Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển VII: Tố Tụng

Phần I: Sự Phán Xử Nói Chung

Thiên 1:

Tòa Án Có Thẩm Quyền

 

Ðiều 1404: Không ai có quyền xét xử Ðức Thánh Cha.

Ðiều 1405: (1) Trong những vụ kiện nói ở điều 1401, chỉ một mình Ðức Thánh Cha có quyền xét xử:

1. các nguyên thủ quốc gia;

2. các Hồng Y;

3. các Phái Viên Tòa Thánh và, trong những vụ án hình sự, các Giám Mục;

4. những vụ khác mà chính Ngài muốn dành riêng cho mình quyền phán xử.

(2) Không thẩm phán nào được quyền duyệt xét một hành vi hay văn kiện đã được chính Ðức Thánh Cha phê chuẩn trong một hình thức đặc biệt, nếu trước đó, không nhận được sự ủy nhiệm của Ngài.

(3) Ðược dành cho Tòa Thượng Thẩm Roma quyền xét xử:

1. các Giám Mục trong những vụ hộ sự, đừng kể quy định của điều 1419, triệt 2;

2. Viện Phụ Tổng Quyền, hay Viện Phụ Hội Trưởng Chi Dòng, và các Bề Trên Tổng Quyền của các dòng tu thuộc luật giáo hoàng;

3. các giáo phận và những thể nhân hay pháp nhân của Giáo Hội mà không có Thượng Cấp nào khác ở dưới Ðức Thánh Cha.

Ðiều 1406: (1) Nếu quy định ở điều 1404 bị vi phạm, thì các án từ và quyết định đều vô hiệu.

(2) Trong những vụ kiện nói ở điều 1405, sự vô thẩm quyền của các thẩm phán khác có tính cách tuyệt đối.

Ðiều 1407: (1) Không ai có thể bị kiện trước tòa sơ cấp, nếu không phải là trước mặt thẩm quyền dựa vào một trong những danh nghĩa được xác định ở các điều 1408-1414.

(2) Sự vô thẩm quyền của thẩm phán gọi là tương đối, khi thẩm phán không có một danh nghĩa nào được xác định ở các điều khoản vừa nói.

(3) Nguyên đơn phải theo tòa án của bị đơn. Nếu bị đơn có nhiều tòa án có thẩm quyền, nguyên đơn được phép lựa chọn tòa án.

Ðiều 1408: Bất cứ ai cũng có thể bị kiện ra trước tòa án ở nơi nào mà họ có cư sở hay bán cư sở.

Ðiều 1409: (1) Tòa án dành cho người vô gia cư là tòa án nơi người ấy hiện đang cư ngụ.

(2) Người mà không ai biết được cư sở hay bán cư sở hoặc nơi đang trú ngụ, có thể bị kiện trước tòa án của nguyên đơn, miễn là không có tòa án hợp lệ nào khác được chỉ định.

Ðiều 1410: Vì lý do tọa lạc của đồ vật, đương sự có thể bị kiện trước tòa án tại nơi có đồ vật tương tranh, khi tố quyền nhằm trực tiếp sự vật ấy, hay vụ kiện nhằm truất đoạt sự vật.

Ðiều 1411: (1) Vì lý do khế ước, đương sự có thể bị kiện trước tòa án tại nơi lập khế ước hay nơi khế ước phải được thi hành, trừ khi hai bên đồng ý chọn một tòa án khác.

(2) Nếu vụ kiện liên quan đến những nghĩa vụ phát xuất từ một danh nghĩa khác, đương sự có thể bị kiện trước tòa nơi phát sinh nghĩa vụ hay nơi phải chu toàn nghĩa vụ.

Ðiều 1412: Trong những vụ án hình sự, bị cáo, mặc dù khuyết tịch, có thể bị kiện ra trước tòa án nơi xảy ra tội phạm.

Ðiều 1413: Ðương sự có thể bị kiện:

1. trong những vụ kiện liên can đến sự quản trị, trước tòa án nơi chấp hành việc quản trị ấy;

2. trong những vụ kiện về sự thừa kế hay các di sản đạo đức, trước tòa án nơi có cư sở hay bán cư sở hay trú sở cuối cùng của người có liên can đến sự thừa kế hay các vật di sản đạo đức, theo quy tắc nói ở các điều 1408-1409. Tuy nhiên, nếu chỉ là việc chấp hành di sản, thì phải theo các quy tắc thông thường về thẩm quyền.

Ðiều 1414: Vì lý do liên hệ, các vụ kiện liên hệ với nhau phải được xét xử do chính một tòa án và trong chính một việc tố tụng, trừ khi có sự ngăn cấm do một quy định của luật.

Ðiều 1415: Vì lý do ưu tiên, khi hai hay nhiều tòa án có đồng thẩm quyền, thì tòa án nào triệu đương sự ra tòa trước tiên cách hợp lệ, tòa ấy có quyền xét xử vụ kiện.

Ðiều 1416: Những vụ tranh chấp thẩm quyền giữa hai tòa án cùng lệ thuộc một tòa kháng cáo, sẽ do tòa án này giải quyết; nếu không lệ thuộc cùng một tòa kháng cáo, sẽ do tòa án Tối Cao Tòa Thánh giải quyết.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page