Bộ Giáo Luật
The Code of Canon Law
Bản dịch việt ngữ của:
Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Quyển II: Dân Chúa
Phần II: Cơ Cấu Phẩm Trật Của Giáo Hội
Tiết 2:
Các Giáo Hội Ðịa Phương Và
Các Hợp Ðoàn Giáo Hội Ðịa Phương
Thiên 1:
Các Giáo Hội Ðịa Phương
Và Quyền Hành Tại Ðó
Chương I: Các Giáo Hội Ðịa Phương
Ðiều 368: Các Giáo Hội địa phương, trong đó và từ đó mà một Giáo Hội Công Giáo duy nhất hiện hữu, ám chỉ trước hết là các giáo phận; các lãnh thổ thuộc giám hạt tòng thổ và đan viện tòng thổ, Ðại Diện Tông Tòa và Phủ Doãn Tông Tòa và cả Giám Quản Tông Tòa được thiết lập cách thường trực cũng được đồng hóa với các giáo phận, trừ khi đã rõ cách nào khác.
Ðiều 369: Giáo phận là một phần dân Chúa được giao phó cho một Giám Mục săn sóc cùng với sự cộng tác của Linh Mục Ðoàn, để nhờ sự liên kết với Chủ Chăn mình và sự tập hợp bởi Chủ Chăn trong Chúa Thánh Linh, nhờ Phúc Âm và Thánh Thể, cộng đồng ấy lập thành Giáo Hội địa phương, trong đó Giáo Hội của Ðức Kitô, duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, thực sự hiện diện và tác động.
Ðiều 370: Giám Hạt tòng thổ hoặc Ðan Viện tòng thổ là một phần nhất định của dân Chúa, được giới hạn trong một lãnh thổ, mà vì hoàn cảnh đặc biệt, sự săn sóc được giao phó cho một Giám Chức hoặc cho một Viện Phụ để quản trị với tư cách của một Chủ Chăn riêng, tựa như Giám Mục giáo phận.
Ðiều 371: (1) Hạt Ðại Diện Tông Tòa, hoặc Hạt Phủ Doãn Tông Tòa, là một phần nhất định của dân Chúa, mà vì hoàn cảnh đặc biệt, chưa được thiết lập như là một giáo phận, và việc chăn dắt được giao cho một Ðại Diện Tông Tòa hoặc cho một Phủ Doãn Tông Tòa để quản trị thay mặt Ðức Thánh Cha.
(2) Hạt Giám Quản Tông Tòa là một phần nhất định của dân Chúa mà vì những lý do đặc biệt và hết sức hệ trọng, không được Ðức Thánh Cha thiết lập như là một giáo phận, và việc săn sóc mục vụ được giao phó cho một Giám Quản Tông Tòa quản trị thay mặt Ðức Thánh Cha.
Ðiều 372: (1) Theo luật chung, một phần dân Chúa, tạo thành một giáo phận hoặc một Giáo Hội địa phương khác, được giới hạn trong một lãnh thổ nhất định, để bao gồm tất cả các giáo hữu đang cư ngụ trong lãnh thổ.
(2) Tuy nhiên, khi nào Quyền Bính tối cao của Giáo Hội, sau khi tham khảo ý kiến của các Hội Ðồng Giám Mục liên hệ, xét thấy ích lợi, thì có thể thiết lập trong cùng một lãnh thổ nhiều Giáo Hội địa phương khác biệt, vì lý do lễ điển của tín hữu hoặc vì lý do khác tương tự.
Ðiều 373: Chỉ duy có Quyền Bính tối cao mới có thẩm quyền thiết lập các Giáo Hội địa phương; các Giáo Hội địa phương một khi đã được thiết lập hợp lệ, thì được hưởng tư cách pháp nhân chiếu theo luật.
Ðiều 374: (1) Tất cả các giáo phận hoặc Giáo Hội địa phương nào khác đều phải được phân chia ra thành nhiều phần riêng biệt hoặc giáo xứ.
(2) Ðể cổ võ việc săn sóc mục vụ bằng hoạt động chung, nhiều Giáo Xứ lân cận gần nhau có thể hợp lại thành những hợp đoàn địa phương, tỉ như các Giáo Hạt.
Chương II: Các Giám Mục
Mục I: Các Giám Mục Nói Chung
Ðiều 375: (1) Các Giám Mục là những người, do ý định của Thiên Chúa, kế vị các Tông Ðồ do quyền lực của Chúa Thánh Linh đã ban cho họ, được đặt làm các Chủ Chăn trong Giáo Hội để làm những thầy dạy đạo lý, tư tế phụng tự và tác viên lo việc quản trị.
(2) Các Giám Mục, nhờ chính việc thụ phong Giám Mục, nhận lãnh cùng với nhiệm vụ thánh hóa, cả các nhiệm vụ giảng dạy và quản trị nữa. Tuy nhiên nhiệm vụ giảng dạy và thánh hóa, theo bản tính, chỉ có thể hành sử trong sự hiệp thông phẩm trật với thủ lãnh và với mọi phần tử tập đoàn.
