Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển I:

Tổng Tắc

Thiên 4:

Các Hành Vi Hành Chánh Cá Biệt

 

Chương I: Tổng Tắc

Ðiều 35: Trong giới hạn thẩm quyền của mình, người giữ quyền hành pháp có thể ra một hành vi hành chánh cá biệt, như là nghị định hoặc mệnh lệnh, hoặc phúc nghị, miễn là tôn trọng qui tắc của điều 76, triệt 1.

Ðiều 36: (1) Một hành vi hành chánh cần phải được hiểu theo nghĩa riêng của lời lẽ và ngôn ngữ thông thường. Nếu có sự hoài nghi, thì phải giải thích chặt chẽ những hành vi liên can đến tranh tụng, ngăm đe hay tuyên kết hình phạt, cũng như những hành vi hạn chế quyền lợi cá nhân, làm tổn thương các quyền lợi thủ đắc của đệ-tam-nhân, hoặc trái với một luật nhằm ích lợi cho tư nhân. Các trường hợp khác phải được giải thích rộng rãi.

(2) Một hành vi hành chánh không được nới rộng ngoài các trường hợp đã được minh thị dự liệu.

Ðiều 37: Một hành vi hành chánh chi phối tòa ngoài phải được cấp phát bằng giấy tờ. Nếu hành vi hành chánh được thi hành dưới hình thức ủy thác, thì lệnh chấp hành cũng phải thảo ra giấy tờ.

Ðiều 38: Hành vi hành chánh, mặc dù là phúc nghị nhiệm ý (Motu proprio), cũng sẽ vô hiệu nếu làm tổn thương quyền lợi đắc thủ của người khác, hoặc trái ngược với luật pháp và tục lệ đã được ưng chuẩn, trừ khi nhà chức trách có thẩm quyền đã minh thị thêm một điều khoản sửa đổi trong đó.

Ðiều 39: Các điều kiện đặt ra trong một hành vi hành chánh chỉ được coi là chi phối sự hữu hiệu khi nào được diễn tả bằng các tiếng: "nếu", "trừ khi", "miễn là".

Ðiều 40: Ai phải chấp hành một hành vi hành chánh sẽ thi hành nhiệm vụ cách vô hiệu, nếu chưa nhận được văn kiện, và chưa kiểm chứng sự xác thực và nguyên vẹn của nó, trừ khi người chấp hành đã được thông báo trước do chính nhà chức trách cấp phát hành vi ấy.

Ðiều 41: Kẻ chấp hành một hành vi hành chánh với ủy thác thuần túy thi hành thì không thể khước từ việc thi hành hành vi đó, trừ khi nào họ thấy rõ ràng là hành vi ấy vô hiệu, hoặc không thể chấp nhận được vì lý do nào khác trầm trọng, hoặc các điều kiện đặt ra trong hành vi hành chánh không hội đủ. Tuy nhiên, nếu thấy việc thi hành một hành chánh không hợp thời xét theo các hoàn cảnh nhân sự hay nơi chốn thì người chấp hành phải đình hoãn việc thi hành, và lập tức thông báo cho người đã cấp phát hành vi.

Ðiều 42: Người chấp hành một hành vi hành chánh phải tiến hành hợp theo qui tắc của sự ủy nhiệm. Nếu người chấp hành không chu toàn các điều kiện cốt yếu đặt ra trong văn kiện, hoặc không tuân giữ các thể thức căn bản của thủ tục, thì sự chấp hành sẽ vô hiệu.

Ðiều 43: Người chấp hành một hành vi hành chánh có thể, tùy theo sự thẩm định khôn ngoan của mình, cử người khác thay thế mình, trừ khi sự thay thế đã bị ngăn cấm, hoặc vì đương sự đã được chọn vì tài cán cá nhân, hoặc người thay thế đã được chỉ định rồi; dù vậy, trong những trường hợp ấy, người chấp hành vẫn được phép ủy cho người khác làm các hành vi chuẩn bị.

Ðiều 44: Một hành vi hành chánh cũng có thể được thi hành do người kế vị chức vụ của người chấp hành, trừ khi người chấp hành đã được chọn vì tài cán cá nhân.

Ðiều 45: Nếu người chấp hành đã phạm một sai lầm nào trong khi thi hành hành vi hành chánh, thì được phép làm lại việc thi hành.

