Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển VII: Tố Tụng

Phần II: Tố Tụng Hộ Sự

Tiết I: Tố Tụng Hộ Sự Thông Thường

Thiên 4:

Bằng Chứng

 

Ðiều 1526: (1) Ai quả quyết thì có trách vụ phải dẫn chứng.

(2) Không cần trưng dẫn bằng chứng:

1. điều do luật pháp suy đoán;

2. sự kiện được một đương sự đối tranh quả quyết và được đối phương thừa nhận, trừ khi luật pháp hay thẩm phán đòi thêm bằng chứng.

Ðiều 1527: (1) Ðược phép thu dụng bất cứ bằng chứng nào xem ra hữu ích để làm sáng tỏ vụ kiện, miễn là phải hợp pháp.

(2) Nếu đương sự yêu cầu thu nhận bằng chứng đã bị thẩm phán loại bỏ, thì chính thẩm phán sẽ phán định về vấn đề ấy hết sức nhanh chóng.

Ðiều 1528: Nếu một đương sự hay một nhân chứng từ chối trình diện để trả lời trước thẩm phán, thì luật cho phép được hỏi cung kể cả nhờ một người giáo dân do thẩm phán chỉ định, hay đòi họ nạp lời khai trước một công chứng viên hay bằng bất cứ phương cách hợp thức nào khác.

Ðiều 1529: Trừ khi có lý do hệ trọng, thẩm phán không được bắt đầu thu thập bằng chứng trước khi có sự đối tụng.

 

Chương I: Lời Khai Của Các Ðương Sự

Ðiều 1530: Thẩm phán luôn luôn có thể thẩm vấn các đương sự để thấu rõ thêm sự thật; hơn nữa, thẩm phán buộc phải thẩm vấn nếu một đương sự yêu cầu, hay để chứng minh một sự kiện mà công ích đòi hỏi phải được đặt ra khỏi mọi dị nghị.

Ðiều 1531: (1) Ðương sự nào được thẩm vấn hợp pháp thì buộc phải trả lời và phải nói tất cả sự thật.

(2) Nếu đương sự từ chối không chịu trả lời, thẩm phán sẽ thẩm định xem điều gì có thể suy diễn được từ đó để chứng minh các sự kiện.

Ðiều 1532: Trong trường hợp liên quan đến công ích, thẩm phán phải buộc các đương sự thề sẽ nói sự thật, hay ít nữa là đã nói sự thật, trừ khi có lý do hệ trọng khuyên làm thể khác; trong những trường hợp khác, để tùy sự khôn ngoan của thẩm phán.

Ðiều 1533: Các đương sự, chưởng lý và bảo hệ có thể trình bày cho thẩm phán những câu hỏi mà dựa theo đó một đương sự có thể bị thẩm vấn.

Ðiều 1534: Các quy tắc ấn định ở các điều 1548, triệt 2, số 1, 1552 và 1558-1565 về các nhân chứng, cũng được áp dụng cân xứng trong việc thẩm vấn các đương sự.

Ðiều 1535: Sự thú nhận tư pháp là sự xác nhận bất lợi cho mình về một sự kiện liên can tới đối tượng của vụ kiện, do một đương sự viết trên giấy tờ, hay nói miệng, hoặc tự ý hoặc do thẩm phán hỏi cung, trước mặt thẩm phán có thẩm quyền.

Ðiều 1536: (1) Sự thú nhận tư pháp của một đương sự, nếu thuộc một vấn đề tư và không liên quan đến công ích, sẽ miễn cho các đương sự khác khỏi phải trưng bằng chứng.

(2) Tuy nhiên, trong những vụ án liên quan đến công ích, sự thú nhận tư pháp và các lời khai không có tính cách thú nhận của đương sự có thể có giá trị chứng minh, tùy theo thẩm phán ước định hoàn cảnh của vụ kiện; nhưng chúng không thể có giá trị chứng minh hoàn toàn nếu không được bổ túc bằng những yếu tố vững chắc khác.

Ðiều 1537: Ðối với sự thú nhận ngoại tụng được dẫn ra trong lúc tố tụng, thẩm phán phải ước định xem nó có giá trị đến mức độ nào, sau khi cân nhắc tất cả mọi hoàn cảnh.

Ðiều 1538: Sự thú nhận hay bất cứ lời khai nào của một đương sự sẽ vô giá trị nếu dựa trên sự sai lầm về sự kiện hay bị cưỡng bách bằng võ lực hay vì sợ hãi trầm trọng.

