Bộ Giáo Luật
The Code of Canon Law
Bản dịch việt ngữ của:
Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Quyển VII: Tố Tụng
Phần II: Tố Tụng Hộ Sự
Tiết II:
Tố Tụng Hộ Sự Khẩu Biện
Ðiều 1656: (1) Tố tụng hộ sự khẩu biện nói trong tiết này có thể được xử dụng trong tất cả vụ kiện mà luật không loại trừ, trừ khi một đương sự yêu cầu tiến hành theo tố tụng hộ sự thông thường.
(2) Nếu tố tụng khẩu biện được xử dụng ngoài các trường hợp luật pháp cho phép, các án từ tư pháp sẽ bị vô hiệu.
Ðiều 1657: Tố tụng hộ sự khẩu biện ở tòa sơ cấp sẽ do thẩm phán duy nhất xét xử, chiếu theo quy tắc của điều 1424.
Ðiều 1658: (1) Ngoài những điểm đã nói ở điều 1504, đơn khởi tố còn phải:
1. trình bày vắn tắt, đầy đủ và rõ ràng những sự kiện dựa vào đó nguyên đơn thỉnh nguyện;
2. chỉ rõ các bằng chứng, theo đó nguyên đơn định chứng minh các sự kiện; tuy các bằng chứng ấy không thể đính kèm trong đơn được, nhưng phải làm cách nào để thẩm phán có thể thâu thập tức khắc.
(2) Trong đơn phải đính kèm theo những văn kiện, ít là bằng bản sao công chứng, làm nền tảng cho việc thỉnh nguyện.
Ðiều 1659: (1) Một khi sự cố gắng hòa giải, theo quy tắc của điều 1446, triệt 2, không đem lại kết quả, nếu thẩm phán nhận thấy đơn khởi tố có vài nền tảng, thì trong hạn ba ngày, phải ra một án lệnh phê ở dưới đơn ấy, truyền tống đạt một bản sao của lá đơn đến bị đơn để cáo tri, và cho phép bị đơn, trong hạn mười lăm ngày, phải gởi đến văn phòng tòa án phúc đáp viết ra giấy tờ.
(2) Sự cáo tri này có hiệu lực của lệnh triệu hoán nói ở điều 1512.
Ðiều 1660: Nếu có khước biện của bị đơn đòi hỏi, thẩm phán sẽ ấn định cho nguyên đơn thời hạn để trả lời. Nhờ các yếu tố mà các đương sự trưng dẫn, thẩm phán có thể nhận thấy rõ ràng đối tượng của sự tranh tụng.
Ðiều 1661: (1) Khi mãn các thời hạn nói ở các điều 1659 và 1660, và dựa trên án từ, thẩm phán phải xác định công thức của vấn nạn cần được giải quyết. Tiếp đến, phải đòi tất cả những người liên hệ ra trình diện ở tòa, trong một phiên họp triệu tập trong vòng không quá ba mươi ngày. Khi đòi các đương sự, thẩm phán phải cho họ biết công thức vấn nạn cần được giải quyết.
(2) Trong sự triệu hoán, các đương sự phải được thông báo là họ có thể đệ trình cho tòa án một bản viết ngắn để chứng minh những điều quả quyết của họ, ít nữa là ba ngày trước phiên họp.
Ðiều 1662: Trong phiên họp, trước hết phải xét đến các vấn đề được nói ở các điều 1459-1464.
Ðiều 1663: (1) Các bằng chứng sẽ được thu thập trong phiên họp tuy vẫn giữ quy định của điều 1418.
(2) Ðương sự và luật sư của đương sự có thể tham dự cuộc thẩm vấn của các đương sự khác, của các nhân chứng và của các giám định viên.
Ðiều 1664: Các câu trả lời của các đương sự, của các nhân chứng và của các giám định viên, các thỉnh nguyện và khước biện của các luật sư, phải được lục sự ghi lại trên giấy tờ, nhưng cần ghi cách tóm tắt và ghi phần liên quan đến bản tính của vấn đề tranh tụng; biên bản phải được những người cung khai ký.
Ðiều 1665: Các bằng chứng đã không được trưng dẫn hay yêu cầu trong thỉnh đơn, hay trong các câu trả lời, chỉ có thể được thẩm phán chấp nhận chiếu theo quy tắc của điều 1452; tuy nhiên, sau khi đã nghe dù chỉ là một nhân chứng, thẩm phán chỉ có thể đòi thêm bằng chứng mới chiếu theo quy tắc của điều 1660.
Ðiều 1666: Nếu trong phiên họp ấy không thể thu thập tất cả các bằng chứng thì một phiên họp khác sẽ được triệu tập.
Ðiều 1667: Khi đã thu thập các bằng chứng xong, cuộc tranh luận khẩu biện sẽ diễn ra trong cùng một phiên họp.
Ðiều 1668: (1) Nếu qua cuộc tranh luận, thẩm phán không thấy cần phải bổ túc thẩm cứu cho vụ án, hay không có sự gì khác ngăn trở việc tuyên án hợp thức, thẩm phán sẽ lập tức phán xử vụ kiện một mình sau khi mãn phiên họp. Phần chủ văn bản án phải được đọc liền sau đó cho các đương sự đương tịch.
(2) Tuy nhiên, vì vấn đề khó khăn hay vì lý do chính đáng khác, tòa án có thể hoãn lại việc quyết định cho đến ngày thứ năm tính theo thời gian hữu ích.
(3) Nguyên bản của án văn cùng với các lý do được viện dẫn phải được cáo tri cho các đương sự càng sớm càng tốt, và thường là trong thời hạn mười lăm ngày.
Ðiều 1669: Nếu xét thấy tố tụng hộ sự khẩu biện đã được áp dụng ở tòa sơ cấp trong những trường hợp bị luật pháp loại trừ, tòa kháng cáo phải tuyên bố án văn vô hiệu và gởi trả nội vụ lại cho tòa đã ban hành bản án.
Ðiều 1670: Về những vấn đề khác liên quan đến thủ tục tiến hành phải giữ những quy định ở các điều khoản nói về tố tụng hộ sự thông thường. Tuy nhiên, với một án lệnh có viện dẫn lý do, tòa án có thể quyết định bỏ qua những quy tắc tố tụng nào không được ấn định cho sự hữu hiệu, hầu cho vụ kiện được giải quyết nhanh chóng hơn, miễn sao công lý vẫn được tôn trọng.
(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)