Nói Với Giới Trẻ
(Những Loạt Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ
của Nữ Tu Mai An thực hiện
trong chương trình Phát Thanh
của Ðài Chân Lý Á Châu năm 1995)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 09 -
Say Mê Lý Tưởng
Cha Atilano Alaiz, tác giả tập sách "Sống đời sống" (mà Mai An đang tiếp tục giới thiệu với các bạn), đã có lần chứng kiến những hoàn cảnh thật bi đát. Một trong những trường hợp đó là hoàn cảnh của bà mẹ và đứa con trai độc nhất của bà. Cậu là người con bị tàn tật từ khi mới chào đời. Càng lớn lên chân tay của cậu bé lại càng phát triển một cách bất thường, lớn quá sức, nhưng lại bất toại không đi đứng vững, cũng không làm gì được. Thêm vào đó, cả hai trái thận của cậu bé lại bị hư. Tất cả đời sống của người mẹ ấy là như một bài thơ tuyệt đẹp của tình mẫu tử và của lòng thương yêu chăm sóc. Bà không sống vì lý do nào khác hơn ngoài người con một yêu dấu của bà. Bà đã can đảm và quảng đại liều cả mạng sống của bà khi hiến tặng cho con mình một trái thận. Cũng nhờ đó mà con bà đã được cứu sống. Ngoài những giờ làm việc để nuôi sống con, bà đã dành rất nhiều thời giờ bên cạnh giường con, đó là không kể những lần bà phải thức trắng đêm để săn sóc con. Có thể nói được là bà không còn ước muốn nào khác ngoài sự sống của con. Cha Atilano Alaiz gặp bà khi bà lâm bệnh nặng. Dầu vậy, bà cũng không quan tâm đến sự sống của mình và cũng không sợ sự chết. Bà chỉ lo lắng một điều duy nhất là sau khi bà đã từ giã cõi đời, con bà vẫn còn được sự chăm nom, săn sóc của một người phụ nữ khác nhận làm mẹ cậu thay chỗ trống của bà.
Bạn thân mến, có thể được rằng sự sống còn của người con tàn tật đó là tất cả ý nghĩa đời sống của người mẹ trong câu chuyện trên đây. Vậy thì tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống là gì? Tức là sống miệt mài, sống say mê vì một người tùy thuộc vào giá trị cao đẹp nào đó. Ý nghĩa sau cùng của đời sống tùy thuộc vào giá trị, hoặc lý tưởng mà mỗi người ưa thích. Nó rất đa diện, nhiều màu sắc, và ở nhiều cấp của bậc thang giá trị. Có người sống vì nghệ thuật, âm nhạc, thương mại, tiền bạc, vì những phát minh khoa học, vì ưa thích mạo hiểm, hoặc chỉ vì muốn hưởng thụ. Không thiếu chi những lần chúng ta nghe có người không ngần ngại tuyên bố rằng: đời sống tôi là âm nhạc, là chính trị, là danh vọng, là tiền bạc, là khoa học, là tình yêu, là gia đình, con cái, v.v... Ai nói như vậy, tức là một cách gián tiếp hay trực tiếp tỏ lộ ý nghĩa sâu xa về đời sống họ là gì.
Ðối với ông Félix Rodriguez de la Fuente, thiên nhiên được coi như là thần tượng của đời ông. Ông say mê vẻ đẹp thiên nhiên như người ta yêu tình nhân của mình. Ông dành rất nhiều thời giờ theo dõi từng cử chỉ, từng bước đi của loài vật, từng bông hoa nở. Ông nói chuyện với thú rừng như nói chuyện với người bạn thân. Sự say mê thiên nhiên đã làm ông quên mình, liều lĩnh, bất chấp gian nan nguy hiểm. Cuối cùng ông đã trở nên nạn nhân của sự say mê đó. Ông đã chết thảm thương trong nanh vuốt của thú dữ! Rất tiếc là ông đã quên rằng, thiên nhiên không thể nào là cùng đích của đời sống con người. Tạo vật được tạo dựng vì con người, để phục vụ con người. Con người được tạo dựng để làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú vật trên đất và mọi côn trùng sống trên địa cầu (Gen 1:26).
