Nói Với Giới Trẻ
(Những Loạt Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ
của Nữ Tu Mai An thực hiện
trong chương trình Phát Thanh
của Ðài Chân Lý Á Châu năm 1995)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 11 -
Sống Say Mê Ðến Quên Mình
Ngày 4 tháng 6 năm 1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến viếng thăm vương quốc Bỉ và đã long trọng tuyên phong chân phước cho cha Ðamien De Veuter, vị tông đồ người phong cùi tại hoang đảo Molokai ở Hawai.
"Ðừng cản ngăn tôi. Ðến phiên tôi". Lời nói đó diễn tả ý chí cương quyết của thầy Giuse, sẵn sàng tự nguyện lên đường thế chỗ cho cha Pamphile, anh của thầy, đã được chỉ định đi truyền giáo tại các hoang đảo ở Hawai. Sự quyết định của thầy Giuse đã gây nhiều đụng chạm với gia đình, bề trên và bạn bè, nhưng thầy vẫn không nao núng. Sau khi tới đảo Hawai, ngày 21/05/1864 thầy Giuse lãnh chức linh mục và đổi tên là Ðamien, vì muốn trở nên như thánh Ðamien ở Rôma đã nhiệt thành rao giảng Lời Chúa cho dân chúng.
Molokai hồi đó được gọi là hoang đảo tử thần vì là nơi chờ chết của các bệnh nhân xấu số bị xã hội ruồng bỏ, không ai dám đến gần vì sợ bị lây bệnh. Hưởng ứng lời đề nghị của Giám Mục sở tại, 4 linh mục trẻ tình nguyện đến truyền giáo ở Molokai. Họ đồng ý luân phiên nhau, mỗi người sống ở đó một thời gian ngắn chừng vài tháng. Mối quan tâm lớn của họ là tránh bị lây bệnh.
Ðầu tiên là phiên cha Ðamien, lúc ấy mới được 33 tuổi. Lúc đầu cha cũng rất e ngại, nhưng với ơn Chúa và tinh thần truyền giáo, cha hăng say làm việc: nào là xây nhà thờ, trường học, lập hội kèn, lập nghĩa địa, mở mang đường xá, tổ chức sinh sống... Từ hoang đảo tử thần, dần dần diện mạo của hoang đảo đã được thay đổi hẳn. Molokai được mang danh hiệu mới: "hoang đảo của tình yêu và của hy vọng". Thế là cha ở lại luôn trên đảo suốt 25 năm sống chung và sống cho người cùi, cho đến khi cha Ðamien cũng được diễm phúc trở thành bệnh nhân phong cùi, chia sẻ sự đau đớn và nhắm mắt từ trần với thân xác bị phong cùi ăn mòn hết.
Ông Gandhi, vị anh hùng của dân tộc Ấn Ðộ đã nói về cha Ðamien như sau: "Trong các giới chính trị, báo chí, ít tìm thấy những anh hùng có thể so sánh với cha Ðamien! Tôi thắc mắc tự hỏi: Cha Ðamien múc lấy sức mạnh phi thường đó nơi đâu để làm được những công việc cả thể như thế?"
Bạn thân mến, chắc các bạn đã có thể trả lời thắc mắc của Gandhi. Cha Ðamien đã tìm thấy lý tưởng sống của mình và cha đã sống say mê với lý tưởng đó, say mê đến quên cả chính sự sống của mình.
Văn sĩ Benjamin Disraeli đã có lần khẳng định rằng: "Khi người ta không có can đảm hy sinh đời sống mình vì lý tưởng, thì hoặc vì lý tưởng đó đê hèn, hoặc vì người ta quá hèn nhát". Thật vậy, khi một cá nhân hay một nhóm người nào đã say mê lý tưởng của mình thì họ cũng sẽ trở nên một với lý tưởng đó, khác nào ngọn lửa ăn nhập vào từng kẽ hở của thớ gỗ và nung nấu gỗ ấy thành than hồng.
Nếu lý tưởng sống là đê hèn, người mù quáng để cho lý tưởng đê hèn ấy thu hút cũng sẽ trở nên đê hèn như vậy. Trái lại, nếu lý tưởng sống là giá trị cao đẹp vĩ đại, người say mê lý tưởng cao đẹp ấy sẽ dồn hết sinh lực và sẽ thực hiện được những điều vĩ đại mà họ không ngờ. Người tìm thấy lý tưởng sống của mình, sẽ không sống vì phải sống, sống cho qua ngày, sống để giết chết thời giờ; nhưng sẽ sống hăng say, sống vui, cả những khi có đủ lý do làm họ phải buồn chán, phải thất vọng. Ðời sống con người cũng giống như tiền bạc, cần phải được tận dụng tới mức tối đa để được lời lãi gấp trăm. Tiền bạc giữ nguyên trong kho sẽ chẳng khác gì những tờ giấy bị mục nát dần với thời gian. Ðời sống và tiền bạc sẽ mặc lấy giá trị tùy theo ý nghĩa và mục đích được xử dụng.
