Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển V:

Tài Sản Của Giáo Hội

Thiên 3:

Các Khế Ước

Nhất Là Sự Chuyển Nhượng

 

Ðiều 1290: Những gì dân luật tại mỗi địa phương đã định về khế ước nói chung hay nói riêng và về sự trả nợ, thì cần được tuân giữ với những hiệu quả của nó trong giáo luật khi liên hệ tới các sự việc lệ thuộc quyền cai trị của Giáo Hội, trừ khi chúng đi ngược với thiên luật, hoặc khi giáo luật đã dự liệu cách khác, và cần bảo toàn quy định của điều 1547.

Ðiều 1291: Ðể có thể chuyển nhượng cách hữu hiệu các tài sản đã được chỉ định hợp lệ để cấu tạo nên khối sản nghiệp bền vững của một pháp nhân, và giá trị của nó vượt quá mức luật định, thì cần phải có phép của nhà chức trách có thẩm quyền dựa theo các quy tắc pháp luật.

Ðiều 1292: (1) Ðừng kể quy định của điều 638 triệt 3, khi giá trị của món tài sản định chuyển nhượng nằm trong giới hạn tối thiểu và tối đa mà Hội Ðồng Giám Mục đã xác định cho mỗi địa phương, thì nhà chức trách có thẩm quyền sẽ là người mà quy chế dành riêng đã chỉ định, nếu pháp nhân không lệ thuộc Giám Mục giáo phận; nếu pháp nhân lệ thuộc Giám Mục giáo phận thì nhà chức trách có thẩm quyền là chính Giám Mục giáo phận với sự thỏa thuận của Hội Ðồng Kinh Tế, Hội Ðồng Tư Vấn và những người quan thiết. Giám Mục giáo phận cần có sự thỏa thuận của những người ấy khi muốn chuyển nhượng một tài sản của giáo phận.

(2) Nếu như giá trị của món tài sản vượt quá mức tối đa, hoặc là vật dâng cúng cho Giáo Hội do lời khấn, hoặc là những vật có giá trị lịch sử hay nghệ thuật, thì để được chuyển nhượng hữu hiệu cần phải có phép của Tòa Thánh nữa.

(3) Nếu đồ vật muốn chuyển nhượng có thể phân chia được, thì khi xin phép, phải trình bày những phần trước đây đã chuyển nhượng rồi; nếu không, giấy phép sẽ không có giá trị.

(4) Những ai dự phần vào việc tham khảo hay thỏa thuận để chuyển nhượng tài sản, thì không nên góp ý hay quyết nghị trước khi am tường cặn kẽ tình hình kinh tế của pháp nhân muốn chuyển nhượng tài sản cũng như những sự chuyển nhượng trong quá khứ.

Ðiều 1293: (1) Hơn nữa, để chuyển nhượng tài sản mà giá trị vượt quá mức tối thiểu thì cần có:

1. một lý do chính đáng, tỉ như sự cần thiết cấp bách, lợi ích hiển nhiên, việc đạo đức, lý do mục vụ trầm trọng nào khác;

2. việc định giá đồ vật muốn chuyển nhượng do các chuyên viên thảo ra giấy tờ.

(2) Ðể tránh gây tổn thiệt cho Giáo Hội, phải giữ các dự phòng mà nhà chức trách hợp pháp đã ấn định.

Ðiều 1294: (1) Thường thường không được chuyển nhượng với giá thấp hơn giá đã ước lượng.

(2) Tiền thu được do sự chuyển nhượng phải được giữ cẩn thận nhằm sinh lợi cho Giáo Hội, hoặc tiêu dùng cách khôn khéo tùy theo mục đích của việc chuyển nhượng.

Ðiều 1295: Các yêu sách của các điều 1291-1294 phải được tuân giữ không những trong sự chuyển nhượng, mà cả trong mọi nghiệp vụ trong đó điều kiện sản nghiệp của pháp nhân bị suy giảm. Các quy chế của các pháp nhân cần phải được điều chỉnh hợp với các điều luật ấy.

Ðiều 1296: Nếu các tài sản được chuyển nhượng không theo các trọng thức của giáo luật nhưng sự chuyển nhượng lại hữu hiệu theo dân luật, thì nhà chức trách có thẩm quyền, sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, sẽ quyết định có nên xử dụng tố quyền đối nhân hay đối vật hay không, do ai và đối kháng với ai, ngõ hầu đòi lại quyền lợi cho Giáo Hội.

Ðiều 1297: Tùy theo hoàn cảnh địa phương, Hội Ðồng Giám Mục có phận sự ấn định các quy tắc về việc thuê mướn tài sản Giáo Hội, nhất là phép tắc cần có về phía nhà chức trách có thẩm quyền.

Ðiều 1298: Trừ khi đồ vật không đáng giá, cấm không được bán hoặc cho thuê tài sản của Giáo Hội cho chính quản trị viên hay họ hàng của người ấy cho đến bốn bậc thuộc huyết thuộc hay hôn thuộc nếu không có phép đặc biệt bằng giấy tờ của nhà chức trách có thẩm quyền.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page