Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển VII: Tố Tụng

Phần I: Sự Phán Xử Nói Chung

Thiên 3:

Kỷ Luật Phải Giữ Trong Các Tòa Án

 

Chương I: Chức Vụ Thẩm Phán Và Các Viên Chức Trong Tòa Án

Ðiều 1446: (1) Tất cả mọi tín hữu, nhất là các Giám Mục, phải luôn cố gắng làm sao, để tuy phải bảo vệ công lý, hết sức tránh những kiện tụng giữa lòng dân Chúa, và phải dàn xếp chúng cách ôn hòa càng sớm càng hay.

(2) Ngay từ đầu, và vào bất cứ giai đoạn nào của cuộc tranh tụng, mỗi khi thấy có hy vọng đem lại kết quả tốt, thẩm phán chớ bỏ qua mà không khuyến dụ và giúp đỡ các đương sự đồng lòng tìm một giải pháp công bình cho cuộc tranh chấp, và chỉ bảo cho họ những đường lối thích hợp để nhắm tới mục tiêu ấy, kể cả việc nhờ những người có thế giá làm trung gian.

(3) Nếu sự kiện tụng liên can đến tư ích của các đương sự, thì thẩm phán nên xét xem cuộc tranh chấp có thể được kết liễu ổn thỏa bằng sự điều đình hoặc sự trọng tài, chiếu theo các quy tắc của các điều 1713-1716, hay không.

Ðiều 1447: Người nào đã can dự vào một vụ kiện với tư cách là thẩm phán, chưởng lý, bảo hệ, thụ ủy, luật sư, nhân chứng, hay chuyên viên, thì sau đó không được xử vụ ấy ở cấp khác một cách hữu hiệu với tư cách là thẩm phán, hoặc giữ chức vụ phụ thẩm trong chính vụ ấy.

Ðiều 1448: (1) Thẩm phán không nên nhận xử một vụ mà chính mình có liên hệ cách nào đó vì lý do huyết tộc hay hôn thuôc ở bất cứ cấp bực trực hệ nào và cho đến cấp bốn bàng hệ, hoặc vì lý do giám hộ và quản tải, vì tương giao thân mật, vì thù oán lớn, hoặc vì sẽ hưởng một mối lợi hay thoát được một sự thiệt hại.

(2) Trong những trường hợp ấy, chưởng lý, bảo hệ, phụ thẩm, dự thẩm, phải tránh thi hành chức vụ.

Ðiều 1449: (1) Trong những trường hợp nói ở điều 1448, nếu chính thẩm phán không cáo thoái, đương sự có thể cáo tị.

(2) Ðại Diện tư pháp phải xét xử về sự cáo tị. Nếu chính Ðại Diện tư pháp bị cáo tị, Giám Mục chủ tọa tòa án sẽ xét xử.

(3) Nếu Giám Mục là thẩm phán và bị cáo tị, chính Ngài phải từ chối phán xử.

(4) Nếu sự cáo tị chống lại chưởng lý, bảo hệ hay các viên chức khác của tòa án, thì người xét xử khước biện sẽ là chánh án tòa án tập đoàn, hay chính thẩm phán nếu là thẩm phán duy nhất.

Ðiều 1450: Nếu sự cáo tị được công nhận, những người liên hệ phải được thay thế, nhưng không được thay đổi cấp bực phán xử.

Ðiều 1451: (1) Vấn đề cáo tị phải được xác định hết sức nhanh chóng, sau khi nghe các đương sự, chưởng lý hay bảo hệ, nếu họ can dự trong vụ kiện và không bị cáo tị.

(2) Những hành vi của thẩm phán đã làm trước khi bị cáo tị đều hữu hiệu, nhưng những hành vi làm sau khi có đơn cáo tị phải bị tiêu hủy nếu một đương sự yêu cầu trong hạn mười ngày kể từ khi sự cáo tị được công nhận.

