc vì ra đi bất ngờ nên tôi không mang tiền theo. Xin bác thông cảm cho. Hẹn dịp khác khi di ngang qua đây tôi sẽ biếu bác chút ít.

Người hành khất mỉm cười trả lời:

- Cám ơn tấm lòng tốt và thiện ý của ông. Ông đã cho tôi nhiều hơn mọi của bố thí mà cho tới nay tôi đã nhận được. Bởi vì ông đã gọi tôi là bác. Thật chưa một lần trong đời tôi đã nhận được danh dự đó trên môi miệng của một người sang trọng nào cả. (LS 324).

Các bạn thân mến, chúng ta thường nghe nói: "Cách cho quý hơn của cho". Thật vậy, tuy người ăn mặc sang trọng trên đây đã không biếu tặng cho người hành khất một đồng xu nào cả, nhưng đối với người hành khất thì thiện ý và cử chỉ lịch thiệp của người khách qua đường đó đã là một quà tặng quý giá nhất rồi, quý hơn cả tiền bạc nữa.

Xét về chiều kích tình cảm của con người, tình yêu chân thành cần có hai yếu tố, tức là sự trìu mến và sự thiết thực của tình yêu. Bạn nghĩ gì về tình thương của một người quen mỗi lần gặp bạn đều tặng cho bạn những lời khen ngợi, những cái ôm hôn thật tha thiết, nhưng vừa khi bạn gặp khó khăn cần được giúp đỡ, người ấy liền biến đâu mất và có đủ lý do để trốn tránh? Ðó là thứ tình thương tuy có những cử chỉ trìu mến, nhưng lại trống rỗng, không thiết thực cũng không có hiệu lực gì.

Có những người quen khác thì ngược lại, họ sẵn sàng giúp bạn mỗi khi bạn cần được giúp đỡ cho dù phải hy sinh thời giờ, tiền bạc hoặc sức khỏe. Thế nhưng không bao giờ biết bày tỏ một tâm tình, một cử chỉ âu yếm trìu mến. Tư cách lạnh nhạt của họ làm bạn có cảm nghĩ là họ giúp bạn một cách bất đắc dĩ, là như thương yêu bạn một cách cưỡng ép vậy. Và có thể có lúc bạn thầm nghĩ rằng, thương như vậy, thà đừng thương thì hơn. Ðây là thứ tình thương tuy rất thiết thực nhưng lại thiếu vẻ trìu mến, không chút màu sắc và hương vị đậm đà của tình cảm.

Có thể nói được rằng trường hợp thứ hai này là thứ bệnh tình thương của xã hội tân tiến đầy hưởng thụ ngày nay. Ðó là căn nguyên các bệnh tâm lý, những khủng hoảng tinh thần của lớp tuổi trẻ con nhà giàu có, không thiếu thốn một thứ nhu cầu vật chất nào, nhưng lại thiếu nhu cầu căn bản nhất là tình thương của cha mẹ, là sự hiện diện với những cử chỉ yêu thương săn sóc của cha mẹ trong gia đình.

Thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại đã tìm cách nêu bật sự phối hợp mật thiết giữa lời nói và việc làm, giữa hai yếu tố căn bản của tình thương bằng kiểu nói tuy phóng đại, nhưng rất sâu sắc như sau:

"Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các Thiên Thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.

Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.

Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi."

Vậy đức mến là gì đối với Phaolô? Bằng một ngôn ngữ rất cụ thể Phaolô quảng diễn thêm:

"Ðức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.

Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.

Ðức mến không bao giờ mất được. Còn ơn nói tiên tri cũng chỉ nhất thời và ơn nói các tiếng lạ, có ngày rồi cũng sẽ hết." (1Cor 13:1-8).

Trên đây là những nét phác họa tỷ mỹ tuyệt vời của đức mến, của tình thương chân thật phát sinh từ Thiên Chúa và được thể hiện trên bình diện nhân loại.

Bạn có biết đâu là thứ vi khuẩn tai hại có thể tiêu diệt hoặc làm băng hoại tình thương chân thật không? Chúa Giêsu trả lời cách thẳng thắn và với kiểu nói rất cụ thể như sau:

"Khi làm việc lành phúc đức, anh em hãy coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Khi bố thí đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi." (Mt 6:1,2,16).

Qua những lời cảnh tỉnh trên đây, Chúa Giêsu nêu bật tầm quan trọng của ý hướng ngay thẳng và tấm lòng chân thành trong mọi công việc chúng ta làm. Ý hướng đó làm cho công việc trở nên lớn lao hoặc ty tiện, trở nên có giá trị hoặc uổng công vô ích. Giá trị của con người không tùy thuộc vào công việc làm cho bằng vào tình thương thúc đẩy ta làm việc đó.

Trên thế giới hiện nay có biết bao nhiêu tổ chức từ thiện và công tác cứu trợ nhưng không phải tất cả đều chung quy về lý tưởng cao đẹp. Có nhiều công cuộc từ thiện được nảy sinh từ tình thương và nhắm mục đích giúp đỡ người nghèo khổ, thăng tiến nhân vị. Nhưng cũng không thiếu chi những người vụ lợi dùng những hình thức từ thiện đó để làm bàn đạp quảng cáo, mưu cầu tư lợi, hoặc tệ hại hơn nữa là lá bài của tham nhũng và gián tiếp bóc lột dân nghèo. Nói cách khác, bạn thử quan sát cái hôn đầy tình thương giữa hai người bạn thân và cái hôn xã giao của hai nhà chính trị!

Thật vậy, ý nghĩa đời sống và chủ ý của hành động là như cái mốc đo lường giá trị và sự cao cả của con người. Còn gì quan trọng hơn, cao quý hơn cho bằng ý nghĩa đời sống của mỗi người. Vì thế điều khẩn cấp bạn phải làm ngay, không thể chần chừ do dự là tìm kiếm ý nghĩa đời sống bạn, là kiểm điểm nội tâm bạn, là điều chỉnh lại ý hướng của bạn, là để cho Chúa Thánh Linh hướng dẫn bạn và thanh lọc tất cả những gì là hoa trái của lòng ích kỷ, tất cả những gì có thể làm nhơ bẩn, ăn mòn mất đi giá trị công việc và mọi sinh hoạt của bạn.

Bạn thử đưa mắt và trí thông minh tưởng tượng đến các phần tử của thánh gia tại Nazaret: Giuse, Maria và con trẻ Giêsu. Suốt 30 năm trời họ sống trong âm thầm lặng lẽ như mọi gia đình người Do Thái trong làng thời đó. Làm lụng, cầu nguyện, ăn nghỉ như mọi gia đình người Do Thái thời đó. Tầm thường đến nỗi dân làng đã phải ngẩn ngơ khi bỗng dưng thấy Chúa Giêsu trở nên khôn ngoan trong lời nói và quyền phép trong các việc làm. Họ nói với nhau:

"Ông ấy không phải là con bác thợ sao? Mẹ Ngài không phải là bà Maria... chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta ư? Bởi đâu ông ta được như thế?" (Mt 13:55).

Dưới bộ mặt tầm thường xem như không có gì khác biệt giữa mái gia đình của Giuse, Maria và Giêsu, và các gia đình khác trong làng, nhưng thực sự lại có điều gì thật khác biệt, thật cao cả! Các bạn thử đoán xem đó là điều gì? Là đặc điểm nào?

 

Mai An

Thứ Tư, ngày 6/09/1995

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page