Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển I:

Tổng Tắc

Thiên 9:

Các Chức Vụ Giáo Hội

(Giáo Vụ)

 

Ðiều 145: (1) Giáo vụ là bất cứ nhiệm vụ nào được thiết lập cách bền vững do lệnh của Thiên Chúa hay của Giáo Hội để theo đuổi một mục tiêu thiêng liêng.

(2) Các nghĩa vụ và quyền lợi riêng từng giáo vụ thì được xác định hoặc do luật đã thiết lập giáo vụ, hoặc do nghị định của nhà chức trách có thẩm quyền thiết lập và đồng thời trao phó chức vụ.

 

Chương I: Việc Chỉ Ðịnh Giáo Vụ

Ðiều 146: Một giáo vụ không thể được thủ đắc cách hữu hiệu nếu không qua sự chỉ định theo giáo luật.

Ðiều 147: Sự chỉ định giáo vụ được thực hiện: bằng sự tự ý trao phó do nhà chức trách Giáo Hội có thẩm quyền; bằng sự bổ nhiệm cũng do thẩm quyền ấy, nếu trước đó có sự đề cử; bằng sự phê chuẩn hay chấp nhận do thẩm quyền ấy, nếu trước đó có sự bầu cử hay thỉnh nguyện; sau cùng, bằng sự bầu cử đơn thường và sự ưng thuận của người đắc cử, nếu cuộc bầu cử không cần được phê chuẩn.

Ðiều 148: Sự chỉ định giáo vụ thuộc thẩm quyền của nhà chức trách nào có phận sự thiết lập, canh tân và bãi bỏ nó, trừ khi luật ấn định cách khác.

Ðiều 149: (1) Ðể có thể được tiến cử vào một giáo vụ, cần phải hiệp thông với Giáo Hội và đủ khả năng, nghĩa là hội đủ các đức tính mà luật phổ quát địa phương hoặc luật thành lập đòi hỏi cho chức vụ ấy.

(2) Sự chỉ định một giáo vụ cho một người thiếu các đức tính đòi hỏi chỉ trở nên vô hiệu chừng nào các đức tính ấy được luật phổ quát hay luật địa phương hay luật thành lập minh thị yêu sách để sự chỉ định được hữu hiệu; nếu không, sự chỉ định có giá trị, nhưng có thể bị bãi tiêu do một nghị định của nhà chức trách có thẩm quyền hay do một án văn của tòa án hành chánh.

(3) Sự chỉ định chức vụ nhờ việc mại thánh đương nhiên vô giá trị.

Ðiều 150: Một chức vụ nào có kèm theo việc coi sóc đầy đủ các linh hồn và đòi hỏi chức tư tế để chu toàn sẽ không thể được trao phó cách hữu hiệu cho người chưa được phong chức tư tế.

Ðiều 151: Khi không có lý do trầm trọng, không được trì hoãn việc chỉ định một chức vụ kèm theo việc coi sóc các linh hồn.

Ðiều 152: Không được giao phó cho ai hai hay nhiều chức vụ bất khả kiêm nhiệm, nghĩa là các chức vụ không thể thi hành cùng một lúc do cùng một người.

Ðiều 153: (1) Việc chỉ định một giáo vụ không khuyết vị theo luật đương nhiên sẽ vô hiệu; và không được hồi hiệu do sự khuyết vị sau đó.

(2) Tuy nhiên nếu là một chức vụ, chiếu theo luật, được trao phó với một thời hạn nhất định, thì sự chỉ định có thể thực hiện sáu tháng trước khi mãn thời hạn ấy, và phát sinh hậu quả từ lúc chức vụ khuyết vị.

(3) Sự hứa hẹn một chức vụ, dù bởi bất cứ người nào, sẽ không sinh hiệu lực pháp lý nào cả.

Ðiều 154: Một chức vụ khuyết vị theo luật, nhưng bị một người nào chiếm hữu cách bất hợp pháp thì vẫn có thể được trao phó, miễn là phải tuyên bố cách hợp lệ về việc chiếm hữu chức vụ bất hợp pháp. Văn thư trao phó phải đề cập đến sự tuyên bố ấy.

Ðiều 155: Kẻ nào thay thế một người khác lơ đễnh hoặc bị ngăn trở để trao chức vụ thì không vì vậy mà thủ đắc một quyền hành nào trên người được trao chức vụ. Tình trạng pháp lý của người được trao chức vụ được coi dường như sự trao phó đã được thực hiện theo qui tắc thông thường của luật pháp.