Có những người khác sống vì những thần tượng do trí tưởng tượng của họ tạo nên. Họ đồng hóa mình với những thần tượng đó và mong tìm được hạnh phúc nơi những thần tượng đó. Họ thần tượng hóa những tràng pháo tay, những lời khen ngợi của người khác. Họ đặt hạnh phúc nơi gia sản họ có thể tiêu xài, hoặc nơi quyền bính của người khác hỗ trợ họ. Họ đánh giá con người dựa trên lời khen ngợi, tài sản họ chiếm hữu và quyền bính nắm trong tay. Bạn có thể đoán được thứ hạnh phúc mà họ theo đuổi đó hão huyền đến mức nào! Một khi danh vọng, tiền tài, quyền bính sẽ qua đi, đời sống họ sẽ đi về đâu? Họ sẽ còn bám víu vào đâu để tiếp tục sống, để tiếp tục yêu đời nữa? Không lạ gì những người ấy thường kết liễu đời mình một cách thật êm dịu, nhưng lại cũng thật thảm thương!
Tuy nhiên cũng có rất nhiều người khác khôn ngoan hơn, họ biết tìm ra ý nghĩa sâu xa của đời mình và biết đặt đúng chỗ các bậc thang giá trị của đời họ. Raoul Folléreau đã chọn sự sống của những bệnh nhân phong cùi làm ý nghĩa cho cuộc đời ông. Ông đã tận hiến tất cả sinh lực, thời giờ và tận dụng mọi khả năng tinh thần cũng như mọi phương tiện vật chất để duy trì và phát triển giá trị sự sống của các anh em phong cùi. Ông không sống vì danh vọng; ông đã chết, nhưng danh thơm tiếng tốt của ông cho tới nay vẫn còn nổi như cồn.
Một danh nhân khác là Martin Luther King. Ðộng lực chính yếu thúc đẩy ông hăng say tranh đấu và can đảm lướt thắng mọi khó khăn chính là sự giải phóng và quyền bình đẳng của anh chị em da màu tại Hoa Kỳ. Sau cái chết đau thương của Martin Luther King, vợ ông đã mạnh dạn tuyên bố: "Ngày nào người da đen sẽ được giải phóng, ngày mà hận thù sẽ được hủy diệt, chiến tranh sẽ chấm dứt, ngày đó, tôi biết chắc rằng chồng tôi sẽ an nghỉ trong sự an bình mà ông đã miệt mài tranh đấu... Với niềm tin vững mạnh vào Thiên Chúa là Cha của toàn thể nhân loại, chồng tôi đã sống và ôm ấp một giấc mơ duy nhất. Ông mơ thấy ngày trên các ngọn đồi đất đỏ của miền Georgia, con cháu của những người nô lệ sẽ ngồi cùng bàn với con cháu của các chủ nhân và chia sẻ thức ăn trong tình liên đới đại đồng".
Và ai lại không biết đến Mẹ Têrêsa Calcutta? Lẽ sống của Mẹ chính là tình thương đối với những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi bên lề đường, bị gạt ra bên lề xã hội, nhưng được Mẹ tôn trọng như hiện thân của Chúa Kitô. Mẹ thường nói: Thân nhân của tôi là những người nghèo. Hạnh phúc của họ là hạnh phúc của tôi. Sức khỏe của họ cũng là sức khỏe của tôi. Mái nhà của tôi cũng là mái nhà của họ. Không những chỉ những người nghèo mà thôi, nhưng là những người nghèo khổ nhất. Mẹ Têrêsa không ngần ngại lặp đi lặp lại rằng: "hạnh phúc của tôi là phục vụ những người nghèo khổ và họ mới thực là những người ân nhân của tôi".
Phaolô, tông đồ của dân ngoại, sau bao năm rao giảng Tin Mừng về Chúa Kitô, sau bao gian khổ phải gánh chịu vì tình yêu Chúa Kitô, đã sung sướng quả quyết rằng:
Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Ðức Kitô và được kết hợp với Người (Fil 3:8).
Vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, và chết là một mối lợi (Fil 1:21). Ðúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta (Rm 8:38-39).
Nói tóm lại, tìm được ý nghĩa sau cùng của cuộc sống, sống vì một lý tưởng cao đẹp, tức là như kho báu chôn giấu trong ruộng, có người gặp được liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy (Mt 13:44-46).
Chúa Giêsu đã khôn khéo cô đọng tầm quan trọng về ý nghĩa sau cùng và lý tưởng trong đời sống mỗi người qua câu nói sau đây:
Kho tàng của ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó (Mt 6:21).
Bạn thân mến, kho tàng quý báu trong đời bạn là gì? Tâm trí tư tưởng khát vọng của bạn thường hướng về đâu?
Mai An
Thứ Tư, ngày 28/06/1995