Bộ Giáo Luật
The Code of Canon Law
Bản dịch việt ngữ của:
Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Quyển II: Dân Chúa
Phần III: Các Tu Hội Dòng Tận Hiến
Và Các Tu Ðoàn Tông Ðồ
Tiết 1:
Các Hội Dòng Tận Hiến
Thiên 1:
Các Quy Tắc Chung
Cho Tất Cả Các Hội Dòng Tận Hiến
Ðiều 573: (1) Ðời sống tận hiến qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm là một lối sống bền vững, nhờ đó các tín hữu theo sát Ðức Kitô, dưới tác động của Thánh Linh, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa như Ðấng đáng mến yêu tột bậc, ngõ hầu, một khi đã hiến thân, với một danh nghĩa mới và đặc biệt, cho việc tôn vinh Thiên Chúa, cho việc kiến thiết Giáo Hội và cho phần rỗi thế giới, họ nhắm tới đức ái hoàn thiện trong việc phục vụ nước Chúa, và trở thành dấu chỉ rực rỡ trong Giáo Hội tiên báo vinh quang trên trời.
(2) Các tín hữu được tự do chấp nhận lối sống ấy trong các hội dòng tận hiến đã được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội thiết lập theo giáo luật, bằng việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm khiết tịnh, khó nghèo, và vâng lời, nhờ lời khấn hay các mối dây ràng buộc khác. Những người ấy kết hợp với Giáo Hội và mầu nhiệm Giáo Hội cách đặc biệt do đức ái mà các lời khuyên này đưa tới.
Ðiều 574: (1) Hàng ngũ của những người tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm trong các hội dòng tận hiến thuộc về sức sống và sự thánh thiện của Giáo Hội; do đó cần được hết mọi người trong Giáo Hội nâng đỡ và cổ võ.
(2) Thiên Chúa kêu gọi đặc biệt một số tín hữu vào hàng ngũ ấy, để họ hưởng nhờ hồng ân đặc biệt trong đời sống Giáo Hội và giúp ích cho sứ mạng cứu rỗi của Giáo Hội, theo mục tiêu và tinh thần của hội dòng.
Ðiều 575: Các lời khuyên Phúc Âm, dựa trên giáo huấn và gương mẫu của Ðức Kitô như vị Tôn Sư, là hồng ân của Chúa ban và Giáo Hội lĩnh nhận từ Ðức Kitô và, nhờ ơn Người, Giáo Hội luôn luôn bảo toàn.
Ðiều 576: Nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội có nhiệm vụ giải thích các lời khuyên Phúc Âm, điều hành việc thi hành chúng qua các luật lệ, và thiết lập các lối sống bền vững bằng việc phê chuẩn theo giáo luật, cũng như lo liệu, trong phạm vi của mình, để các hội dòng tăng trưởng và phát triển theo tinh thần của sáng lập viên và theo các truyền thống lành mạnh.
Ðiều 577: Trong Giáo Hội có rất nhiều hội dòng tận hiến với những linh ân khác nhau tùy theo ơn sủng được ban cho họ; thực vậy, họ theo sát Ðức Kitô hoặc khi Ngài cầu nguyện, hoặc khi Ngài loan báo Nước Chúa, hoặc khi Ngài thi ân cho nhân loại, hoặc sống giữa người đời, nhưng luôn luôn làm theo ý của Chúa Cha.
Ðiều 578: Tất cả moị người phải trung thành duy trì chủ tâm và ý định của các vị sáng lập đã được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội châu phê, về bản chất, mục đích, tinh thần và đặc tính của mỗi hội dòng, cũng như về những truyền thống lành mạnh và tất cả những gì cấu tạo nên gia sản của hội dòng.
Ðiều 579: Trong lãnh thổ của mình, các Giám Mục giáo phận có thể thành lập các hội dòng tận hiến bằng nghị định hợp thức, miễn là sau khi đã bàn hỏi ý kiến của Tòa Thánh.
Ðiều 580: Việc kết nạp một hội dòng tận hiến với một hội dòng khác được dành cho nhà chức trách có thẩm quyền của hội dòng đứng kết nạp. Việc kết nạp luôn luôn phải duy trì sự tự trị của hội dòng được kết nạp.