Ðiều 376: Các Giám Mục được gọi là Giám Mục giáo phận, những vị đã được giao phó cho việc săn sóc một giáo phận nào đó; các vị khác gọi là Giám Mục hiệu tòa.
Ðiều 377: (1) Ðức Thánh Cha được tự do bổ nhiệm các Giám Mục, hoặc phê chuẩn những vị đã được bầu cử hợp lệ.
(2) Ít là ba năm một lần, các Giám Mục của một giáo tỉnh, hoặc ở đâu hoàn cảnh khuyến khích, các Giám Mục của Hội Ðồng Giám Mục, phải thỏa thuận với nhau và với tính cách bí mật lập một danh sách các linh mục, kể cả các phần tử của Dòng Tu, xem ai có tư cách làm Giám Mục; và gửi bản danh sách đó cho Tòa Thánh; tuy nhiên, mỗi Giám Mục vẫn được quyền thông tri cho Tòa Thánh một cách riêng rẽ danh tánh những linh mục được Ngài xét thấy xứng đáng và có tư cách để lãnh nhiệm vụ Giám Mục.
(3) Trừ khi đã ấn định cách nào khác hợp lệ, mỗi khi cần bổ nhiệm một Giám Mục giáo phận hoặc một Giám Mục phó, thì trong việc đề nghị lên Tòa Thánh danh sách ba người, phái viên của Ðức Thánh Cha có nhiệm vụ điều tra về từng người một và thông báo cho Tòa Thánh, cùng với ý kiến của mình, tất cả đề nghị của Tổng Giám Mục và các Giám Mục thuộc hạt của giáo tỉnh mà giáo phận ấy trực thuộc hay được kết nạp, cũng như của Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục. Ngoài ra, phái viên của Ðức Thánh Cha nên bàn hỏi cả với vài người thuộc Hội Ðồng Tư Vấn và thuộc kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa và, nếu xét thấy tiện, nên hỏi ý kiến riêng rẽ và kín đáo của những người khác thuộc giáo sĩ Dòng Triều cũng như của những giáo dân có tiếng là khôn ngoan.
(4) Trừ khi đã dự liệu cách nào khác hợp lệ, Giám Mục giáo phận nào xét thấy cần một phụ tá cho giáo phận của mình thì sẽ đệ trình lên Tòa Thánh bản danh sách gồm ít là ba linh mục xứng đáng hơn cả để lãnh nhiệm vụ này.
(5) Từ nay về sau, không được cho chính quyền dân sự quyền lợi và đặc ân bầu cử, bổ nhiệm, đề cử hoặc chỉ định các Giám Mục.
Ðiều 378: (1) Ðể xứng đáng được tiến cử lên chức Giám Mục, đương sự cần phải:
1. trổi vượt về Ðức Tin vững vàng, tính nết tốt, đạo đức, nhiệt tâm với các linh hồn, thông thái, khôn ngoan và những nhân đức nhân bản khác, và có những đức tính giúp cho đương sự đủ khả năng chu toàn chức vụ;
2. có danh thơm tiếng tốt;
3. ít là đã trọn ba mươi lăm tuổi;
4. đã chịu chức linh mục ít là đã năm năm;
5. có văn bằng Tiến Sĩ, hoặc ít ra có Cử Nhân về Thánh Kinh, Thần Học hoặc Giáo Luật ở một Cao Ðẳng Học Viện được Tòa Thánh công nhận, hoặc ít ra thực sự chuyên môn về những môn đó.
(2) Sự phán quyết tối hậu về khả năng xứng đáng của ứng viên thuộc về Tòa Thánh.
Ðiều 379: Nếu không bị ngăn trở hợp lệ, người được tiến cử lên chức Giám Mục phải được tấn phong Giám Mục trong vòng ba tháng kể từ ngày nhận được văn thư của Tòa Thánh, và, dù sao đi nữa, trước khi tựu chức.
Ðiều 380: Trước khi tựu chức, kẻ đã được tiến cử phải tuyên xưng Ðức Tin và tuyên thệ trung thành với Tòa Thánh theo mẫu thức đã được Tòa Thánh công nhận.
Mục II: Các Giám Mục Giáo Phận
Ðiều 381: (1) Ở trong giáo phận đã được giao phó, Giám Mục giáo phận có mọi quyền hành thông thường, riêng biệt và trực tiếp, cần có để thi hành nhiệm vụ mục vụ của ngài, ngoại trừ những vụ mà pháp luật hoặc sắc luật của Ðức Thánh Cha đã dành lại cho quyền bính tối cao hoặc một quyền bính nào khác trong Giáo Hội.
(2) Tất cả những ai đứng đầu các cộng đoàn giáo hữu khác như đã nói ở điều 368, đều được đồng hóa với Giám Mục giáo phận, trừ những gì đã rõ cách khác theo bản tính sự việc hoặc theo quy tắc luật định.
