Bộ Giáo Luật
The Code of Canon Law
Bản dịch việt ngữ của:
Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Quyển III:
Nhiệm Vụ Giáo Huấn Của Giáo Hội
Thiên 3:
Giáo Dục Công Giáo
Ðiều 793: (1) Cha mẹ và những người thay quyền cha mẹ, có bổn phận và quyền lợi giáo dục con cái. Cha mẹ công giáo còn có bổn phận và quyền lợi chọn lựa những phương thế và trường học nào thích hợp hơn cả, tùy theo hoàn cảnh mỗi nơi, để lo liệu việc giáo dục công giáo cho con cái.
(2) Cha mẹ có quyền đòi hỏi nhà nước giúp đỡ những gì cần thiết để chu toàn việc giáo dục công giáo cho con cái.
Ðiều 794: (1) Do một danh nghĩa đặc biệt, Giáo Hội có bổn phận và quyền lợi đảm nhiệm việc giáo dục; bởi vì chính Thiên Chúa đã ủy thác cho Giáo Hội sứ mệnh giúp đỡ loài người đạt tới đời sống sung mãn của Kitô giáo.
(2) Các vị Chủ Chăn phải làm hết những gì cần thiết để mọi tín hữu được hưởng nền giáo dục công giáo.
Ðiều 795: Nền giáo dục đích thực phải bảo đảm việc huấn luyện toàn vẹn con người, hướng về mục đích tối hậu của con người, và cả về thiện ích chung của xã hội. Bởi đó, các trẻ em và thanh niên phải được giáo dục làm sao để có thể phát triển điều hòa về mọi tài năng sinh lý, luân lý và trí tuệ; đạt được một ý thức toàn hảo về trách vụ và biết xử dụng tự do cách hợp lý; và được huấn luyện để tham gia tích cực vào đời sống xã hội.
Chương I: Các Trường Học
Ðiều 796: (1) Trong các phương thế phát triển giáo dục, các tín hữu hãy hết sức lưu tâm đến các trường học vì trường học giúp đỡ cha mẹ cách đặc biệt trong việc chu toàn trách nhiệm giáo dục.
(2) Các phụ huynh phải cộng tác chặt chẽ với các giáo viên của nhà trường mà họ đã ký thác việc đào tạo con cái mình. Ðối lại, khi thi hành chức vụ của mình, các giáo viên cũng phải cộng tác mật thiết với các phụ huynh, sẵn sàng nghe ý kiến của họ. Ngoài ra nên thành lập và tán trợ các tổ chức hay các buổi hội phụ huynh.
Ðiều 797: Cha mẹ phải được tự do chọn lựa trường học cho con cái. Do đó, các tín hữu phải thiết tha đòi hỏi nhà nước nhìn nhận quyền tự do này của cha mẹ và bảo vệ quyền ấy, kể cả bằng những giúp đỡ kinh tế, dựa trên đức công bằng phân phối.
Ðiều 798: Cha mẹ phải gửi con cái vào các trường có nền giáo dục công giáo. Nếu không thể được, thì ngoài chương trình học ra, cha mẹ phải lo cho con cái được giáo dục công giáo đầy đủ.
Ðiều 799: Các tín hữu phải cố gắng để việc giáo dục tôn giáo và luân lý hợp theo lương tâm của cha mẹ, kể cả ở các trường học, cũng như lưu tâm đến trong những luật lệ nhà nước ban hành về việc đào tạo thanh thiếu niên.
Ðiều 800: (1) Giáo Hội có quyền thiết lập và điều khiển các trường học thuộc mọi ngành, mọi loại và mọi cấp bậc.
(2) Các tín hữu nên ủng hộ các trường công giáo, hết sức giúp đỡ để xây cất và nâng đỡ các học đường.
Ðiều 801: Các Dòng tu có sứ mệnh chuyên môn về giáo dục, trong khi trung thành theo đuổi sứ mệnh riêng của mình, phải nỗ lực chu toàn việc giáo dục công giáo kể cả nhờ các trường của mình được thiết lập với sự đồng ý của Giám Mục giáo phận.