Ðiều 1452: (1) Trong một vụ kiện chỉ liên can đến ích lợi tư, thẩm phán chỉ có thể tiến hành khi nào có sự thỉnh cầu của đương sự. Tuy nhiên, một khi đã có sự khởi tố hợp lệ, thẩm phán có thể, và thậm chí buộc phải tự động tiến hành trong những vụ hình sự hay những vụ liên can đến công ích Giáo Hội và phần rỗi của các linh hồn.

(2) Ngoài ra, thẩm phán có thể bổ khuyết sự sơ xuất của các đương sự khi xuất dẫn bằng chứng hay đối kháng các khước biện mỗi khi nhận thấy cần thiết để tránh một phán quyết bất công trầm trọng, miễn là tôn trọng những quy định ở điều 1600.

Ðiều 1453: Các thẩm phán và tòa án phải liệu sao cho các vụ kiện kết thúc càng sớm càng tốt, miễn là công lý được bảo đảm, và phải làm thế nào để không kéo dài quá một năm ở tòa sơ cấp và không quá sáu tháng ở tòa đệ nhị cấp.

Ðiều 1454: Tất cả những nhân viên làm thành tòa án và những người cộng tác vào đó đều phải tuyên thệ chu toàn nhiệm vụ cách chu đáo và trung thành.

Ðiều 1455: (1) Thẩm phán và những nhân viên tòa án phải giữ bí mật chức vụ trong tất cả các phán xử hình sự và trong vụ án hộ sự nào mà sự tiết lộ một vài án từ tố tụng có thể gây tổn hại cho các đương sự.

(2) Họ cũng phải luôn luôn giữ bí mật về cuộc thảo luận giữa các thẩm phán trong tòa án tập đoàn trước khi ra phán quyết, cũng như về những lần bỏ phiếu và về các ý kiến được phát biểu, miễn là tôn trọng quy định ở điều 1609, triệt 4.

(3) Hơn nữa, mỗi khi bản chất của vụ án hay của các bằng chứng hệ trọng đến nỗi sự phổ biến án từ và các bằng chứng đưa đến nguy cơ làm cho người khác bị mất thanh danh, hay gây chia rẽ, gương xấu, hay những sự bất tiện khác, thẩm phán có thể bắt buộc các nhân chứng, chuyên viên, các đương sự và những luật sư, hay người thụ ủy của họ, phải thề giữ bí mật.

Ðiều 1456: Cấm thẩm phán và tất cả các viên chức trong tòa án nhận lãnh bất cứ quà tặng nào trong dịp thi hành việc phán xử.

Ðiều 1457: (1) Các thẩm phán có thể bị nhà chức trách có thẩm quyền phạt bằng những hình phạt xứng hợp, kể cả việc cách chức, khi nào chắc chắn và rõ ràng là họ có thẩm quyền nhưng lại từ chối không chịu phán xử; hay nếu không có nền tảng nào dựa trên một quy định của pháp luật mà họ cứ tuyên bố mình có thẩm quyền để thẩm cứu và phán xử vụ kiện; hay nếu họ vi phạm luật buộc giữ bí mật; hay đã làm thiệt hại cách nào khác cho những người đương tụng do lỗi cố tình hay bất cẩn trầm trọng.

(2) Các viên chức và trợ tá của tòa án cũng phải chịu cùng hình phạt như vậy, nếu họ lỗi bổn phận như nói trên đây. Thẩm phán cũng có quyền phạt họ.

 

Chương II: Thứ Tự Phải Theo Khi Xét Xử

Ðiều 1458: Các vụ kiện phải được xét xử theo thứ tự chấp đơn và đăng ký trong sổ, trừ khi có một vụ nào đòi được cứu xét cấp bách trước các vụ khác. Trong trường hợp ấy, cần phải có án lệnh đặc biệt có viện dẫn lý do.

Ðiều 1459: (1) Những hà tì khiến cho bản án vô hiệu có thể được nêu lên như khước biện, hay do chính thẩm phán tuyên bố chiểu chức vụ, ở bất cứ giai đoạn hay cấp bực nào của sự tố tụng.