 

Chương II: Chứng Minh bằng Tài Liệu

Ðiều 1539: Sự chứng minh bằng tài liệu, hoặc công hoặc tư, được chấp nhận trong bất cứ vụ kiện nào.

 

Mục 1: Bản chất và giá trị chứng minh của các tài liệu

Ðiều 1540: (1) Những tài liệu công của Giáo Hội là những tài liệu được thảo ra do một nhân vật công hành sử chức vụ mình trong Giáo Hội và tuân giữ những thủ tục pháp định.

(2) Những tài liệu công của chính quyền là những tài liệu mà luật pháp địa phương nhìn nhận như thế.

(3) Tất cả những tài liệu khác đều là tài liệu tư.

Ðiều 1541: Trừ khi chứng minh được bằng luận cứ ngược lại và hiển nhiên, các tài liệu công thị thực tất cả những gì được quả quyết trực tiếp và chính yếu trong đó.

Ðiều 1542: Tài liệu tư, được một đương sự thừa nhận hoặc được thẩm phán chấp nhận, có hiệu lực chứng minh như một sự thú nhận ngoại tụng, đối kháng lại tác giả hay người ký tên và những người kế quyền; đối với những người đệ tam, chúng có hiệu lực như các lời khai không có tính cách thú nhận theo quy tắc của điều 1536, triệt 2.

Ðiều 1543: Nếu các tài liệu có mang nhiều gạch xóa, sửa chữa, phụ thêm, hay hà tì nào khác, thẩm phán sẽ ước định tài liệu ấy có đáng tin hay tin được đến mức nào.

 

Mục 2: Xuất trình tài liệu

Ðiều 1544: Các tài liệu không có hiệu lực chứng minh trong vụ kiện nếu không được xuất trình bản chính hoặc bản sao công chứng và được đệ nạp ở văn phòng tòa án, để thẩm phán và đối phương có thể cứu xét.

Ðiều 1545: Thẩm phán có thể ra lệnh xuất trình trong vụ kiện một tài liệu chung của cả đôi bên đương sự.

Ðiều 1546: (1) Không ai bị bắt buộc phải xuất trình tài liệu, dù là tài liệu chung, trong trường hợp nếu sự tiết lộ tài liệu có thể gây ra thiệt hại nói đến ở điều 1548, triệt 2, số 2, hoặc có thể vi phạm một bí mật phải giữ kín.

(2) Tuy nhiên, nếu có thể trích lục ít nữa là một phần của tài liệu và trình bày như một bản sao mà không có sự bất tiện nói trên, thẩm phán có thể ra lệnh xuất trình.

 

Chương III: Các Nhân Chứng Và Sự Làm Chứng

Ðiều 1547: Trong bất cứ vụ án nào cũng đều được chấp nhận bằng chứng qua các nhân chứng, dưới sự điều hành của thẩm phán.

Ðiều 1548: (1) Các nhân chứng phải nói sự thật khi thẩm phán hỏi cách hợp pháp.

(2) Ngoài quy định ở điều 1550, triệt 2, số 2, được chuẩn miễn khỏi trả lời:

1. các giáo sĩ, trong những vấn đề mà họ biết được do chức vụ thánh; các thẩm phán nhà nước, các bác sĩ, các nữ hộ sinh, các luật sư, các lục sự, và những người khác phải giữ bí mật nghề nghiệp, kể cả khi họ chỉ giữ vai trò cố vấn, song thuộc phạm vi vấn đề mà họ phải giữ bí mật.

2. những người sợ vì sự làm chứng của mình mà chính bản thân, hoặc người phối ngẫu, hoặc những người bà con họ hàng của mình phải bị tiếng xấu, bị đối xử tàn tệ, hay những hiểm họa khác.

 

Mục 1: Những người có thể làm nhân chứng

Ðiều 1549: Tất cả mọi người đều có thể làm nhân chứng, nếu không bị luật pháp minh thị gạt bỏ hoặc hoàn toàn hoặc bán phần.

Ðiều 1550: (1) Không được nhận làm nhân chứng các vị thành niên dưới mười bốn tuổi và những người suy nhược về tinh thần; tuy nhiên, họ có thể cung khai do án lệnh của thẩm phán tuyên bố sự lợi ích của lời khai của họ.

(2) Những người sau đây phải được kể là không có năng cách làm chứng:

1. các đương sự trong vụ kiện, hay những người thay mặt các đương sự trước tòa, thẩm phán và những người phụ tá của thẩm phán, luật sư và những người đang hay đã giúp đỡ các đương sự trong cùng một vụ kiện ấy;

2. các linh mục trong tất cả những điều gì biết được do bí tích thống hối, dù cả khi hối nhân yêu cầu tiết lộ những điều ấy. Hơn nữa, bất cứ điều gì mà một người nghe được bằng bất cứ cách nào nhân dịp xưng tội, cũng không thể được chấp nhận, dù chỉ như là một điềm chỉ của sự thật.