Ðiều 382: (1) Kẻ đã được tiến cử làm Giám Mục không được pha mình vào việc thi hành chức vụ đã được giao phó, trước khi tựu chức trong giáo phận theo đúng luật định; tuy nhiên, đương sự có thể thi hành các chức vụ đã giữ trong chính giáo phận đó trước ngày được tiến cử Giám Mục, miễn là giữ nguyên vẹn điều 409, triệt 2.
(2) Nếu không bị ngăn trở hợp lệ, kẻ được tiến cử lên chức vụ Giám Mục giáo phận, phải tựu chức trong vòng bốn tháng kể từ ngày nhận văn thư Tòa Thánh nếu chưa được thụ phong Giám Mục; nếu đã thụ phong Giám Mục rồi, thì trong vòng hai tháng kể từ ngày nhận văn thư.
(3) Giám Mục tựu chức kể từ lúc, trong chính giáo phận đó, ngài đích thân hoặc nhờ đại diện trình văn thư Tòa Thánh cho Hội Ðồng Tư Vấn trước sự hiện diện của Chưởng Ấn Giáo Phủ, và vị này lập biên bản; hoặc trong giáo phận mới được thiết lập, thì kể từ lúc thông báo văn thư đó cho Giáo Sĩ và Giáo Dân có mặt trong nhà thờ chính tòa, và biên bản được lập do một linh mục cao niên hơn cả trong số các linh mục hiện diện.
(4) Rất khuyến khích việc tựu chức diễn ra bằng một nghi thức Phụng Vụ trong nhà thờ chính tòa trước sự hiện diện của Giáo Sĩ và Giáo Dân.
Ðiều 383: (1) Trong khi thi hành chức vụ Chủ Chăn, Giám Mục giáo phận hãy tỏ ra ân cần đối với hết mọi tín hữu đã được giao phó, bất cứ thuộc tuổi, điều kiện hoặc quốc tịch nào, những người cư ngụ trong lãnh thổ cũng như những người ở đó tạm thời; ngài cũng hãy tỏ nhiệt huyết tông đồ cho cả những ai, vì điều kiện sinh sống, không thể thụ hưởng cách đầy đủ sự săn sóc mục vụ thông thường, cũng như những ai đã bỏ bê việc giữ đạo.
(2) Nếu trong giáo phận có những tín hữu thuộc lễ điển khác, thì ngài hãy dự liệu cho mọi nhu cầu thiêng liêng của họ hoặc nhờ các linh mục hoặc các cha sở thuộc chính lễ điển đó, hoặc nhờ một vị Ðại Diện Giám Mục.
(3) Ðối với anh em không hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo, ngài hãy cư xử với tình nhân đạo và bác ái và cổ võ phong trào đại kết theo đường hướng của Giáo Hội.
(4) Ngài hãy coi những người chưa chịu phép Rửa Tội như cũng được Chúa giao phó cho mình, ngõ hầu tình thương của Ðức Kitô cũng chiếu sáng cho họ, xét vì Giám Mục phải là chứng nhân của Ðức Kitô trước mặt mọi người.
Ðiều 384: Giám Mục giáo phận phải lo lắng đặc biệt cho các linh mục, hãy để ý lắng nghe họ như là những phụ tá và cố vấn; hãy bênh vực các quyền lợi của họ; lo cho họ chu toàn đúng mức những nghĩa vụ riêng cho bậc của họ, và giúp cho họ đủ phương tiện và định chế cần có để thăng tiến đời sống thiêng liêng và trí tuệ; cũng phải trù liệu cho họ được trợ cấp xứng đáng và có bảo hiểm xã hội theo như luật định.
Ðiều 385: Các Giám Mục giáo phận phải tận lực cổ động những ơn gọi vào các tác vụ khác nhau và vào đời tận hiến; đặc biệt lưu ý đến các ơn gọi làm linh mục và thừa sai.
Ðiều 386: (1) Giám Mục giáo phận phải trình bày và giải thích cho các tín hữu những chân lý Ðức Tin mà họ phải tin theo và áp dụng trong đời sống, vì vậy chính ngài phải năng đích thân rao giảng; ngài cũng phải canh chừng để các quy định trong giáo luật liên quan tới tác vụ Lời Chúa được tuân hành chu đáo, nhất là về các bài giảng lễ và việc giáo huấn, làm sao để toàn bộ đạo lý Kitô Giáo được truyền thụ cho tất cả mọi người.
(2) Ngài hãy cương quyết dùng mọi phương thế hữu hiệu hơn cả để bảo vệ sự toàn vẹn và duy nhất của Ðức Tin; tuy đồng thời nhìn nhận sự tự do chính đáng trong việc tìm hiểu chân lý cách sâu rộng hơn.
Ðiều 387: Ý thức rằng mình phải làm gương mẫu thánh thiện bằng tình bác ái, khiêm tốn và sống đơn giản, Giám Mục giáo phận hãy ra sức cổ động bằng mọi cách để các tín hữu nên thánh tùy theo ơn gọi riêng của từng người; và bởi vì là người phân phát chính yếu của mọi mầu nhiệm của Thiên Chúa, ngài hãy hoạt động không ngừng để mọi tín hữu đã giao phó cho mình săn sóc được tăng trưởng trong ơn thánh nhờ việc cử hành các Bí Tích, và để cho họ nhận biết và sống mầu nhiệm Vượt Qua.
