Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển VI:

Chế Tài Trong Giáo Hội

Phần I: Tội Phạm Và Hình Phạt Nói Chung

Thiên 5:

Việc Áp Dụng Hình Phạt

 

Ðiều 1341: Bản Quyền chỉ nên phát động tố tụng tư pháp hay hành chánh để tuyên kết hay tuyên bố hình phạt khi nhận thấy việc răn bảo huynh đệ, sự khiển trách, cũng như những đường lối khác theo lòng ưu tư mục vụ không thể sửa chữa được gương xấu, tái lập công bình và cải hóa phạm nhân.

Ðiều 1342: (1) Mỗi khi có những lý do chính đáng làm cản trở tố tụng tư pháp, thì có thể tuyên kết hay tuyên bố hình phạt bằng nghị định ngoại tư pháp. Những biện pháp hình sự và việc sám hối có thể được áp dụng bằng nghị định trong bất cứ trường hợp nào.

(2) Không thể bị tuyên kết hay tuyên bố bằng một nghị định những hình phạt chung thân và những hình phạt nào mà luật pháp hay mệnh lệnh đã cấm áp dụng bằng nghị định.

(3) Những gì mà luật pháp hay mệnh lệnh nói về thẩm phán có liên quan đến việc tuyên kết hay tuyên bố hình phạt, thì cũng phải được áp dụng cho Bề Trên khi phải tuyên kết hay tuyên bố hình phạt bằng nghị định ngoại tư pháp, trừ khi đã rõ cách khác hay chỉ là những quy định liên quan đến thủ tục.

Ðiều 1343: Nếu luật pháp hay mệnh lệnh cho thẩm phán quyền áp dụng hay không áp dụng hình phạt, thì thẩm phán cũng có thể, tùy theo lương tâm và khôn ngoan, tiết giảm hình phạt hay thay vào đó bằng một việc sám hối.

Ðiều 1344: Mặc dù luật pháp có dùng những từ ngữ có tính cách truyền khiến, nhưng thẩm phán vẫn có thể, tùy theo lương tâm và sự khôn ngoan:

1. hoãn lại việc tuyên kết đến một thời gian thích hợp hơn, nếu thấy rằng sự trừng phạt phạm nhân ngay tức thời sẽ gây những tai hại lớn hơn;

2. miễn tuyên kết, hay tuyên kết bằng một hình phạt nhẹ hơn, hay bắt làm việc sám hối, nếu phạm nhân đã cải thiện và sửa chữa gương xấu, hoặc nếu phạm nhân đã bị chính quyền dân sự phạt vừa phải hoặc dự đoán rằng đương sự sẽ bị phạt như vậy;

3. đình chỉ nghĩa vụ thi hành một hình phạt thục tội, nếu phạm nhân lần đầu tiên phạm tội sau khi đã sống đời liêm chính, và nếu không cần phải sửa chữa gương xấu gấp. Tuy nhiên, nếu trong thời hạn được thẩm phán ấn định, phạm nhân tái phạm, thì đương sự phải lãnh chịu hình phạt của cả hại tội phạm, trừ khi nào, trong khoảng thời gian ấy đã phát lưu thời hiệu đối với tố quyền hình sự về tội phạm thứ nhất.

Ðiều 1345: Khi phạm nhân chỉ xử dụng trí khôn cách bất toàn, hoặc đã phạm tội vì sợ hãi, hoặc vì thiết bách, hoặc vì đam mê thúc đẩy, hay khi say rượu hoặc do sự rối loạn tinh thần tương tự nào khác, thì thẩm phán cũng có thể miễn không tuyên một hình phạt nào hết nếu nhận thấy có thể dùng cách thức khác tốt hơn để cải thiện can phạm.

Ðiều 1346: Mỗi khi phạm nhân phạm nhiều tội, và các hình phạt hậu kết chồng chất có vẻ khắc nghiệt, thì thẩm phán được quyền theo sự định đoạt khôn ngoan của mình mà điều giảm các hình phạt trong những giới hạn công minh.

Ðiều 1347: (1) Không thể tuyên kết cách hữu hiệu một vạ, nếu trước đó phạm nhân đã không được khuyến cáo ít là một lần để chấm dứt sự cố chấp, và được dành một thời gian xứng hợp để hối cải.

(2) Có thể kể như phạm nhân đã chấm dứt sự cố chấp khi đương sự đã thật lòng hối hận về tội phạm, và ngoài ra đã sửa chữa cách xứng hợp các thiệt hại và gương xấu, hoặc ít là nghiêm chỉnh hứa sẽ sửa chữa.

Ðiều 1348: Khi một phạm nhân được miễn tố hay không bị tuyên hình phạt, thì Bản Quyền có thể lo liệu lợi ích cho đương sự hay cho công ích bằng những lời khuyến cáo hay những đường lối khác chiếu theo lòng ưu tư mục vụ, hoặc nếu cần, bằng những biện pháp hình sự.

Ðiều 1349: Nếu hình phạt các tính cách không xác định, và nếu luật pháp không dự trù cách nào khác, thì thẩm phán không nên tuyên phạt bằng những hình phạt nặng hơn, nhất là bằng vạ, trừ khi trường hợp hệ trọng đòi hỏi. Tuy nhiên, thẩm phán không được tuyên phạt bằng những hình phạt chung thân.

Ðiều 1350: (1) Khi tuyên hình phạt cho một giáo sĩ, luôn luôn phải dự liệu sao cho họ không thiếu những gì cần thiết để sinh sống cách xứng đáng, đừng kể khi đương sự bị khai trừ khỏi hàng giáo sĩ.

(2) Tuy nhiên, nếu một người lâm vào tình trạng túng thiếu do hình phạt khai trừ khỏi hàng giáo sĩ, thì Bản Quyền phải lo liệu cho đương sự bằng một cách thức nào hoàn hảo có thể được.

Ðiều 1351: Hình phạt chi phối phạm nhân ở mọi nơi, cả khi người ấn định hay tuyên kết hình phạt đã hết quyền, nếu không minh thị dự liệu cách khác.

Ðiều 1352: (1) Nếu hình phạt cấm lãnh nhận bí tích hay á bí tích, thì sự cấm ấy được đình chỉ trong suốt thời gian phạm nhân ở trong tình trạng nguy tử.

(2) Khi một hình phạt tiền kết chưa được tuyên bố hay chưa được bộc lộ tại nơi can phạm đang sống, thì sự bó buộc tuân giữ hình phạt được đình chỉ hoàn toàn hay một phần, nếu phạm nhân không thể nào tuân giữ mà khỏi nguy cơ gây gương xấu trầm trọng hay bị mất thanh danh.

Ðiều 1353: Sự kháng cáo hay thượng tố chống các án văn tư pháp hay các nghị định tuyên kết hay tuyên bố hình phạt, có hiệu lực đình chỉ.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page