Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển VII: Tố Tụng

Phần II: Tố Tụng Hộ Sự

Tiết I: Tố Tụng Hộ Sự Thông Thường

Thiên 1:

Việc Khởi Tố

 

Chương I: Ðơn Khởi Tố

Ðiều 1501: Thẩm phán không được xét một vụ kiện nếu không có đơn thỉnh nguyện do người có lợi ích, hay do chưởng lý, đệ lên theo quy tắc giáo luật.

Ðiều 1502: Ai muốn kiện một người khác phải đệ đơn đến thẩm phán có thẩm quyền. Trong đơn phải nói đối tượng của sự tranh tụng và xin thẩm phán can thiệp.

Ðiều 1503: (1) Thẩm phán có thể nhận sự thỉnh cầu miệng khi nguyên đơn bị ngăn trở không đệ đơn được, hay khi vụ án dễ cứu xét và không quan trọng.

(2) Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, thẩm phán phải ra lệnh cho lục sự thảo án từ trên giấy tờ và phải đọc cho đương sự nghe để chấp thuận. Giấy này thay thế cho đơn khởi tố của nguyên đơn xét về hết các hiệu lực pháp lý.

Ðiều 1504: Ðơn khởi tố phải:

1. nêu lên vụ kiện được đưa ra trước thẩm phán nào, thỉnh cầu điều gì và đối lại với ai;

2. chỉ rõ quyền lợi nào nguyên đơn dựa vào mà khởi tố, và, ít là cách sơ lược, những sự kiện và bằng chứng nào để xác lập những điều mình quả quyết;

3. được nguyên đơn hay người thụ ủy ký tên; ghi ngày, tháng và năm, cũng như nơi mà nguyên đơn hay người thụ ủy cư ngụ, hay nơi mà họ chọn để nhận án từ;

4. chỉ rõ cư sở hay bán cư sở của bị đơn.

Ðiều 1505: (1) Sau khi nhận thấy vấn đề thuộc về thẩm quyền của mình, và nguyên đơn không thiếu năng cách hợp lệ để ra tòa, thẩm phán duy nhất hay chánh án tòa án tập đoàn phải ra án lệnh chấp đơn hay bác đơn.

(2) Ðơn chỉ có thể bị bác:

1. nếu thẩm phán hay tòa án không có thẩm quyền;

2. nếu rõ ràng nguyên đơn thiếu năng cách hợp pháp để ra tòa;

3. nếu không giữ các quy định ở điều 1504, số 1-3;

4. nếu qua đơn khởi tố, thấy rằng điều thỉnh nguyện hoàn toàn vô căn cứ, và sẽ không thể nào xuất hiện một nền tảng trong khi diễn tiến vụ án.

(3) Nếu đơn bị bác vì một hà tì có thể sửa chữa được, nguyên đơn có thể trình lại một đơn khác hợp thức và nộp trình cho thẩm phán đã bác đơn.

(4) Trong hạn mười ngày, đương sự nếu viện đủ lý lẽ, có thể kháng cáo về sự bác đơn lên tòa án kháng cáo, hay lên tòa án tập đoàn nếu đơn bị chánh án bác. Vấn đề bác đơn phải được quyết định hết sức mau lẹ.

Ðiều 1506: Nếu trong hạn một tháng kể từ khi nộp đơn mà thẩm phán không ra án lệnh chấp hay bác đơn theo quy tắc của điều 1505, đương sự quan thiết có thể đốc thúc đòi thẩm phán phải chu toàn bổn phận của mình. Sau khi đốc thúc như thế mà thẩm phán vẫn không trả lời, thì sau mười ngày trôi qua, đơn được kể như được chấp nhận.

 

Chương II: Sự Triệu Hoán Và Sự Cáo Tri Án Từ

Ðiều 1507: (1) Trong án lệnh chấp đơn của nguyên đơn, thẩm phán hay chánh án phải gọi ra tòa hay triệu hoán các đương sự khác để xác định đối tượng tranh tụng, bằng cách ấn định cho các đương sự phải trả lời bằng giấy tờ, hay trình diện trước thẩm phán để thỏa thuận những nghi vấn. Nếu qua sự trả lời viết, thẩm phán nhận thấy sự cần thiết phải triệu tập các đương sự, thì có thể ấn định điều đó bằng một án lệnh.

(2) Nếu đơn được chấp nhận theo quy tắc của điều 1506, thì án lệnh đòi ra tòa phải được ban hành trong hạn hai mươi ngày kể từ lúc đốc thúc nói ở điều luật ấy.

(3) Nếu các đương sự đối tranh tự động trình diện trước thẩm phán để kiện, thì không cần phải triệu hoán nữa; song lục sự phải ghi chú trong án từ là các đương sự đã có mặt ở tòa.

Ðiều 1508: (1) Án lệnh triệu ra tòa phải được cáo tri tức khắc cho bị đơn và đồng thời, cho những người nào phải ra trình diện.

(2) Ðơn khởi tố sẽ được gởi kèm lệnh triệu hoán, trừ khi vì lý do hệ trọng, thẩm phán nhận thấy không nên cho đương sự biết đơn khởi tố trước khi xuất đình.

(3) Nếu vụ kiện chống lại một người không có tự do hành sử quyền lợi của mình, hay không được tự do quản trị những sự vật đang bị tranh chấp, thì lệnh đòi ra tòa, tùy trường hợp, phải được cáo tri cho người giám hộ, người quản tài, người thụ ủy đặc biệt, hay đến người nào, chiếu theo luật pháp, phải nhân danh bị đơn để theo đuổi việc tố tụng.

Ðiều 1509: (1) Sự cáo tri các lệnh triệu hoán, các án lệnh, phán quyết, và các án từ khác phải được thực hiện qua bưu điện hay bằng cách nào khác chắc chắn hơn cả, miễn là giữ các quy tắc do luật địa phương ấn định.

(2) Sự kiện và cách thức cáo tri phải được ghi chú trong án từ.

Ðiều 1510: Nếu bị đơn từ chối không nhận lệnh triệu hoán, hay ngăn cản không cho sự triệu hoán đến tay mình, thì được coi như đã được triệu hoán hợp lệ.

Ðiều 1511: Nếu lệnh triệu hoán không được cáo tri hợp thức, những án từ của vụ kiện trở thành vô hiệu, đừng kể quy định của điều 1507, triệt 3.

Ðiều 1512: Một khi lệnh triệu hoán được cáo tri hợp thức, hoặc khi các đương sự tự động trình diện trước thẩm phán để lập vụ kiện:

1. nội vụ không còn có tính cách yên ổn nữa;

2. vụ kiện trở nên là của thẩm phán hay của tòa án ở nơi mà tố quyền nại đến, miễn là họ có thẩm quyền;

3. quyền tài phán của thẩm phán thụ ủy được củng cố và vì vậy, không bị chấm dứt do sự mãn nhiệm của người chủ ủy;

4. thời hiệu bị gián đoạn, ngoại trừ khi đã có dự liệu cách khác;

5. cuộc tranh tụng khai mào; và do đó lập tức áp dụng nguyên tắc: "bao lâu cuộc tranh tụng chưa ngã ngũ, thì không được thay đổi gì hết" (lite pendente, nihil innovetur).

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page