Bộ Giáo Luật
The Code of Canon Law
Bản dịch việt ngữ của:
Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Quyển IV:
Nhiệm Vụ Thánh Hóa Của Giáo Hội
Phần III: Các Nơi Thánh Và Thời Gian Thánh
Thiên 1:
Nơi Thánh
Ðiều 1205: Nơi thánh là những nơi dành vào việc thờ phượng Thiên Chúa và việc mai táng các tín hữu, do sự cung hiến hay làm phép theo các quy định của sách phụng vụ.
Ðiều 1206: Việc cung hiến một nơi thì được dành cho Giám Mục giáo phận và những người được giáo luật đồng hóa với Giám Mục. Các Ngài có thể ủy nhiệm cho một Giám Mục nào khác, hay trong những trường hợp ngoại lệ, cho một linh mục, để cử hành việc cung hiến trong lãnh thổ của mình.
Ðiều 1207: Các nơi thánh được làm phép bởi Ðấng Bản Quyền; tuy nhiên, việc làm phép nhà thờ được dành cho Giám Mục giáo phận. Cả hai vị đều có thể thừa ủy cho một linh mục khác làm thay.
Ðiều 1208: Cần phải thảo văn kiện làm vi bằng về việc làm phép hay cung hiến nhà thờ cùng về việc làm phép nghĩa trang. Một bản được lưu trữ tại phủ giáo phận, một bản trong văn khố của nhà thờ.
Ðiều 1209: Việc cung hiến hay đã làm phép một nơi thì có thể được chứng minh do một nhân chứng đáng tin cập cũng đủ, miễn là không làm hại ai.
Ðiều 1210: Trong nơi thánh, chỉ được nhận điều gì giúp vào sự thi hành hay tăng gia việc thờ phượng, đạo đức, và tôn giáo; phải cấm những gì trái nghịch với sự thánh thiện của nơi thánh. Tuy nhiên, Bản Quyền có thể cho phép xử dụng vào những sinh hoạt khác, nhưng chỉ từng lần một, miễn là không trái với sự thánh thiện của nơi thánh.
Ðiều 1211: Các nơi thánh bị xúc phạm do những hành động bất xứng trầm trọng, sinh gương xấu cho giáo dân tại đó và, theo sự phán đoán của Bản Quyền sở tại, có tính cách nặng nề và trái nghịch với sự thánh thiện của nơi thánh đến nỗi không thể cử hành việc thờ phượng tại đó được nữa cho đến khi phạt tạ mọi bất xứng bằng một lễ nghi thống hối theo quy định của sách phụng vụ.
Ðiều 1212: Các nơi thánh mất sự cung hiến và làm phép, nếu bị phá hủy một phần lớn, hay bị xử dụng thường xuyên vào những công việc phàm tục, do một nghị định của Bản Quyền có thẩm quyền, hoặc do một sự kiện thực tế.
Ðiều 1213: Giáo quyền được tự do hành sử quyền bính và trách nhiệm của mình trong những nơi thánh.
Chương I: Nhà Thờ
Ðiều 1214: Danh từ nhà thờ được hiểu là một tòa nhà thánh dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, và mọi tín hữu có quyền đến đó để làm việc thờ phượng Chúa, nhất là phụng tự công.
Ðiều 1215: (1) Nhà thờ chỉ được xây cất khi có sự đồng ý minh thị bằng giấy tờ của Giám Mục giáo phận.
(2) Giám Mục giáo phận chỉ nên ban phép sau khi đã tham khảo ý kiến Hội Ðồng Linh Mục và các linh mục quản đốc các nhà thờ kế cận, và Ngài xét thấy rằng nhà thờ mới sẽ sinh ích cho các linh hồn, cũng như không lo thiếu phương tiện xây cất nhà thờ và những sự cần thiết khác cho việc phượng tự.
(3) Các dòng tu, dù đã được Giám Mục giáo phận đồng ý cho lập tu việc trong giáo phận, cũng còn phải có sự đồng ý của Ngài trước khi xây nhà thờ trong một địa điểm chắc chắn và xác định.
Ðiều 1216: Khi xây và sửa nhà thờ, ngoài việc hỏi ý các nhà chuyên môn, cần phải tuân giữ những nguyên tắc và những quy luật của phụng vụ và nghệ thuật thánh nữa.
Ðiều 1217: (1) Khi đã hoàn tất việc xây cất, nhà thờ mới phải được cung hiến hay làm phép theo quy luật phụng vụ thánh càng sớm càng tốt.
