Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển VII: Tố Tụng

Phần I: Sự Phán Xử Nói Chung

Thiên 2:

Các Cấp Và Các Loại Khác Nhau Của Tòa Án

 

Ðiều 1417: (1) Vì lý do quyền tối thượng của Ðức Thánh Cha, bất cứ tín hữu nào cũng có quyền kháng tố hay khởi tố một vụ hộ sự hoặc hình sự của mình lên Tòa Thánh xét, ở bất cứ cấp bực phán xử và ở bất cứ giai đoạn nào của việc tố tụng.

(2) Tuy nhiên, ngoại trừ trường hợp kháng cáo, sự thượng cầu lên Tòa Thánh không đình chỉ quyền hành sử quyền tài phán của thẩm phán đã bắt đầu xét vụ án. Vì thế, thẩm phán này có thể tiếp tục xử cho đến án chung quyết, trừ khi Tòa Thánh thông tri muốn dành vụ kiện cho mình.

Ðiều 1418: Bất cứ tòa án nào cũng có quyền yêu cầu một tòa án khác trợ giúp thẩm vấn một vụ kiện hay tống đạt các án từ.

 

Chương I: Tòa Án Sơ Cấp

Mục 1: Thẩm Phán

Ðiều 1419: (1) Trong mỗi giáo phận, và cho tất cả các vụ kiện không bị luật pháp minh thị loại trừ, thẩm phán sơ cấp là Giám Mục giáo phận. Ngài có thể tự mình hay nhờ người khác hành sử quyền tài phán, dựa theo các điều khoản sau đây.

(2) Nhưng nếu vụ kiện liên quan đến các quyền lợi hay tài sản của một pháp nhân do Giám Mục làm đại diện, thì tòa kháng cáo sẽ phán xử ở bậc sơ cấp.

Ðiều 1420: (1) Tất cả các Giám Mục giáo phận phải đặt một Ðại Diện tư pháp hay Án Sát với quyền phán xử thông thường. Người ấy phải khác biệt với Tổng Ðại Diện, trừ khi giáo phận nhỏ hay số vụ kiện ít ỏi khuyên làm cách khác.

(2) Ðại Diện tư pháp họp thành một tòa án duy nhất với Giám Mục, nhưng không được phán xử những vụ án mà Giám Mục dành riêng cho mình.

(3) Có thể cấp cho Ðại Diện tư pháp các cộng sự viên mang danh là phụ tá Ðại Diện tư pháp hay phó Án Sát.

(4) Ðại Diện tư pháp cũng như các phụ tá phải là những linh mục có thanh danh, có bằng tiến sĩ hay ít là cử nhân giáo luật, và không dưới ba mươi tuổi.

(5) Trong thời gian Tòa Giám Mục khuyết vị, họ vẫn tiếp tục chức vụ, và Giám Quản giáo phận không thể bãi chức họ. Tuy nhiên, khi tân Giám Mục nhận chức, họ cần được xác nhận lại.

Ðiều 1421: (1) Trong mỗi giáo phận, Giám Mục phải đặt các thẩm phán giáo phận. Các người này phải là giáo sĩ.

(2) Hội Ðồng Giám Mục có thể cho phép đặt cả các giáo dân làm thẩm phán. Nếu cần, thì một trong những người ấy có thể được lựa chọn để thành lập tập đoàn thẩm phán.

(3) Các thẩm phán phải có thanh danh và có bằng tiến sĩ hay ít là cử nhân giáo luật.

Ðiều 1422: Ðại Diện tư pháp, các phụ tá Ðại Diện tư pháp và các thẩm phán khác, được bổ nhiệm trong thời hạn nhất định, đừng kể khi phải giữ quy định ở điều 1420, triệt 5. Họ chỉ bị truất chức khi có lý do hợp lệ và hệ trọng.

Ðiều 1423: (1) Thay vì các tòa án giáo phận nói ở các điều 1419-1421, nhiều Giám Mục giáo phận, sau khi được Tòa Thánh phê chuẩn, có thể đồng ý với nhau để thành lập một tòa án sơ cấp duy nhất cho các giáo phận của mình. Trong trường hợp đó, khối các Giám Mục ấy hay một Giám Mục được các Ngài đề cử sẽ có tất cả những quyền hành mà mỗi Giám Mục giáo phận có đối với tòa án của mình.

(2) Các tòa án nói ở triệt 1, có thể được thành lập cho tất cả các vụ kiện, hoặc chỉ cho một vài loại vụ kiện mà thôi.

