Nói Với Giới Trẻ
(Những Loạt Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ
của Nữ Tu Mai An thực hiện
trong chương trình Phát Thanh
của Ðài Chân Lý Á Châu năm 1995)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 03 -
Ảo Tưởng Hạnh Phúc
Hạnh phúc là khát vọng sâu xa nhất của mỗi người và ai ai cũng mải miết đi tìm kiếm hạnh phúc. Thế nhưng, người ta lại dễ lầm đường lạc hướng trong việc tìm kiếm hạnh phúc thật. Có người tuy biết mình bất hạnh vì bị lọt vào cái vòng khốn khổ, nhưng lại không có đủ can đảm tháo gỡ mình, hoặc bước ra tìm đến hạnh phúc chân thật hơn. Alain Delon, một ký giả người Pháp đã thành thật tự thú như sau:
Tôi không bao giờ nghĩ mình là người hay lo sợ, thế nhưng, nhiều lúc tôi lại sợ mình rơi vào cảnh lo sợ. Và rồi một hôm tôi đã phải thú nhận điều đó trong lần gặp gỡ một người chăn chiên một mình thơ thẩn ngoài đồng vắng. Tôi tự hỏi mình làm gì trên thế giới này? Ðâu là điều mỗi người chúng ta thường làm? Biết bao lần tôi đã đặt những câu hỏi này, nhưng vẫn không tìm được giải đáp làm tôi hài lòng. Sau cùng, một hôm nhân lúc lái xe chạy qua vùng ngoại ô thuộc miền Assisi, là quê quán của thánh Phanxicô khó nghèo, tôi đụng đầu với một người mục tử dẫn đàn chiên đi ngang qua lối ấy. Tôi dừng xe lại và chuyện vãn hồi lâu với ông ta. Ông là một người rất tầm thường, đơn thành, chất phác, suốt ngày lang thang trên đồng cỏ với đàn vật. Gia tài của ông chỉ là một mái nhà tranh đổ nát. Thế nhưng, trên gương mặt và trong ánh mắt của ông hiện rõ một nét an bình và niềm hạnh phúc sâu xa. Cảnh sống của người mục tử và của tôi thật là hai thế giới đối nghịch. Xem ra ông ấy hạnh phúc hơn tôi nhiều. Ông sống hòa thuận với trời đất, với tạo vật, tôi lại không. Ông chiếm giữ tất cả những gì ông muốn, còn tôi lại hoàn toàn bất lực. Ông được đầy sự khôn ngoan nhờ sự đơn thành ban tặng, còn tôi lại phải gánh chịu hậu quả của mọi thứ dại dột. Hôm đó tôi muốn dừng lại lâu giờ hơn nữa để chuyện vãn với ông, để học hỏi nơi ông ý nghĩa và giá trị của cuộc sống. Tôi hứa sẽ trở lại tìm gặp ông càng sớm càng tốt, nhưng tôi đã không giữ lời hứa. Tất cả chỉ vì sợ hãi phải bỏ cái hạnh phúc giả tạo tôi đang đeo đuổi để bước sang con đường dẫn đến hạnh phúc sâu thực hơn.
Lời tự thú chân thành trên đây nói lên sự buồn bã của người đi tìm kiếm hạnh phúc mà chỉ gặp thấy hạnh phúc giả tạo, đồng thời cũng nhìn nhận sự sợ hãi bước vào con đường dẫn tới hạnh phúc chân thật.
Nhiều lúc chúng ta thường nghe nói rằng, mỗi người có cái hạnh phúc riêng. Cả đến người điên cũng như hài lòng với cái điên rồ của họ. Mỗi sở thích đều có cái thú vị riêng, màu sắc riêng của nó. Phải chăng hạnh phúc chỉ là vấn đề chủ quan, chỉ tùy thuộc vào sở thích cá nhân mà thôi? Có thể nào vì lý luận như vậy mà tất cả mọi thú vui đều có thể được nhìn nhận là chính đáng, vịn lý lẽ là nó dẫn tới hạnh phúc hay sao? Các bạn sẽ đồng ý trả lời rằng, hẳn không phải là như vậy. Quan niệm cá nhân về hạnh phúc, tuy có thể thỏa mãn một vài khía cạnh phụ thuộc của đời sống con người, nhưng không thể nào trở thành nền tảng căn bản hạnh phúc con người được.
Vậy đâu là nguồn phát sinh hạnh phúc đích thật của con người? Khi tạo dựng con người đầu tiên, Thiên Chúa phán: "Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta" (St 1:26). Hạnh phúc của con người bởi Thiên Chúa mà đến. Con người chỉ được sung sướng thực sự khi sống đúng với sứ mệnh và mục đích Chúa đã dành sẵn cho họ. Như trong đời sống thể xác, con mắt được tạo dựng để nhìn thấy, tai để nghe, miệng để ăn nói, dạ dày để tiêu hóa, tim đập dẫn máu đi khắp thân thể v.v... Chỉ cần một bộ phận không hoạt động đúng theo chức năng của nó cũng đủ gây đau khổ cho cả thân xác. Cũng một cách tương tự về mặt tâm lý và tinh thần, con người chỉ thực sự cảm thấy hạnh phúc sung sướng khi đi đúng theo con đường và mục đích của mình mà thôi. Thánh Augustin sau những năm chạy theo hạnh phúc giả tạo đã phải thú nhận rằng: "Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên con người chúng con để quy hướng về Chúa, và tâm hồn chúng con sẽ chỉ tìm được an nghỉ và hạnh phúc nơi Chúa mà thôi".
