Bộ Giáo Luật
The Code of Canon Law
Bản dịch việt ngữ của:
Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Quyển IV:
Nhiệm Vụ Thánh Hóa Của Giáo Hội
Phần II: Các Việc Phụng Tự Khác
Thiên 3:
Việc An Táng
Ðiều 1176: (1) Các tín hữu đã qua đời phải được an táng theo nghi thức Giáo Hội, do luật định.
(2) Qua lễ nghi an táng, Giáo Hội cầu xin ơn trợ giúp thiêng liêng cho người quá cố, tôn kính thi hài của họ, và đồng thời đem lại ủi an và hy vọng cho người còn sống. Các lễ nghi phải được cử hành đúng theo quy luật phụng vụ.
(3) Giáo Hội thiết tha khuyên nhủ nên duy trì phong tục đạo đức chôn cất thi hài người quá cố. Tuy nhiên, Giáo Hội không cấm hỏa táng, trừ khi nào sự hỏa táng được chọn lựa vì những lý do trái ngược với đạo lý Kitô giáo.
Chương I: Việc Cử Hành Lễ An Táng
Ðiều 1177: (1) Thường lệ, lễ an táng cho một tín hữu quá cố phải cử hành tại nhà thờ giáo xứ của người ấy.
(2) Tuy nhiên, mọi tín hữu hay những người lo tang lễ cho tín hữu quá cố, được phép lựa chọn một nhà thờ khác để cử hành lễ an táng, miễn là được vị quản đốc nhà thờ đồng ý, và phải thông báo cho Cha Sở riêng của người quá cố biết.
(3) Nếu ai chết ở ngoài giáo xứ riêng, và thi hài không được đem về đó, cũng không có nhà thờ nào được chọn lựa hợp lệ để cử hành tang lễ, thì lúc đó phải cử hành lễ an táng tại nhà thờ của giáo xứ nơi người ấy chết, trừ khi luật địa phương chỉ định thể khác.
Ðiều 1178: Lễ an táng của Giám Mục giáo phận phải được cử hành tại nhà thờ chính tòa của giáo phận, trừ khi chính Ngài đã chọn một nhà thờ khác.
Ðiều 1179: Lễ an táng của các tu sĩ hay các phần tử của tu đoàn tông đồ thường được cử hành tại nhà nguyện hay nhà thờ riêng, do cha Bề Trên, nếu đó là dòng tu hay tu đoàn giáo sĩ; và do cha tuyên úy trong những trường hợp khác.
Ðiều 1180: (1) Nếu giáo xứ có nghĩa trang riêng, thì phải mai táng các tín hữu quá cố ở đó, trừ khi chính người quá cố hay những người đứng lo mai táng, đã chọn lựa cách hợp lệ một nghĩa trang khác.
(2) Nếu không bị luật cấm, mọi người đều được phép chọn nghĩa trang để mai táng.
Ðiều 1181: Về phí tổn an táng, phải giữ khoản 1264. Tuy nhiên, phải tránh mọi sự thiên vị cá nhân, và đừng để người nghèo không được an táng xứng đáng.
Ðiều 1182: Sau khi an táng rồi, phải ghi tên người quá cố vào sổ tử theo luật địa phương.
Chương II: Những Người Ðược Hay Không Ðược Nhận An Táng Theo Nghi Thức Giáo Hội
Ðiều 1183: (1) Về việc an táng, các người dự tòng được đồng hóa với người Kitô hữu.
(2) Bản Quyền sở tại có thể ban phép cử hành an táng theo nghi thức Giáo Hội cho các trẻ em mà cha mẹ có ý rửa tội nhưng đã chết trước khi được rửa tội.
(3) Tùy theo sự phán đoán khôn ngoan, Bản Quyền sở tại có thể cho những người đã rửa tội và gia nhập vào một Giáo Hội hay Giáo Ðoàn ngoài công giáo, được an táng theo nghi lễ Giáo Hội, trừ khi biết rõ ý muốn ngược lại của họ và miễn là không thể có một thừa tác viên riêng để cử hành.
Ðiều 1184: (1) Nếu họ không tỏ một dấu hiệu thống hối nào trước khi chết, thì phải từ chối an táng theo nghi lễ Giáo Hội:
1. những người bội giáo, lạc giáo và ly giáo cách tỏ tường;
2. những người chọn hỏa táng thi hài của mình vì những lý do nghịch với Ðức Tin Kitô Giáo;
3. những tội nhân trống trải khác, mà việc an táng theo nghi thức Giáo Hội chắc chắn sẽ sinh gương xấu công khai cho các tín hữu.
(2) Khi gặp trường hợp hoài nghi, thì phải hỏi ý kiến Bản Quyền sở tại và làm theo sự phán quyết của Ngài.
Ðiều 1185: Người nào không được mai táng theo nghi thức Giáo Hội, thì cũng không được làm lễ quy lăng cho họ.
(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)