Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển VII: Tố Tụng

Phần I: Sự Phán Xử Nói Chung

Thiên 4:

Các Ðương Sự Trong Vụ Kiện

 

Chương I: Nguyên Ðơn Và Bị Ðơn

Ðiều 1476: Bất cứ ai, đã được rửa tội hay không, cũng có thể đầu đơn khởi tố; bên bị kiện hợp lệ phải trả lời.

Ðiều 1477: Mặc dù nguyên đơn hay bị đơn đã chọn người thụ ủy hay luật sư, họ vẫn buộc phải luôn đích thân trình diện ở tòa theo quy định của luật pháp hay của thẩm phán.

Ðiều 1478: (1) Những vị thành niên và những người thiếu xử dụng trí khôn chỉ có thể ra tòa nhờ cha mẹ, hay người giám hộ, hay người quản tài, đừng kể quy định ở triệt 3.

(2) Nếu thẩm phán xét rằng quyền lợi của các vị thành niên xung đột với quyền lợi của cha mẹ, của người giám hộ, hay của người quản tài, hoặc xét rằng những người này không thể bảo vệ hoàn toàn những quyền lợi của các vị thành niên, thì thẩm phán phải chỉ định một người giám hộ hay người quản tài riêng cho các vị thành niên trước tòa.

(3) Nhưng trong những vụ thiêng liêng hay liên quan đến việc thiêng liêng, nếu vị thành niên đã biết xử dụng trí khôn, thì có thể khởi tố hoặc trả lời mà không cần phải có sự ưng thuận của cha mẹ hay người giám hộ; và nếu đã đủ mười bốn tuổi trọn, các em có thể đích thân ra tòa; nếu không, thẩm phán phải chỉ định cho họ một người quản tài.

(4) Những người bị cấm quản trị tài sản và những người tàn tật tâm trí, chỉ có thể đích thân ra tòa để trả lời về tội phạm của mình hay khi có lệnh của thẩm phán. Trong những vấn đề khác, họ phải khởi tố và trả lời nhờ những người quản tài của họ.

Ðiều 1479: Khi người giám hộ hay quản tài đã được chính quyền dân sự chỉ định, thì họ có thể được thẩm phán Giáo Hội chấp nhận sau khi hỏi ý kiến, nếu có thể được, của Giám Mục giáo phận của chính người được ủy thác cho người giám hộ hay quản tài. Nếu không có người giám hộ hay quản tài, hay nếu xét thấy người đã đặt không thể chấp nhận được, thì chính thẩm phán phải chỉ định một người giám hộ hay một người quản tài cho vụ kiện.

Ðiều 1480: (1) Các pháp nhân ra tòa qua những người đại diện hợp pháp của họ.

(2) Trong trường hợp không có đại diện hay người này chểnh mảng, thì chính Bản Quyền phải tự mình hay nhờ người khác ra tòa thay cho pháp nhân thuộc quyền của mình.

 

Chương II: Các Người Thụ Ủy Cho Vụ Kiện Và Các Luật Sư

Ðiều 1481: (1) Các đương sự có thể tự ý chọn cho mình một luật sư và một người thụ ủy. Tuy nhiên, ngoài những trường hợp nói ở triệt 2 và 3, đương sự có thể đích thân khởi tố hoặc trả lời, trừ khi thẩm phán thấy cần phải có sự giúp đỡ của một người thụ ủy hay một luật sư.

(2) Trong một phán xử hình sự, bị cáo luôn luôn phải có một luật sư do chính mình chọn hay do thẩm phán chỉ định.

(3) Trong một phán xử hộ sự có liên quan đến các vị thành niên hay công ích, ngoại trừ các vụ hôn phối, thẩm phán phải chiểu chức vụ đặt một người biện hộ cho bên nào thiếu người bảo vệ.