 

Mục 2: Sự thâu nhận và loại trừ nhân chứng

Ðiều 1551: Ðương sự nào đã đưa một nhân chứng ra trước tòa án, có thể khước từ việc chấp cung nhân chứng ấy; nhưng bên đối phương có thể yêu cầu để, mặc dầu vậy, nhân chứng ấy phải được chất vấn.

Ðiều 1552: (1) Khi muốn yêu cầu lấy bằng chứng qua các nhân chứng, thì phải nộp cho tòa án tên và địa chỉ của họ.

(2) Phải nộp trình, trong hạn kỳ do thẩm phán ấn định, các điểm nào muốn chấp cung các nhân chứng; nếu không, phải kể là lời yêu cầu đã bị bãi bỏ.

Ðiều 1553: Thẩm phán có bổn phận hạn chế số lượng quá đáng của các nhân chứng.

Ðiều 1554: Trước khi thẩm vấn các nhân chứng, tên của họ phải được thông báo cho các đương sự. Nếu, theo sự ước đoán khôn ngoan của mình, thẩm phán thấy không thể làm như thế mà không khỏi gây khó khăn hệ trọng, thì sự thông báo ấy phải làm ít là trước khi công bố các lời chứng.

Ðiều 1555: Ðừng kể quy định ở điều 1550, một đương sự có thể yêu cầu loại trừ một nhân chứng, nếu có lý do chính đáng để loại trừ, trước khi nhân chứng ấy cung khai.

Ðiều 1556: Sự triệu hoán nhân chứng ra tòa phải được cáo tri hợp lệ cho nhân chứng bằng án lệnh của thẩm phán.

Ðiều 1557: Khi bị triệu hoán ra tòa cách hợp thức, nhân chứng phải trình diện, hay phải báo cho thẩm phán biết lý do vắng mặt của mình.

 

Mục 3: Sự thẩm vấn nhân chứng

Ðiều 1558: (1) Nhân chứng phải được thẩm vấn tại chính trụ sở tòa án, trừ khi thẩm phán định cách khác.

(2) Các Hồng Y, các Thượng Phụ, các Giám Mục, và những người theo luật quốc gia được hưởng đặc ân tương tự, sẽ được thẩm vấn tại nơi mà chính các người ấy lựa chọn.

(3) Thẩm phán sẽ quyết định nơi để chấp cung những người vì xa xôi, vì đau bệnh, hay vì ngăn trở nào khác mà không thể hay khó đến trụ sở tòa án, đừng kể những quy định ở các điều 1418 và 1469, triệt 2.

Ðiều 1559: Các đương sự không được tham dự vào việc chấp cung các nhân chứng, trừ khi thẩm phán quyết định cho vào tham dự, cách riêng khi là vấn đề thuộc tư ích. Tuy nhiên, các luật sư hay các người thụ ủy của họ có thể được tham dự, trừ khi vì những hoàn cảnh sự vật và nhân sự, thẩm phán quyết định phải tiến hành cách kín đáo.

Ðiều 1560: (1) Các nhân chứng phải được thẩm vấn riêng từng người một.

(2) Nếu các nhân chứng bất đồng ý kiến với nhau hay với một đương sự về một vấn đề quan trọng, thẩm phán có thể cho những người ấy gặp nhau, tức là đối chất với nhau, nhưng phải làm hết sức để loại bỏ sự cãi cọ và gương xấu.

Ðiều 1561: Sự thẩm vấn nhân chứng được thực hiện do thẩm phán, hay do người được thẩm phán ủy nhiệm, hay do dự thẩm và phải được lục sự tham dự. Vì thế, trừ khi luật địa phương định cách khác, nếu các đương sự hay chưởng lý hay bảo vệ hay các luật sư hiện diện trong cuộc thẩm vấn có điều gì muốn hỏi nhân chứng, thì không được hỏi thẳng nhân chứng, nhưng phải đề nghị câu hỏi lên thẩm phán hay người thay thế thẩm phán, để chính người này hỏi lại nhân chứng.

Ðiều 1562: (1) Thẩm phán phải nhắc nhở cho nhân chứng nghĩa vụ nặng phải nói lên tất cả sự thật và chỉ nói sự thật mà thôi.

(2) Thẩm phán sẽ buộc nhân chứng tuyên thệ chiếu theo điều 1532; nhưng nếu nhân chứng từ chối không thề, nhân chứng vẫn được cung khai mà không phải thề.

