Bộ Giáo Luật
The Code of Canon Law
Bản dịch việt ngữ của:
Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Quyển VII: Tố Tụng
Phần II: Tố Tụng Hộ Sự
Tiết I: Tố Tụng Hộ Sự Thông Thường
Thiên 6:
Sự Công Bố Án Từ, Sự Kết Thúc
Thẩm Cứu Và Sự Tranh Luận
Ðiều 1598: (1) Sau khi đã thu thập các bằng chứng, thẩm phán phải ra án lệnh cho phép các đương sự và luật sư của họ xem xét các án từ mà họ chưa biết, tại văn phòng của tòa án, nếu không thì sẽ vô hiệu. Nếu các luật sư yêu cầu, có thể trao cho họ bản văn án từ. Tuy nhiên, trong những vụ án liên quan đến công ích, để tránh các nguy hiểm rất trầm trọng, thẩm phán có thể quyết định một vài án từ không được tỏ cho ai biết cả, miễn là phải ý tứ để quyền bào chữa luôn luôn được giữ toàn vẹn.
(2) Ðể bổ túc bằng chứng, các đương sự có thể trình cho thẩm phán thêm các bằng chứng khác. Sau khi đã thu nhận chúng, nếu thẩm phán nhận thấy cần, có thể ra một án lệnh nữa như đã nói ở triệt 1.
Ðiều 1599: (1) Khi tất cả những gì liên quan đến việc trưng bằng chứng đã chu tất, thì đến giai đoạn kết thúc thẩm cứu.
(2) Sự kết thúc này xảy ra khi các đương sự tuyên bố họ không còn gì khác nữa để thêm vào, hay thời hạn hữu ích do thẩm phán ấn định để trưng bằng chứng đã hết, hay thẩm phán tuyên bố vụ kiện đã được thẩm cứu tạm đủ.
(3) Dù sự kết thúc xảy ra dưới hình thức nào đi nữa, thẩm phán phải ra một án lệnh tuyên bố kết thúc sự thẩm cứu.
Ðiều 1600: (1) Khi đã kết thúc sự thẩm cứu, thẩm phán vẫn còn có thể triệu tập chính các nhân chứng đã gọi hay các nhân chứng khác, hoặc đòi thêm những bằng chứng khác mà trước đây chưa đòi, nhưng chỉ giới hạn trong những trường hợp sau đây:
1. trong những vụ chỉ liên quan đến ích lợi tư riêng của các đương sự, nếu tất cả các đương sự đều đồng ý;
2. trong những vụ kiện khác, sau khi đã nghe ý kiến các đương sự, và miễn là có lý do trầm trọng và tránh mọi nguy hiểm gian lận hoặc hối lộ;
3. trong hết mọi vụ kiện, khi nào nhận thấy nếu không nhận thêm bằng chứng mới thì bản án sẽ bất công vì lý do nói ở điều 1645, triệt 2, số 1-3.
(2) Tuy nhiên, thẩm phán có thể ra lệnh hay cho phép trình bày một tài liệu đã không được trình bày trước không tại lỗi của đương sự liên hệ.
(3) Các bằng chứng mới phải được công bố theo điều 1598, triệt 1.
Ðiều 1601: Sau khi đã kết thúc thẩm cứu, thẩm phán phải ấn định một hạn kỳ thích hợp để trình bày những lời biện hộ và những nhận xét.
Ðiều 1602: (1) Những lời biện hộ và những nhận xét phải được viết trên giấy tờ, trừ khi thẩm phán, với sự đồng ý của các đương sự, xét rằng chỉ cần một cuộc tranh biện trong một phiên tòa là đủ.
(2) Những lời biện hộ và các tài liệu chính, nếu muốn được ấn hành, phải có phép trước của thẩm phán, miễn là bảo vệ nghĩa vụ giữ bí mật nếu có.
(3) Về tầm độ dài ngắn của lời biện hộ, về số lượng các bản in, hay về các chi tiết khác, cần phải theo quy luật của tòa án.
Ðiều 1603: (1) Sau khi đã trao đổi các lời biện hộ và những nhận xét, mỗi đương sự được quyền trả lời trong thời gian ngắn do thẩm phán ấn định.
(2) Quyền này chỉ được ban cho các đương sự một lần mà thôi, trừ khi vì lý do hệ trọng thẩm phán thấy cần phải cho một lần thứ hai nữa; trong trường hợp ấy, nếu đã ban cho một đương sự này, thì đương sự kia cũng được hưởng.
(3) Chưởng lý và bảo vệ có quyền đối đáp một lần nữa các câu trả lời của các đương sự.
Ðiều 1604: (1) Tuyệt đối cấm các đương sự, các luật sư hay những người đệ tam cung cấp cho thẩm phán những sự thông tin khác không nằm trong án từ vụ kiện.
(2) Nếu sự tranh luận vụ kiện đã được thực hiện trên giấy tờ, thẩm phán có thể ấn định một cuộc tranh luận khẩu biện trong một phiên tòa, để làm sáng tỏ một vài vấn đề.
Ðiều 1605: Trong một cuộc tranh luận khẩu biện nói ở điều 1602, triệt 1 và 1604, triệt 2, lục sự phải có mặt để nếu thẩm phán ra lệnh hay một đương sự yêu cầu và thẩm phán đồng ý, có thể ghi tức khắc vào biên bản những gì đã được bàn cãi và kết luận.
Ðiều 1606: Nếu các đương sự xao lãng không lo chuẩn bị biện hộ trong thời gian hữu ích, hay họ phó thác cho sự hiểu biết và lương tâm của thẩm phán, và, nếu thẩm phán nhận thấy qua các án từ và bằng chứng là vấn đề đã được cứu xét cặn kẽ, thì thẩm phán có thể tuyên án lập tức, sau khi đã hỏi nhận xét của chưởng lý và của bảo hệ, nếu họ đã can thiệp vào sự tố tụng.
(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)