Nói Với Giới Trẻ

(Những Loạt Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ

của Nữ Tu Mai An thực hiện

trong chương trình Phát Thanh

của Ðài Chân Lý Á Châu năm 1995)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 17 -

Tận Dụng Thời Giờ Quý Báu

 

Bengodi là hoàng đế của một quốc gia rất giàu có và thịnh vượng. Ông thường có thói quen mỗi buổi sáng đến ngự trên ngai, để được các triều thần đến bái lạy và cống hiến lễ vật, mặc dù ông không tha thiết gì những lễ vật đó và rất nhàm chán cuộc sống nhàn hạ, nhung lụa của đền vua. Trong số những người đến cúng hiến lễ vật còn có một bác nhà quê sáng nào cũng đến tặng vua một trái táo rồi lặng lẽ ra về. Quá quen với những món quà tặng quý giá, nhà vua cảm thấy khó chịu và thường khinh rẻ món quà hèn mọn của bác nhà quê ấy. Tuy nhiên trước mặt mọi người vua cũng lịch sự nhận món quà của bác nhà quê và sau đó quẳng vào sọt. Ngày qua ngày, cái sọt đã đầy ắp những trái táo ngon ngọt của bác nhà quê vô danh đó.

Thế rồi một hôm, con khỉ đột rất được nhà vua cưng chiều đến bên sọt táo và giơ tay lấy một trái táo đưa lên miệng ăn. Vừa cắn được một miếng thì con khỉ đột nhăn mặt ném trái táo dưới chân vua. Nhà vua giật mình quay lại nhìn kỹ vào trái táo và ngạc nhiên thấy ở giữa trái táo có một viên ngọc lóng lánh. Lập tức vua ra lệnh cho bổ hết tất cả mọi trái táo trong sọt. Quả thật, trong tất cả mọi trái táo đều có một viên ngọc quý. Vua liền cho gọi bác nhà quê đến và tra hỏi. Người ấy thưa:

- Tâu đức vua, hạ thần muốn dâng tặng vua món quà hèn mọn này để nhắc nhở đức vua rằng mỗi ngày của đời sống con người là một món quà quý giá. Chìm ngập giữa mọi thứ giàu sang phú quý, có lẽ đức vua đã lãng quên và khinh rẻ viên ngọc này, và mỗi ngày đức vua đang phí phạm món quà quý giá ấy. Viên ngọc này chính là một ngày mới của đời sống đức vua vậy.

Bạn thân mến, bỏ phí thời giờ quả là một tội phạm ghê gớm. Giết thời giờ không khác gì là một tội giết người, là giết chết bao nhiêu cơ hội tốt đẹp, là như nước đổ ra trên mặt đất không thể nào hốt lại được. Triết gia A. Polgar than phiền rằng: "Nhiều khi người ta phung phí đời sống mình như nước mưa. Họ ngồi đợi ngày này qua ngày khác cho đến khi hết thời giờ". Ông Raoul Folléreau, vị tông đồ người phong cùi, còn được đặt tên là người hà tiện thời giờ, thường nói rằng: "Càng về cuối đời tôi càng cảm thấy nỗi thao thức và bổn phận lặp lại cho mọi người, chỉ khi nào chúng ta yêu thương nhân loại, chúng ta mới có thể cứu vãn nhân loại được. Thảm cảnh đau thương nhất của đời người là không làm gì ích lợi cho ai cả, là biết rằng đời sống mình đã qua đi một cách vô dụng".

Nhiều lúc chúng ta buột miệng hoặc thường nghe người ta thở dài nói, thời giờ mau quá! Ðiều đáng tiếc không phải là thời giờ đi qua mau, nhưng là đi qua mau một cách vô ích. Ðiều gì chúng ta không làm trong giây phút hiện tại, nó sẽ mãi mãi là chỗ trống. Bởi vì thời giờ qua đi mà không bao giờ trở lại. Ðây là trách nhiệm lớn của mỗi người đối với bản thân, đối với lịch sử xã hội và trước mặt Thiên Chúa là chủ thời gian.

Bỏ phí thời giờ là như đốt cháy đời sống một cách vô ích, như đốt cháy một điếu thuốc lá để chỉ còn lại một nhúm tro tàn vô dụng, như người nghiện rượu phung phí tiền bạc, băng hoại sức khỏe bản thân và gây nên bao cay đắng cho người khác, cho gia đình.

Hỡi các bạn trẻ, đừng dại dột giết thời giờ bằng những sự ngông cuồng để rồi phải ân hận cả một đời, đừng bỏ phí tuổi xanh đầy hy vọng của bạn. Hãy can đảm chấp nhận những thách đố và cuộc mạo hiểm trước mắt bạn. Làm sao bạn nỡ lòng tiêu hao ngày tháng của đời bạn như trẻ em suốt ngày xây đắp lâu đài bằng cát trên bãi biển để cho sóng nước cuốn đi trong nháy mắt, trong khi đó xã hội, giáo hội và biết bao nhiêu người đang cần đến thời giờ đầy nhựa sống của bạn?