Ðiều 581: Việc phân chia tu hội thành từng phân chi dưới bất cứ danh xưng nào, việc thành lập các phân chi, sát nhập, hoặc thay đổi cương giới của các phân chi đã thành lập, đều thuộc về thẩm quyền của nhà chức trách của hội dòng, chiếu theo quy tắc của hiến pháp.
Ðiều 582: Tòa Thánh dùng quyền sát nhập hay thống nhất các hội dòng tận hiến. Việc liên kết hay liên minh các hội dòng cũng được dành cho Tòa Thánh.
Ðiều 583: Trong các hội dòng tận hiến không được thay đổi các yếu tố đã được Tòa Thánh châu phê khi không có phép Tòa Thánh.
Ðiều 584: Tòa Thánh là thẩm quyền duy nhất có quyền giải tán một hội dòng. Tòa Thánh cũng dành quyền định đoạt về tài sản của hội dòng ấy.
Ðiều 585: Việc giải tán một phân chi của hội dòng thì thuộc thẩm quyền của nhà chức trách của chính hội dòng.
Ðiều 586: (1) Giáo Luật nhìn nhận cho mỗi hội dòng được hưởng một sự tự trị chính đáng về nếp sống, nhất là trong việc cai trị, nhờ đó họ được hưởng một kỷ luật riêng trong Hội Thánh và có thể bảo tồn nguyên vẹn gia sản riêng đã nói ở điều 587.
(2) Bản Quyền địa phương có bổn phận tôn trọng và bảo đảm sự tự trị ấy.
Ðiều 587: (1) Ðể bảo vệ ơn kêu gọi và chân tướng của mỗi hội dòng cách trung thành hơn, bộ luật nền tảng hay hiến pháp của bất cứ hội dòng nào cũng cần phải chứa đựng những quy tắc nền tảng về việc cai trị hội dòng và kỷ luật của các phần tử, việc thu nhận và huấn luyện các phần tử, cũng như đối tượng riêng của các mối ràng buộc thánh, thêm vào những gì mà điều 578 đã ấn định phải duy trì.
(2) Bộ luật vừa nói phải được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội phê chuẩn, và chỉ có thể được thay đổi khi được thẩm quyền ấy thỏa thuận.
(3) Trong bộ luật ấy cần phải dung hợp khéo léo các yếu tố thiêng liêng với các yếu tố pháp lý; nhưng không nên gia tăng các quy tắc khi không cần thiết.
(4) Các quy tắc khác, do nhà chức trách có thẩm quyền của hội dòng quy định, sẽ được thu thập cẩn thận trong các bộ luật khác. Các bộ luật này có thể được tùy nghi duyệt lại và thích ứng cho hợp với những đòi hỏi của nơi chốn và thời thế.
Ðiều 588: (1) Hàng ngũ đời tận hiến, tự bản chất, không phải là giáo sĩ cũng chẳng phải là giáo dân.
(2) Một hội dòng được gọi là "giáo sĩ" khi nào, chiếu theo mục tiêu hay ý định mà vị sáng lập nhằm tới, hoặc chiếu theo truyền thống hợp lệ, hội dòng được đặt dưới sự điều khiển của các giáo sĩ, đảm nhận việc thi hành chức thánh, và được nhà chức trách Giáo Hội nhìn nhận như vậy.
(3) Một hội dòng được gọi là "giáo dân" khi được nhà chức trách Giáo Hội nhìn nhận như vậy. Dựa theo bản chất, đặc tính và mục tiêu của mình, hội dòng có một nhiệm vụ riêng - đã được xác định bởi vị sáng lập hay bởi truyền thống hợp lệ - theo đó không bao hàm việc thi hành chức thánh.
Ðiều 589: Hội dòng tận hiến được coi là thuộc luật giáo hoàng nếu được Tòa Thánh thành lập hay phê chuẩn do nghị định hợp thức. Hội dòng tận hiến được coi là thuộc luật giáo phận, nếu được Giám Mục giáo phận thành lập và chưa nhận được nghị định phê chuẩn của Tòa Thánh.
