Nói Với Giới Trẻ

(Những Loạt Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ

của Nữ Tu Mai An thực hiện

trong chương trình Phát Thanh

của Ðài Chân Lý Á Châu năm 1995)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 10 -

Bậc Thang Giá Trị Và Hoa Trái Ðời Sống

 

Trong bài trước chúng ta đã tìm hiểu về tầm quan trọng của lý tưởng và ý nghĩa sau cùng trong đời sống con người. Hạnh phúc hay bất hạnh, phần lớn cũng tùy thuộc vào lý tưởng của đời mình. Vị anh hùng hay tên bất lương cũng tùy thuộc vào hướng đi mà người ấy chọn cho mình. Ðời sống vô lý tưởng quả là đời sống nhạt nhẽo, mất hết ý nghĩa.

Tuy nhiên, trong thực tế, trong các sự chọn lựa của cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể bị thôi thúc, không chỉ bởi một lý tưởng duy nhất mà thôi, nhưng còn có nhiều động lực phụ thuộc khác thúc đẩy ta nữa. Chẳng hạn như trong trường hợp một sinh viên cặm cụi với đèn sách để thành công đỗ đạt, mục đích sau cùng của anh ta có thể là để phục vụ tha nhân, nhưng đồng thời còn vì những lý do phụ cận như để gây dựng một gia đình hạnh phúc, để khỏi trở nên gánh nặng cho cha mẹ...

Là con đẻ của xã hội và của thời đại, chúng ta đừng quên rằng sự chọn lựa giá trị và ý nghĩa đời sống, không thể nào không bị ảnh hưởng bởi bầu khí và luồng gió trong môi trường xã hội, nhất là qua các phương tiện truyền thông xã hội.

Riêng đối với tuổi trẻ, áp lực của nhóm và dư luận của chúng bạn, còn là yếu tố quan trọng trong việc chọn lựa giá trị và sống theo lý tưởng của mình. Ca dao Việt Nam có câu: "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Tuy nhiên, người có nhân cách không phải là người bị lệ thuộc vào dư luận, hoặc cư xử cách ba phải để làm vừa lòng người khác. Bởi vì cuối cùng, họ không làm vừa lòng ai và chính bản thân họ lại càng thêm bất hạnh, mất cả tự tin nữa.

Người hạnh phúc là người biết can đảm sống theo lý tưởng cao thượng, biết bền tâm tiến bước theo hướng đi đã vạch chỉ cho mình, bất chấp dư luận, lời dèm pha và khó khăn thử thách. Người sống theo lý tưởng không phải là người lập dị để thu hút sự chú ý của kẻ khác, nhưng là người luôn nhắm thẳng tới đích, biết khôn khéo nhận định đâu là điều căn bản, đâu là điều phụ thuộc. Hạnh phúc của họ nảy sinh từ sự tự thoát nội tâm và sự an bình cũng được phản ảnh ra bên ngoài cho những người tiếp xúc với họ.

Sống mà không có lý tưởng thật chẳng khác gì người không tên tuổi, không diện mạo giữa đám đông, khác nào gió thổi chiều nào ngả theo chiều đó, bị đưa đẩy theo làn sóng. Trái lại, lý tưởng rõ rệt và giá trị chân chính là nhân tố phân biệt người này với người khác, là điểm quy chiếu của tất cả mọi yếu tố phụ thuộc khác.

Có lẽ đã có lần bạn thắc mắc tự hỏi, vì lý do nào người ấy như thay đổi tính tình? Nguyên do nào đã thay đổi hướng đi và hoạt động của nhóm này, nhóm kia? Xét cho cùng phải nhận rằng, vì bậc thang giá trị của họ đã bị thay đổi, vì họ đã chuyển hướng đi về phía nào khác với đường hướng khi trước chăng?

Bậc thang giá trị phản ảnh dung mạo nội tâm của mỗi người và là nền tảng cơ cấu luân lý nữa. Nếu người nào đặt thành công lên trên đỉnh của bậc thang giá trị, người ấy sẽ tận dụng mọi phương cách để đạt tới nó, và họ sẽ không ngần ngại chà đạp những giá trị khác để chiếm đoạt được thành công mà họ muốn theo đuổi. Trái lại, người đã chọn giá trị của tình liên đới làm lẽ sống, họ sẽ không quản ngại hy sinh thời giờ, sinh lực và tài nguyên vật chất cũng như tinh thần để trở nên hữu ích cho tha nhân và cho xã hội.

Người chọn lý tưởng hưởng thụ, sẽ không bỏ lỡ mất cơ hội nào. Ðối với người chọn thể dục thể thao (sport) làm lý tưởng sống, họ cũng dễ dàng quên đi những sự vất vả của những giờ tập dượt, chấp nhận kỷ luật ăn uống, có khi quên cả bổn phận đối với gia đình, với bạn bè nữa.

Người ta thường nói: "Cái nhất phải là trên hết". Giá trị tuyệt đối là cái lái, là viên chỉ huy tất cả đời sống con người. Qua các sự chọn lựa lớn cũng như nhỏ nhen, mỗi người để lộ ra đâu là giá trị tuyệt đối của đời sống mình. Thử hỏi một người bạn:

- Tại sao anh vắng mặt trong buổi họp nhóm?