Ðiều 1482: (1) Mỗi người chỉ có quyền chọn cho mình một người thụ ủy; người này không được nhờ người khác thay thế mình, nếu không có năng quyền minh thị cho phép.

(2) Tuy nhiên, nếu có lý do chính đáng, một người cũng có thể chọn nhiều người thụ ủy; nhưng những người này phải được chỉ định thể nào để giữa họ có thứ tự ưu tiên.

(3) Có thể chọn nhiều luật sư cùng một lúc.

Ðiều 1483: Người thụ ủy và luật sư phải là người trưởng thành và có thanh danh; ngoài ra, luật sư phải là công giáo, trừ khi Giám Mục giáo phận cho phép cách khác, và có bằng tiến sĩ giáo luật, hay phải là một chuyên viên thật sự, và được chính Giám Mục ưng chuẩn.

Ðiều 1484: (1) Trước khi đảm nhiệm chức vụ, người thụ ủy và luật sự phải nạp ở tòa án ủy nhiệm thư công chính.

(2) Tuy nhiên, để tránh cho một quyền lợi khỏi bị tiêu hủy, thẩm phán có thể chấp nhận một người thụ ủy cả khi người này không trình ủy nhiệm thư, miễn là được bảo đảm thích hợp. Nhưng án từ sẽ mất hiệu lực nếu trong hạn kỳ thất hiệu do thẩm phán ấn định, người thụ ủy không đệ trình ủy nhiệm thư cách hợp thức.

Ðiều 1485: Nếu không có ủy nhiệm thư đặc biệt, người thụ ủy không thể thi hành cách hữu hiệu sự từ khước tố quyền, sự tiến hành vụ kiện hay các hành vi tư pháp; cũng như không thể điều đình, thỏa hiệp, dàn xếp trọng tài, và nói chung những vấn đề mà luật pháp đòi phải có ủy nhiệm thư đặc biệt.

Ðiều 1486: (1) Ðể việc triệu hồi người thụ ủy và luật sư có hiệu lực, cần phải thông báo cho họ biết; nếu sự đối tụng đã bắt đầu, phải thông báo sự triệu hồi cho cả thẩm phán và đương sự đối phương biết nữa.

(2) Sau khi phán quyết được ban hành, quyền lợi và nghĩa vụ kháng cáo vẫn thuộc về người thụ ủy, miễn là người chủ ủy không phản đối.

Ðiều 1487: Khi có lý do hệ trọng, người thụ ủy cũng như luật sư có thể bị bãi chức do án lệnh của thẩm phán ban hành chiểu chức vụ, hay do đương sự yêu cầu.

Ðiều 1488: (1) Cấm người thụ ủy và luật sư mua quyền lợi đang tranh tụng, hoặc thỏa hiệp để đòi thù lao quá mức hay để chia phần đồ vật đang tương tranh. Sự thỏa hiệp như thế, nếu có, sẽ vô hiệu, và họ có thể bị thẩm phán phạt tiền. Ngoài ra, luật sư có thể bị huyền chức và nếu tái phạm, có thể bị Giám Mục chủ tịch tòa án khai trừ khỏi danh sách các luật sư.

(2) Cũng bị phạt như thế, những luật sư và những người thụ ủy nào, bằng cách gian lận luật pháp, rút các vụ án khỏi tòa án có thẩm quyền để cho các tòa án khác phán xử có lợi hơn.

Ðiều 1489: Luật sư và người thụ ủy nào, vì lý do quà cáp hay lời hứa hẹn, hay vì bất cứ lý do gì mà phản bội bổn phận của mình, sẽ bị đình chỉ thi hành quyền bảo trợ, và bị phạt tiền hay những hình phạt khác tương xứng.

Ðiều 1490: Nếu có thể được, trong mỗi tòa án nên có những người bảo trợ cố định do chính tòa án trả lương để giữ chức vụ luật sư và người thụ ủy, nhất là trong những vụ hôn phối, để các đương sự, nếu thích, có thể chọn họ.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page