(2) Các nhà thờ, đặc biệt nhà thờ chính tòa và nhà thờ giáo xứ, phải được cung hiến với nghi lễ trọng thể.
Ðiều 1218: Mỗi nhà thờ phải mang một tước hiệu riêng, và một khi đã cung hiến, không thể thay đổi tước hiệu nữa.
Ðiều 1219: Trong nhà thờ đã cung hiến hay làm phép hợp lệ, có thể cử hành tất cả các sinh hoạt phụng tự, nhưng phải tôn trọng các quyền lợi của giáo xứ.
Ðiều 1220: (1) Những người có trách nhiệm coi sóc nhà thờ phải lo giữ nhà thờ sạch sẽ và trang nghiêm, xứng đáng là nhà của Chúa, cùng ngăn cản tất cả những gì nghịch với sự thánh thiện của nơi ấy.
(2) Ðể giữ gìn các đồ vật thánh và quý giá, cần phải xử dụng những phương tiện bảo trì thường lệ và những biện pháp an ninh thích hợp.
Ðiều 1221: Việc lui tới nhà thờ trong giờ cử hành phụng tự phải được tự do và miễn phí.
Ðiều 1222: (1) Nếu một nhà thờ không còn cách nào có thể xử dụng vào việc phụng tự và không thể nào trùng tu được nữa, thì Giám Mục giáo phận có thể cho phép xử dụng vào công việc phàm tục không uế tạp.
(2) Khi có những lý do khác quan trọng xui khiến không tiện xử dụng một nhà thờ vào việc phụng tự nữa, thì Giám Mục giáo phận, sau khi tham khảo ý kiến Hội Ðồng Linh Mục và được sự thỏa thuận của những người có quyền lợi hợp lệ trong nhà thờ, có thể cho xử dụng vào việc phàm tục không uế tạp, miễn là không vì thế mà làm thiệt hại đến ích lợi của các linh hồn.
Chương II: Nhà Nguyện Và Phòng Nguyện
Ðiều 1223: Danh từ Nhà nguyện được hiểu là một nơi được Bản Quyền ban phép dành vào việc phụng thờ Thiên Chúa, vì ích lợi của một cộng đoàn hay một nhóm giáo dân lui tới đó và, với sự đồng ý của Bề Trên có thẩm quyền, các giáo dân khác cũng có thể lui tới.
Ðiều 1224: (1) Bản Quyền chỉ được cho phép lập nhà nguyện sau khi đã đích thân hay nhờ người khác đến thị sát nơi muốn dành làm nhà nguyện, và thấy nơi ấy xứng đáng.
(2) Khi đã xin được phép rồi, nhà nguyện không được xử dụng vào công việc phàm tục nữa, nếu không có phép của chính Bản Quyền ấy.
Ðiều 1225: Trong nhà nguyện đã thiết lập hợp lệ, có thể cử hành mọi nghi lễ phụng vụ, trừ những gì mà giáo luật hay chỉ thị của Bản Quyền địa phương hạn chế, hay trái với quy luật phụng vụ.
Ðiều 1226: Danh từ Phòng nguyện được hiểu là nơi mà Bản Quyền địa phương cho phép dành vào việc thờ phượng vì ích lợi của một người hay một số người.
Ðiều 1227: Các Giám Mục có thể lập một phòng nguyện riêng cho mình. Phòng nguyện ấy được hưởng các quyền lợi như một nhà nguyện.
Ðiều 1228: Ðừng kể quy định của điều 1227, để cử hành thánh lễ và các nghi thức phụng vụ khác trong phòng nguyện tư, cần phải có phép của Bản Quyền sở tại.
Ðiều 1229: Nên làm phép nhà nguyện và phòng nguyện riêng theo nghi thức đã định trong sách phụng vụ; và phải dành riêng vào việc phụng tự, tránh xử dụng vào bất cứ công việc thường khác trong nhà.
Chương III: Thánh Ðiện
Ðiều 1230: Danh từ thánh điện được hiểu là một nhà thờ hay một nơi thánh khác, mà vì một lý do đạo đức đặc biệt, giáo dân thường xuyên lui tới hành hương, với sự chuẩn nhận của Bản Quyền sở tại.
Ðiều 1231: Ðể một thánh điện trở thành thánh điện toàn quốc, cần được sự chuẩn nhận của Hội Ðồng Giám Mục; để trở thành thánh điện quốc tế, cần được sự chuẩn nhận của Tòa Thánh.