Ðiều 156: Việc chỉ định bất cứ chức vụ nào cũng phải làm bằng giấy tờ.

 

Mục 1: Sự Tự Ý Trao Phó

Ðiều 157: Nếu luật không minh thị ấn định cách khác, thì Giám Mục giáo phận có thẩm quyền chỉ định các giáo vụ trong Giáo Hội địa phương qua sự tự ý trao phó.

 

Mục 2: Sự Ðề Cử

Ðiều 158: (1) Sự đề cử vào một giáo vụ cần phải được thực hiện do người có quyền đề cử lên nhà chức trách có thẩm quyền bổ nhiệm. Trừ khi đã được dự trù cách nào khác hợp lệ, sự đề cử phải được thực hiện trong vòng ba tháng kể từ khi biết tin chức vụ khuyết vị.

(2) Nếu quyền đề cử thuộc về một tập đoàn hay một nhóm người, thì việc chỉ định người được đề cử phải tiến hành theo qui định nói ở các điều 165-179.

Ðiều 159: Không ai có thể được đề cử khi chính họ không muốn. Bởi đó, kẻ được giới thiệu có thể được đề cử nếu sau khi đã hỏi ý mà họ không từ chối trong vòng tám ngày hữu ích.

Ðiều 160: (1) Ai có quyền đề cử thì có thể đề cử một người hay kể cả nhiều người, hoặc đồng thời hoặc sỉ lượt.

(2) Không ai được đề cử chính mình. Tuy nhiên, một tập đoàn hay một nhóm có thể đề cử phần tử của mình.

Ðiều 161: (1) Trừ khi luật đã ấn định cách khác, người đã đề cử một người bị xét là không đủ tư cách, thì chỉ có thể đề cử một người khác một lần nữa, trong vòng một tháng.

(2) Nếu người được đề cử khước từ hoặc qua đời trước khi được bổ nhiệm, thì ai có quyền đề cử có thể xử dụng quyền của mình lần nữa trong vòng một tháng kể từ khi biết tin có sự khước từ hay qua đời.

Ðiều 162: Kẻ nào không đề cử trong thời hạn hữu ích theo qui tắc các điều 158 triệt 1, và 161, và kẻ nào đề cử hai lần một người bị xét là không đủ tư cách, thì mất quyền đề cử trong dịp ấy, và nhà chức trách có thẩm quyền bổ nhiệm sự tự ý chỉ định chức vụ khuyết vị, miễn là có sự đồng ý của Bản Quyền riêng của người được chỉ định.

Ðiều 163: Nhà chức trách, chiếu theo luật, có thẩm quyền bổ nhiệm người đề cử, sẽ bổ nhiệm người nào được đề cử hợp pháp và được xét có đủ tư cách cũng như chính người ấy đã ưng thuận. Nếu có nhiều người được đề cử hợp pháp và xét đủ tư cách, thì nhà chức trách sẽ chỉ định một trong những người ấy.

 

Mục 3: Sự Bầu Cử

Ðiều 164: Trừ khi luật đã dự liệu cách khác, trong các cuộc bầu cử theo Giáo Luật, phải tuân giữ các qui định của những điều sau đây.

Ðiều 165: Trừ khi luật hay quy chế hợp lệ của tập đoàn hay của nhóm dự liệu cách khác, nếu một tập đoàn hay nhóm người có quyền bầu cử vào chức vụ, thì sự bầu cử không được đình hoãn quá ba tháng hữu ích tính từ lúc biết tin chức vụ khuyết vị. Khi thời hạn ấy đã trôi qua vô ích, nhà chức trách Giáo Hội có thẩm quyền phê chuẩn sự bầu cử hay có quyền chỉ định liền kế đó, sẽ tự ý chỉ định chức vụ khuyết vị.

Ðiều 166: (1) Người chủ tọa tập đoàn hay nhóm phải triệu tập tất cả những người thuộc tập đoàn hay nhóm; khi sự triệu tập có tính cách cá nhân thì, để được hữu hiệu, phải thực hiện tại cư sở, bán cư sở hay nơi cư trú của họ.

