Nói Với Giới Trẻ

(Những Loạt Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ

của Nữ Tu Mai An thực hiện

trong chương trình Phát Thanh

của Ðài Chân Lý Á Châu năm 1995)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 06 -

Hạnh Phúc Với Giá Cao

 

Hồi đó có một vị chỉ huy tối cao quân đội, tại một căn cứ kháng chiến nọ, là người vốn rất quảng đại và hay thương người. Thế rồi sau nhiều ngày nhìn đoàn binh sĩ mệt nhọc tập dượt, ông nảy ra một ý nghĩ. Ông tự hỏi mình, có ích gì cho đội quân sáng chiều phải tập dượt như vậy, đi đi lại lại, xuống hố lên đồi hàng giờ như vậy, lúc nào cũng phải sẵn sàng y như có giặc đến trước cửa đồn? Tôi nghĩ ra kế hoạch đây. Tôi sẽ cho các binh sĩ sống thoải mái như thời thái bình. Họ sẽ sống nhàn rỗi, sẽ được ăn no ngủ kỹ, sẽ được bồi dưỡng để thân thể cường tráng và không phải tập dượt ứng chiến gì nữa. Và chắc chắn là tôi sẽ được binh sĩ thương mến nhiều hơn.

Sau 2 năm đội quân sống an nhàn thì một ngày không ngờ quân địch xông tới vây kín chung quanh trại. Một hồi còi báo động hú lên, binh sĩ hoảng hốt, luýnh quýnh không biết ráp súng đạn thế nào nữa. Nhiều người bị lỡ đạn chết cách oan uổng. Những người nhát đảm tự nộp mình đầu hàng, hoặc tự vận trước khi quân địch lọt vòng gai tiến vào trại. Những người còn sống sót đều tìm cách tẩu thoát. Trước tình trạng hỗn loạn đó, vị chỉ huy kêu gọi và khích lệ lòng can đảm chiến đấu, nhắc nhở họ những ngày an bình và những ân huệ ông đã ban tặng cho họ. Nhưng đã quá muộn, và vô ích, quân sĩ đều tẩu thoát cứu mạng, chỉ còn lại một mình viên chỉ huy tối cao giữa chiến trường.

Bạn thân mến, có lẽ tất cả chúng ta đều nghĩ rằng vị chỉ huy quân đội ấy thật là người thiếu khôn ngoan. "Thao Trường đổ mồ hôi Chiến Trường bớt đổ máu". Trong đời sống quân ngũ vấn đề kỹ luật và tập dượt là việc nòng cốt để luôn sẵn sàng đối phó với quân địch, thế mà ông lại coi thường và để cho binh sĩ quá tự do phóng túng như vậy. Phải công nhận rằng thất bại thê thảm đó là hậu quả dĩ nhiên của sự thiếu khôn ngoan ấy.

Một cách tương tự trên con đường tìm kiếm hạnh phúc. Có thể nói được rằng hanh phúc chân thật không phải là thứ hạnh phúc rẻ tiền, nhưng phải được trả với một giá rất cao, tức là với giá của hy sinh và đau khổ. Hạnh phúc thật nảy sinh từ đau khổ, xem ra như là điều nghịch lý, nhưng lại là sự thật rất sâu xa và kinh nghiệm cá nhân mỗi người trong chúng ta đều có thể xác nhận điều đó.

Trong bài trước chúng ta đã thấy đời sống hưởng thụ, phóng túng và an nhàn, ích kỷ chỉ là cuộc sống nhàm chán, bất hạnh và buồn thảm. Và ngược lại, bí quyết hạnh phúc an bình của cô gái tàn tật ngồi trên xe lăn người Uruguay chính là tinh thần phục vụ đến quên mình.

Một thanh niên trong nhóm hướng đạo kể lại rằng: "Tối hôm ấy bọn chúng tôi ngồi quây quần bên lửa trại trên một bãi cỏ gần một hộp đêm của vùng ngoại ô thành phố. Giữa những tiếng nhạc kích động, những tiếng cười sỗ sàng nặc mùi bia và rượu nồng, tôi như nghe vọng lại những tiếng nói ngạo nghễ từ ánh đèn màu chập chờn ấy: "Tụi mày không biết thú vui cuộc đời là gì!" Tôi hiểu ngay đó là những lời chửi khéo muốn gửi đến cho chúng tôi. Họ mỉa mai chúng tôi, nhưng thực sự tôi cảm thấy thương hại cho họ vì họ chỉ biết dùng những thú vui trống rỗng đó để làm im đi và dập tắt khát vọng hạnh phúc đang ăn mòn tâm hồn họ. Họ tưởng chúng tôi là những người bất hạnh, nhưng thực sự họ chưa từng được nếm thử cảnh ấm cúng thân thương của tình bạn chân thật, sự an bình của tâm hồn khi ngồi yên lặng chiêm ngắm vẻ đẹp của núi đồi của hoa cỏ và cảnh vật muôn màu sắc. Tôi cảm thấy thương hại họ vì họ không nhận ra sự trống rỗng, mau qua của thứ hạnh phúc tạm bợ mà họ đang miệt mài theo đuổi.