Ðiều 1424: Trong bất cứ cuộc phán xử nào, thẩm quyền duy nhất có thể kết nạp hai phụ thẩm để làm cố vấn. Những người này có thể là giáo sĩ hay giáo dân, và có đời sống tốt.

Ðiều 1425: (1) Ðược dành cho tòa án tập đoàn ba thẩm phán, và phải loại bỏ mọi tục lệ trái nghịch:

1. những vụ án hộ sự về: a) dây bí tích chức thánh; b) dây bí tích hôn nhân; ngoại trừ những quy định ở điều 1686 và 1688;

2. những vụ án hình sự về: a) những tội phạm có thể đưa đến việc khai trừ khỏi hàng giáo sĩ; b) sự tuyên kết hoặc tuyên bố vạ tuyệt thông.

(2) Giám Mục có thể ủy thác những vụ án phức tạp và quan hệ cho tòa án gồm ba hay năm thẩm phán.

(3) Ðại Diện tư pháp phải chỉ định các thẩm phán để xét xử từng vụ án theo sĩ lượt, trừ khi Giám Mục quy định cách khác cho mỗi trường hợp.

(4) Ở bậc sơ cấp, nếu không thể thành lập tập đoàn thẩm phán, thì Hội Ðồng Giám Mục, bao lâu tình trạng ấy kéo dài, có thể cho phép Giám Mục ủy thác các vụ kiện cho một thẩm phán giáo sĩ duy nhất. Nơi nào có thể được, thẩm phán giáo sĩ duy nhất ấy phải kết nạp thêm một phụ thẩm và một dự thẩm.

(5) Một khi các thẩm phán đã được chỉ định, Ðại Diện tư pháp không được thay đổi họ, nếu không có lý do rất hệ trọng và phải nói rõ trong án lệnh.

Ðiều 1426: (1) Tòa án tập đoàn phải tiến hành cách tập đoàn và phải ra phán quyết với số phiếu đa số tuyệt đối.

(2) Bao lâu có thể được, tòa án tập đoàn phải do Ðại Diện tư pháp hay phụ tá Ðại Diện tư pháp chủ tọa.

Ðiều 1427: (1) Nếu có vụ tranh tụng giữa các tu sĩ hay giữa các nhà cùng một dòng tu giáo sĩ thuộc luật giáo hoàng, thì nếu hiến pháp không định cách khác, thẩm phán sơ cấp sẽ là Bề Trên tỉnh; hoặc nếu là đan viện tự trị, thì là Viện Phụ sở tại.

(2) Nếu hiến pháp không định cách khác, sự tranh tụng giữa hai tỉnh dòng sẽ do Bề Trên Tổng Quyền, tự mình hay nhờ người được ủy nhiệm, phán xử ở tòa sơ cấp; sự tranh tụng giữa hai đan viện sẽ do Viện Phụ hội trưởng chi dòng phán xử.

(3) Sau cùng, nếu có sự tranh tụng giữa các tu sĩ, hay các pháp nhân thuộc về dòng tu khác nhau, hoặc cùng thuộc về một dòng tu giáo sĩ thuộc luật giáo phận hay dòng tu giáo dân, hoặc giữa một tu sĩ với một giáo sĩ triều hay với một giáo dân hay với một pháp nhân không phải là dòng tu, thì tòa án giáo phận sẽ phán xử ở sơ cấp.

 

Mục 2: Dự Thẩm Và Phúc Trình Viên

Ðiều 1428: (1) Thẩm phán hay chánh án tòa án tập đoàn có thể chỉ định một dự thẩm để thẩm cứu vụ án. Dự thẩm phải được chọn trong số các thẩm phán của tòa án, hay trong số những người đã được Giám Mục chuẩn nhận để giữ chức vụ ấy.

(2) Giám Mục có thể chuẩn nhận để giữ chức vụ dự thẩm những giáo sĩ hay giáo dân nổi bật về hạnh kiểm, khôn ngoan và học thức.

(3) Bổn phận của dự thẩm chỉ là thu thập các bằng chứng theo như ủy nhiệm thư của thẩm phán, và sau khi thu thập xong, phải chuyển giao cho thẩm phán. Ngoài ra, nếu sự ủy nhiệm của thẩm phán không định ngược lại, dự thẩm cũng có thể tạm thời quyết định những bằng chứng nào phải được thu thập và theo thể thức nào, nếu tình cờ xảy ra vấn nạn về vấn đề này trong khi thi hành chức vụ của mình.

