Bộ Giáo Luật
The Code of Canon Law
Bản dịch việt ngữ của:
Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Quyển VII: Tố Tụng
Phần IV: Tố Tụng Hình Sự
Chương I: Ðiều Tra Sơ Khởi
Ðiều 1717: (1) Mỗi khi biết được, ít là cách đáng tin, về một tội phạm đã xảy ra, thì Bản Quyền phải tự mình hay nhờ người xứng đáng điều tra cách thận trọng về các sự kiện, các hoàn cảnh và về sự quy trách, trừ khi sự điều tra này xem ra hoàn toàn vô ích.
(2) Phải ý tứ kẻo việc điều tra này gây nguy hại đến thanh danh của bất cứ người nào.
(3) Người điều tra cũng có quyền hành và nghĩa vụ như dự thẩm trong tố tụng. Nếu sau đó có tố tụng tư pháp, người điều tra sẽ không được làm thẩm phán.
Ðiều 1718: (1) Khi ước định là các yếu tố thu thập đã đủ, Bản Quyền phải quyết định:
1. có thể tiến hành tố tụng hay không, để tuyên kết hay tuyên bố hình phạt;
2. có nên tiến hành hay không, chiếu theo điều 1341;
3. có cần dùng đến tố tụng tư pháp hay không, hay nếu luật pháp không cấm, phải tiến hành bằng nghị định ngoại tư pháp.
(2) Bản Quyền phải thu hồi hay sửa đổi nghị định nói ở triệt 1, mỗi khi các yếu tố mới thúc đẩy phải quyết định thể khác.
(3) Khi ban hành nghị định nói ở triệt 1 và 2, Bản Quyền, tùy theo sự khôn ngoan, nên tham khảo hai thẩm phán hoặc các chuyên viên luật khoa.
(4) Trước khi quyết định theo quy tắc nói ở triệt 1 và 2, Bản Quyền phải xét xem có tiện để chính mình hay người điều tra, với sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định vấn đề thiệt hại, theo lẽ phải và công bình, hầu tránh những phán xử vô ích.
Ðiều 1719: Nếu không cần dùng vào tố tụng hình sự, thì các án từ điều tra và các nghị định của Bản Quyền để mở và kết thúc cuộc điều tra, và tất cả mọi tài liệu trước cuộc điều tra phải được cất giữ trong văn khố của giáo phủ.
Chương II: Diễn Tiến Của Tố Tụng
Ðiều 1720: Nếu Bản Quyền nghĩ rằng phải tiến hành bằng nghị định ngoại tư pháp:
1. phải cho bị cáo biết sự tố cáo và bằng chứng, và phải cho họ tự biện hộ, trừ khi bị cáo đã bị triệu hoán cách hợp thức nhưng chểnh mảng không ra trình diện;
2. phải cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các bằng chứng và luận cứ với hai phụ thẩm;
3. khi đã chắc chắn là tội phạm đã xảy ra và tố quyền hình sự chưa bị tiêu diệt, thì một nghị định sẽ được ban hành theo quy tắc ở các điều 1342-1350, trong đó trình bày, ít là cách vắn tắt, các lý do về luật pháp và về sự kiện.
Ðiều 1721: (1) Nếu Bản Quyền ban hành nghị định tiến hành tố tụng hình sự tư pháp, thì Bản Quyền phải gởi các án từ điều tra cho chưởng lý để vị này nộp đơn tố cáo lên thẩm phán chiếu theo quy tắc ở các điều 1502 và 1504.
(2) Ở tòa thượng cấp, chưởng lý được thiết lập cho tòa đó sẽ đóng vai nguyên cáo.
Ðiều 1722: Ở bất cứ giai đoạn nào của vụ kiện, để phòng ngừa gương xấu, để bảo vệ tự do của nhân chứng và để bảo toàn sự lưu hành của công lý, Bản Quyền, sau khi thỉnh ý chưởng lý và triệu hoán bị cáo, có thể cấm bị cáo thi hành chức thánh hoặc một chức vụ hay trọng trách trong Giáo Hội, buộc hay cấm bị cáo cư ngụ trong một nơi hay lãnh thổ, hay cấm tham dự công khai bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, tất cả những biện pháp này phải được rút lại khi lý do thúc đẩy đã chấm dứt, và đương nhiên hết hiệu lực khi kết thúc thủ tục hình sự.