Ðiều 46: Một hành vi hành chánh không chấm dứt khi người cấp phát mãn chức vụ, trừ khi luật đã minh thị định cách khác.

Ðiều 47: Sự thu hồi một hành vi hành chánh do một hành vi hành chánh khác của nhà chức trách có thẩm quyền chỉ sinh hậu quả từ lúc được thông tri hợp lệ cho người mà hành vi ấy nhằm tới.

 

Chương II: Các Nghị Ðịnh Và Mệnh Lệnh Cá Biệt

Ðiều 48: Nghị định là hành vi hành chánh của cơ quan hành pháp có thẩm quyền, nhờ đó một quyết định hay một biện pháp được đặt ra cho một trường hợp riêng biệt chiếu theo qui tắc luật định. Theo bản chất, quyết định hay biện pháp ấy không giả thiết sự thỉnh cầu của một người nào.

Ðiều 49: Mệnh lệnh là một nghị định, nhờ đó một nghĩa vụ được đặt ra cách trực tiếp và hợp lệ cho một cá nhân hay một số người nhất định, để buộc họ phải làm hay bỏ điều gì, nhất là để thúc bách tuân giữ luật.

Ðiều 50: Trước khi ra nghị định, nhà cầm quyền phải truy tầm các tin tức và chứng cớ cần thiết, và, nếu có thể được, hãy nghe những người mà quyền lợi của họ có thể bị thương tổn.

Ðiều 51: Nghị định phải được cấp bằng giấy tờ. Nếu đó là một quyết định, thì phải trưng bày các lý do, ít là cách sơ lược.

Ðiều 52: Một nghị định chỉ có giá trị đối với sự việc đã được ấn định và đối với những người được nhằm đến; những người ấy bị nghị định ràng buộc bất kỳ họ ở đâu, trừ khi đã rõ cách khác.

Ðiều 53: Nếu các nghị định tương phản nhau, thì, khi qui định về trường hợp riêng biệt, nghị định riêng biệt có giá trị hơn nghị định tổng quát; nếu tất cả đều riêng biệt hay tổng quát như nhau, thì trong phạm vi có xung khắc, nghị định sau sửa đổi nghị định trước.

Ðiều 54: (1) Khi một nghị định được ủy thác cho người chấp hành để áp dụng thì nó chỉ có giá trị từ lúc chấp hành; còn các nghị định khác có giá trị từ lúc được thông tri do quyền hành của người cấp phát.

(2) Ðể có thể thôi thúc việc tuân hành nghị định, cần phải thông tri nghị định ấy bằng một văn kiện hợp lệ theo qui tắc luật định.

Ðiều 55: Ðừng kể qui định của các điều 37 và 51, khi có lý do rất trầm trọng ngăn trở việc trao nghị định bằng giấy tờ, thì nghị định được coi như đã được thông tri nếu bản văn được đọc cho người mà nghị định nhằm tới, trước mặt lục sự hoặc hai nhân chứng; sau đó làm biên bản với chữ ký của những người có mặt.

Ðiều 56: Nghị định được coi là đã được thông tri nếu người mà nghị định nhằm tới được triệu đến cách hợp lệ để lãnh nhận hay nghe đọc nghị định, nhưng dù không có lý do chính đáng, đã không chịu trình diện hay không chịu ký.

Ðiều 57: (1) Khi luật ấn định phải phát hành một nghị định, hay một người quan thiết đã thỉnh nguyện hợp lệ hay thượng cầu để được một nghị định, thì nhà chức trách có thẩm quyền phải dự liệu trong vòng ba tháng kể từ khi nhận được lời thỉnh nguyện hay thượng cầu, trừ khi luật ấn định một thời hạn khác.

(2) Khi thời hạn ấy trôi qua, nếu nghị định chưa được phát hành, thời được suy đoán là bị khước từ, với những công hiệu để đệ lên thượng cầu khá.

(3) Sự suy đoán khước từ không miễn cho nhà chức trách có thẩm quyền khỏi nghĩa vụ phải phát hành nghị định, và kể cả việc bồi thường tổn hại gây ra, theo như qui tắc của điều 128.

Ðiều 58: (1) Một nghị định hết giá trị do sự thu hồi của nhà chức trách có thẩm quyền, hoặc do sự chấm dứt của luật mà nghị định nhằm chấp hành.