Ðiều 1429: Chánh án tòa án tập đoàn phải chỉ định trong thẩm phán đoàn một thẩm phán làm thuyết trình, tức là phúc trình viên. Người này phải tường trình vụ kiện trong buổi hội các thẩm phán và viết thảo án văn trên giấy tờ. Khi có lý do chính đáng, chánh án có thể thay đổi người ấy bằng một người khác.

 

Mục 3: Chưởng Lý, Bảo Hệ và Lục Sự

Ðiều 1430: Trong giáo phận, phải đặt một Chưởng Lý cho những vụ kiện hộ sự có liên can đến công ích và trong những vụ kiện hình sự. Chưởng Lý có bổn phận bảo vệ công ích.

Ðiều 1431: (1) Trong các vụ kiện hộ sự, Giám Mục giáo phận có nhiệm vụ xét xem công ích có bị liên can hay không, trừ khi sự can thiệp của chưởng lý đã được luật pháp quy định, hoặc khi sự can thiệp là hiển nhiên cần thiết chiếu theo bản chất của sự việc.

(2) Nếu chưởng lý đã can thiệp ở cấp dưới, sự can thiệp ở cấp trên phải được suy đoán là cần thiết.

Ðiều 1432: Trong giáo phận, phải đặt một Bảo Hệ cho các vụ kiện về sự vô hiệu của việc truyền chức thánh, hoặc sự vô hiệu hay đoạn tiêu hôn nhân. Bảo Hệ phải dẫn ra và trình bày mọi luận cứ hợp lý có thể chống lại sự vô hiệu hay đoạn tiêu.

Ðiều 1433: Trong những vụ kiện đòi hỏi sự hiện diện của chưởng lý hay bảo hệ, án từ sẽ vô hiệu nếu những người này không được triệu đến; trừ khi mặc dù họ không được triệu đến, nhưng thật sự họ có mặt, hay ít nữa họ đã có thể thi hành chức vụ của họ bằng sự khảo sát án từ trước khi phán quyết.

Ðiều 1434: Nếu không được minh thị dự liệu cách khác:

1. mỗi khi luật quy định thẩm phán phải nghe các đương sự, hay chỉ một đương sự, thì chưởng lý và bảo hệ cũng phải được nghe nếu họ can thiệp vào sự phán xử;

2. mỗi khi cần phải có sự thỉnh cầu của một đương sự để thẩm phán có thể quyết định một vấn đề, thì sự thỉnh cầu của chưởng lý hay của bảo hệ can thiệp vào sự phán xử cũng có một giá trị như vậy.

Ðiều 1435: Sự bổ nhiệm chưởng lý và bảo hệ là việc thuộc quyền của Giám Mục. Dù là giáo sĩ hay giáo dân, họ phải là người có tiếng tốt, có bằng tiến sĩ hay cử nhân giáo luật, khôn ngoan và nhiệt tâm với công lý.

Ðiều 1436: (1) Một người có thể vừa giữ chức vụ chưởng lý vừa giữ chức vụ bảo hệ, miễn là không phải trong cùng một vụ kiện.

(2) Chưởng lý và bảo hệ có thể được đặt hoặc cho tất cả các vụ kiện, hoặc cho từng vụ kiện nhất định. Họ có thể bị Giám Mục bãi chức vì lý do chính đáng.

Ðiều 1437: (1) Trong bất cứ vụ tố tụng nào, lục sự cũng phải can thiệp. Vì thế, các án từ sẽ vô hiệu nếu không có chữ ký của lục sự.

(2) Các án từ mà lục sự soạn thảo có giá trị công tín.

 

Chương II: Tòa Án Ðệ Nhị Cấp

Ðiều 1438: Ðừng kể các quy định ở điều 1444, triệt 1, số 1:

1. từ tòa án của Giám Mục thuộc hạt, phải kháng cáo lên tòa án giáo tỉnh, miễn là tôn trọng quy định ở điều 1439;

2. trong những vụ án được xét xử sơ cấp trước tòa án Tổng Giáo Mục giáo tỉnh, phải kháng cáo lên tòa án mà chính Tổng Giám Mục đã chỉ định cách cố định, với sự phê chuẩn của Tòa Thánh;

3. đối với những vụ kiện được xét xử trước Bề Trên tỉnh, thì tòa án đệ nhị cấp là tòa của Bề Trên Tổng Quyền. Ðối với những vụ án được xét xử trước Viện Phụ sở tại, thì tòa án đệ nhị cấp phải là tòa ở Viện Phụ Hội Trưởng Chi Dòng.

