Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển VI:

Chế Tài Trong Giáo Hội

Phần I: Tội Phạm Và Hình Phạt Nói Chung

Thiên 4:

Các Hình Phạt Và Các Sự Trừng Trị Khác

 

Chương I: Hình Phạt Chữa Trị Hay Vạ

Ðiều 1331: (1) Người mắc vạ tuyệt thông bị cấm:

1. không được tham phần bằng bất cứ cách nào như thừa tác viên vào việc cử hành Hy Tế Thánh Thể, hay vào các lễ nghi phụng tự nào khác;

2. không được cử hành các bí tích hay á bí tích, và lãnh nhận các bí tích;

3. không được hành sử chức vụ, tác vụ, hay bất cứ nhiệm vụ nào, hay thi hành các hành vi cai trị.

(2) Sau khi vạ tuyệt thông đã bị tuyên kết hay tuyên bố, phạm nhân:

1. muốn hành động nghịch lại quy định ở triệt 1, số 1, thời phải bị trục xuất, haylễ nghi phụng vụ phải đình chỉ, trừ khi có một lý do hệ trọng cản lại;

2. thi hành vô hiệu những hành vi cai trị mà chiếu theo quy tắc ở triệt 1, số 3, đương sự không được phép làm;

3. bị cấm hưởng dụng các đặc ân được ban cấp trước đây;

4. không được lãnh nhận cách hữu hiệu một chức vị, chức vụ hay nhiệm vụ nào khác trong Giáo Hội;

5. không được chiếm hữu cho mình các lợi lộc của bất cứ chức vị, chức vụ hay nhiệm vụ, hưu bổng nào mà đương sự đã có trong Giáo Hội.

Ðiều 1332: Người mắc vạ cấm chế thì bị ràng buộc bởi những lệnh cấm nói ở điều 1331, triệt 1, số 1 và 2. Sau khi vạ cấm chế đã tuyên kết hay tuyên bố, thì phải tuân giữ quy định ở điều 1331, triệt 2, số 1.

Ðiều 1333: (1) Vạ huyền chức chỉ có thể chi phối giáo sĩ; người mắc vạ này bị cấm:

1. hoặc tất cả hay vài hành vi của quyền thánh chức;

2. hoặc tất cả hay vài hành vi của quyền cai trị;

3. thi hành tất cả hay vài quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền với một chức vụ.

(2) Trong luật pháp hay mệnh lệnh có thể ấn định rằng, sau khi án văn tuyên kết hay tuyên bố, người bị huyền chức không thể ban hành hữu hiệu quyết định cai trị.

(3) Sự ngăn cấm chẳng bao giờ chi phối:

1. những chức vụ hay quyền cai trị nào không lệ thuộc vào quyền hành của Bề Trên thiết lập hình phạt;

2. quyền cư ngụ, nếu phạm nhân đã có chỗ ở chiếu theo chức vụ

3. quyền quản trị những tài sản gắn liền với chức vụ của người bị huyền chức, nếu là hình phạt tiền kết.

(4) Sự huyền chức nào ngăn cấm lãnh nhận lợi lộc, lương, hưu bổng, hay các thứ khác, thì cũng bao hàm nghĩa vụ phải hoàn lại mọi thứ đã lãnh nhận bất hợp pháp, cả khi vì ngay tình.

Ðiều 1334: (1) Trong tầm mức được ấn định bởi điều luật trên đây, lãnh vực của vạ huyền chức sẽ được xác định do chính luật hay mệnh lệnh, hoặc do án văn hay nghị định tuyên kết.

(2) Luật, chứ không phải mệnh lệnh, có thể ấn định một hình phạt huyền chức tiền kết, mà không thêm sự xác định hay giới hạn nào khác; trong trường hợp ấy, hình phạt sẽ có tất cả moị hiệu quả kê khai ở điều 1333, triệt 1.

Ðiều 1335: Nếu một vạ cấm cử hành các Bí Tích hay Á Bí Tích hay cấm thi hành một hành vi cai trị, thì lệnh cấm được đình chỉ mỗi khi cần phải giúp người tín hữu đang trong tình trạng nguy tử. Ngoài ra, nếu hình phạt tiền kết chưa được công bố, lệnh cấm cũng còn được đình chỉ mỗi khi có người tín hữu xin lãnh Bí Tích hay Á Bí Tích, hay hành vi cai trị; người tín hữu được phép xin như thế khi có bất cứ lý do chính đáng nào.