Thật vậy, hạnh phúc của con người không phải là thứ hạnh phúc của loài vật. Chúng chỉ lo kiếm ăn cho no, sinh sản theo luật tự nhiên đã được phú bẩm cho nó. Con người không những chỉ cần thỏa mãn các nhu cầu cần thiết của thân xác, nhưng hơn nữa cần phải đáp ứng những nhu cầu tinh thần khác nữa, chẳng hạn như khát vọng yêu thương và được thương yêu, tình bạn, thành công, cảm thấy mình có ích lợi cho người khác, khát vọng được sống và sống mãi, v.v... Một khi những nhu cầu thánh thiêng đó chưa được đáp ứng đủ, con người vẫn còn băn khoăn lo lắng, vẫn chưa được hạnh phúc thật.
Hạnh phúc thật là gì? Tagore, một thi sĩ lỗi lạc người Ấn Ðộ đã viết: "Tôi nằm ngủ mơ thấy đời sống là niềm vui. Khi thức dậy tôi khám phá ra rằng, sống là phục vụ. Tôi dấn thân phục vụ và khám phá ra rằng phục vụ chính là niềm vui". Tagore thật có lý. Hạnh phúc không phải là một thứ cảm giác mơ hồ bông lông, nhưng là thực tại của tâm hồn. Bạn muốn thưởng thức mùi thơm hoa hồng ư? Nếu niềm vui nảy sinh từ phục vụ thì bạn hãy ưa thích phục vụ, hãy dấn thân phục vụ trước đi, rồi bạn sẽ cảm nghiệm được niềm vui sướng và an bình của tâm hồn là mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Nhiều nhân vật nổi tiếng khác, và các thánh nhân cũng đều khẳng định bí quyết hạnh phúc nói trên. Một trong những nhân vật nổi tiếng đó là cha xứ Gioan Maria Vianney. Ngài nói: "Người ta sẽ tìm thấy hạnh phúc, khi họ biết tìm kiếm hạnh phúc cho người khác".
Vì lý do nào nảy sinh ra các vụ tranh chấp, giằng co, hận thù nhau? Hẳn không là vì đã chỉ biết tìm kiếm hạnh phúc cá nhân đến nỗi quên đi hạnh phúc của người khác đó sao? Thật vậy, khi một người chủ trương tìm kiếm hạnh phúc cá nhân, người ấy sẽ tự đặt mình làm trung tâm vũ trụ và sẽ tận dụng mọi sự, mọi người để tạo hạnh phúc cho mình, và họ cũng không chút e ngại chà đạp lên quyền lợi của người khác miễn sao có lợi cho mình mà thôi. Trong bối cảnh vụ lợi đó, hạnh phúc thật hẳn là điều không thể có được. Ngay chính bản thân người đi tìm kiếm hạnh phúc một cách ích kỷ đó lại là người bất hạnh hơn ai hết.
Bạn có cảm tưởng rằng những minh tinh màn ảnh, những thần tượng của xã hội hưởng thụ, những nhà độc tài nắm trong tay quyền sinh tử của những người khác là những người hạnh phúc lắm ư? Họ nắm trong tay tiền bạc, danh vọng và chức quyền, xem như có thể làm được mọi sự, nhưng nếu họ không sống, không chiến đấu vì một lý tưởng cao thượng, không tìm thấy ý nghĩa sâu xa của đời sống, họ là những người bất hạnh và đau khổ hơn ai hết. Một trong những người nói trên đã thú nhận: "Hồi đó tôi là một nhà đại phú, không thiếu gì. Bạn bè quý mến tôi, vợ con tôi coi tôi như thần tượng. Ðiều tôi ưa thích hơn cả là các môn giải trí và mọi thứ tiêu khiển, nào là các buổi dạ hội, phim ảnh, tiệc tùng với bạn bè sang giàu, và những cuộc du lịch chu du đó đây trên thế giới. Tôi không hề phải bận tâm lo lắng về tiền bạc. Tuy vậy nhiều lúc tôi cảm thấy hổ thẹn với chính mình, bởi vì tôi sống không khác gì một đứa trẻ vô lo, chỉ biết ăn chơi và nghĩ đến chính mình. Thế rồi một hôm tình cờ tôi gặp lại các bạn học cũ của tôi dấn thân trong các hoạt động giáo dục và từ thiện. Ðời sống của họ rất thanh bần đơn giản, nhưng xem ra họ rất hạnh phúc hơn tôi nhiều. Kế đó tôi lui vào xin trọ trong một tu viện khổ tu. Sau những ngày yên tĩnh và suy tư đó tôi đã tìm lại được hướng đi cho cuộc đời tôi. Giờ đây tôi là một cộng tác viên với các bạn học tôi với một lý tưởng mới cao đẹp hơn. Ðời sống tôi đã thay đổi hẳn, hạnh phúc tràn ngập tâm hồn tôi, và không gì có thể lôi cuốn tôi trở lại đời sống xa hoa trống rỗng và vô vị của tôi khi trước nữa.
Trên đây chỉ là một vài chứng tá về ý nghĩa hạnh phúc là gì, là quên mình, là cho đi. Mời các bạn tiếp tục tìm hiểu con đường hạnh phúc trong bài tới.
Mai An
Thứ Tư, ngày 17/05/1995