(2) Nếu ai phải được triệu tập mà bị bỏ sót và do đó vắng mặt, thì sự bầu cử vẫn hữu hiệu; tuy nhiên theo lời yêu cầu của đương sự, sau khi đã kiểm chứng sự bỏ sót và vắng mặt, thì sự bầu cử, dù đã được nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn, cần phải bị hủy bỏ, miễn là phải rõ ràng theo pháp lý là sự thượng cầu được chuyển đạt ít là trong vòng ba ngày tính từ lúc biết tin có sự bầu cử.

(3) Tuy nhiên nếu một phần ba số cử tri bị bỏ sót, thì sự bầu cử đương nhiên vô hiệu, trừ khi tất cả những người bị bỏ sót đã thực sự tham dự.

Ðiều 167: (1) Một khi đã được triệu tập hợp lệ rồi, thì những người hiện diện tại ngày và nơi được ấn định trong lúc triệu tập có quyền bỏ phiếu. Nếu quy chế không dự liệu hợp lệ cách khác, việc bỏ phiếu bằng thư tín hay nhờ đại diện bị loại trừ.

(2) Nếu người nào trong số các cử tri có mặt tại nhà đang diễn ra cuộc bầu cử nhưng không thể tham dự sự bầu cử vì lý do bệnh tật, thì những người kiểm phiếu sẽ đi thu phiếu do đương sự đã viết.

Ðiều 168: Dù cho một người có quyền tự mình bỏ phiếu với nhiều danh nghĩa, người ấy cũng chỉ được bỏ một phiếu.

Ðiều 169: Ðể sự bầu cử được hữu hiệu, không người nào không thuộc về tập đoàn hay nhóm có thể được thu nhận vào việc bỏ phiếu.

Ðiều 170: Sự bầu cử đương nhiên vô hiệu nếu sự tự do thực sự đã bị ngăn trở bằng bất cứ cách nào.

Ðiều 171: (1) Những người sau đây không có năng cách để bỏ phiếu:

1. người không có khả năng để thực hiện các hành vi nhân linh;

2. người không có quyền bầu;

3. người bị tuyên kết hay tuyên bố hình phạt tuyệt thông hoặc do án văn của tòa án hoặc do nghị định;

4. người nào đã công khai lìa khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội.

(2) Nếu ai trong số những người kể trên được thu nhận vào việc bỏ phiếu thì phiếu của người ấy không có giá trị, nhưng sự bầu cử vẫn hữu hiệu, trừ khi người đắc cử không còn hội đủ số phiếu cần thiết sau khi đã loại bỏ các phiếu vô hiệu của những người đã nói.

Ðiều 172: (1) Ðể sự đầu phiếu được hữu hiệu, cần phải được:

1. tự do; do đó, sự bầu cử sẽ vô hiệu nếu người nào, vì sợ hãi trầm trọng hay vì lường gạt, trực tiếp hay gián tiếp, bị bó buộc phải bầu một người nào đó hay nhiều người sỉ lượt;

2. kín đáo, chắc chắn, tuyệt đối, xác định.

(2) Các điều kiện được đặt thêm vào phiếu trước khi bầu cử sẽ bị coi như là đã không đặt ra.

Ðiều 173: (1) Trước khi bắt đầu việc bầu cử, cần phải chỉ định ít là hai người trong số tập đoàn hay nhóm cử tri, để kiểm phiếu.

(2) Những người kiểm phiếu sẽ thu phiếu, và trước mặt người chủ tọa, sẽ kiểm điểm xem số phiếu có tương ứng với số người bầu hay không; sau đó sẽ kiểm kê các phiếu và công bố mỗi người được nhận bao nhiêu phiếu.

(3) Nếu số phiếu vượt quá số người bầu thì sự bầu cử vô hiệu.

(4) Mọi diễn tiến của cuộc bầu cử phải được người thư ký ghi chép chu đáo. Biên bản sẽ được ký ít nhất là do chính người thư ký, người chủ tọa và các người kiểm phiếu; sau đó được lưu trữ cẩn thận trong văn khố của tập đoàn.

Ðiều 174: (1) Nếu luật hay quy chế không dự liệu cách khác, sự bầu cử có thể thực hiện bằng cách thỏa hiệp, miễn là các cử tri đồng thanh thỏa thuận, bằng giấy tờ, chuyển nhượng quyền bầu cử lần này cho một hay nhiều người có tư cách, dù họ thuộc về tập đoàn hay ở ngoài tập đoàn, để với quyền hạn ấy họ bầu thay cho tất cả các cử tri.

