Bộ Giáo Luật
The Code of Canon Law
Bản dịch việt ngữ của:
Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Quyển I:
Tổng Tắc
Thiên 8:
Quyền Cai Trị
Ðiều 129: (1) Quyền cai trị trong Giáo Hội là do thiên định, và cũng được gọi là quyền tài phán. Chủ thể có năng cách của quyền ấy là những người có chức thánh, chiếu theo qui tắc luật định.
(2) Trong việc hành xử quyền ấy, các giáo dân có thể cộng tác theo qui tắc của luật.
Ðiều 130: Quyền cai trị tự nó được hành sử ở tòa ngoài; tuy nhiên đôi khi nó chỉ được hành sử ở tòa trong, do đó các hậu quả tự nó phát sinh nơi tòa ngoài sẽ không được nhìn nhận nơi tòa này, trừ khi có luật ấn định trong vài trường hợp nhất định.
Ðiều 131: (1) Quyền cai trị thông thường là quyền được luật gắn liền với chức vụ; quyền thừa ủy là quyền được cấp cho một người nào không do chức vụ.
(2) Quyền thông thường có thể là "riêng" hay "thế".
(3) Người nào quả quyết có quyền thừa ủy thì có trách vụ dẫn chứng sự ủy nhiệm.
Ðiều 132: (1) Năng quyền thường xuyên (facultas habitualis) được chi phối theo những qui định về quyền thừa ủy.
(2) Tuy nhiên năng quyền thường xuyên không chấm dứt khi Bản Quyền được cấp năng quyền đã chấm dứt nhiệm vụ - tuy dù đã bắt đầu xử dụng năng quyền rồi - song nó được truyền lại cho Bản Quyền kế vị trong chức vụ cai trị, trừ khi đã minh thị dự liệu cách khác trong chính hành vi cấp năng quyền, hoặc Bản Quyền được chọn lựa vì tài cán cá nhân.
Ðiều 133: (1) Khi người thụ ủy vượt quá giới hạn ủy nhiệm, dù là về phương diện đối vật hay về phương diện đối nhân, thì hành động của họ sẽ không có giá trị.
(2) Sẽ không coi là vượt quá giới hạn ủy nhiệm nếu người thụ ủy làm các hành vi được ủy nhiệm theo một cách thức khác với cách thức đã ấn định trong ủy nhiệm thư, đừng kể khi chính người chủ ủy đã qui định một cách thức nào đó có ảnh hưởng đến sự hữu hiệu.
Ðiều 134: (1) Trong luật, tiếng "Bản Quyền" ám chỉ, ngoài Ðức Giáo Hoàng ra, cả Giám Mục giáo phận và những người đứng đầu - dù là lâm thời - một Giáo Hội địa phương hay một cộng đoàn tương đương nói ở điều 368, cùng những người hưởng quyền hành pháp thông thường tổng quát trong những nơi ấy, tức là: các tổng đại diện và đại diện Giám Mục; lại nữa, đối với các phần tử của mình, các Bề Trên cao cấp của các dòng tu giáo sĩ theo luật Giáo Hoàng và các Bề Trên cao cấp của các tu đoàn tông đồ giáo sĩ theo luật Giáo Hoàng, tức những người nắm giữ ít là quyền hành pháp thông thường.
(2) Tiếng "Bản Quyền sở tại" ám chỉ tất cả những người nói ở trong triệt 1, trừ các Bề Trên của các dòng và của các tu đoàn tông đồ.
(3) Trong phạm vi quyền hành pháp, điều gì luật quy gán cho các Giám Mục giáo phận thì chỉ được ám chỉ cho thẩm quyền của Giám Mục giáo phận và những người được đồng hóa theo điều 381, triệt 2, chứ không được áp dụng cho tổng đại diện hay đại diện Giám Mục, trừ khi có ủy nhiệm đặc biệt.
Ðiều 135: (1) Quyền cai trị được phân chia làm lập pháp, hành pháp và tư pháp.
(2) Quyền lập pháp được hành sử theo cách thức do luật qui định. Quyền lập pháp do những người ở dưới quyền bính tối cao nắm giữ thì không thể thừa ủy cách hữu hiệu được, trừ khi luật minh thị dự liệu cách khác. Nhà lập pháp cấp dưới không thể ra cách hữu hiệu một luật trái ngược với luật mà cấp trên đã ra.
(3) Quyền tư pháp, mà các thẩm phán hay tập đoàn phân xử được hưởng, phải được hành sử theo cách thức luật định, và không thể thừa ủy được, trừ ra đối với các hành vi chuẩn bị cho án lệnh hay phán quyết.
(4) Ðối với việc hành sử quyền hành pháp, cần giữ những qui định của các điều nói sau đây.