Ðiều 388: (1) Giám Mục giáo phận, sau khi đã tựu chức, phải dâng thánh lễ cầu cho đoàn dân đã được giao phó, vào các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác trong miền của mình.
(2) Giám Mục phải đích thân dâng thánh lễ cầu cho dân trong những ngày đã nói ở triệt 1 trên đây; nếu vì ngăn trở hợp lệ không dâng lễ được, thì trong những ngày đó phải nhờ người khác dâng lễ, hoặc đích thân dâng lễ vào các ngày khác.
(3) Giám Mục nào, ngoài giáo phận riêng của mình còn được ủy thác các giáo phận khác kể cả với danh hiệu Giám Quản, thì chỉ buộc dâng một thánh lễ cho toàn dân đã ủy thác cho ngài mà thôi.
(4) Giám Mục nào có bổn phận bó buộc như nói ở các triệt 1-3 trên đây, nếu thiếu sót bổn phận, thì phải lo sớm hết sức để chỉ cho đoàn Dân bao nhiêu số lễ đã bỏ sót.
Ðiều 389: Giám Mục nên thường xuyên chủ sự thánh lễ trong nhà thờ chính tòa hoặc trong các thánh đường khác của giáo phận, nhất là trong những ngày Lễ Buộc và trong những dịp trọng thể.
Ðiều 390: Giám Mục giáo phận có thể cử hành mọi nghi thức giáo chủ trong toàn thể giáo phận của mình; còn ngoài giáo phận riêng, ngài không có quyền ấy nếu không sự thỏa thuận minh thị hoặc ít là suy đoán cách hợp lý của Bản Quyền sở tại.
Ðiều 391: (1) Giám Mục giáo phận cai quản Giáo Hội địa phương đã ủy thác cho ngài với quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp chiếu theo quy tắc luật định.
(2) Giám Mục đích thân hành sử quyền lập pháp; quyền hành pháp được hành sử do chính ngài hoặc nhờ các Tổng Ðại Diện hoặc các Ðại Diện Giám Mục, theo quy tắc luật định; quyền tư pháp được hành sử do chính ngài hoặc nhờ Ðại Diện Tư Pháp và các thẩm phán, theo quy tắc luật định.
Ðiều 392: (1) Xét vì ngài có nghĩa vụ bảo vệ sự duy nhất của Giáo Hội phổ quát, Giám Mục phải cổ cõ kỷ luật chung của toàn thể Giáo Hội, và vì thế phải thôi thúc việc tuân hành tất cả mọi luật lệ của Giáo Hội.
(2) Ngài phải đề phòng đừng để du nhập những lạm dụng kỷ luật trong Giáo Hội, nhất là về tác vụ Lời Chúa, việc cử hành các Bí Tích và các Á Bí Tích, việc tôn kính Thiên Chúa và các Thánh và việc quản lý tài sản.
Ðiều 393: Giám Mục giáo phận là đại diện cho giáo phận trong hết mọi công việc pháp lý của giáo phận.
Ðiều 394: (1) Giám Mục hãy cổ võ mọi hình thức tông đồ khác nhau trong giáo phận, và hãy lo sao để trong toàn thể giáo phận hoặc ở những đơn vị riêng biệt trong giáo phận, tất cả mọi hoạt động tông đồ được phối hợp với nhau dưới sự điều khiển của mình, tuy vẫn giữ tính cách riêng biệt của mỗi hoạt động.
(2) Ngài phải thúc giục mọi giáo hữu phải chu toàn bổn phận làm việc tông đồ tùy theo điều kiện và khả năng của mỗi người, và phải khuyến khích họ tham gia cùng nâng đỡ mọi hoạt động tông đồ khác nhau, tùy theo nhu cầu của mỗi nơi và mỗi thời.
Ðiều 395: (1) Giám Mục giáo phận, cho dù đã có một Giám Mục phó hay Giám Mục phụ tá, vẫn phải giữ luật trú sở trong giáo phận buộc chính bản thân.
(2) Trừ lý do phải viếng Tòa Thánh, hoặc hội họp công đồng, Thượng Hội Nghị Giám Mục, Hội Ðồng Giám Mục, hay phải thi hành nhiệm vụ nào khác đã được ủy thác hợp lệ, Giám Mục có thể vắng mặt khỏi giáo phận vì lý do chính đáng không quá một tháng hoặc liên tục hoặc gián đoạn, miễn là phải trù liệu được rằng giáo phận không bị thiệt hại vì sự vắng mặt của mình.
(3) Không được vắng mặt khỏi giáo phận trong những ngày lễ Chúa Giáng Sinh, Tuần Thánh và Phục Sinh, lễ Hiện Xuống và lễ Mình Máu Thánh Ðức Kitô, nếu không có lý do hệ trọng và khẩn cấp.