(2) Nếu tập đoàn hay nhóm gồm toàn là giáo sĩ, thì những người được chuyển quyền bầu phải là người có chức thánh; nếu không, thì sự bầu cử vô giá trị.

(3) Những người được chuyển nhượng quyền bầu phải tuân giữ các qui định của luật về sự bầu cử, và để việc bầu cử được hữu hiệu, họ phải tuân theo các điều kiện đặt ra do sự thỏa hiệp, trừ khi các điều kiện ấy trái luật. Các điều kiện trái luật coi như không được đặt ra.

Ðiều 175: Sự thỏa hiệp chấm dứt và quyền bầu cử trở về những người đã chuyển nhượng:

1. vì bị tập đoàn hay nhóm thu hồi lại trước khi đạt tới kết quả;

2. vì không chu toàn các điều kiện đặt ra trong sự thỏa hiệp;

3. vì đã bầu xong nhưng vô hiệu.

Ðiều 176: Nếu luật hay quy chế không dự liệu cách khác, ai đạt được số phiếu theo quy tắc nói ở điều 119, số 1, thì coi như đắc cử, và sẽ được công bố do người chủ tọa tập đoàn hay nhóm.

Ðiều 177: (1) Sự bầu cử cần được thông tri ngay cho người đắc cử; người này trong vòng tám ngày hữu ích từ khi nhận được thông tri, phải bày tỏ cho chủ tọa của tập đoàn hay nhóm biết mình có ưng thuận hay không; nếu không, sự bầu cử không có hiệu lực.

(2) Nếu người đắc cử không ưng thuận thì họ mất hết các quyền lợi bắt nguồn từ sự bầu cử, và dù sau đó có ưng thuận, thì cũng không lấy lại được; tuy nhiên người ấy có thể được bầu lại. Tập đoàn hay nhóm sẽ phải tiến hành một cuộc bầu cử khác trong vòng một tháng từ lúc biết tin về sự không ưng thuận.

Ðiều 178: Nếu người đắc cử không cần được phê chuẩn, thì liền sau khi ưng thuận họ sẽ nắm giữ chức vụ ngay tức khắc với đầy đủ quyền lợi của nó. Trong trường hợp cần được phê chuẩn thì đương sự chỉ được hưởng quyền được lãnh chức vụ.

Ðiều 179: (1) Nếu sự bầu cử cần sự phê chuẩn, thì người đắc cử, hoặc đích thân hoặc nhờ người khác, phải xin nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn trong thời hạn tám ngày hữu ích kể từ lúc ưng thuận bầu cử. Nếu không, đương sự mất hết mọi quyền lợi, trừ khi chứng minh rằng mình không thể xin phê chuẩn được vì có ngăn trở chính đáng.

(2) Nhà chức trách có thẩm quyền, nếu xét thấy người đắc cử có tư cách chiếu theo điều 149, triệt 1 và sự bầu cử diễn ra hợp lệ, thì không thể từ chối việc phê chuẩn.

(3) Sự phê chuẩn phải viết ra giấy tờ.

(4) Trước khi nhận được tin phê chuẩn, người đắc cử không được phép xen vào việc sử dụng chức vụ, dù là trong khía cạnh các việc thiêng liêng hoặc trong khía cạnh vật chất. Các hành vi, giả như có làm, đều sẽ vô giá trị.

(5) Khi đã được thông báo việc phê chuẩn, người đắc cử được giữ chức vụ với quyền lợi đầy đủ, trừ khi luật đã dự liệu cách khác.

 

Mục 4: Sự Thỉnh Nguyện

Ðiều 180: (1) Nếu các cử tri thấy một người có khả năng hơn và quý chuộng người ấy, song người ấy gặp một ngăn trở Giáo Luật có thể và thường được miễn chuẩn, thì họ có thể thỉnh nguyện đương sự, do sự đầu phiếu, lên nhà chức trách có thẩm quyền, trừ khi luật dự liệu cách khác.

(2) Những người được chuyển nhượng quyền bầu cử do sự thỏa hiệp thì không thể tiến hành việc thỉnh nguyện, trừ khi nào điều đó đã được minh thị ghi nhận trong chính việc thỏa hiệp.