Ðiều 590: (1) Các hội dòng tận hiến, xét vì đã đặc biệt dâng mình phục vụ Thiên Chúa và toàn thể Giáo Hội, nên phải phục tùng nhà chức trách tối cao của Giáo Hội một cách riêng biệt.
(2) Mỗi phần tử của các hội dòng có nghĩa vụ vâng lời Ðức Thánh Cha như bề trên tối cao, kể cả chiếu theo mối ràng buộc thánh của đức vâng lời.
Ðiều 591: Ðể lo liệu thiện ích của hội dòng và các nhu cầu của việc tông đồ cách hoàn hảo hơn, Ðức Thánh Cha, chiếu theo quyền tối thượng trên toàn Giáo Hội và xét đến lợi ích chung, có thể miễn trừ các hội dòng tận hiến khỏi quyền cai trị của các Bản Quyền sở tại, và đặt họ trực tiếp tùy thuộc một mình ngài hay một nhà chức trách khác trong Giáo Hội.
Ðiều 592: (1) Ðể cổ võ sự thông hiệp giữa các hội dòng với Tòa Thánh cách hoàn hảo hơn, tất cả các Bề Trên tổng quyền phải gửi cho Tòa Thánh một bản tường trình sơ lược về tình hình và đời sống hội dòng, theo cách thức và thời hạn do chính Tòa Thánh định.
(2) Các Bề Trên của mỗi hội dòng hãy cổ động để các văn kiện Tòa Thánh liên can đến các phần tử được ủy thác cho họ được am tường, và họ hãy theo dõi việc tuân hành các văn kiện ấy.
Ðiều 593: Các hội dòng thuộc luật giáo hoàng tùy thuộc trực tiếp và duy nhất vào quyền Tòa Thánh trong việc cai trị nội bộ và kỷ luật, tuy vẫn tôn trọng điều 586.
Ðiều 594: Các hội dòng thuộc luật giáo phận được đặt dưới sự chăm sóc đặc biệt của Giám Mục giáo phận, tuy vẫn tôn trọng điều 586.
Ðiều 595: (1) Giám Mục của trụ sở chính có thẩm quyền châu phê hiến pháp, chuẩn y các sự thay đổi đã được du nhập cách hợp lệ, ngoại trừ những điều mà Tòa Thánh đã đặt tay vào; Giám Mục cũng có thẩm quyền giải quyết những vấn đề hệ trọng liên can tới toàn thể hội dòng song vượt quá quyền hạn của nhà chức trách nội bộ. Tuy nhiên, nếu hội dòng đã bành trướng qua nhiều giáo phận, thì Giám Mục của trụ sở chính phải bàn hỏi các Giám Mục giáo phận khác nữa.
(2) Trong trường hợp riêng biệt, Giám Mục giáo phận có thể miễn chuẩn hiến pháp.
Ðiều 596: (1) Các Bề Trên và các đại hội của các hội dòng được hưởng quyền hành trên các phần tử; quyền hành ấy do luật phổ quát và hiến pháp xác định.
(2) Ngoài ra, trong các dòng tu giáo sĩ theo luật giáo hoàng, các Bề Trên được hưởng quyền cai trị của Giáo Hội, ở tòa ngoài cũng như tòa trong.
(3) Ðối với quyền hành nói ở triệt 1, sẽ áp dụng các quy định của các điều 131, 133, và 137-144.
Ðiều 597: (1) Hết mọi người công giáo, có ý ngay, hội đủ các đức tính do luật phổ quát và luật riêng đòi hỏi, không vướng mắc các ngăn trở, có thể được thu nhận vào một hội dòng tận hiến.
(2) Không ai được thâu nhận mà không được chuẩn bị thích đáng.
Ðiều 598: (1) Mỗi hội dòng phải quy định trong hiến pháp cách thức tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm khiết tịnh, khó nghèo, và vâng lời, trong lối sống của mình, chiếu theo đặc tính và cứu cánh riêng.