Ðiều 1439: (1) Nếu một tòa án sơ cấp duy nhất đã được thành lập cho nhiều giáo phận theo quy tắc của điều 1432, thì Hội Ðồng Giám Mục phải thành lập một tòa án đệ nhị cấp, với sự phê chuẩn của Tòa Thánh, trừ khi tất cả các giáo phận đó đều là thuộc hạt của cùng một tổng giáo phận.

(2) Với sự phê chuẩn của Tòa Thánh, Hội Ðồng Giám Mục có thể thành lập một hay nhiều tòa án đệ nhị cấp, kể cả ngoài trường hợp nói ở triệt 1.

(3) Ðối với các tòa án đệ nhị cấp nói ở triệt 1 và 2, Hội Ðồng Giám Mục hay Giám Mục nào được Hội Ðồng Giám Mục chỉ định, có tất cả mọi quyền hành mà Giám Mục giáo phận có đối với tòa án của mình.

Ðiều 1440: Nếu thẩm quyền về cấp bực phán xử không được tuân giữ chiếu theo quy tắc của các điều 1438 và 1439, sự vô thẩm quyền của thẩm phán có tính cách tuyệt đối.

Ðiều 1441: Tòa án đệ nhị cấp phải được thành lập cùng một thể thức như tòa án sơ cấp. Tuy nhiên, nếu ở bậc phán xử sơ cấp chỉ có một thẩm phán ra phán quyết như đã dự liệu ở điều 1425, triệt 4, thì tòa án đệ nhị cấp phải xét xử vụ án theo thể thức tập đoàn.

 

Chương III: Các Tòa Án Tông Tòa

Ðiều 1442: Ðức Thánh Cha là thẩm phán tối cao cho toàn thế giới công giáo. Ngài đích thân phán xử, hay nhờ các tòa án thông thường của Tông Tòa, hay nhờ các thẩm phán do Ngài ủy nhiệm.

Ðiều 1443: Tòa án thông thường được Ðức Thánh Cha thành lập để nhận những kháng cáo là Tòa Thượng Thẩm Roma.

Ðiều 1444: (1) Tòa Thượng Thẩm Roma phán xử:

1. ở đệ nhị cấp, những vụ kiện đã được các tòa án sơ cấp thông thường phán xử và đệ trình lên Tòa Thánh bằng kháng cáo hợp pháp;

2. ở đệ tam cấp hay ở cấp kế tiếp, những vụ án đã được chính Tòa Thượng Thẩm Roma hay bất cứ tòa án nào khác phán xử, trừ khi vấn đề đã trở thành quyết tụng.

(2) Tòa này cũng phán xử ở bậc sơ cấp những vụ kiện nói ở điều 1405, triệt 3, hay những vụ khác mà Ðức Thánh Cha, hoặc tự ý hoặc theo lời thỉnh cầu của các đương sự, đã dành riêng cho tòa án của mình và giao cho Tòa Thượng Thẩm Roma. Những vụ án này được Tòa Thượng Thẩm Roma phán xử cả ở đệ nhị cấp và cấp kế tiếp, trừ khi trong phúc nghị ủy nhiệm đã ấn định cách khác.

Ðiều 1445: (1) Tối Cao Pháp Viện phán xử:

1. những đới tranh về sự vô hiệu, những thỉnh nguyện về sự phục hồi nguyên trạng và những thượng tố khác chống lại các phán quyết của Tòa Thượng Thẩm Roma;

2. những thượng tố trong những vụ về thân trạng mà Tòa Thượng Thẩm Roma đã từ chối không nhận tái xét;

3. những khước biện về nghi ngờ và những vụ án khác chống lại các thẩm phán của Tòa Thượng Thẩm Roma vì những hành động của họ trong khi thi hành chức vụ;

4. những vụ tranh chấp thẩm quyền như nói ở điều 1416.

(2) Chính tòa án này giải quyết những tranh tụng, được đệ lên hợp lệ, phát nguyên từ hành vi của quyền hành chánh trong Giáo Hội. Tòa án này cũng phán xử những tranh tụng hành chánh khác được Ðức Thánh Cha hay cơ quan của giáo triều Roma đưa đến, và giải quyết những tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan ấy.

(3) Ngoài ra, Tối Cao Pháp Viện còn có nhiệm vụ:

1. canh phòng việc điều hành công lý cách đứng đắn, và nếu cần, cảnh cáo các luật sư và các người thụ ủy;

2. nới rộng thẩm quyền của các tòa án;

3. xúc tiến và phê chuẩn việc thành lập những tòa án nói ở các điều 1423 và 1439.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page