(4) Nếu Giám Mục vắng mặt khỏi giáo phận cách bất hợp pháp quá sáu tháng, thì Tổng Giám Mục phải thông tri cho Tòa Thánh biết về sự kiện ấy; nếu chính Tổng Giám Mục vắng mặt, thì Giám Mục cao niên hơn cả trong các giáo phận thuộc hạt phải thông tri.
Ðiều 396: (1) Hằng năm, Giám Mục có bổn phận phải kinh lược tất cả hoặc một phần giáo phận, sao cho ít là trong vòng năm năm có thể kinh lược toàn thể giáo phận, hoặc đích thân, nếu ngài bị cản trở hợp lệ, nhờ Giám Mục phó, hoặc Giám Mục phụ tá, hoặc Tổng Ðại Diện hoặc Ðại Diện Giám Mục, hoặc một linh mục nào khác.
(2) Giám Mục có thể chọn những giáo sĩ nào ngài thích để tháp tùng và giúp đỡ trong việc kinh lược, mọi đặc ân và tục lệ trái ngược đều phải bị bài bác.
Ðiều 397: (1) Giám Mục có quyền kinh lược thông thường những nhân sự, cơ sở công giáo, sự vật và các nơi thánh nằm trong lãnh thổ của giáo phận.
(2) Giám Mục chỉ có thể tới kinh lược các phần tử các Dòng Tu thuộc luật Giáo Hoàng và các tu viện của họ, trong những trường hợp được luật quy định rõ rệt.
Ðiều 398: Giám Mục phải liệu thi hành việc kinh lược mục vụ cách chu đáo, và hãy tránh đừng gây phiền toái hay gánh nặng cho ai vì những chi phí không cần.
Ðiều 399: (1) Cứ mỗi năm năm, Giám Mục giáo phận phải nạp phúc trình lên Ðức Thánh Cha về tình trạng của giáo phận đã được uỷ thác cho ngài, theo mẫu thức và thời gian do Tòa Thánh đã ấn định.
(2) Nếu năm đã được ấn định để nạp phúc trình về Tòa Thánh mà trùng hợp hoặc toàn thể hoặc một phần với hai năm đầu kể từ khi đảm nhiệm việc quản trị giáo phận, thì lần đó Giám Mục có thể được miễn làm và nạp phúc trình.
Ðiều 400: (1) Vào đúng năm phải nạp phúc trình lên Ðức Thánh Cha, nếu Tòa Thánh không định cách khác, Giám Mục giáo phận phải về Rôma để viếng mộ các Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô và yết kiến Ðức Thánh Cha.
(2) Giám Mục buộc phải tự mình chu toàn bổn phận nói trên, trừ khi bị ngăn trở hợp lệ, thì có thể nhờ thay thế bởi Giám Mục phó, nếu có, hoặc Giám Mục phụ tá, hay một linh mục xứng đáng thuộc linh mục đoàn của mình hiện đang cư ngụ trong giáo phận.
(3) Ðại Diện Tông Tòa có thể thi hành bổn phận này qua một đại diện, kể cả nhờ một người đang sống ở Rôma, Phủ Doãn Tông Tòa không buộc phải giữ nghĩa vụ này.
Ðiều 401: (1) Khi đã trọn bảy mươi lăm tuổi, Giám Mục giáo phận được yêu cầu đệ đơn từ chức lên Ðức Thánh Cha, và Ðức Thánh Cha sẽ dự liệu sau khi đã cân nhắc tất cả mọi hoàn cảnh.
(2) Nếu vì đau yếu hoặc vì lý do trầm trọng nào khác khiến cho khả năng chu toàn chức vụ bị suy giảm, thì Giám Mục giáo phận được khẩn khoản yêu cầu đệ đơn từ chức.
Ðiều 402: (1) Giám Mục nào đã được chấp thuận từ chức thì sẽ giữ tước hiệu là Cựu Giám Mục của giáo phận cũ, và nếu muốn, ngài có thể vẫn cư trú ngay trong giáo phận đó, ngoại trừ những trường hợp mà vì hoàn cảnh đặc biệt, Tòa Thánh đã dự liệu cách khác.
(2) Hội Ðồng Giám Mục phải lo việc chu cấp tương hợp và xứng đáng cho Giám Mục đã từ chức, tuy dẫu bổn phận chính yếu thuộc về giáo phận mà trước đây vị ấy đã phục vụ.
Mục III: Các Giám Mục Phó Và Giám Mục Phụ Tá
Ðiều 403: (1) Khi nào nhu cầu mục vụ của giáo phận đòi hỏi, sẽ được đặt một hoặc nhiều Giám Mục phụ tá, theo lời yêu cầu của Giám Mục giáo phận; Giám Mục phụ tá không có quyền kế vị.
(2) Trong những hoàn cảnh trầm trọng hơn, kể cả vì lý do cá nhân, có thể ban cho Giám Mục giáo phận một Giám Mục phụ tá với những năng ân đặc biệt.
(3) Nếu thấy xét thích hợp, Tòa Thánh có thể chiểu nhiệm vụ đặt một Giám Mục phó, cùng với những năng ân đặc biệt; Giám Mục phó có quyền kế vị.