 

Chương II: Những Hình Phạt Thục Tội

Ðiều 1336: (1) Hình phạt thục tội có thể chi phối phạm nhân suốt đời hay trong một thời gian hạn định hay vô hạn định. Ngoài một số hình phạt khác mà pháp luật có thể thiết lập, hình phạt thục tội gồm những thứ sau đây:

1. cấm chỉ hay bắt buộc lưu trú tại một nơi hay một lãnh thổ nhất định;

2. tước mọi quyền hành, chức vụ, nhiệm vụ, quyền lợi, đặc ân, năng quyền, ân huệ, danh hiệu, phù hiệu, dù chỉ là thuần túy danh dự;

3. cấm thi hành những điều kê khai ở số 2, hoặc cấm thi hành các điều ấy ở một nơi hay ngoài một nơi nhất định; sự ngăn cấm này không bao giờ được gắn với hình phạt vô hiệu hóa;

4. thuyên chuyển có tính cách hình sự đến một chức vụ khác;

5. trục xuất khỏi hàng giáo sĩ.

(2) Chỉ có thể phạt tiền kết những hình phạt thục tội kê khai ở triệt 1, số 3.

Ðiều 1337: (1) Sự cấm lưu trú tại một nơi hay một lãnh thổ nào đó có thể áp dụng cho cả giáo sĩ lẫn tu sĩ; còn sự buộc lưu trú có thể áp dụng cho các giáo sĩ triều và, trong giới hạn của hiến pháp, cho các tu sĩ.

(2) Ðể tuyên kết một mệnh lệnh buộc lưu trú tại một nơi hay một lãnh thổ nhất định, cần có sự thỏa thuận của Bản Quyền của nơi ấy, trừ khi nơi ấy đã có một nhà dành cho các giáo sĩ không thuộc giáo phận để đền tội hay sửa mình.

Ðiều 1338: (1) Những sự tước đoạt và cấm chỉ kê khai ở điều 1336, triệt 1, số 2 và 3, không bao giờ áp dụng cho những quyền hành, chức vụ, nhiệm vụ, quyền lợi, đặc ân, năng quyền, ân huệ, danh hiệu, phù hiệu không lệ thuộc vào quyền hành của Bề Trên thiết lập hình phạt.

(2) Không thể nào tước đoạt quyền thánh chức, nhưng chỉ cấm thi hành quyền ấy hay một vài hành vi của quyền ấy; cũng vậy, không thể tước đoạt bằng cấp đại học.

(3) Ðể áp dụng những điều cấm chỉ đã kê khai ở điều 1336, triệt 1, số 3, phải giữ quy tắc dành cho các vạ nói ở điều 1335.

 

Chương III: Biện Pháp Hình Sự Và Việc Sám Hối

Ðiều 1339: (1) Khi một người ở trong dịp sắp sửa phạm tội, hay do một cuộc điều tra, người ấy rất bị nghi ngờ đã phạm tội, thì Bản Quyền có thể đích thân hay nhờ người khác cảnh cáo.

(2) Người nào mà hạnh kiểm gây gương xấu, hoặc gây xáo trộn trật tự cách trầm trọng, thì Bản Quyền cũng có thể khiển trách theo cách thức thích ứng với những điều kiện riêng biệt của đương sự và sự kiện.

(3) Cần phải luôn luôn lập bằng chứng của việc cảnh cáo hay khiển trách, ít là bằng một tài liệu được giữ trong văn khố mật của giáo phủ.

Ðiều 1340: (1) Việc sám hối có thể bị cưỡng bách ở tòa ngoài, hệ tại việc thi hành vài công tác đạo đức, phụng tự hay bác ái.

(2) Không bao giờ được cưỡng bách phải làm việc sám hối công khai vì một sự vi phạm kín đáo.

(3) Bản Quyền có thể theo sự khôn ngoan của mình mà thêm các việc sám hối vào biện pháp hình sự cảnh cáo hay khiển trách.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page