Anh ấy đáp:

- Tôi vắng mặt trong buổi họp bởi vì tôi bận đi xem đá bóng.

Nếu hỏi người bạn khác:

- Sao anh vắng mặt trong buổi đá bóng quan trọng như thế?

- Bởi vì tôi muốn tham dự buổi họp của nhóm tôi.

Qua hai câu trả lời của hai người bạn chúng ta có thể đọc được đâu là giá trị căn bản đã trở thành tiêu chuẩn chọn lựa của hai người bạn ấy.

Trên lý thuyết ai ai cũng biết đâu là giá trị phải đặt lên trên, nhưng chính qua những lựa chọn tầm thường nhỏ mọn nhất của cuộc sống hằng ngày, chính những lúc không ngờ, là lúc ta biểu lộ cách rõ ràng đâu là giá trị thực sự đã được đặt lên trên hết.

Lý tưởng, giá trị cao cả của đời sống mỗi người, mỗi nhóm thường được cô đọng, được gói ghém trong một danh từ, một câu nói hoặc một khẩu hiệu, và được coi như chìa khóa của tất cả mọi hành động và cách xử thế. Những "lời nói chìa khóa" đó có thể là: tự do, hưởng thụ, sản xuất, danh vọng, tiền tài, quyền bính, thành công... Trước khi chọn lựa một điều gì, họ thường đặt câu hỏi: được ích gì, được lợi bao nhiêu, có vui sướng gì? Làm thế nào để thành công? để được thăng chức? Nhiều khi họ miệt mài chạy theo những giá trị đó đến trở thành mù quáng, và còn điên dại bán cả nhân phẩm, lương tâm, sức khỏe, tình bạn, gia đình và cả đức tin để đổi lấy sự phù phiếm của những giá trị giả tạo đó nữa.

Trái lại, đối với những người chọn "lời nói chìa khóa" làm khẩu hiệu cho đời sống mình, chẳng hạn như: tha nhân, phục vụ, dấn thân, tình thương, v.v... trước mọi chọn lựa, mọi quyết định, họ thường hỏi mình, tôi phải làm gì cho người khác? Ðiều gì có thể đem lại hạnh phúc cho họ, giúp họ thăng tiến hơn? Họ cần những gì?

Dựa trên ý nghĩa của những khẩu hiệu sống và những "lời nói chìa khóa" mỗi người sẽ định đoạt cách dùng thời giờ và sinh lực của mình. Ðối với người hà tiện, thời giờ là vàng bạc, cần phải tích trữ, phải thâu nhặt, phải sản xuất. Người có tâm hồn vị tha lại nghĩ rằng, thời giờ là phục vụ, là cho đi. Ðối với người chủ trương hưởng thụ, thì thời giờ là thú vui, cần phải sống gấp, sống vội, phải ăn uống hôm nay, vì ngày mai sẽ phải chết!

Trong lịch sử các gia đình quý phái và các hoàng gia đều có thói quen khắc huy hiệu của mình trên bia đá, cột nhà, trên chiến bào. Trong giáo hội công giáo, các giám mục, các vị giáo hoàng đều chọn một khẩu hiệu gói ghém chương trình sống của đời mình, chẳng hạn như "Totus tuus" (Tất cả là của Ngài) của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhiều phong trào, hoặc các tu hội, dòng tu cũng có khẩu hiệu riêng của họ. Nhóm Taizé chọn khẩu hiệu: "Một ánh lửa sáng trong thế giới", "Bình an và hạnh phúc" của dòng Phanxicô, "Làm việc và cầu nguyện" của thánh Benedetto, "Làm việc là cầu nguyện" của thánh Don Bosco, v.v...

Giáo sư José Luis Aranguren, một nhà thông thái và là tín hữu kitô chân chính, đã nói trước khi trút hơi thở cuối đời: "Tôi cảm thấy rất hạnh phúc sung sướng, bởi vì suốt đời tôi luôn tìm cách đặt để những điều quan trọng đúng chỗ của nó, và trong cách xếp đặt mọi sự này, tôi đã đặt tình yêu lên chỗ ưu tiên, lên trên hết mọi sự khác".

Bạn thân mến, sự khôn ngoan đích thật tức là biết đặt để mọi sự đúng chỗ của nó. Ðiều đó sẽ làm cho bạn được an bình và hạnh phúc trong tâm hồn. Ðâu là giá trị cao trọng nhất trong đời bạn? Bạn dành chỗ ưu tiên cho ai, cho cái gì, cho giá trị nào trong đời bạn?

Bạn muốn được hạnh phúc thật ư? Chúa Kitô mách bảo cho bạn bí quyết này trong mọi quyết định và mọi sự lựa chọn của bạn: Lợi ích gì cho bạn, nếu bạn được lời lãi cả thế gian mà lại mất linh hồn? Lấy gì để chuộc lại linh hồn của bạn? (Mt 16:26).

 

Mai An

Thứ Tư, ngày 5/07/1995

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page