Nói Với Giới Trẻ

(Những Loạt Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ

của Nữ Tu Mai An thực hiện

trong chương trình Phát Thanh

của Ðài Chân Lý Á Châu năm 1995)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 13 -

Mô Phạm Ðời Sống

 

Một sinh viên sau thời gian được huấn luyện tại đại học công giáo trở về gia đình với lòng đạo đức sâu xa. Cậu cảm thấy đau lòng trước sự khó khăn nguội lạnh của người em trai lớn lên trong bầu khí vô thần của trường chính phủ. Thêm vào đó ảnh hưởng của bạn bè xấu làn cậu bỏ bê hết mọi việc đạo đức, bắt đầu từ việc đọc kinh cầu nguyện sớm tối.

Không biết làm gì hơn để giúp em mình, cậu liền đến hỏi ý kiến của một vị linh mục. Ngài trấn an cậu:

- Con cứ an tâm, con có thể giúp em con rất nhiều.

Cậu buồn bã nói thêm:

- Thưa Cha, không thể nào được đâu, bởi vì nó không chịu nghe ai cả. Lúc nào nó cũng cho là nó có lý.

- Vậy thì, một cách rất tế nhị, con đừng nói gì về đạo với em con cả.

- Thưa Cha, thế thì làm sao con có thể thành công được?

- Con cứ tiếp tục làm những gì con phải làm, cứ thản nhiên sống đạo như con vẫn quen sống. Sáng tối con hãy quỳ gối đọc kinh nguyện trước sự hiện diện của em con trong phòng. Ðừng tỏ ra vẻ con là người đạo đức gì hết. Cứ làm cách đơn sơ như bất cứ việc gì khác. Con hãy tôn trọng cách sống của em con. Nếu em con có phê bình chỉ trích, con cũng đừng bận tâm hay bực tức. Cứ bỏ qua hết đi, đừng nản lòng thất vọng. Rồi con sẽ thấy.

Từ ngày đó người sinh viên đạo đức thi hành mọi lời vị linh mục khuyên bảo. Mấy hôm đầu, cậu bị em nhạo cười cách khinh bỉ. Mấy hôm sau chán rồi, nên em cậu không dám nói gị chọc tức thêm nữa. Và sau cùng, một hôm lúc cậu không ngờ, em cậu đến gần và nói nhỏ bên tai:

- Anh cho em cầu nguyện chung với anh được không?

(Jesus, 17, N.34)

 

Các bạn trẻ thân mến, câu chuyện trên đây gợi lại trong tâm trí chúng ta một câu nói mà chắc các bạn cũng đã nhiều lần nghe biết, nhưng giá trị của nó trường tồn qua mọi thời đại và dưới mọi bầu trời. Ðó là: "Lời nói đánh động, nhưng gương sáng lôi cuốn". Trong bài trước chúng ta đã đề cập đến tầm quan trọng của lý tưởng cao đẹp trong đời sống con người. Nếu bạn muốn đời bạn đáng sống, sống vui, sống hạnh phúc, sống với ý nghĩa cao đẹp, bạn cần phải chọn cho mình một dự án, một con đường, một hướng đi.

Tuy nhiên, tìm ra cho một một lý tưởng, một hướng đi rõ ràng mà thôi chưa đủ. Bạn còn phải tìm cho mình một mô phạm của lý tưởng đó, tức là một tấm gương đã thành công trong việc theo đuổi lý tưởng đó, để bạn có thể nhìn thấy rõ ràng, và được khích lệ dấn thân noi theo.

Hồi chúng ta còn là đứa bé trong gia dình, mô phạm đầu tiên của chúng ta là người cha, là người mẹ. Ðến tuổi cắp sách tới trường, thần tượng của các em là thầy giáo, cô giáo. Mọi lời nói của thầy cô là như luật vàng, cha mẹ cũng phải tuân theo. Bước sang tuổi dậy thì và vào tuổi thanh xuân, thần tượng của tuổi trẻ thường là các ca sĩ, các tài tử, minh tinh màn ảnh, các cầu thủ thể dục thể thao. Ðến khi bước vào tuổi trưởng thành, phải chọn nghề nghiệp, các bạn thường nhìn vào những nhân vật quan trọng, chẳng hạn như những nhà chính trị, thương gia, hoặc những người đã thành công theo như sở thích hoặc lý tưởng bạn đang ôm ấp trong lòng.