Ðiều 1232: (1) Việc phê chuẩn quy chế của thánh điện giáo phận thuộc thẩm quyền của Bản Quyền sở tại; việc phê chuẩn quy chế của thánh điện toàn quốc thuộc thẩm quyền của Hội Ðồng Giám Mục; và chỉ Tòa Thánh mới có thẩm quyền phê chuẩn quy chế của thánh điện quốc tế.
(2) Trong quy chế phải xác định nhất là về mục đích, quyền hạn của vị quản đốc, quyền sở hữu và việc quản trị.
Ðiều 1233: Một số đặc ân có thể được ban cho các thánh điện mỗi khi thấy hoàn cảnh địa phương, số khách hành hương đông đảo và nhất là ích lợi của tín hữu đòi hỏi.
Ðiều 1234: (1) Tại các thánh điện, cần phải cung cấp dồi dào những phương thế cứu rỗi cho các tín hữu như: chuyên cần rao giảng Lời Chúa, cổ võ đời sống phụng vụ, đặc biệc bằng việc cử hành Thánh Lễ và việc thống hối, cũng như thực hành các hình thức đạo đức bình dân đã được công nhận.
(2) Những di tích tạ ơn bày tỏ lòng đạo đức và có giá trị nghệ thuật bình dân được trưng bày trong thánh điện hay các nơi kế cận, phải được duy trì và gìn giữ an toàn.
Chương IV: Bàn Thờ
Ðiều 1235: (1) Bàn thờ, tức là bàn trên đó cử hành Hy Lễ Thánh Thể, được nói là cố định khi nó được xây gắn liền với nền nhà đến nỗi không thể xê dịch được; là lưu động nếu có thể xê dịch được.
(2) Trong mỗi nhà thờ nên có một bàn thờ cố định; còn ở những nơi khác dành cho việc cử hành phụng vụ, bàn thờ có thể là cố định hay lưu động.
Ðiều 1236: (1) Theo tập tục lưu truyền của Giáo Hội, mặt bàn thờ cố định phải làm bằng đá, và hơn nữa, bằng một tảng đá tự nhiên duy nhất. Tuy nhiên, mặt bàn thờ cũng có thể làm bằng chất liệu khác, xứng đáng và vững chắc tùy theo sự phán đoán của Hội Ðồng Giám Mục. Chân hay đế bàn thờ có thể làm bằng chất liệu khác.
(2) Bàn thờ lưu động có thể làm bằng bất cứ chất liệu gì vững chắc thích hợp với công tác phụng vụ.
Ðiều 1237: (1) Bàn thờ cố định phải được cung hiến; bàn thờ lưu động phải được cung hiến hay làm phép theo nghi thức trong sách phụng vụ.
(2) Cần giữ tập truyền lâu đời lưu giữ hài cốt các vị tử đạo hay các thánh khác dưới bàn thờ cố định, theo quy luật của sách phụng vụ.
Ðiều 1238: (1) Bàn thờ mất sự cung hiến hay làm phép theo điều 1212.
(2) Bàn thờ cố định hay lưu động không mất sự cung hiến hay làm phép dù khi bàn thờ hay nơi thánh bị xử dụng vào việc phàm tục.
Ðiều 1239: (1) Bàn thờ, dù cố định hay lưu động, chỉ được dành riêng cho việc phụng tự; tuyệt đối phải loại trừ mọi xử dụng phàm tục.
(2) Không được chôn táng xác chết dưới bàn thờ; trong trường hợp ngược lại, không được phép cử hành Thánh Lễ trên bàn thờ ấy.
Chương V: Nghĩa Trang
Ðiều 1240: (1) Nơi nào có thể, phải có nghĩa trang riêng của Giáo Hội, hay ít ra một khoảng trong nghĩa trang dân sự được dành riêng cho các tín hữu đã qua đời, và phải làm phép thích đáng.
(2) Nếu không thể có nghĩa trang như trên, thì phải làm phép các phần mộ từng lần một.
Ðiều 1241: (1) Các giáo xứ và các dòng tu có thể có nghĩa trang riêng.
(2) Các pháp nhân khác và các gia đình cũng có thể có phần mộ hay nghĩa trang riêng, và có thể được làm phép theo phán đoán của Bản Quyền sở tại.
Ðiều 1242: Không được táng xác trong nhà thờ; tuy nhiên, thi hài của Ðức Giáo Hoàng, các Hồng Y hay các Giám Mục giáo phận, dù hồi hưu, được phép an táng trong nhà thờ riêng.
Ðiều 1243: Luật địa phương phải ấn định các quy luật thích hợp cần giữ về nghĩa trang, đặc biệt để bảo vệ và đề cao tính cách thánh thiện của nó.
(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)