(2) Ngoài những trường hợp nói ở triệt 1, những khước biện trì hoãn, nhất là khi liên quan đến thành phần và thể thức tố tụng, phải được viện dẫn trước giai đoạn đối tụng, trừ khi các khước biện ấy chỉ xuất hiện sau đó; trong trường hợp ấy, các khước biện phải được xét xử càng sớm càng tốt.

Ðiều 1460: (1) Nếu sự khước biện đưa ra chống lại thẩm quyền của thẩm phán, thì chính thẩm phán phải xét vấn đề.

(2) Trong trường hợp khước biện về sự vô thẩm quyền tương đối, nếu thẩm phán tuyên bố mình có thẩm quyền, thì quyết định ấy không cho phép kháng cáo, nhưng không cấm đới tranh về sự vô hiệu và xin phục hồi nguyên trạng.

(3) Nếu thẩm phán tuyên bố mình vô thẩm quyền, đương sự nào thấy mình bị thiệt hại có thể thượng tố lên tòa án kháng cáo trong hạn mười lăm ngày hữu ích.

Ðiều 1461: Ở bất cứ giai đoạn nào của vụ án, nếu thẩm phán biết mình vô thẩm quyền tuyệt đối thì phải tuyên bố sự vô thẩm quyền của mình.

Ðiều 1462: (1) Những khước biện về vấn đề quyết tụng, về sự điều đình, và về các khước biện thất hiệu khác, - cũng gọi là "chấm dứt tố tụng" -, phải được viện dẫn và cứu xét trước khi đối tụng. Ai nêu lên các khước biện đó sau giai đoạn ấy, thì tuy không bị bác khước, nhưng sẽ phải trả tổn phí, trừ khi chứng minh được mình không trì hoãn khước biện vì gian tình.

(2) Những khước biện thất hiệu khác sẽ được nêu ra trong lúc đối tụng, và phải được cứu xét hợp thời theo những quy luật về các vấn đề phụ đới.

Ðiều 1463: (1) Những tố quyền phản tố chỉ được viện dẫn cách hữu hiệu trong hạn ba mươi ngày kể từ lúc đối tụng.

(2) Những tố quyền phản tố đó phải được xét xử đồng thời với tố quyền khởi tố, tức là cùng một cấp bực tòa án, trừ khi cần phải phán xử riêng biệt hay khi thẩm phán nhận thấy thủ tục này thích hợp hơn.

Ðiều 1464: Những vấn đề liên quan đến tiền ký quỹ để trả án phí, hay đến vấn đề cấp tư pháp bảo trợ miễn phí được thỉnh cầu ngay từ lúc bắt đầu tố tụng, hay những vấn đề tương tự khác, phải được xét xử trước khi đối tụng.

 

Chương III: Các Hạn Kỳ Và Triển Hạn

Ðiều 1465: (1) Hạn kỳ thất hiệu, - tức là hạn kỳ được luật pháp ấn định với hậu quả tiêu hủy quyền lợi -, không thể được triển hạn, và, nếu các đương sự không yêu cầu, cũng không được rút ngắn lại cách hữu hiệu.

(2) Những hạn kỳ "tư pháp" và "quy ước" có thể được thẩm phán gia hạn trước khi chúng hết hạn, khi có lý do chính đáng, sau khi nghe các đương sự hay do chính họ yêu cầu; nhưng không bao giờ được rút ngắn cách hữu hiệu nếu không có sự thỏa thuận của các đương sự.

(3) Tuy nhiên, thẩm phán phải canh chừng kẻo việc kiện tụng kéo dài quá đáng vì những sự triển hạn.

Ðiều 1466: Trong trường hợp luật pháp không dự liệu những hạn kỳ để thi hành các hành vi tố tụng, thẩm phán phải ấn định chúng, sau khi đã xét đến tính chất của từng hành vi.

Ðiều 1467: Nếu ngày được chỉ định cho một hành vi tư pháp nhằm vào ngày tòa án không làm việc, thì phải hiểu là hạn kỳ được triển hạn đến ngày đầu tiên liền đó không phải là ngày nghỉ.

