Bộ Giáo Luật
The Code of Canon Law
Bản dịch việt ngữ của:
Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Quyển IV:
Nhiệm Vụ Thánh Hóa Của Giáo Hội
Phần II: Các Việc Phụng Tự Khác
Thiên 5:
Lời Khấn Và Lời Thề
Chương I: Lời Khấn
Ðiều 1191: (1) Lời khấn là lời hứa cách ý thức và thong dong đối với Thiên Chúa, về một điều thiện tốt hơn và có thể thi hành được. Xét vì thuộc về đức thờ phượng, lời khấn buộc phải được chu toàn.
(2) Nếu không bị luật cấm, mọi người biết xử dụng trí khôn đều có năng cách tuyên khấn.
(3) Lời khấn bị thúc đẩy vì sợ hãi trầm trọng và bất công, hay bởi lường gạt, thì bị vô hiệu do chính pháp luật.
Ðiều 1192: (1) Lời khấn là công, nếu được Bề Trên hợp pháp chấp nhận nhân danh Giáo Hội; đối lại, là lời khấn tư.
(2) Lời khấn là trọng thể nếu được Giáo Hội nhìn nhận như vậy; đối lại, là lời khấn đơn thường.
(3) Lời khấn là tòng nhân, nếu người khấn hứa đích thân thi hành; lời khấn là tòng vật, nếu hứa một đồ vật gì; lời khấn là hỗn hợp, nếu có dính líu tới bản chất vừa của lời khấn tòng nhân vừa của lời khấn tòng vật.
Ðiều 1193: Tự nó, lời khấn chỉ ràng buộc người đã tuyên.
Ðiều 1194: Lời khấn chấm dứt vì hết thời gian cam kết chu toàn nghĩa vụ; vì chất liệu đối tượng lời khấn đã thay đổi tận bản thể; vì không xảy ra điều kiện do đó lời khấn đã được đặt ra hay thiếu mục tiêu; vì sự miễn chuẩn; vì sự hoán cải.
Ðiều 1195: Ai có quyền hành trên chất liệu của lời khấn thì có thể đình chỉ nghĩa vụ của lời khấn, bao lâu việc thi hành lời khấn gây thiệt hại cho họ.
Ðiều 1196: Ngoại trừ Ðức Giáo Hoàng, những người sau đây, khi có lý do chính đáng, có thể chuẩn những lời khấn tư, miễn là việc chuẩn không phương hại đến quyền lợi thủ đắc của người khác:
1. Bản Quyền sở tại và Cha Sở, đối với những người thuộc quyền và cả những người lữ khách.
2. Bề Trên dòng tu hay tu đoàn tông đồ, nếu là dòng tu hay tu đoàn giáo sĩ thuộc luật Giáo Hoàng, đối với các phần tử, tập sinh và những người ngày đêm trọ trong nhà của dòng hay của tu đoàn.
3. Những người được Tòa Thánh và Bản Quyền sở tại đã ủy quyền miễn chuẩn.
Ðiều 1197: Một công việc đã hứa do lời khấn tư có thể được hoán cải ra một việc khác tốt hơn hay tương đương do chính người đã khấn; còn việc hoán cải ra một điều thiện kém hơn chỉ có thể cấp bởi người có quyền miễn chuẩn theo điều 1196.
Ðiều 1198: Những lời khấn đã tuyên trước khi khấn dòng sẽ bị đình chỉ, bao lâu đương sự còn ở trong dòng tu.
Chương II: Lời Thề
Ðiều 1199: (1) Lời thề, nghĩa là việc kêu cầu danh Chúa để làm chứng cho sự thật, chỉ được tuyên trong chân lý, hợp lý và ngay chính.
(2) Lời thề do giáo luật đòi hỏi hay đón nhận, sẽ không thể được tuyên cách hữu hiệu bởi người đại diện.
Ðiều 1200: (1) Ai đã thề một cách thong dong rằng mình sẽ làm một việc gì, thì bị bó buộc, do nghĩa vụ riêng của đức thờ phượng, phải thi hành điều mà họ đã xác quyết bằng lời thề.
(2) Lời thề bị thúc đẩy vì bị lường gạt, bạo lực hoặc sợ hãi trầm trọng, thì vô hiệu do chính pháp luật.
Ðiều 1201: (1) Lời thề đoan hứa sẽ đi theo bản tính và những điều kiện của hành vi mà nó bổ sung.
(2) Nếu một hành vi trực tiếp làm hại người khác hoặc làm tổn thương công ích hay phần rỗi đời đời thì, dù được bổ sung bởi lời thề, hành vi ấy không cấu thành nghĩa vụ.
Ðiều 1202: Nghĩa vụ phát sinh do lời thề đoan hứa được chấm dứt:
1. Nếu được giải trừ bởi người mà lời thề đã tuyên vì ích lợi của họ.
2. Nếu chất liệu lời thề đã bị thay đổi tự bản chất; hoặc trở nên xấu xa hay hoàn toàn vô nghĩa bởi vì hoàn cảnh biến đổi; hoặc sau hết, nó làm cản trở sự thiện ích lớn hơn.
3. Bởi thiếu nguyên nhân chủ đích, hoặc thiếu điều kiện chính yếu của lời thề.
4. Do sự miễn chuẩn, sự hoán cải theo điều 1203.
Ðiều 1203: Ai có thể đình chỉ, miễn chuẩn, hoán cải lời khấn thì cũng có quyền như vậy đối với lời thề đoan hứa. Nhưng nếu việc miễn chuẩn lời thề gây thiệt hại cho người khác, và họ từ chối giải trừ nghĩa vụ, thì chỉ duy Tòa Thánh mới có thể miễn chuẩn lời thề ấy.
Ðiều 1204: Phải giải thích lời thề cách chặt chẽ theo quyền lợi và ý định của người thề. Nhưng nếu người này hành động do gian ý, thì phải giải thích theo ý hướng của người nhận lời thề.
(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)