Tuy nhiên, bao lâu còn ở trong thân phận con người, sự gắn bó keo sơn với lý tưởng cao thượng không miễn trừ con người khỏi những yếu đuối và những thất trung nho nhỏ với lý tưởng của mình. Những thất trung, yếu đuối nho nhỏ ấy chỉ là những điều phụ thuộc không làm thương tổn cũng không ăn hại gốc rễ sự chọn lựa căn bản của đời sống họ. Trái lại, nhiều khi, chính qua những sự yếu hèn, những thất bại ngoài ý muốn, những sự lung lay không ngờ đó, mà chúng ta có dịp định rõ lý tưởng, chọn lựa cách sáng suốt hơn và kiện cường ý chí thêm nữa.
Trước sự phản bội của các tông đồ, sợ hãi cho tính mạng mình nên bỏ Chúa Giêsu một mình trong tay quân địch, chạy trốn thoát thân, Chúa Giêsu cũng không nản lòng thất đảm, hoặc ruồng bỏ họ. Tuy tông đồ Phêrô chối Chúa 3 lần, nhưng không phải vì đó mà Ngài lấy lại lời Ngài đã hứa đặt ông làm thủ lãnh các tông đồ và quyền cai quản giáo hội. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã khôn khéo tạo cơ hội để Phêrô được dịp tuyên xưng lòng trung thành với Thày chí thánh, và trong cương vị của người lãnh đạo, Phêrô có dịp để củng cố lòng can đảm và cảm thông với sự yếu đuối của anh em hơn.
Sống theo lý tưởng là sống trong lựa chọn, không những giữa điều xấu và điều tốt mà thôi, nhưng là biết chọn lựa điều hoàn hảo hơn. Trong phúc âm, Chúa Kitô vạch chỉ cho chúng ta cách thức sống theo lý tưởng đời mình. Ngài không ngần ngại tuyên bố với dân chúng rằng:
- Không có tình yêu nào cao quý cho bằng hy sinh mạng sống vì người mình yêu mến (Gn 15:13).
Lý tưởng đời sống cũng có thể ví như viên ngọc quý, như kho tàng giấu trong ruộng, có người tìm được, liền chôn giấu đi, về nhà bán hết gia tài để mua ruộng đất có kho tàng quý báu đó. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh sự chọn lựa tuyệt đối, không do dự, không tiếc xót. Lần khác Ngài lại quả quyết rằng:
- Ai yêu thương cha mẹ hơn Ta, không đáng thuộc về Ta.
- Không ai có thể làm tôi hai chủ, Thiên Chúa và tiền tài danh vọng.
Cần phải dứt khoát chọn cho mình một lý tưởng sống rõ ràng. lắng nghe lời giảng dạy của Chúa Giêsu, có người sẽ thầm nghĩ rằng, Ngài là người quá nghiêm khắc, cực đoan, quá khích, không chút tình cảm và cũng không biết cảm thông. Hẳn không phải thế. Ðó chính là giá trị và là năng động của lý tưởng, của những gì được nhìn nhận là giá trị tuyệt đối trong đời sống con người, cá nhân cũng như nhóm. Chính trong những lúc gây cấn, chính lúc đứng giữa ngã ba đường đời là lúc ta phải chọn lựa. Ðộng lực thúc đẩy ta chọn điều này bỏ điều kia chính là lý tưởng, là giá trị tuyệt đối mà mỗi người ôm ấp trong tâm hồn và tiềm tàng trong đời sống, trong hơi thở của mình.
Nói tóm lại hai nhu cầu tất yếu của mỗi người nếu muốn làm cho đời sống mình trở thành một cuộc mạo hiểm xứng với nhân vị và đem lại nhiều hoa trái, đó là, trước hết phải nhận định rõ ràng đâu là lý tưởng cao đẹp đáng được dấn thân, và thứ đến là phải can đảm và sẵn sàng quảng đại hy sinh với bất cứ giá nào để bảo vệ giá trị tuyệt đối và đạt tới lý tưởng cao thượng ấy. Cả hai yếu tố này tùy thuộc vào ý chí và quyền tự do lựa chọn của bạn.
Mai An
Thứ Tư, ngày 12/07/1995