Ðiều 136: Người giữ quyền hành pháp có thể hành xử nó tuy mình ở ngoài lãnh thổ, đối với thuộc cấp của mình kể cả khi họ không có mặt trong lãnh thổ riêng, trừ khi đã rõ cách nào khác do bản chất sự việc hay qui định của luật. Quyền ấy cũng có thể được hành xử đối với những lữ khách hiện đang trọ trong lãnh thổ, nếu liên can tới việc ban cấp ơn huệ hay thi hành các luật phổ quát và địa phương có tính cách bó buộc đối với họ dựa theo quy tắc của điều 13, triệt 2 số 2.
Ðiều 137: (1) Quyền hành pháp thông thường có thể được thừa ủy hoặc cho một hành vi hoặc cho toàn thể các trường hợp, trừ khi luật đã dự liệu minh thị cách khác.
(2) Quyền hành pháp được thừa ủy do Tòa Thánh có thể tái ủy hoặc cho một hành vi hoặc cho toàn thể các trường hợp, trừ khi việc thừa ủy đã được trao vì tài năng cá nhân, hoặc khi sự tái ủy đã bị minh thị ngăn cấm.
(3) Quyền hành pháp được thừa ủy do một quyền bính nào khác có quyền thông thường, nếu được thừa ủy cho toàn thể các trường hợp thì có thể tái ủy cho vài trường hợp; nếu được thừa ủy cho một hành vi hay một số hành vi nhất định thì không thể tái ủy nếu không có sự ban cấp minh thị của chính người chủ ủy.
(4) Không quyền tái ủy nào có thể được tái ủy lần nữa, trừ khi điều ấy đã được người chủ ủy minh thị ban cấp.
Ðiều 138: Quyền hành pháp thông thường và quyền thừa ủy cho toàn thể các trường hợp phải được giải thích rộng rãi; còn các quyền khác phải được giải thích chặt chẽ. Tuy nhiên sự thừa ủy quyền hành cho một người thì cũng được hiểu là bao hàm tất cả những gì cần thiết để hành sử quyền ấy.
Ðiều 139: (1) Nếu luật không ấn định cách khác, khi người nào đã nại đến một nhà chức trách, dù cấp cao hơn, thì nhà chức trách khác có thẩm quyền vẫn không mất quyền xử dụng quyền hành pháp dù thông thường hay thừa ủy.
(2) Tuy nhiên nhà chức trách cấp dưới không nên pha mình vào một trường hợp đã được đệ lên nhà chức trách cấp trên, trừ khi có nguyên nhân trầm trọng và khẩn cấp; trong hoàn cảnh ấy, cần phải thông báo ngay cho cấp trên.
Ðiều 140: (1) Khi có nhiều người cùng được thừa ủy cách liên đới để làm một công việc, thì người nào đã khởi sự hoạt động sẽ loại trừ những người khác cùng trong việc ấy, trừ khi người ấy sau đó bị ngăn trở hay không muốn tiếp tục tiến hành công việc nữa.
(2) Khi có nhiều người cùng được thừa ủy cách tập đoàn để làm một công việc, thì tất cả cùng phải tiến hành theo qui tắc điều 119, trừ khi trong sự ủy nhiệm đã dự liệu cách khác.
(3) Quyền hành pháp được thừa ủy cho nhiều người thì được suy đoán là thừa ủy cho họ cách liên đới.
Ðiều 141: Khi nhiều người lần lượt được thừa ủy, thì ai đã nhận ủy nhiệm trước hết và chưa bị thu hồi lại, người ấy có nhiệm vụ thanh toán công việc.
Ðiều 142: (1) Quyền thừa ủy chấm dứt: vì đã hoàn tất sự ủy nhiệm; vì mãn thời kỳ hay đã hết số các trường hợp đã được ủy thác; vì hết nguyên nhân cứu cánh của sự thừa ủy; vì sự thu hồi do người chủ ủy, sau khi đã thông báo thẳng cho người thụ ủy, hoặc vì sự khước từ của người thụ ủy sau khi đã trình bày cho người chủ ủy và được chấp thuận. Khi người chủ ủy mãn nhiệm thì sự thừa ủy không chấm dứt, trừ khi đã nói rõ trong điều khoản ủy thác.
(2) Tuy nhiên dù đã mãn thời kỳ ủy nhiệm, nhưng nếu người thụ ủy, vì vô tình, thực hiện một hành vi thuần túy thuộc về tòa trong thì hành vi ấy vẫn có hiệu lực.
Ðiều 143: (1) Quyền thông thường chấm dứt do việc mất chức vụ mà quyền ấy được gắn liền.
(2) Trừ khi luật dự trù cách khác, quyền thông thường bị đình chỉ nếu có sự thượng tố hay thượng cầu hợp lệ chống lại việc truất chức hay bãi chức.
Ðiều 144: (1) Khi có lầm lẫn chung về sự kiện hay về pháp luật, cũng như khi có hồ nghi tích cực và hữu lý về luật pháp hay về sự kiện, thì Giáo Hội bổ túc quyền hành pháp cai trị, dù ở tòa ngoài dù ở tòa trong.
(2) Qui tắc này được áp dụng cho những năng quyền nói ở các điều 882, 883, 996 và 1111 triệt 1.
(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)