 

Chương IV: Nơi Phán Xử

Ðiều 1468: Nếu có thể được, mỗi tòa án phải có một trụ sở cố định, và phải mở cửa vào các giờ ấn định.

Ðiều 1469: (1) Một thẩm phán nào bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ của mình do bạo lực hay bị ngăn trở thi hành quyền tài phán ở đó, thì có thể hành sử quyền tài phán và tuyên phán quyết ngoài lãnh thổ của mình, sau khi đã thông báo cho Giám Mục giáo phận biết.

(2) Ngoài trường hợp nói ở triệt 1, khi có lý do chính đáng, và sau khi nghe các đương sự, thẩm phán có thể ra khỏi lãnh thổ của mình để thu thập bằng chứng. Tuy nhiên, cần phải có phép của Giám Mục giáo phận của nơi sẽ đến và phải lưu tại trụ sở do Ngài chỉ định.

 

Chương V: Những Người Ðược Vào Phòng Xử

Cách Thức Soạn Thảo Và Lưu Trữ Án Từ

Ðiều 1470: (1) Nếu luật riêng không dự liệu cách khác, trong khi cử hành phiên tòa, chỉ được có mặt trong phòng xử những người mà luật pháp hay thẩm phán xét là cần thiết để tiến hành việc tố tụng.

(2) Nếu những người có mặt trong phiên tòa có lỗi nặng vì không tôn trọng và vâng phục tòa án, thì thẩm phán có thể dùng hình phạt xứng hợp để nhắc nhở các nghĩa vụ của họ. Ngoài ra, thẩm phán cũng có thể huyền chức các luật sư và người thụ ủy, không cho hành nghề trước tòa án Giáo Hội.

Ðiều 1471: Nếu người được thẩm vấn xử dụng một ngôn ngữ mà thẩm phán và các đương sự không hiểu, thì phải nhờ đến một thông ngôn đã tuyên thệ do thẩm phán chỉ định. Các lời khai phải được ghi lại bằng nguyên ngữ trên giấy tờ và kèm theo bản dịch. Thông ngôn cũng được xử dụng nếu phải thẩm vấn một người điếc hay câm, trừ khi thẩm phán muốn người này trả lời các câu hỏi bằng cách viết trên giấy tờ.

Ðiều 1472: (1) Các án từ tư pháp, dù là án từ liên quan đến nội dung vấn đề, - tức là "án từ của vụ kiện" -, dù là án từ thuộc về thủ tục, - tức là "án từ tố tụng" -, đều phải được thảo ra trên giấy tờ.

(2) Mỗi trang của án từ phải được ghi số và mang ấn dấu công chính.

Ðiều 1473: Mỗi khi đòi các đương sự hay nhân chứng phải ký tên vào án từ tư pháp, nếu một đương sự hay nhân chứng không thể hay không muốn ký, thì phải ghi rõ điều đó trong án từ; đồng thời, thẩm phán và lục sự phải chứng nhận rằng chính án từ đã được đọc từng lời một cho đương sự hay nhân chứng nghe, nhưng những người này không thể hay không muốn ký tên.

Ðiều 1474: (1) Trong trường hợp kháng cáo, một bản sao các án từ, có mang chứng thực của lục sự, phải được gởi lên tòa cấp trên.

(2) Nếu các án từ được viết bằng một ngôn ngữ mà tòa cấp trên không biết, thì phải được dịch ra ngôn ngữ mà tòa đó biết, và phải cẩn thận để bản dịch được trung thực.

Ðiều 1475: (1) Sau khi kết thúc sự phán xử, các tài liệu thuộc quyền sở hữu của các tư nhân phải được gởi trả cho họ, nhưng phải giữ lại một bản sao.

(2) Nếu không có lệnh của thẩm phán, cấm các lục sự và chưởng ấn không được cấp phát bản sao án từ tư pháp và các tài liệu thu thập trong vụ tố tụng.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page