Ðiều 1563: Trước tiên, thẩm phán phải kiểm điểm lý lịch của nhân chứng; hỏi nhân chứng có tương quan nào với các đương sự, và khi đặt những câu hỏi riêng biệt liên hệ đến các vụ kiện, cũng phải hỏi nhân chứng bởi đâu họ biết được, và vào lúc nào họ đã biết được điều mà họ quả quyết.

Ðiều 1564: Các câu hỏi phải ngắn gọn, vừa hợp với tầm hiểu biết của người được thẩm vấn, không bao hàm một lúc nhiều vấn đề, không quanh co, không xảo quyệt, không gợi ra câu trả lời, không có tính cách khiêu khích, và phải liên quan đến các vụ kiện đang được cứu xét.

Ðiều 1565: (1) Những câu hỏi sẽ không được thông báo trước cho các nhân chứng.

(2) Tuy nhiên, nếu các sự kiện phải được làm chứng rất xa hồi ký đến nỗi nếu không gợi lại trước thì sẽ không quả quyết chắc chắn được, thì thẩm phán có thể báo trước cho nhân chứng một vài điểm, nếu nhận thấy điều đó sẽ không có gì nguy hại.

Ðiều 1566: Nhân chứng phải cung khai miệng, không được đọc điều đã viết sẵn, trừ khi phải nói đến số mục hay tính toán; trong trường hợp này, họ được phép tham khảo những điều ghi chú mà họ mang theo.

Ðiều 1567: (1) Các câu trả lời phải được lục sự ghi chép ngay và phải ghi nguyên văn lời chứng, ít nữa là những điều liên hệ trực tiếp đến vấn đề phán xử.

(2) Có thể cho phép xử dụng máy ghi âm, miễn là sau đó các lời đáp phải được ghi chép lại trên giấy tờ, và nếu có thể được, phải được những người đã cung khai ký tên.

Ðiều 1568: Lục sự phải ghi vào các án từ: lời thề đã được đọc, được chuẩn hay bị từ chối; sự có mặt của các đương sự và của những người đệ tam; các câu hỏi được thêm vào chiếu theo chức vụ; và nói chung, tất cả những gì đáng ghi nhớ trong khi xảy ra cuộc thẩm vấn các nhân chứng.

Ðiều 1569: (1) Sau khi thẩm vấn xong, phải đọc lại cho nhân chứng nghe những điều họ cung khai mà lục sự đã ghi, hay cho họ nghe lại những điều họ cung khai đã được ghi âm; và phải cho nhân chứng được quyền thêm, bỏ, sửa chữa, và thay đổi các lời đã khai.

(2) Sau cùng, nhân chứng, thẩm phán và lục sự phải ký tên vào án từ.

Ðiều 1570: Trước khi công bố các án từ hoặc lời chứng, các nhân chứng, mặc dù đã được thẩm vấn rồi, cũng có thể được mời ra để thẩm vấn thêm, hoặc do lời yêu cầu của một đương sự, hoặc chiếu theo chức vụ, nếu thẩm phán thấy cần thiết hay hữu ích, miễn là không có nguy cơ nào về việc thông đồng hay hối lộ.

Ðiều 1571: Tùy theo sự ước lượng công bình của thẩm phán, các nhân chứng phải được hoàn lại các chi phí họ đã tốn, hoặc lợi đắc mà họ đã mất vì việc ra tòa để làm chứng.

 

Mục 4: Tín lực của các lời chứng

Ðiều 1572: Trong việc thẩm định các lời chứng, thẩm phán phải cứu xét những điều sau đây, sau khi đòi hỏi những chứng thư nếu cần:

1. địa vị và sự thành thực của nhân chứng;

2. nhân chứng khai điều chính mình biết, nhất là do tự mắt thấy tai nghe, hay chỉ là điều suy tưởng, hoặc dựa theo dư luận, hay nghe những người khác kể lại;

3. nhân chứng có kiên trì, chắc chắn và mạch lạc với mình hay không; hay là năng thay đổi, không chắc chắn hay ngập ngừng;

4. những lời chứng đã cung khai có được các nhân chứng khác hỗ trợ, hay được xác nhận bằng những yếu tố minh chứng khác hay không.

Ðiều 1573: Sự cung khai của một nhân chứng duy nhất không thể có tín lực hoàn toàn, đừng kể khi người ấy là một nhân chứng có tư cách chuyên môn và cung khai về những sự việc đã được chính họ thực hiện do chức vụ, hay khi các hoàn cảnh sự vật và nhân sự khuyến dẫn cách khác.