Ðiều 404: (1) Giám Mục phó tựu chức khi đích thân hoặc nhờ một đại diện, trình văn thư bổ nhiệm của Tòa Thánh cho Giám Mục giáo phận và Hội Ðồng Tư Vấn, trước sự hiện diện của Chưởng Ấn Giáo Phủ và vị này lập biên bản.
(2) Giám Mục phụ tá tựu chức khi ngài trình văn thư bổ nhiệm của Tòa Thánh cho Giám Mục giáo phận, trước sự hiện diện của Chưởng Ấn Giáo Phủ, và vị này lập biên bản.
(3) Giả như Giám Mục giáo phận bị ngăn trở hoàn toàn, thì chỉ cần bổ nhiệm Giám Mục phó hoặc Giám Mục phụ tá trình văn thư bổ nhiệm của Tòa Thánh cho Hội Ðồng Tư Vấn, trước sự hiện diện của Chưởng Ấn Giáo Phủ.
Ðiều 405: (1) Giám Mục phó cũng như Giám Mục phụ tá có mọi nghĩa vụ và quyền lợi được ấn định trong những điều luật sau đây và trong văn thư bổ nhiệm.
(2) Giám Mục phó và Giám Mục phụ tá nói ở điều 403 triệt 2, giúp Giám Mục giáo phận trong mọi công việc quản trị giáo phận, và thay thế ngài lúc vắng mặt hoặc bị cản trở.
Ðiều 406: (1) Giám Mục phó, cũng như Giám Mục phụ tá nói ở điều 403 triệt 2, phải được Giám Mục giáo phận đặt làm Tổng Ðại Diện; ngoài ra, Giám Mục giáo phận phải ủy thác cho vị ấy trước các người khác tất cả những gì mà luật đòi hỏi sự ủy nhiệm đặc biệt.
(2) Nếu văn thư Tòa Thánh không dự liệu thể khác, và vẫn tôn trọng quy tắc của triệt 1 trên đây, Giám Mục giáo phận phải đặt vị phụ tá hoặc các phụ tá làm Tổng Ðại Diện hoặc ít là làm Ðại Diện Giám Mục; và các ngài chỉ lệ thuộc quyền của Giám Mục giáo phận, hoặc Giám Mục phó, hoặc Giám Mục phụ tá nói ở điều 403 triệt 2.
Ðiều 407: (1) Nhằm cổ võ thiện ích hiện tại và tương lai của giáo phận một cách tối đa, Giám Mục giáo phận, Giám Mục phó và Giám Mục phụ tá nói ở điều 403 triệt 2, phải bàn thảo với nhau trong những vấn đề có tầm quan trọng.
(2) Khi phải giải quyết những vấn đề khá quan trọng, nhất là có tính cách mục vụ, Giám Mục giáo phận nên bàn thảo với các Giám Mục phụ tá trước các người khác.
(3) Giám Mục phó và Giám Mục phụ tá, xét vì được gọi san sẻ nỗi lo âu với Giám Mục giáo phận, phải lo thi hành trách vụ của mình, để sao cho có sự hòa hợp với ngài trong hành động cũng như trong ý định.
Ðiều 408: (1) Mỗi khi được Giám Mục giáo phận yêu cầu và nếu không bị cản trở chính đáng, Giám Mục phó và Giám Mục phụ tá có bổn phận cử hành nghi thức giáo chủ và các phận vụ khác thuộc bổn phận của Giám Mục giáo phận.
(2) Giám Mục giáo phận không nên ủy thác cách thường xuyên cho một người khác những quyền lợi và phận vụ của chức Giám Mục mà Giám Mục phó hoặc Giám Mục phụ tá có thể thi hành.
Ðiều 409: (1) Trong khi Tòa Giám Mục trống ngôi, thì Giám Mục phó tức khắc trở thành Giám Mục của giáo phận mà ngài đã được đặt, miễn là ngài đã tựu chức hợp lệ.
(2) Trong khi Tòa Giám Mục trống ngôi, nếu nhà chức trách có thẩm quyền không ấn định thể khác, thì cho tới khi Tân Giám Mục tựu chức, Giám Mục phụ tá duy trì tất cả và chỉ những quyền hành và năng ân đã có như Tổng Ðại Diện hoặc như Ðại Diện Giám Mục khi Giám Mục chính tòa còn tại chức. Nếu sau đó không được bầu làm Giám Quản giáo phận, thì Giám Mục phụ tá hành sử quyền của mình do luật pháp đã trao, dưới quyền của Giám Quản giáo phận là người lãnh đạo giáo phận.
Ðiều 410: Giám Mục phó và Giám Mục phụ tá có bổn phận phải cư trú trong giáo phận cũng như Giám Mục giáo phận; các ngài chỉ được rời giáo phận trong thời gian ngắn, trừ khi vì lý do phải thi hành một nhiệm vụ ngoài giáo phận hoặc vì đi nghỉ, nhưng kỳ nghỉ không được quá một tháng.
