Nói Với Giới Trẻ

(Những Loạt Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ

của Nữ Tu Mai An thực hiện

trong chương trình Phát Thanh

của Ðài Chân Lý Á Châu năm 1995)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 02 -

Khát Vọng Hạnh Phúc

 

Trong tập sách "Sống Ðời Sống", cha Atilano Alaiz mở đầu với một kỷ niệm thật đau thương vẫn còn hiện rõ trong tâm trí cha. Cha viết:

Tôi có cảm tưởng như sự việc vừa mới xảy ra hôm qua. Ðó là một người bạn học cùng lớp với tôi. Hồi đó anh vừa mới tròn 22 tuổi, trí thông minh xuất sắc, đầy nhựa sống và ôm ấp những dự định thật cao đẹp vĩ đại. Thế rồi một hôm, tự dưng anh cảm thấy khó chịu trong người, những triệu chứng lạ cũng bắt đầu xuất hiện. Một đám mây đen tối từ đâu tới đè nặng tâm trí anh. Thấy anh vắng mặt trong lớp học mấy ngày liên tiếp nên tôi tìm đến nhà thăm anh. Tôi ngạc nhiên khi thấy anh gầy hẳn đi rất nhiều. Tôi bước đến gần giường và anh khó nhọc ngồi dậy mở rộng vòng tay xiết chặt tôi thật lâu. Anh úp mặt vào vai tôi nức nở:

- Atilano ơi, tôi sẽ phải chết, tôi sắp chết rồi.

Tôi tìm cách an ủi và khích lệ anh chịu khó nghe lời bác sĩ chạy thuốc rồi sẽ sớm bình phục. Bỗng chốc, anh giơ tay vịn chặt vào đầu giường, thân xác anh trở nên cứng như gỗ. Anh gắng gượng nằm xuống giường để lấy lại hơi thở và thều thào mấy tiếng sau cùng:

- Tôi không muốn chết. Tôi còn muốn sống, tôi còn nhiều dự định phải thực hiện.

Nói rồi, anh gục đầu tắt thở. Chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi, cơn bệnh bạch cầu đã tiêu hủy tất cả sức sống của anh.

Bạn thân mến, "tôi muốn sống" biết bao lần chúng ta cũng đã thốt lên lời nói đó như người bạn của cha Atilano trong cơn hấp hối chúng ta vừa nghe. Hạnh phúc cho chúng ta biết bao là những người đang sống, đã thức dậy sáng nay và biết mình còn đang sống. Muốn sống, yêu sự sống là khát vọng bẩm sinh của mỗi người như tình yêu bản thân vậy.

Cái chết, nhất là cái chết của một bạn trẻ đầy nhựa sống hẳn là một thảm cảnh đau thương, vì nó nói lên sự kết thúc của tất cả mọi sự có thể, mọi cơ may, là như xé bỏ mọi dự án tốt đẹp nhất của cuộc đời. Trái lại, sự sống là cái gì thật tốt đẹp, đầy hứng thú. Chúng ta yêu sự sống, bởi vì chỉ mỗi người mới có thể sống đời sống mình và chỉ sống một lần mà thôi. Cũng vì sự sống quý giá như vậy mà chúng ta không quản ngại đương đầu với mọi khó khăn, vất vả, gian khổ để đấu tranh với sự sống và duy trì sự sống còn của mình.

Tuy nhiên, không những chúng ta chỉ muốn sống mà thôi, nhưng dĩ nhiên là sống tới mức tối đa. Tim bạn đang đập mạnh dưới lồng ngực, giòng máu đang lưu động sùng sục trong huyết quản, tất cả đều muốn nói lên rằng, không những bạn chỉ muốn sống mà thôi mà còn có ý chí hăng say muốn sống nữa.

Bạn sẽ làm gì, sẽ hy vọng gì với một thanh niên không còn muốn sống nữa? Thực vậy, muốn sống và sống tới mức tối đa chính là khát vọng của mỗi người, nhất là của tuổi trẻ.

Thế thì sống tới mức tối đa có nghĩa gì? Phải chăng là phóng xe nhanh hết ga? Là mở máy thu thanh, mở âm nhạc tới mức độ ù tai? Là xách động, là quay cuồng thân thể cho tới lúc mệt lả? Là thí nghiệm hết tất cả mọi sự, là nếm thử hết mọi hương vị của lạc thú? là chu du đó đây trên thế giới? Là như nuốt chửng hàng ngàn cây số đường trường? Bạn sẽ mỉm cười lắc đầu trả lời rằng, không phải thế. Sống tới mức tối đa là sống với tất cả tâm hồn.

Nếu bạn có dịp phỏng vấn các bạn trẻ hỏi xem khát vọng lớn nhất và sâu xa nhất của họ là gì? Có người sẽ trả lời rằng, là sống thoải mái, là kiếm được nhiều tiền, là gây dựng gia đình hạnh phúc. Thật vậy, hạnh phúc là khát vọng lớn lao nhất của mỗi người, mặc dù mỗi người có một quan niệm về hạnh phúc khác nhau và đi tìm hạnh phúc bằng những phương tiện, những con đường khác nhau. Tự nhiên không ai muốn sống cho qua ngày, sống cách bất đắc dĩ, nhưng ai ai cũng muốn sống hạnh phúc. Chúng ta sinh ra để sống hạnh phúc. Ngay từ khi tạo dựng con người, khi ban tặng sự sống cho con người Thiên Chúa đã phán:

- Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta, để họ làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú vật trên đất và mọi côn trùng sống trên địa cầu (St 1:26).

Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc vô tận, Ngài không thể tạo dựng con người nếu không phải là để chia sẻ hạnh phúc vô biên của Ngài. Làm sao Thiên Chúa lại có thể chịu thua kém cha mẹ trần gian là những người không ước muốn gì khác hơn ngoài hạnh phúc của con cái mình? Ngài không chỉ muốn con người được hạnh phúc sau này mà thôi, nhưng ngay từ trên trần gian nữa.

Khát vọng hạnh phúc là động lực không thể nào thắng dẹp được trong tâm hồn mỗi người. Từ thánh nhân cho đến tội nhân ghê gớm nhất, từ người phu quét đường đến những người giàu sang trên nhung lụa, cả đến những người liều mình tự vận cũng đều khát vọng và đi tìm kiếm hạnh phúc. Ngài đã phú bẩm khát vọng hạnh phúc trong tâm hồn mỗi người, và không sung sướng gì khi thấy con người phải khổ đau. Ngài muốn chúng ta dâng hiến cho Ngài những đau khổ của cuộc sống để tiêu hủy chúng và biến đổi chúng thành hoan lạc của cuộc đời, để ban trả lại nụ cười trên gương mặt của mỗi người.

Vậy hạnh phúc là gì? hạnh phúc là sự an bình, là sự thoải mái của tâm hồn. Hạnh phúc là kho tàng quý báu, cần phải biết tìm kiếm, phải vun trồng, phải chăm sóc gìn giữ như khi ta chăm sóc đến sự sống của thân xác. Không có mũi tên nào hoặc bảng chỉ đường nào của bất cứ quốc gia nào vạch chỉ hướng đi tới hạnh phúc cả. Mỗi người phải tự tìm kiếm hướng đi, con đường dẫn tới hạnh phúc, nếu không sẽ chỉ uổng phí thời giờ và mọi cơ hội tốt đẹp.

Trên thực tế không phải mọi người đều tìm ra con đường dẫn đến hạnh phúc thật. Kinh thánh nêu bật hai thí dụ điển hình. Trong cựu ước, nguyên tổ A-dong và E-va đã dại dột tìm hạnh phúc bằng việc nghe theo những lời dụ dỗ của ma quỷ, bất tuân lời Chúa truyền dạy. Trong tân ước, người con phung phá tưởng là sẽ tìm được hạnh phúc nơi tiền bạc và thú vui, nhưng cuối cùng chỉ gặp thấy tủi nhục, đau khổ và bất hạnh mà thôi.

Ðưa mắt nhìn vào thực tại của giới trẻ ngày nay, đâu là hạnh phúc của những đam mê, phóng túng? Của những giây phút ngây ngất giữa tiếng nhạc kích động, của những cuộc phiêu lưu trong làn khói của liều thuốc nghiện, của những ly rượu nồng? Phải chăng đó là hạnh phúc thật hay chỉ là như những giọt mật ong để bắt ruồi?

Ai ai cũng đi tìm hạnh phúc, nhưng mỗi người theo một đường, hoặc một chủ thuyết riêng. Người thì theo đuổi hạnh phúc qua danh vọng, kẻ thì tìm kiếm chức quyền, tiền bạc, cả đến những thú vui đê hèn nữa. Cũng không thiếu cho những người sẵn sàng tiêu hao sức sống mình để cứu vãn sự sống của người khác, hy sinh hơi ấm của tình thương ích kỷ để sưởi ấm những tâm hồn cô đơn, trong giá lạnh của cảnh bị bỏ rơi. Ðó quả là hai thái cực, hai con đường đi tìm hạnh phúc. Ðiều đó đủ minh chứng cho chúng ta thấy con người thật dễ lầm đường lạc hướng đi, khi tìm hạnh phúc. Làm thế nào để đạt tới hạnh phúc? Ðâu là con đường dẫn tới hạnh phúc thật? Ðó là khắc khoải lo âu chính của mọi người thuộc mọi thời đại.

Có những người bạn trẻ không giữ nổi niềm vui trong tâm hồn khi biết dành dụm hy sinh quà bánh để giúp đỡ người nghèo khổ. Trong khi nhà phú hộ Pietrô Bernardone tìm kiếm hạnh phúc nơi tiền của, giàu sang, thì người con trai yêu dấu của ông, tức là Phanxicô lại cảm thấy sung sướng trong việc từ bỏ mọi sự để kết bạn với sự khó nghèo, túng thiếu. Có người cảm thấy hạnh phúc khi được nhận lãnh hơn là cho đi. Ðối với tông đồ Phaolô, cho thì có phúc hơn nhận.

Riêng đối với bạn, hạnh phúc là gì? Hạnh phúc căn cứ vào đâu? Ðâu là con đường hạnh phúc bạn đang theo đuổi? Bạn có hài lòng với thứ hạnh phúc đó chăng?

 

Mai An

Thứ Tư, ngày 10/05/1995

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page