Cảm nghĩ của chàng thanh niên hướng đạo trên đây diễn tả một nhận định rất sâu xa. Hạnh phúc thật không thể nào đi đôi với sự nông cạn, hưởng thụ ích kỷ, nhưng là bạn đồng hành với đau khổ. Chính vì thế mà những người chủ trương đi tìm hạnh phúc nơi hưởng thụ không thể nào tìm thấy cũng không thể nào hiểu được. Biết bao lần bạn cảm thấy buồn buồn và trống rỗng sau khi đã chiều theo sự ước muốn một chút thỏa mãn mau qua. Lần khác, khi biết can đảm khước từ một sở thích cá nhân vì lợi ích tha nhân, bạn lại cảm thấy sự an bình và niềm vui sướng đến rơi lệ. Ðó chính là lúc bạn bắt đầu nếm thử hạnh phúc thật là gì.

Bạn hãy nghĩ tới nỗi đau khổ và lo lắng của người mẹ khi sanh con. Nếu hỏi, bà có hạnh phúc không? Chắc hẳn bà sẽ không dấu được nỗi vui mừng khi đứa con của bà chào đời, nhất là khi thấy con bà khỏe mạnh. Ðau khổ vì thế không phải là kẻ thù của hạnh phúc cũng không phải là lý do cản trở con người sống hạnh phúc. Trái lại, người biết chấp nhận đau khổ thì hạnh phúc của họ càng thêm đậm đà, sâu xa.

Thánh Têrêsa thành Avila, với cái nhìn của lý trí thông minh sâu sắc, đã diễn tả thế nào là sự an bình vui sướng của tâm hồn quảng đại, bất chấp những gian khổ, lo lắng của tâm hồn cũng như những dằn vặt của thân xác, hoặc bất cứ mọi hình thức bách hại nào. Têrêsa dùng hình ảnh một ngọn núi cao, trên sườn núi có thể bị mây đen bao phủ, mưa sa gió bão, thế nhưng trên đỉnh núi vẫn rực sáng trong ánh sáng mặt trời và trong an bình. Một cách tương tự, người biết sống, hành động và xử trí theo lương tâm ngay thẳng, lúc nào trong thâm tâm họ cũng có một góc nhỏ nơi đó họ có thể giữ vững niềm an bình vui sướng và không gì bên ngoài có thể xáo động được.

Trong đời sống người Kitô hữu, bí quyết hạnh phúc là chấp nhận đau khổ, là tiếp nhận hy sinh và từ bỏ. Chấp nhận đau khổ là con đường dẫn tới hạnh phúc, an bình và vinh hiển. Tông đồ Phaolô, người đã từng khủng bố các tín hữu Kitô đầu tiên, sau khi được Chúa Kitô chinh phục và được tình yêu của Chúa hoán cải, đã hiên ngang rao giảng về cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Mặc dù cái chết nhục nhã của Ngài trên thập giá là sự vấp phạm cho người Do Thái, và là sự điền rồ đối với người Hy Lạp. Không những Phaolô rao giảng cuộc khổ nạn và phục sinh khải hoàn của Chúa Kitô mà thôi, nhưng thực sự Người còn mang trong mình sự tiếp diễn cuộc khổ nạn của Chúa Kitô nữa.

Lòng tin vững mạnh vào sự sống lại khải hoàn của Chúa Kitô đã làm cho người đủ can đảm lướt thắng mọi gian nan thử thách, Người đã tâm sự với các tín hữu thành Côrintô (2Cor 7:4):

Tôi tín nhiệm anh em nhiều, tôi hãnh diện vì anh em lắm; nên tôi được an ủi tràn đầy vui mừng trong mọi đau khổ.

Các tông đồ khác cũng vậy, mặc dầu bị đánh đòn, nghiêm cấm không được nhân danh Chúa Kitô mà rao giảng nữa, nhưng khi được tha về, các tông đồ rất vui mừng và được tự hào là xứng đáng chịu ô nhục, đau khổ vì danh Chúa Kitô. Rồi họ vẫn tiếp tục rao giảng tin mừng về Ðức Kitô khắp mọi nơi (Tđcv 5:40-41).

Lòng tin vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và niềm hy vọng vào cuộc phục sinh khải hoàn của Ngài chính là nền tảng hạnh phúc của người tín hữu Kitô qua mọi thời đại, bất chấp mọi gian nan thử thách, và mọi bách hại, cả khi mạng sống của họ bị đe dọa nữa. Gương các vị anh hùng tử đạo vì đức tin vào Ðức Kitô và chứng tá của vị thừa sai hiện đang hăng say phục vụ khắp nơi trên thế giới là bằng chứng hùng hồn nhất về bí quyết hạnh phúc của họ.

Bí quyết hạnh phúc của con người nói chung, và con đường hạnh phúc của người tín hữu nói riêng, không thể là gì khác hơn ngoài việc chấp nhận đau khổ và thập giá vì tình yêu. Hạnh phúc chân thật không thể mua được với giá rẻ tiền, nhưng chỉ có thể đạt tới qua việc chuyên cần luyện tập, từ bỏ lòng ích kỷ và hiến thân phục vụ cách vị tha. Hạnh phúc có thể ví như bồn nước, có đầy mới đổ tràn ra chung quanh được. Càng tràn ra, càng cho đi, càng thêm đầy dư, phong phú và đổi mới luôn.

 

Mai An

Thứ Tư, ngày 7/06/1995

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page