Ðiều 411: Về sự từ chức, sẽ áp dụng cho Giám Mục phó và Giám Mục phụ tá các quy định của điều 401 và 402 triệt 2.
Chương III: Cản Tòa Và Trống Tòa
Mục I: Cản Tòa
Ðiều 412: Tòa Giám Mục bị cản khi vì lý do giam tù, quản thúc, phát lưu, hay vô năng lực, Giám Mục giáo phận bị hoàn toàn ngăn cản thi hành nhiệm vụ mục vụ trong giáo phận, đến nỗi không thể giao thiệp bằng thư từ với những người trong giáo phận.
Ðiều 413: (1) Khi Tòa Giám Mục bị cản, nếu Tòa Thánh không dự liệu thể khác, việc quản trị giáo phận thuộc về Giám Mục phó nếu có; nếu không có hoặc bị cản trở, thì thuộc về Giám Mục phụ tá hoặc Tổng Ðại Diện hoặc Ðại Diện Giám Mục hoặc một linh mục nào khác, theo thứ tự được ấn định trong danh sách mà Giám Mục giáo phận đã lập liền ngay sau khi tựu chức; danh sách ấy phải được thông báo cho Tổng Giám Mục, và được duyệt lại ít là từng ba năm một, và được Chưởng Ấn giữ kín.
(2) Nếu không có Giám Mục phó hay vị ấy bị ngăn trở và không có danh sách nói ở triệt 1 trên đây, thì Hội Ðồng Tư Vấn sẽ chọn một linh mục để quản trị giáo phận.
(3) Ai đã nhận quản trị giáo phận theo quy định ở triệt 1 và 2 nói trên, thì phải thông báo sớm hết sức cho Tòa Thánh biết là Tòa Giám Mục bị cản và mình đang đảm nhận trách vụ.
Ðiều 414: Bất cứ ai đã được gọi chiếu theo điều 413, để tạm thời đảm nhận việc săn sóc mục vụ của giáo phận trong thời gian cản tòa, thì phải giữ các nghĩa vụ và được hưởng mọi quyền hành mà luật dành cho Giám Quản giáo phận.
Ðiều 415: Nếu vì một hình phạt giáo luật, Giám Mục giáo phận bị ngăn trở thi hành chức vụ, thì Tổng Giám Mục, hoặc nếu không có Tổng Giám Mục hoặc chính ngài bị phạt thì Giám Mục thuộc hạt cao niên hơn cả, phải lập tức trình lên Tòa Thánh để Tòa Thánh dự liệu.
Mục II: Trống Tòa
Ðiều 416: Tòa Giám Mục trở nên trống hay khuyết vị vì sự mệnh một của Giám Mục giáo phận, sự từ chức đã được Ðức Thánh Cha chấp nhận, sự thuyên chuyển hoặc cách chức được thông báo cho Giám Mục.
Ðiều 417: Tất cả những hành vi mà Tổng Ðại Diện hoặc Ðại Diện Giám Mục đã làm cho tới khi các ngài biết được tin chắc chắn Giám Mục giáo phận đã từ trần đều có giá trị; cũng vậy, tất cả những hành vi mà Giám Mục giáo phận hoặc Tổng Ðại Diện hoặc Ðại Diện Giám Mục đã làm cho tới khi nhận được tin chắc chắn về văn thư Tòa Thánh như đã nói trên đều có giá trị.
Ðiều 418: (1) Kể từ khi nhận được tin chắc chắn về sự thuyên chuyển, Giám Mục trong vòng hai tháng, phải tới giáo phận đã được chỉ định và tựu chức theo luật; nhưng giáo phận cũ trở thành trống kể từ lúc Giám Mục tựu chức trong một giáo phận mới.
(2) Kể từ lúc nhận được tin chắc chắn về sự thuyên chuyển cho tới khi tựu chức trong giáo phận mới, thì trong giáo phận cũ, Giám Mục:
1. có quyền hành và có các nghĩa vụ tương đương như Giám Quản giáo phận; mọi quyền hành của Tổng Ðại Diện và Ðại Diện Giám Mục chấm dứt, ngoại trừ quy định ở điều 409 triệt 2;
2. được hưởng trọn vẹn thù lao dành cho chức vụ.
Ðiều 419: Kể từ khi trống tòa, việc quản trị giáo phận, cho tới khi đặt được Giám Quản giáo phận, được chuyển sang Giám Mục phụ tá; nếu có nhiều Giám Mục phụ tá thì vị nào cao niên hơn cả xét theo thứ tự được tiến cử; nhưng nếu không có Giám Mục phụ tá, thì việc quản trị giáo phận chuyển sang Hội Ðồng Tư Vấn, trừ khi Tòa Thánh dự liệu thể khác. Ai đảm nhiệm việc quản trị giáo phận như vậy thì lập tức phải triệu tập Hội Ðồng có thẩm quyền để chỉ định Giám Quản giáo phận.