Ðiều 181: (1) Ðể sự thỉnh nguyện có giá trị, cần phải hội đủ ít là hai phần ba tổng số phiếu bầu.

(2) Phiếu bầu với sự thỉnh nguyện phải diễn tả minh bạch với lời lẽ "tôi thỉnh nguyện" (postulo) hoặc tương đương. Công thức "tôi bầu hoặc thỉnh nguyện" (eligo vel postulo), hoặc công thức tương đương, có giá trị cho sự bầu cử nếu không có ngăn trở, và cho sự thỉnh nguyện nếu có ngăn trở.

Ðiều 182: (1) Trong vòng tám ngày hữu ích, người chủ tọa cuộc bầu cử phải gửi sự thỉnh nguyện lên nhà chức trách nào có thẩm quyền phê chuẩn việc bầu cử. Nhà chức trách sẽ tùy nghi hoặc miễn chuẩn ngăn trở, hoặc nếu không có quyền hạn miễn chuẩn thì đệ lên cấp trên. Nếu sự bầu cử không cần sự phê chuẩn, việc thỉnh nguyện sẽ được đệ lên nhà chức trách nào có thẩm quyền miễn chuẩn ngăn trở.

(2) Nếu sự thỉnh nguyện không được chuyển đạt trong thời hạn ấn định, thì đương nhiên trở nên vô giá trị, và lần ấy tập đoàn hay nhóm bị tước quyền bầu cử và thỉnh nguyện, trừ khi chứng minh được người chủ tọa đã không chuyển đạt sự thỉnh nguyện đúng hạn vì ngăn trở chính đáng, hay vì gian ý hoặc lơ đễnh.

(3) Người được thỉnh nguyện không được quyền lợi gì do sự thỉnh nguyện; nhà chức trách có thẩm quyền không bị bó buộc phải chấp nhận việc thỉnh nguyện.

(4) Các cử tri không được rút lại sự thỉnh nguyện đã đệ lên nhà chức trách có thẩm quyền, trừ khi đã có sự thỏa thuận của chính nhà chức trách ấy.

Ðiều 183: (1) Nếu nhà chức trách có thẩm quyền không chấp nhận sự thỉnh nguyện, thì quyền bầu cử trở lại tập đoàn hay nhóm.

(2) Nếu sự thỉnh nguyện được chấp nhận, thì việc ấy phải thông báo cho người được thỉnh nguyện, và đương sự phải trả lời theo qui tắc điều 177, triệt 1.

(3) Người nào ưng thuận sự thỉnh nguyện đã được chấp nhận thì lập tức sẽ được giữ chức vụ với quyền lợi đầy đủ.

 

Chương II: Sự Mất Giáo Vụ

Ðiều 184: (1) Một giáo vụ bị mất vì đã mãn thời hạn đã định, hoặc vì đã đến tuổi luật định, vì từ chức, bị thuyên chuyển, bị bãi chức và truất chức.

(2) Giáo vụ không bị mất khi nhà chức trách đã trao phó giáo vụ đã mãn nhiệm vì bất cứ lý do gì, trừ khi luật dự liệu cách khác.

(3) Một khi việc mất giáo vụ đã có hiệu lực, thì phải thông báo hết sức mau chóng cho tất cả những ai có quyền lợi gì trong việc chỉ định chức vụ.

Ðiều 185: Tước hiệu "cựu" (emeritus) có thể trao ban cho người đã chấm dứt chức vụ vì đến hạn tuổi, hay từ chức mà được ưng thuận.

Ðiều 186: Việc mất chức vì mãn thời hạn hay vì đến tuổi chỉ có hiệu lực từ lúc nhận được thông báo bằng giấy tờ do nhà chức trách có thẩm quyền.

 

Mục 1: Sự Từ Chức

Ðiều 187: Bất cứ ai làm chủ được phán đoán của mình đều có thể khước từ giáo vụ khi có lý do chính đáng.

Ðiều 188: Sự từ chức vì sợ hãi trầm trọng được gây ra cách bất công, vì lường gạt hay lầm lẫn về thực chất hay vì mại thánh, sẽ vô hiệu do chính luật.

Ðiều 189: (1) Ðể được hữu hiệu, sự từ chức, dù có cần được chấp thuận hay không, phải được đệ lên nhà chức trách có thẩm quyền chỉ định chức vụ, bằng giấy tờ hay bằng miệng trước mặt hai nhân chứng.

