Bộ Giáo Luật
The Code of Canon Law
Bản dịch việt ngữ của:
Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Quyển VII: Tố Tụng
Phần II: Tố Tụng Hộ Sự
Tiết I: Tố Tụng Hộ Sự Thông Thường
Thiên 9:
Vấn Ðề Quyết Tụng
Và Sự Phục Hồi Nguyên Trạng
Chương I: Vấn Ðề Quyết Tụng
Ðiều 1641: Ðừng kể quy định nói ở điều 1643, một vấn đề trở thành quyết tụng:
1. nếu có hai bản án y hệt giữa cùng những đương sự về cùng một thỉnh cầu và bởi cùng một lý do;
2. nếu sự kháng cáo chống lại án văn không được đệ nạp trong thời hạn hữu ích;
3. nếu ở cấp kháng cáo, sự thỉnh nguyện đã bị thất hiệu hay đã được bãi nại;
4. nếu có một án chung quyết không được phép kháng cáo chiếu theo quy tắc của điều 1629.
Ðiều 1642: (1) Vấn đề quyết tụng được hưởng uy lực pháp lý, và không thể bị trực tiếp kháng nghị, chỉ trừ khi dựa theo quy tắc của điều 1645, triệt 1.
(2) Vấn đề quyết tụng có hiệu lực luật pháp giữa các đương sự, phát sinh tố quyền về sự việc đã xử và khước biện của vấn đề quyết tụng. Khước biện này cũng có thể được thẩm phán tuyên bố chiếu chức vụ để ngăn cản sự khởi tố nữa của cùng một vụ kiện.
Ðiều 1643: Các vụ kiện về thân trạng, kể cả các vụ án ly thân, không bao giờ trở thành vấn đề quyết tụng.
Ðiều 1644: (1) Nếu hai án văn y hệt đã được ban hành trong một vụ kiện vêà thân trạng, có thể được thượng tố lên tòa kháng cáo trong bất cứ thời gian nào, bằng cách trưng ra những bằng chứng hay luận cứ mới và quan trọng, trong thời hạn thất hiệu là ba mươi ngày kể từ khi đệ đơn kháng nghị. Trong thời hạn một tháng từ khi nhận các bằng chứng và luận cứ mới, tòa kháng cáo phải ra án lệnh quyết định chấp nhận hay bác bỏ thỉnh cầu xét lại vụ kiện.
(2) Sự thượng tố lên tòa án thượng cấp để xin xét lại vụ kiện không làm đình chỉ việc chấp hành án văn, trừ khi luật định thể khác, hoặc khi tòa kháng cáo ra lệnh đình chỉ chiếu theo quy tắc của điều 1650, triệt 3.
Chương II: Phục Hồi Nguyên Trạng
Ðiều 1645: (1) Ðể chống lại một án văn đã trở thành vấn đề quyết tụng, có thể xử dụng đến sự phục hồi nguyên trạng, miễn là án văn ấy bất công tỏ tường.
(2) Chỉ được coi là có sự bất công tỏ tường:
1. nếu án văn dựa trên các bằng chứng mà về sau mới biết là sai; và nếu không nhờ các bằng chứng ấy phần chủ văn bản án không đứng vững;
2. nếu sau đó khám phá thêm các tài liệu chứng minh, không chút hồ nghi, các sự kiện mới đòi hỏi một quyết định ngược lại;
3. nếu bản án được ban hành do sự lường gạt của một đương sự và gây thiệt hại cho đương sự kia;
4. nếu đã bỏ qua một quy định của một điều luật không chỉ có tính cách thuần túy thủ tục;
5. nếu án văn đi ngược lại một quyết định trước, và quyết định ấy đã trở thành vấn đề quyết tụng.
Ðiều 1646: (1) Sự phục hồi nguyên trạng vì những lý do nói ở điều 1645, triệt 2, các số 1-3, phải được yêu cầu nơi thẩm phán đã ban hành án văn trong thời hạn ba tháng kể từ ngày biết được những lý do đó.
(2) Sự phục hồi nguyên trạng vì những lý do nói ở điều 1645, triệt 2, các số 4 và 5, phải được yêu cầu nơi tòa kháng cáo, trong hạn ba tháng kể từ khi công bố án văn. Trong trường hợp nói ở điều 1645, triệt 2 số 5, nếu quyết định trước được biết trễ, thì thời hạn bắt đầu từ khi được biết tin ấy.
(3) Các thời hạn nói trên đây không khởi lưu bao lâu người bị thiệt hại còn là vị thành niên.
Ðiều 1647: (1) Sự thỉnh nguyện phục hồi nguyên trạng đình chỉ việc chấp hành án văn nếu chưa bắt đầu.
(2) Nhưng nếu có những dấu chỉ hữu lý để hồ nghi rằng sự thỉnh nguyện chỉ nhằm đình trệ việc chấp hành, thì thẩm phán có thể quyết định phải chấp hành án văn; tuy nhiên, thẩm phán sẽ có những biện pháp bảo toàn cho người thỉnh nguyện trong trường hợp sự phục hồi nguyên trạng được chấp nhận.
Ðiều 1648: Khi đã chấp nhận sự phục hồi nguyên trạng, thẩm phán phải tuyên án về nội dung của vụ kiện.
(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)