Ðiều 420: Khi Ðại Diện hoặc Phủ Doãn Tông Tòa trống tòa, nếu Tòa Thánh không định cách khác, thì việc quản trị sẽ thuộc vị Quyền Ðại Diện hoặc Quyền Phủ Doãn do Ðại Diện hoặc Phủ Doãn chỉ định để đảm nhận chức ấy, ngay sau khi đã tựu chức.
Ðiều 421: (1) Trong vòng tám ngày kể từ khi nhận được tin trống tòa; Hội Ðồng Tư Vấn phải bầu một Giám Quản giáo phận, tức là người tạm thời quản trị giáo phận, đừng kể quy định của điều 502 triệt 3.
(2) Nếu vì bất cứ lý do nào Giám Quản giáo phận chưa được bầu cử hợp lệ trong vòng thời gian đã ấn định, thì sự chỉ định Giám Quản sẽ chuyển sang Tổng Giám Mục; nếu chính tòa Tổng Giám Mục bị khuyết vị, hay tòa Tổng Giám Mục bị trống cùng một lúc với một tòa thuộc hạt, thì việc chỉ định Giám Quản thuộc quyền Giám Mục thuộc hạt cao niên nhất xét theo sự tiến cử.
Ðiều 422: Giám Mục phụ tá, và nếu không có Giám Mục phụ tá thì Hội Ðồng Tư Vấn, phải lo thông báo cho Tòa Thánh sớm hết sức biết tin Giám Mục đã từ trần; và ai đã được bầu làm Giám Quản giáo phận cũng phải thông tri sớm hết sức cho Tòa Thánh biết việc mình đã được bầu.
Ðiều 423: (1) Chỉ được chỉ định một Giám Quản giáo phận mà thôi; mọi thói quen trái ngược đều phải bị bài bác; nếu không, thì sự bầu cử sẽ vô hiệu.
(2) Giám Quản giáo phận không được kiêm nhiệm chức Quản Lý; vì thế, nếu Quản Lý được bầu làm Giám Quản, thì Hội Ðồng kinh tế sẽ bầu một người khác làm Quản Lý tạm thời.
Ðiều 424: Giám Quản giáo phận được bầu theo các điều 165-178.
Ðiều 425: (1) Ðể có thể được chỉ định hữu hiệu vào chức vụ Giám Quản giáo phận, cần phải là tư tế nào đã đủ ba mươi lăm tuổi, và chưa bao giờ được bầu, được bổ nhiệm hoặc được đề cử cho chính tòa bị trống ấy.
(2) Tư Tế được chọn làm Giám Quản giáo phận phải là người trổi vượt về đạo lý và khôn ngoan.
(3) Nếu mọi điều kiện ấn định trong triệt 1 không được tôn trọng thì Tổng Giám Mục, hoặc nếu chính tòa Tổng Giám Mục khuyết vị thì Giám Mục thuộc hạt cao niên hơn cả xét theo ngày tiến cử, sau khi đã kiểm chứng sự việc, sẽ chỉ định Giám Quản cho lần đó. Những hành vi thực hiện do người được bầu lên trái ngược với quy định ở triệt 1 trên đây, đều vô hiệu do chính luật.
Ðiều 426: Trong thời gian trống tòa, trước khi Giám Quản giáo phận được chỉ định, người nào quản trị giáo phận thì có quyền hành mà luật dành cho Tổng Ðại Diện.
Ðiều 427: (1) Giám Quản giáo phận có mọi nghĩa vụ và quyền hành như Giám Mục giáo phận, ngoại trừ những gì xét theo bản tính sự việc hoặc chính luật pháp đã loại trừ.
(2) Giám Quản giáo phận được hưởng quyền hành do việc đã ưng thuận sự bầu cử và không cần sự phê chuan của ai khác, nhưng phải giữ bổn phận nói ở điều 833 số 4.
Ðiều 428: (1) Trong khi trống tòa, thì không được đổi mới gì cả.
(2) Cấm những ai đảm nhiệm việc quản trị tạm thời giáo phận không được làm bất cứ việc gì có thể gây tổn thiệt cho giáo phận hoặc cho các quyền lợi của Giám Mục; đặc biệt cấm các vị đó và bất cứ ai khác nữa không được đích thân hay nhờ người khác lấy ra, tiêu hủy, sửa chữa bất cứ các tài liệu nào của phủ giáo phận.
Ðiều 429: Giám Quản giáo phận có nghĩa vụ cư trú trong giáo phận và phải dâng thánh lễ cầu cho dân, chiếu theo luật điều 388.
Ðiều 430: (1) Nhiệm vụ Giám Quản giáo phận chấm dứt khi Tân Giám Mục tựu chức trong giáo phận.
(2) Việc bãi chức Giám Quản giáo phận dành riêng cho Tòa Thánh; nếu muốn xin từ chức, thì chỉ cần bày tỏ ý định theo đúng thủ tục cho tập đoàn có thẩm quyền bầu cử và không cần được sự chấp nhận. Trong trường hợp Giám Quản giáo phận bị bãi chức, hoặc từ chức hoặc qua đời, thì sẽ bầu một vị Giám Quản giáo phận khác theo quy tắc của điều 421.
(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)