(2) Nhà chức trách không nên chấp thuận một sự từ chức không dựa trên lý do chính đáng và tương hợp.

(3) Nếu sự từ chức cần được chấp thuận, thì nó không có hiệu lực khi không được chấp thuận trong vòng ba tháng. Còn nếu sự từ chức không cần được chấp thuận, thì nó có hiệu lực kể từ lúc người từ chức thông báo ý định theo quy tắc luật định.

(4) Bao lâu sự từ chức chưa có hiệu lực, người từ chức có thể rút lại sự từ chức. Khi đã có hiệu lực rồi, thì không thể rút lại được nữa, nhưng người từ chức có thể thủ đắc chức vụ do một danh nghĩa khác.

 

Mục 2: Sự Thuyên Chuyển

Ðiều 190: (1) Sự thuyên chuyển chỉ có thể thực hiện do người có quyền chỉ định chức vụ bị mất và đồng thời, có quyền chỉ định chức vụ sắp được ủy thác.

(2) Nếu sự thuyên chuyển trái với ý muốn của người đang giữ chức vụ thì cần phải có nguyên nhân trầm trọng; và đương sự có quyền trình bày các lý do nghịch lại; ngoài ra cũng phải tuân giữ các thủ tục luật định.

(3) Ðể sự thuyên chuyển có hiệu lực, cần phải thông đạt bằng giấy tờ.

Ðiều 191: (1) Trong trường hợp thuyên chuyển, chức vụ cũ trở nên khuyết vị do việc chấp hữu chức vụ mới chiếu theo Giáo Luật, trừ khi luật đã dự trù hay nhà chức trách có thẩm quyền đã qui định cách khác.

(2) Người bị thuyên chuyển vẫn hưởng thù lao tương ứng với chức vụ cũ, cho đến khi chấp hữu chức vụ mới theo Giáo Luật.

 

Mục 3: Sự Bãi Chức

Ðiều 192: Một người có thể bị bãi chức hoặc do nghị định của nhà chức trách có thẩm quyền ban hành hợp lệ, dĩ nhiên là phải bảo toàn các quyền lợi đã thủ đắc do khế ước nếu có, hoặc do chính luật pháp chiếu qui tắc của điều 194.

Ðiều 193: (1) Không được bãi chức một người đã được trao chức vụ với thời hạn vô định nếu không có lý do trầm trọng, và phải giữ thủ tục luật định.

(2) Ðiều kiện trên đây cũng áp dụng cho việc bãi chức một người được trao chức vụ với thời gian có hạn định song chưa mãn nhiệm kỳ, trừ trường hợp nói ở điều 624, triệt 3.

(3) Khi một chức vụ được trao cho một người chiếu theo qui định pháp luật, với thời hạn để tùy nhiệm ý của nhà chức trách, thì nhà chức trách có thẩm quyền có thể bãi chức khi xét thấy có lý do chính đáng.

(4) Ðể nghị định bãi chức phát sinh hiệu lực, cần phải thông đạt bằng giấy tờ.

Ðiều 194: (1) Những người sau đây bị bãi chức do chính luật pháp:

1. người bị trục xuất khỏi hàng giáo sĩ;

2. người đã công khai lìa bỏ đức tin Công Giáo hay sự hiệp thông với Giáo Hội;

3. giáo sĩ mưu toan kết hôn, dù chỉ là dân sự.

(2) Sự bãi chức nói ở số 2 và 3 chỉ có thể thúc bách nếu rõ ràng đã có sự tuyên bố của nhà chức trách có thẩm quyền.

Ðiều 195: Khi người nào bị bãi chức không phải do chính luật pháp nhưng do nghị định của nhà chức trách có thẩm quyền, và đương sự sống nhờ vào chức vụ ấy, thì chính nhà chức trách phải lo liệu trợ cấp cho người ấy trong thời gian thích hợp, trừ khi đã được dự liệu cách khác.

 

Mục 4: Sự Truất Chức

Ðiều 196: (1) Sự truất chức, như một hình phạt dành cho tội phạm, chỉ có thể thực hiện theo quy tắc luật định.

(2) Việc truất chức chỉ sinh hiệu lực chiếu theo các quy tắc của các điều hình luật.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page