Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển III:

Nhiệm Vụ Giáo Huấn Của Giáo Hội

 

Ðiều 747: (1) Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội kho tàng đức tin, để, nhờ Chúa Thánh Thần giúp đỡ, Giáo Hội gìn giữ chân lý mạc khải thật thánh thiện, nghiên cứu thật sâu xa, công bố và trình bày thật trung thành. Do đó, sự rao giảng Phúc Âm cho mọi người, kể cả qua việc xử dụng những phương thế truyền thông xã hội thích ứng, là bổn phận và quyền lợi bẩm sinh của Giáo Hội, không lệ thuộc vào bất cứ quyền bính nào của nhân loại.

(2) Trong mọi thời và mọi nơi, Giáo Hội có thẩm quyền công bố các nguyên tắc luân lý, cả khi liên hệ đến trật tự xã hội. Lại nữa, Giáo Hội có quyền phán quyết về tất cả các vấn đề nhân sinh, mỗi khi những quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi của các linh hồn đòi hỏi.

Ðiều 748: (1) Mọi người có bổn phận phải tìm kiếm chân lý liên quan đến Thiên Chúa và Giáo Hội. Một khi đã biết được chân lý, họ có quyền lợi và bổn phận theo luật Chúa phải ôm ấp và tuân theo.

(2) Không ai được phép cưỡng bách người khác chấp nhận đức tin công giáo trái với lương tâm của họ.

Ðiều 749: (1) Ðức Giáo Hoàng được hưởng quyền giáo huấn vô ngộ do chức vụ khi, với tư cách là mục tử và tôn sư tối cao của các tín hữu, để giúp họ giữ vững đức Tin, Ngài khẳng định cách chung quyết phải tuân theo một đạo lý thuộc về đức Tin hay phong hóa.

(2) Giám Mục đoàn cũng được hưởng quyền giáo huấn vô ngộ: hoặc khi hội nhau lại trong công đồng hoàn vũ để, với tư cách là những người phán quyết và thầy dạy về đức Tin hay phong hóa, họ thi hành quyền giáo huấn, tuyên bố cho toàn thể Giáo Hội cách chung quyết một đạo lý phải tuân theo về đức Tin hay phong hóa; hoặc khi tản mác khắp nơi, nhưng vẫn hiệp nhất với nhau và với người kế vị Phêrô, họ dạy những điều về đức Tin hay phong hóa và đồng ý về một điều gì phải tuân giữ.

(3) Một đạo lý nào chỉ được hiểu là định tín vô ngộ khi được biểu thị rõ rệt như thế.

Ðiều 750: Phải tin nhận với đức Tin thần linh và công giáo hết tất cả những gì hàm chứa trong Lời Chúa được ghi chép hay truyền tụng lại, nghĩa là trong kho tàng đức Tin đã được ký thác cho Giáo Hội; và đồng thời được công bố là đã được Chúa mạc khải do quyền giáo huấn trang trọng, hay quyền giáo huấn thông thường và phổ cập của Giáo Hội được biểu lộ qua sự đồng thanh chấp nhận của các tín hữu dưới sự hướng dẫn của quyền giáo huấn. Bởi vậy, mọi người phải xa tránh những giáo thuyết nào trái ngược với những điều phải tin.

Ðiều 751: Gọi là lạc giáo khi cố chấp phủ nhận, sau khi đã chịu phép Rửa Tội, hay nghi ngờ một chân lý phải tin nhận theo đức Tin thần linh và công giáo; gọi là bội giáo nếu chối bỏ toàn bộ đức Tin Kitô giáo; còn ly giáo là từ chối sự tùng phục Ðức Giáo Hoàng hay từ chối hiệp thông với các phần tử của Giáo Hội đang thụ quyền Ngài.

Ðiều 752: Khi Ðức Giáo Hoàng và Giám Mục đoàn dùng quyền giáo huấn chính thức để tuyên bố một đạo lý về đức Tin hay phong hóa, mặc dầu các ngài không có ý công bố một cách chung quyết, thì các tín hữu không buộc đón nhận với đức Tin; tuy vậy, họ hãy suy phục về lý trí và ý chí theo tinh thần đạo giáo. Do đó, họ phải tránh những gì không phù hợp với đạo lý ấy.

Ðiều 753: Các Giám Mục hiệp thông với vị thủ lãnh và các thành viên của Giám Mục đoàn, hoặc riêng rẽ hoặc họp nhau trong các Hội Ðồng Giám Mục hay trong các Công Ðồng địa phương, tuy dù không được hưởng quyền giáo huấn vô ngộ, song các ngài vẫn là thầy dạy và tôn sư đích thực về đức Tin đối với các tín hữu đã được giao phó cho các ngài coi sóc. Các tín hữu hãy lấy lòng kính cẩn vâng nghe giáo huấn chân chính của Giám Mục mình.

Ðiều 754: Mọi tín hữu có bổn phận tuân theo các hiến chế và sắc lệnh mà quyền bính hợp pháp của Giáo Hội, đặc biệt Ðức Giáo Hoàng hay Giám Mục đoàn, ban hành với mục đích trình bày giáo lý hay bài trừ các tư tưởng sai lầm.

Ðiều 755: (1) Toàn thể Giám Mục đoàn và cách riêng là Tòa Thánh phải cổ võ và điều khiển phong trào đại kết giữa những người công giáo, nhằm tái lập sự hiệp nhất giữa hết mọi người Kitô hữu, như ý Chúa Kitô buộc Giáo Hội phải đạt tới.

(2) Cũng vậy, các Giám Mục và, chiếu theo các quy tắc luật định, các Hội Ðồng Giám Mục, có bổn phận cổ võ sự hiệp nhất này; đồng thời, dựa trên những quy luật do quyền bính tối cao của Giáo Hội ban hành, họ hãy ra những quy tắc thực tiễn hợp với nhu cầu và điều kiện của mỗi hoàn cảnh khác nhau.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page