(2) Tất cả các phần tử không những phải tuân giữ trung thành và toàn vẹn các lời khuyên Phúc Âm, mà còn phải uốn nắn đời mình hợp với luật riêng của hội dòng, và như vậy cố gắng đạt tới sự trọn lành của hàng ngũ mình.
Ðiều 599: Lời khuyên Phúc Âm khiết tịnh chấp nhận vì Nước Trời, xét vì là dấu chỉ của thế giới tương lai và nguồn mạch phong nhiêu trù phú trong một con tim không chia sẻ, bao hàm nghĩa vụ tiết chế hoàn toàn trong sự độc thân.
Ðiều 600: Lời khuyên Phúc Âm khó nghèo để bắt chước Ðức Kitô, Ðấng tuy giàu sang nhưng đã trở nên nghèo vì chúng ta, ngoài một nếp sống nghèo cả về thực chất lẫn tinh thần, cần cù và thanh đạm, không dính bén tài sản thế tục, còn mang kèm theo sự lệ thuộc và hạn chế trong việc xử dụng và định đoạt tài sản, chiếu theo quy tắc của luật riêng của từng hội dòng.
Ðiều 601: Lời khuyên Phúc Âm vâng lời, được chấp nhận trong tinh thần tin yêu để theo Ðức Kitô vâng lời cho đến chết, bó buộc ý chí phải tùng phục các Bề Trên hợp pháp, khi họ thay mặt Thiên Chúa truyền khiến hợp theo hiến pháp riêng.
Ðiều 602: Ðời sống huynh đệ, với đặc điểm riêng thích hợp với mỗi hội dòng, nhờ đó các phần tử được kết hợp trong Ðức Kitô dường như trong một gia đình đặc biệt, cần được xác định cách nào để trở nên một sự hỗ trợ cho tất cả các phần tử trong việc chu toàn ơn gọi của mỗi người. Do sự thông hiệp huynh đệ, được đâm rễ và xây dựng trên Ðức ái, các phần tử phải trở nên gương mẫu của sự hòa giải đại đồng trong Ðức Kitô.
Ðiều 603: (1) Ngoài những hội dòng tận hiến ra, Giáo Hội còn nhìn nhận đời sống ẩn tu, trong đó các tín hữu dâng mình để ngợi khen Thiên Chúa và lo phần rỗi của thế giới qua việc tách biệt hơn khỏi trần thế, giữ thinh lặng cô tịch, cầu nguyện liên lỉ và hãm mình.
(2) Một ẩn sĩ được luật nhìn nhận như kẻ dâng mình cho Chúa trong đời tận hiến nếu họ công khai tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm, bằng lời khấn hay dây ràng buộc nào khác, trong tay Giám Mục giáo phận và tuân theo một chương trình sinh sống dưới sự hướng dẫn của Giám Mục.
Ðiều 604: (1) Tương tự với những hình thức đời tận hiến là hàng các trinh nữ, tức những người tuyên bố ý định theo sát Ðức Kitô, được đức Giám Mục giáo phận cung hiến cho Thiên Chúa theo nghi thức phụng vụ được chuẩn y; họ kết hôn cách thần bí với Ðức Kitô Con Thiên Chúa và dâng mình phục vụ Giáo Hội.
(2) Các trinh nữ có thể lập hội để nhờ sự trợ giúp lẫn nhau, họ thực hiện ý định của họ cách trung thành hơn và chu toàn việc phục vụ Giáo Hội hợp với hàng ngũ của mình.
Ðiều 605: Tòa Thánh dành riêng cho mình việc châu phê các hình thức mới của đời tận hiến. Tuy vậy các Giám Mục giáo phận hãy ra sức nhận định các hồng ân mới của đời tận hiến mà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội, và giúp đỡ những người khởi xướng để họ thực hiện các ý định cách mỹ mãn, và bảo vệ họ bằng những quy chế thích hợp, nhất là bằng cách áp dụng các quy tắc tổng quát chứa đựng trong phần này.
Ðiều 606: Những gì đã định về các hội dòng và các phần tử của họ đều có giá trị ngang nhau cho cả hai phái nam nữ, trừ khi đã rõ cách nào khác do mạch văn hay do bản chất sự việc.
(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)