Ðiều 802: (1) Nếu không có các trường chuyên lo giáo dục theo tinh thần Kitô giáo, thì Giám Mục giáo phận phải tìm cách thiết lập.
(2) Ðâu có thể được, Giám Mục giáo phận phải liệu thiết lập các trường chuyên nghiệp và kỹ thuật, và cả những trường khác đáp ứng nhu cầu riêng của địa phương.
Ðiều 803: (1) Trường học được gọi là công giáo khi được nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội hay một công pháp nhân trong Giáo Hội điều khiển, hoặc được Giáo Quyền nhìn nhận như vậy qua một văn kiện.
(2) Việc huấn luyện và giáo dục trong một trường công giáo phải được căn cứ trên những nguyên tắc của giáo lý công giáo. Các giáo viên phải trổi vượt về giáo lý chân chính và đời sống thanh liêm.
(3) Không trường học nào, mặc dù trong thực tế là công giáo, có thể mang tên "trường công giáo" nếu không có sự đồng ý của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội.
Ðiều 804: (1) Việc huấn luyện và giáo dục về đạo công giáo trong bất cứ trường học nào hoặc bằng những phương tiện truyền thông xã hội khác nhau, phải tùy thuộc ở quyền bính của Giáo Hội. Các Hội Ðồng Giám Mục phải ban hành các quy luật chung về vấn đề này; các Giám Mục giáo phận phải lo hướng dẫn và kiểm soát việc thi hành.
(2) Bản Quyền sở tại phải lưu tâm để các giáo viên dạy tôn giáo trong các trường, kể cả các trường không công giáo, được trổi trang về đạo lý chân chính, về chứng tá đời sống Kitô Giáo và về khoa sư phạm.
Ðiều 805: Trong giáo phận của mình, Bản Quyền sở tại có quyền bổ nhiệm hay phê chuẩn các giáo viên dạy tôn giáo cũng như quyền triệu hồi hay yêu cầu triệu hồi, khi có một lý do tôn giáo hay phong hóa đòi hỏi.
Ðiều 806: (1) Giám Mục giáo phận có quyền trông nom và thanh tra các trường công giáo nằm trong lãnh thổ của ngài, kể cả những trường được thiết lập hay điều khiển bởi các tu sĩ. Ngài cũng có quyền ra những quy luật về việc điều hành chung các trường công giáo. Các trường do tu sĩ điều khiển phải tuân theo các quy luật ấy, tuy vẫn duy trì quyền tự trị về quản trị nội bộ của các trường.
(2) Dưới sự trông nom của Bản Quyền sở tại, các hiệu trưởng của các trường công giáo phải lo sao cho việc dạy học trong trường của họ có giá trị về phương diện khoa học ít là ngang với các trường tại địa phương.
Chương II: Các Ðại Học Công Giáo Và Các Học Viện Cao Ðẳng Khác
Ðiều 807: Giáo Hội có quyền thiết lập và điều khiển các trường Ðại Học với mục đích phát triển nhân bản và nâng cao văn hóa của con người, cũng như để chu toàn bổn phận giáo huấn của chính Giáo Hội.
Ðiều 808: Không có Ðại Học nào, dù thực tế là công giáo, có quyền mang tên hay danh hiệu "Ðại Học Công Giáo" khi chưa có sự đồng ý của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội.
Ðiều 809: Ðâu có thể và xét là thích hợp, thì các Hội Ðồng Giám Mục phải lo cho có các đại học hay ít là các phân khoa, được phân phối thích đáng trong lãnh thổ, trong đó các môn học được nghiên cứu và giảng dạy hợp với giáo lý Công Giáo, tuy vẫn tôn trọng sự tự trị về khía cạnh khoa học.
Ðiều 810: (1) Chiếu theo nội quy, bổn phận của nhà chức trách có thẩm quyền là phải lo liệu để trong các đại học Công Giáo, các giáo sư được bổ nhiệm phải là những người, ngoài kiến thức chuyên môn và khả năng sư phạm, còn phải có giáo lý nguyên tuyền và đời sống thanh liêm nữa. Các giáo sư thiếu những điều kiện ấy phải bị khai trừ, chiếu theo thủ tục dự liệu trong nội quy.
