Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển VII: Tố Tụng

Phần II: Tố Tụng Hộ Sự

Tiết I: Tố Tụng Hộ Sự Thông Thường

Thiên 11:

Sự Chấp Hành Án Văn

 

Ðiều 1650: (1) Một án văn đã trở thành vấn đề quyết tụng có được chấp hành, đừng kể khi phải giữ quy định của điều 1647.

(2) Thẩm phán đã tuyên án và, nếu có sự đệ nạp kháng cáo, cả thẩm phán tòa kháng cáo, có thể chiểu chức vụ hoặc do lời thỉnh nguyện của đương sự, ra lệnh thi hành tạm thời án văn chưa trở thành vấn đề quyết tụng, khi liên hệ đến những vấn đề trợ cấp hay trả nợ để có thể sinh sống, hoặc khi có lý do chính đáng nào khác thúc bách, miễn là thiết lập những bảo chứng tương xứng nếu xét là cần.

(3) Nếu án văn nói ở triệt 2 bị kháng nghị, và thẩm phán phải cứu xét việc kháng nghị thấy có căn cứ hữu lý và sự chấp hành án văn có thể gây thiệt hại vô phương cứu vãn, thì thẩm phán có thể đình chỉ sự chấp hành án văn hay đòi hỏi phải nộp tiền bảo đảm.

Ðiều 1651: Sự chấp hành không thể được thực hiện trước khi có án lệnh chấp hành của thẩm phán ra lệnh truyền chấp hành án văn. Án lệnh này, tùy bản chất khác nhau của vụ kiện, có thể được gồm trong chính án văn, hay được ban hành riêng biệt.

Ðiều 1652: Nếu sự chấp hành án văn đòi hỏi sự kê khai tài sản trước, thì vấn đề phụ đới được đặt ra và sẽ được xử do chính thẩm phán đã ban hành án văn được mang ra chấp hành.

Ðiều 1653: (1) Nếu luật địa phương không ấn định cách khác, chính Giám Mục giáo phận tại nơi đã ban hành án văn sơ cấp phải đích thân hay nhờ người khác chấp hành án văn.

(2) Nếu Giám Mục từ chối hay chểnh mảng, việc chấp hành án văn, do sự yêu cầu của đương sự hay chiểu chức vụ, sẽ được chuyển qua nhà chức trách tại nơi mà tòa kháng cáo lệ thuộc, chiếu theo quy tắc của điều 1439, triệt 3.

(3) Ðối với các tu sĩ, việc chấp hành án văn thuộc về Bề Trên đã tuyên hành bản án hay đã ủy nhiệm cho thẩm phán tuyên xử.

Ðiều 1654: (1) Người chấp hành phải thi hành bản án theo đúng nghĩa của văn từ, trừ khi trong chính án văn đã cho phép người ấy phần nào được tự do định đoạt.

(2) Người chấp hành được phép cứu xét các khước biện về cách thức và hiệu lực của việc thi hành, chứ không xét đến nội dung của vụ kiện. Tuy nhiên, nếu biết rõ ràng là bản án vô hiệu hay bất công tỏ tường chiếu theo quy tắc ở các điều 1620, 1622, 1645, thì người chấp hành phải miễn thi hành, và phải giao lại nội vụ cho tòa án đã ban hành án văn, sau khi đã cáo tri cho các đương sự.

Ðiều 1655: (1) Ðối với tố quyền đối vật, khi một đồ vật được phán định là thuộc về nguyên đơn, vật ấy phải được trao cho nguyên đơn liền sau khi xảy ra vấn đề quyết tụng.

(2) Ðối với tố quyền đối nhân, khi bị đơn bị kết án trao một vật động sản, hay trả một số tiền, hay trao đưa hay làm một việc gì, thì thẩm phán trong chính bản văn, hay người chấp hành, tùy theo sự định đoạt khôn ngoan của mình, phải ấn định hạn kỳ để chu toàn nghĩa vụ. Hạn kỳ này không được dưới mười lăm ngày cũng không được quá sáu tháng.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page