 

Chương IV: Các Giám Ðịnh Viên

Ðiều 1574: Phải nhờ đến các giám định viên giúp đỡ mỗi khi luật pháp hay thẩm phán đòi hỏi sự khảo sát và ý kiến của họ, dựa trên các quy tắc của kỹ thuật và khoa học của họ, để chứng minh một sự kiện hay để biết bản tính thật của một sự vật.

Ðiều 1575: Thẩm phán có quyền bổ dụng các giám định viên sau khi nghe ý kiến hay đề nghị của các đương sự; hoặc, nếu có, thu nạp bản phúc trình đã được các giám định viên thảo ra.

Ðiều 1576: Các giám định viên có thể bị loại trừ hay bị cáo tị vì cùng những lý do như các nhân chứng.

Ðiều 1577: (1) Căn cứ trên những gì thu thập được từ các đương sự tranh tụng, thẩm phán phải xác định, bằng một án lệnh, từng điểm một về những gì mà các giám định viên phải cho biết ý kiến.

(2) Phải trao cho giám định viên các án từ của vụ kiện và những hồ sơ và các tài liệu khác mà họ có thể cần để chu toàn nhiệm vụ cách đúng đắn và trung thực.

(3) Sau khi bàn hỏi với các giám định viên, thẩm phán phải ấn định một thời hạn để hoàn tất việc khảo sát và đệ nộp bản phúc trình.

Ðiều 1578: (1) Mỗi giám định viên phải làm một bản phúc trình riêng rẽ trừ khi thẩm phán ra lệnh tất cả phải làm chung một bản, và mỗi người phải ký tên vào; trong trường hợp này, nếu có những ý kiến xung khắc, thì phải ghi chú cẩn thận.

(2) Các giám định viên phải chỉ rõ do tài liệu nào hay do những phương thức thích hợp nào mà họ đã kiểm nhận hình dạng của những người, những sự vật và nơi chốn; cũng phải chỉ rõ họ đã dùng đường lối và tiêu chuẩn nào để chu tất nhiệm vụ được giao phó, và nhất là phải chỉ rõ họ đã dựa trên luận cứ nào để đi đến kết luận.

(3) Nếu cần, giám định viên có thể được thẩm phán gọi đến để giải thích thêm.

Ðiều 1579: (1) Thẩm phán phải cân nhắc cẩn thận không những các kết luận của các giám định viên, dù là kết quả đồng nhất, mà cả các hoàn cảnh khác của vụ kiện nữa.

(2) Khi trình bày lý do quyết định của mình, thẩm phán phải xác định những luận cứ nào đã đưa mình đến việc chấp nhận hay loại bỏ các kết luận của các giám định viên.

Ðiều 1580: Các giám định viên phải được trả phí tổn và thù lao do thẩm phán ấn định cách hợp lẽ và công bình, cũng như phải dựa theo luật địa phương.

Ðiều 1581: (1) Các đương sự có thể chọn giám định viên tư, nhưng phải được thẩm phán chấp thuận.

(2) Sau khi đã được thẩm phán thừa nhận, các giám định viên ấy có thể khảo sát các án từ của vụ kiện, tùy theo mức độ cần thiết, và theo dõi diễn tiến của việc giám định; tuy nhiên, họ luôn luôn có thể nộp bản phúc trình riêng của mình.

 

Chương V: Lý Khám Trường Sở

Ðiều 1582: Nếu để tra vấn một vụ kiện, thẩm phán thấy cần phải đi đến tận một nơi hay cần khám sát một vật nào, thẩm phán sẽ quyết định bằng một án lệnh trong đó kê khai sơ lược, sau khi đã hỏi ý kiến của các đương sự, những gì phải khám sát.

Ðiều 1583: Sau khi khám sát xong, một biên bản phải được thành lập.

 

Chương VI: Những Suy Ðoán

Ðiều 1584: Sự suy đoán là phỏng đoán hữu lý về một việc không chắc chắn. Suy đoán pháp định là suy đoán đã được chính luật pháp ấn định; suy đoán nhân định là suy đoán của thẩm phán.

Ðiều 1585: Người nào có suy đoán pháp định thuận lợi về phía mình thì được miễn khỏi phải trưng bằng chứng; trách vụ dẫn chứng thuộc về đối phương.

Ðiều 1586: Thẩm phán không được đưa ra những suy đoán mà không được luật pháp ấn định nếu không dựa trên một sự kiện chắc chắn và nhất định, trực tiếp liên quan đến vấn đề đang tranh chấp.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page