(2) Các Hội Ðồng Giám Mục và các Giám Mục giáo phận liên hệ, có bổn phận và quyền lợi theo dõi để mọi nguyên tắc của giáo lý công giáo được tuân thủ nghiêm chỉnh trong các đại học ấy.
Ðiều 811: (1) Nhà chức trách trong Giáo Hội có thẩm quyền phải lo liệu để trong các đại học công giáo có một phân khoa hay một học viện, hay ít ra một lớp thần học dành cho sinh viên giáo dân.
(2) Trong mỗi đại học công giáo phải có những lớp thảo luận riêng về các vấn đề thần học có liên quan với các bộ môn dạy trong các phân khoa.
Ðiều 812: Những người dạy các môn thần học trong bất cứ một học viện cao đẳng nào, đều phải có ủy nhiệm của nhà chức trách có thẩm quyền.
Ðiều 813: Giám Mục giáo phận phải tận tâm lo lắng về mục vụ cho các sinh viên, kể cả bằng cách thiết lập giáo xứ đại học hay ít ra, chỉ định những linh mục tuyên úy sinh viên. Ngoài ra, phải dự liệu để ngay trong các đại học, dù không công giáo, cũng có những trung tâm đại học công giáo nhằm giúp đỡ giới trẻ, nhất là về phạm vi thiêng liêng.
Ðiều 814: Những quy luật về đại học cũng phải được áp dụng cho các học viện cao đẳng khác.
Chương III: Các Ðại Học Và Các Phân Khoa Của Giáo Hội
Ðiều 815: Vì nhiệm vụ công bố chân lý mạc khải, Giáo Hội có quyền có các đại học hay các phân khoa của Giáo Hội, hầu đào sâu các môn học thánh hay các môn liên hệ với thánh khoa, và để huấn luyện các sinh viên về các môn ấy theo phương pháp khoa học.
Ðiều 816: (1) Các đại học và các phân khoa của Giáo Hội chỉ có thể được thiết lập bởi chính Tòa Thánh hay được sự phê chuẩn của Tòa Thánh. Việc điều hành tối cao của các cơ sở ấy cũng thuộc thẩm quyền của Tòa Thánh.
(2) Mỗi đại học và phân khoa của Giáo Hội phải có quy chế và chương trình học được Tòa Thánh phê chuẩn.
Ðiều 817: Không một đại học hay phân khoa nào, nếu không được Tòa Thánh thiết lập hoặc phê chuẩn, có quyền cấp những bằng có giá trị giáo luật trong Giáo Hội.
Ðiều 818: Những điều đã quy định về các đại học công giáo trong các điều 810, 812 và 813 cũng có giá trị cho các đại học và các phân khoa của Giáo Hội.
Ðiều 819: Tuỳ theo ích lợi của giáo phận, của Dòng Tu và nhất là của chính Giáo Hội hoàn vũ đòi hỏi, các Giám Mục giáo phận hoặc các Bề Trên có thẩm quyền của các Dòng Tu phải gửi các thanh niên, các giáo sĩ và các tu sĩ có tư cách, đức hạnh và tài năng đến các đại học hay các phân khoa của Giáo Hội.
Ðiều 820: Các Viện Trưởng và các giáo sư của các đại học và phân khoa của Giáo Hội phải lo lắng để các phân khoa khác nhau trong đại học có những sinh hoạt hỗ trợ nhau theo như đối tượng cho phép; để giữa các đại học và phân khoa riêng của mình với các đại học và phân khoa khác, dù không thuộc Giáo Hội, có sự hợp tác hỗ trợ. Nhờ đó, các khoa học được phát triển hơn qua những hoạt động chung được thể hiện bằng những khóa hội thảo, những chương trình nghiên cứu được phối hợp và những phương tiện khác.
Ðiều 821: Hội Ðồng Giám Mục và Giám Mục giáo phận phải trù tính để ở đâu có thể được, nên thiết lập các viện cao học về các khoa học tôn giáo, trong đó, có dạy các môn thần học và các môn khác liên hệ đến văn hóa Kitô Giáo.
(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)