Ðiều 1723: (1) Khi thẩm phán triệu bị cáo ra tòa, thì cũng phải mời bị cáo tự chọn một luật sư, theo quy tắc của điều 1481, triệt 1, trong hạn kỳ do chính thẩm phán ấn định.
(2) Nếu bị cáo không chọn, thì chính thẩm phán phải bổ nhiệm một luật sư trước khi diễn ra sự đối tụng; luật sư này sẽ giữ chức vụ bao lâu bị cáo không tự chọn cho mình một luật sư khác.
Ðiều 1724: (1) Ở bất cứ cấp bực phán xử nào, chưởng lý cũng có thể khước từ vụ kiện, do một mệnh lệnh hay do sự đồng ý của Bản Quyền đã quyết định bắt đầu vụ kiện.
(2) Ðể có hiệu lực, sự khước từ phải được bị cáo chấp nhận, trừ khi chính bị cáo bị tuyên bố khuyết tịch.
Ðiều 1725: Trong khi tranh luận vụ án, hoặc bằng luận trạng viết hay bằng khẩu biện, bị cáo luôn luôn có quyền tự mình hay nhờ luật sư hay người thụ ủy viết hay nói lời sau cùng.
Ðiều 1726: Ở bất cứ cấp bực hay giai đoạn nào của tố tụng hình sự, nếu nhận thấy rõ ràng tội phạm không do bị cáo lỗi phạm, thì thẩm phán phải tuyên bố điều ấy trong án văn và tha bổng bị cáo, cả khi tố quyền hình sự đã bị thời tiêu.
Ðiều 1727: (1) Bị cáo có thể kháng cáo, cả khi bản án đã miễn phạt bị cáo bởi vì hình phạt là nhiệm ý hay bởi vì thẩm phán đã xử dụng quyền nói ở các điều 1344 và 1345.
(2) Chưởng lý có thể kháng cáo mỗi khi xét thấy việc sửa chữa gương xấu hay việc hoàn trả theo lẽ công bình không được quy định đầy đủ.
Ðiều 1728: (1) Tuy phải tuân hành các quy định của các điều luật trong thiên này, nhưng trong vụ kiện hình sự vẫn phải áp dụng các điều về tố tụng nói chung và về tố tụng hộ sự thông thường, trừ khi chúng trái ngược với bản chất của vấn đề và miễn là giữ các quy tắc riêng biệt về các vụ kiện liên hệ đến công ích.
(2) Bị cáo không bị buộc phải thú nhận tội phạm của mình, cũng không được bắt bị cáo phải thề.
Chương III: Tố Quyền Ðòi Bồi Thường Thiệt Hại
Ðiều 1729: (1) Ðương sự nào bị thiệt hại có thể xử dụng tố quyền hộ sự để đòi bồi thường thiệt hại mình đã chịu do tội phạm gây ra trong chính phán xử hình sự, theo quy tắc ở điều 1596.
(2) Sự can thiệp của đương sự bị thiệt hại, nói ở triệt 1, không được chấp nhận nữa nếu đã không được thực hiện ở bậc sơ cấp của phán xử hình sự.
(3) Kháng cáo trong vụ kiện về sự thiệt hại phải được thực hiện theo quy tắc ở các điều 1628-1640, cho dù không thể kháng cáo được trong phán xử hình sự. Tuy nhiên, nếu sự kháng cáo cho cả hai trường hợp được đệ trình, mặc dù do nhiều đương sự khác nhau, thì cũng chỉ xét trong một phán xử kháng cáo duy nhất, miễn là vẫn giữ quy định ở điều 1730.
Ðiều 1730: (1) Ðể tránh việc trì hoãn phán xử hình sự, thẩm phán có thể hoãn lại phán xử về sự thiệt hại cho đến khi ban hành bản án chung quyết về phán xử hình sự.
(2) Thẩm phán nào đã hành động như thế thì, sau khi ban hành bản án trong phán xử hình sự, phải phán xử về sự thiệt hại, kể cả khi vụ kiện hình sự chưa thành chung quyết vì đã có sự kháng nghị, hoặc kể cả khi bị cáo đã được xá miễn vì một lý do nào đó không cất khỏi nghĩa vụ phải đền bù thiệt hại.
Ðiều 1731: Một bản án ban hành trong vụ kiện hình sự, cả khi đã trở thành vấn đề quyết tụng, không tạo ra một quyền lợi nào cho đương sự bị thiệt hại, nếu người này đã không can thiệp dựa theo quy tắc của điều 1729.
(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)