Bộ Giáo Luật
The Code of Canon Law
Bản dịch việt ngữ của:
Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Quyển VII: Tố Tụng
Phần V:
Thủ Tục Áp Dụng Trong Việc
Thượng Cầu Hành Chánh
Và Trong Việc Bãi Chức
Hay Thuyên Chuyển Cha Sở
Tiết I:
Thượng Cầu Kháng Lại
Một Nghị Ðịnh Hành Chánh
Ðiều 1732: Những gì được ấn định trong các điều khoản của tiết này về các nghị định, phải được áp dụng cho tất cả các hành vi hành chánh cá biệt được ban hành ở tòa ngoài theo thủ tục ngoại tư pháp, ngoại trừ những quyết nghị do chính Ðức Thánh Cha do chính Công Ðồng Hoàn Vũ ban hành.
Ðiều 1733: (1) Rất mong rằng khi một người cho rằng mình đã bị thiệt hại vì một nghị định, thì đương sự nên tránh tranh chấp với tác giả nghị định, nhưng hãy lo tìm cách thỏa thuận để đạt đến một giải pháp công bình thỏa thuận chung, kể cả có thể nhờ sự trung gian và cố gắng của những người đứng đắn. Nhờ thế, sự tranh chấp có thể tránh được hoặc giải quyết bằng phương thế xứng tiện.
(2) Hội Ðồng Giám Mục có thể ra lệnh để trong mỗi giáo phận, phải thành lập một văn phòng hay ủy ban thường trực; dựa theo các quy tắc do Hội Ðồng Giám Mục ấn định, cơ quan này có nhiệm vụ tìm hiểu và đề nghị những giải pháp công bình. Nếu Hội Ðồng Giám Mục không ra chỉ thị cho việc ấy, thì Giám Mục cũng có thể thành lập ủy ban hay văn phòng ấy.
(3) Văn phòng hay ủy ban nói ở triệt 2, sẽ hoạt động nhất là khi có đơn yêu cầu thu hồi một nghị định chiếu theo quy tắc ở điều 1734, và khi hạn kỳ để thượng cầu chưa chấm dứt. Tuy nhiên, nếu sự thượng cầu phản kháng một nghị định đã được đệ trình, thì chính Thượng Cấp xét vụ thượng cầu, nếu nhận thấy có hy vọng đạt kết quả tốt, phải khuyến dụ người thượng cầu và tác giả nghị định tìm những giải pháp dựa theo đường lối nói trên.
Ðiều 1734: (1) Trước khi thượng cầu, đương sự phải viết đơn yêu cầu chính tác giả bãi bỏ hay sửa đổi nghị định. Việc nộp đơn thỉnh nguyện bao hàm việc xin đình chỉ việc chấp hành nghị định.
(2) Phải trình đơn thỉnh nguyện trong hạn kỳ thất hiệu là mười ngày kể từ khi nghị định được cáo tri hợp pháp.
(3) Các quy tắc nói ở triệt 1 và 2 không có giá trị:
1. trong việc đệ trình thượng cầu lên Giám Mục để kháng lại các nghị định được ban hành do những người hữu trách thuộc quyền của ngài;
2. trong việc đệ trình thượng cầu kháng lại một nghị định trong đó quyết định là do Giám Mục ban hành;
3. trong việc đệ trình thượng cầu dựa theo các quy tắc ở các điều 57 và 1735.
Ðiều 1735: Nếu trong hạn ba mươi ngày từ khi thỉnh đơn được đệ trình theo điều 1734 đến tay tác giả nghị định, mà vị này ra một nghị định mới sửa đổi nghị định trước hay quyết định bác đơn, thì hạn kỳ thượng cầu bắt đầu từ khi nghị định mới được cáo tri; tuy nhiên, nếu trong hạn ba mươi ngày mà tác giả nghị định không quyết định gì cả, thì hạn kỳ sẽ bắt đầu từ ngày thứ ba mươi.
Ðiều 1736: (1) Trong những vấn đề mà sự thượng cầu hệ trật đình chỉ việc thi hành nghị định, thì thỉnh đơn nói ở điều 1734 cũng phát sinh hiệu lực tương tự.
(2) Trong những trường hợp khác, nếu chính tác giả nghị định không quyết định đình chỉ thi hành trong hạn mười ngày kể từ khi nhận thỉnh đơn như nói ở điều 1734, thì việc đình chỉ có thể được lâm thời yêu cầu nơi Thượng Cấp hệ trật của tác giả. Thượng Cấp này có thể quyết định đình chỉ khi có lý do hệ trọng, tuy phải cẩn thận kẻo phần rỗi các linh hồn vì đó mà bị thiệt hại.
(3) Sau khi đã đình chỉ sự thi hành nghị định theo quy tắc ở triệt 2, nếu sau đó sự thượng cầu được đệ trình, thì người phải xét xử thượng cầu chiếu theo quy tắc ở điều 1737, triệt 3, phải quyết định nên xác nhận hay thu hồi việc đình chỉ.
(4) Nếu không có sự thượng cầu nào được đệ trình để kháng lại nghị định trong hạn kỳ luật định, thì việc đình chỉ sự thi hành với hiệu lực lâm thời, chiếu theo quy tắc ở triệt 1 hay triệt 2, sẽ đương nhiên chấm dứt.
Ðiều 1737: (1) Ai cho rằng mình bị thiệt hại vì một nghị định thì có thể thượng cầu, vì bất cứ lý do chính đáng nào, lên Thượng Cấp hệ trật của người đã ban hành nghị định. Sự thượng cầu có thể nạp tại chính tác giả của nghị định, và vị này phải lập tức chuyển nó lên Thượng Cấp hệ trật.
(2) Sự thượng cầu phải được đệ trình trong hạn kỳ thất hiệu là mười lăm ngày. Trong trường hợp nói ở điều 1734, triệt 3, hạn kỳ thất hiệu bắt đầu từ ngày nghị định được cáo tri; trong những trường hợp khác, hạn kỳ bắt đầu theo quy tắc của điều 1735.
(3) Kể cả trong những trường hợp mà sự thượng cầu không đương nhiên đình chỉ việc thi hành nghị định, hay việc đình chỉ không được quyết định theo quy tắc ở điều 1736, triệt 2, thì Thượng Cấp, vì lý do hệ trọng, có thể ra lệnh đình chỉ việc thi hành, nhưng phải thận trọng kẻo phần rỗi các linh hồn vì đó mà bị thiệt hại.
Ðiều 1738: Người thượng cầu luôn có quyền nhờ luật sư hay người thụ ủy, nhưng phải tránh những trì hoãn vô ích. Hơn nữa, cần phải chỉ định những luật sư chiếu chức vụ nếu người thượng cầu không có luật sư và Thượng Cấp xét thấy là cần thiết. Tuy nhiên, Thượng Cấp luôn có thể ra lệnh cho chính người thượng tố phải trình diện để được thẩm vấn.
Ðiều 1739: Thượng Cấp xét xử đơn thượng cầu được phép, tùy trường hợp, không những là xác nhận nghị định hay tuyên bố vô hiệu, mà còn có thể hủy bỏ, thu hồi, hay, nếu Thượng Cấp thấy thích hợp, có thể sửa đổi, bổ túc hay thêm bớt nghị định cũ.
(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)