Ông Nikos Kazantzakis, một văn sĩ người Hy Lạp, rất hăng say với sự sống như thời giờ gieo giống, khi thần chết bắt đầu xâm nhập vào thân xác, ông khẩn khoản cầu xin với Thượng Ðế: "Xin cho con thêm chút thời giờ nữa, để con hoàn tất công việc của con. Sau đó, con xin sẵn sàng đón nhận sự chết". Trong những năm còn trẻ, khi thấy các bạn đồng hương phí phạm thời giờ cách vô ích, ông đã viết: "Nhiều lúc tôi muốn đi dọc đường phố, đứng nơi các góc chợ và ngửa tay xin bố thí từ những người qua lại. Tôi muốn nói với họ, xin làm ơn cho tôi chỉ 15 phút thời giờ thôi. Ước chi các bạn đồng hương có thể cho tôi chỉ 15 phút thời giờ uổng phí của họ, tôi sẽ có thêm được 300 năm nữa để chu toàn công việc của tôi".

Thật vậy, nhiều khi có lẽ chúng ta không suy nghĩ đủ, nhưng không giây phút nào sẽ qua đi vô ích. Mỗi giây phút qua đi hoặc làm cho ta thêm phong phú, hoặc thêm nghèo túng. Mỗi giây phút cũng phong phú hóa và nghèo túng hóa thêm cho người khác nữa.

Bạn muốn biết có những lý do nào có thể giúp bạn sống để làm cho chính đời sống bạn và đời sống của người khác thêm phong phú chăng? Bạn có thể dùng thời giờ đóng góp vào việc xây dựng một nhân loại mới, một xã hội tốt đẹp hơn qua việc trung thành với trách nhiệm, với công việc của bạn, bất cứ ở đâu, trong lãnh vực nào, nếu bạn thực thi trách nhiệm đó với tinh thần phục vụ và với mọi sáng kiến tốt đẹp bạn có thể nghĩ ra.

Bạn có thể tham gia vào công cuộc kiến tạo hòa bình, công bằng xã hội và tranh đấu bảo vệ nhân quyền. Có nhiều môi trường đang cần đến sự cộng tác của bạn, giữa các phụ huynh, trong nhóm các bạn trẻ, các người tự nguyện, v.v...

Có nhiều sứ mệnh khác bạn có thể tận dụng thời giờ của bạn một cách hữu ích hơn, chẳng hạn như giữa những người nghèo, các bệnh nhân bị bỏ rơi. Giúp họ sống xứng với nhân vị cũng là như tái sinh họ trong đời sống mới vậy.

Ðối với các tín hữu Kitô được thu hút bởi Tin Mừng của Chúa Giêsu, việc rao giảng Tin Mừng là một thách đố lớn qua mọi thời đại và trong mọi môi trường, dưới mọi bầu trời. Nếu bạn đang sửa soạn bước vào con đường hôn nhân, bổn phận đối với gia đình và vấn đề giáo dục con cái theo giá trị phúc âm là cả một thách đố lớn, bạn không thể bỏ phí thời giờ được.

Một bà mẹ trong gia đình đã kể lại cho cha Atilano Alaiz về kinh nghiệm của bà trước ngưỡng cửa sự chết như sau: "Ðã từ lâu con bị bệnh đau xương sống rất nặng. Hôm ấy sau khi uống viên thuốc theo như bác sĩ đã cho trong toa, chỉ mấy phút sau, nhịp đập ở cổ tay con đã xuống gần tới mức zero 0. Lúc đó con còn tỉnh táo lắm và biết rõ là giờ chết đã gần kề rồi. Con nhận thấy rõ ràng tất cả sự lo lắng của những người chung quanh giường bệnh của con, từ bác sĩ, y tá và thân nhân con nữa. Con cảm thấy mình như đang bước vào cõi chết. Thực ra con không có cảm giác lo sợ vì phải chết cho bằng cảm thấy sự trống rỗng trong tâm hồn con và con cảm thấy choáng váng như đang đứng trên vực thẳm sự trống rỗng của đời con. Con tự nhủ, nếu được thoát chết lần này, thì khi đã bình phục, nhất định con phải dùng những ngày còn lại của đời con vào một công việc nào đó để lấp đầy sự trống rỗng của đời con. Con phải làm gì để mưu cầu lợi ích cho tha nhân. Con phải phục vụ với tinh thần vị tha và phải cho đi cách nhưng không".

Bạn thân mến, không cần phải đợi đến khi đứng bên bờ sự chết để cảm thấy sự trống rỗng của đời mình và nỗi ân hận tái tê vì đã bỏ phí thời giờ vô ích. Chỉ cần đưa mắt nhìn vào nội tâm bạn cách thành thật bạn sẽ nhận ra ngay chỗ trống rỗng của đời bạn. Bạn hãy bắt đầu ngay đi, hãy dấn thân vào một công việc tốt nào đó phù hợp với khả năng và thời giờ của bạn để lấp đầy chỗ trống đó trước khi sẽ quá muộn. Hạnh phúc cho chúng ta biết bao khi đến trước tòa Chúa với hai bàn tay tràn đầy việc thiện và không phải hỗ thẹn vì đã bỏ phí thì giờ.

 

Mai An

Thứ Tư, ngày 23/08/1995

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page