Trong lần thăm dò ý kiến của khoảng 120 bạn trẻ thuộc nhiều thành phần xã hội, trình độ học thức và nghề nghiệp khác nhau, cha Atilano Alaiz đã đưa ra một câu hỏi duy nhất này: Ai là nhân vật quan trọng nhất trong đời bạn để bạn có thể ngước mắt nhìn lên và ao ước trở nên như người ấy? Cha Atilano đã thu nhận được nhiều câu trả lời khác nhau. Một số bạn trẻ kể tên những nhà bác học nổi tiếng trên thế giới, những văn sĩ lừng danh, hoặc những nhạc sĩ rất được các bạn trẻ mến chuộng. Nhiều bạn trẻ nhắc đến tên Ðức Giêsu Kitô, hoặc những nhân vật nổi tiếng về mặt nhân đạo, về việc thăng tiến xã hội, bênh vực nhân quyền và phẩm giá con người. Chẳng hạn như Mẹ Têrêsa Calcutta, Ông Gandhi, Ông Martin Luther King, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Một số bạn trẻ khác để giấy trắng, không viết tên ai cả. Và cũng có một số bạn trẻ khác tuyên bố là không thích bắt chước ai, chỉ muốn trở nên chính mình, như mình muốn.

Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt ấy, phải công nhận rằng, đa số đều cảm thấy cần có một mô phạm, một tấm gương sáng để hiểu rõ chính bản thân mình hơn, để xác nhận rằng lý tưởng mà ta đang theo đuổi không phải là điều hảo huyền vô ích, và giá trị mà ta đang ôm ấp trong tâm hồn là điều có thể thực hiện được.

Yếu tố tâm lý để được thể hiện trong các phong trào, các hội đoàn, các nhóm và các dòng tu trên thế giới cũng như trong giáo hội công giáo. Mỗi phong trào, mỗi hội đoàn, mỗi dòng tu đều có ít ra là một vị anh hùng, một người lãnh đạo tinh thần, hoặc một thánh nhân, một vị tử đạo đã anh dũng sống theo lý tưởng của mình. Ðời sống của những vị anh hùng đó trở nên như biểu tượng sống động của lý tưởng chung, mà họ hiện đang tranh đấu và theo đuổi.

Sự hiện diện của những nhân vật ấy còn được sống động hóa qua các bước chân dung, những tấm bích chương, những khẩu hiệu, những lời nói và các tác phẩm họ để lại và thường được các môn đệ trích dẫn.

Nhìn vào lịch sử các dân tộc, bạn sẽ nhận thấy ngay, là các phong trào lớn và các tôn giáo đều được thành lập do một nhân vật quan trọng, có sức thu hút và nhắm về một lý tưởng. Chẳng hạn như khi nói tới phong trào "Tổ Ấm" là chúng ta nghĩ ngay tới bà Chiara Lubich, nói tới phong trào đại kết Taizé là chúng ta nghĩ ngay tới thầy Roger, nói tới các nữ tử bác ái tức là nói tới Mẹ Têrêsa Calcutta. Hoặc có ai nói tới đạo công giáo mà lại có thể không nhắc đến tên của Ðức Giêsu Kitô chăng?

Trong những năm sống trên đất Do Thái, qua lời nói và việc làm, Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ theo Ngài, chung sống với Ngài, và trở nên giống như Ngài. Ngài phán bảo họ:

"Các ngươi hãy học cùng Ta, vì Ta nhân từ và có lòng khiêm nhường" (Mt 11:29)

"Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa cũng phải lắm. Vì Thầy đúng như vậy đó. Nên nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho các con, các con cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con vậy". (Gn 13:13-15).

Vì lý do đó, người tín hữu Kitô không thể nào không nhìn lên Chúa Kitô là mẫu gương hoàn hảo và tuyệt đối cho đời sống mình. Nơi Ngài chúng ta sẽ tìm được lời và tiếng nói, cách cư xử, cách hành động, lối sống và những chân giá trị phù hợp với lý tưởng trọn lành của phúc âm.

Tuy nhiên, giữa Chúa Kitô là mẫu gương hoàn hảo nhất và chúng ta, còn có những tấm gương thánh thiện khác nữa, đó là các môn đệ của Ngài, những người đã đi trước chúng ta và đã cố gắng nơi gương Chúa Kitô. Họ cũng là người phàm như chúng ta, cũng có khuyết điểm, tội lỗi và cũng đã từng phải chiến đấu để trở nên giống Chúa Kitô hơn. Thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, sau nhiều năm gian khổ sống theo gương Chúa Kitô và trung thành rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô, đã có can đảm và thành thật nói với các tín hữu thành Côrintô rằng: "Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Chúa Kitô" (1Cor 11:1).

Riêng bạn, bạn đã chọn ai làm gương mẫu cho đời sống và lý tưởng của bạn? Bạn muốn học được gì nơi mô phạm đó?

 

Mai An

Thứ Tư, ngày 26/07/1995

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page