(2) Một mệnh lệnh cá biệt đã không được truyền ra do một văn kiện hợp lệ, sẽ chấm dứt hiệu lực do sự mãn nhiệm của nhà chức trách đã truyền nó.

 

Chương III: Các Phúc Nghị

Ðiều 59: (1) Phúc nghị là một hành vi hành chánh mà nhà chức trách có thẩm quyền hành pháp cấp phát bằng giấy tờ, và do bản chất, nhằm ban một đặc ân, một miễn chuẩn hay một ân huệ nào khác do lời thỉnh cầu của một người nào đó.

(2) Những qui định về phúc nghị cũng có giá trị đối với việc cho phép hay một ân huệ bằng miệng, trừ khi nói rõ cách khác.

Ðiều 60: Tất cả những ai không bị luật minh thị ngăn cấm đều có thể xin hết mọi thứ phúc nghị.

Ðiều 61: Trừ khi nói rõ cách khác, có thể xin phúc nghị cho một người khác, mặc dù người đó không đồng ý; và phúc nghị có hiệu lực trước khi người đó chấp nhận, đừng kể khi có các điều khoản trái ngược.

Ðiều 62: Phúc nghị nào không đòi hỏi có người chấp hành thì có hiệu lực từ lúc ký; các phúc nghị khác có hiệu lực kể từ lúc được chấp hành.

Ðiều 63: (1) Sự giấu diếm, nghĩa là che đậy sự thực, sẽ làm ngăn trở giá trị của phúc nghị, nếu trong lời thỉnh nguyện không trình bày những điều mà luật, thể lệ và thủ tục đòi hỏi là cần cho được hữu hiệu, trừ khi phúc nghị chỉ là một đặc ân ban nhiệm ý (motu proprio).

(2) Sự gian trá, nghĩa là trình bày điều giả dối, cũng làm phúc nghị vô giá trị, nếu trong số những lý do trưng ra, không có một lý do nào đúng sự thực.

(3) Nếu phúc nghị không đòi người chấp hành, thì lý do phải đúng sự thực vào lúc cấp phát; đối với các phúc nghị khác, thì tính tới lúc chấp hành.

Ðiều 64: Ðừng kể đặc quyền của Tòa Xá Giải dành cho tòa trong, các ân huệ đã bị khước từ bởi một cơ quan giáo triều Roma không thể được ban phát cách hữu hiệu do một cơ quan nào khác của giáo triều hay một thẩm quyền nào dưới Ðức Giáo Hoàng, nếu không có sự đồng ý của cơ quan đầu tiên đã cứu xét.

Ðiều 65: (1) Ðừng kể những qui định ở triệt 2 và 3, không ai được xin một Bản Quyền khác một ân huệ đã bị Bản Quyền riêng từ chối, nếu không đề cập đến sự từ chối ấy. Khi đã có sự đề cập ấy, Bản Quyền không được ban cấp ân huệ nếu không được Bản Quyền trước cho biết các lý do của sự từ chối.

(2) Một ân huệ đã bị vị Tổng đại diện hay đại diện Giám Mục từ chối thì không thể được ban cấp cách hữu hiệu do một vị đại diện Giám Mục khác của cùng Giám Mục ấy, cho dù đã nhận biết các lý do của vị đaị diện trước.

(3) Một ân huệ đã bị vị Tổng đại diện hay đại diện Giám Mục từ chối, sau đó lại xin Giám Mục giáo phận mà không đề cập đến sự từ chối, thì dù có được ban cấp cũng trở nên vô hiệu. Một ân huệ đã bị Giám Mục giáo phận từ chối, sẽ không được cấp ban cách hữu hiệu do vị Tổng đại diện hay đại diện Giám Mục, dù có đề cập sự từ chối ấy, nếu không có sự thỏa thuận của Giám Mục.

Ðiều 66: Một phúc nghị không trở thành vô hiệu vì sự sai lầm về danh tánh của cá nhân của người được hưởng hay của người cấp phát, hoặc về nơi cư ngụ của người ấy, hoặc về sự việc đối tượng của nó, miễn là theo sự thẩm định của Bản Quyền, không có sự nghi ngờ gì về cá nhân hay vấn đề liên hệ.

Ðiều 67: (1) Nếu trong cùng một vấn đề mà có hai phúc nghị tương phản nhau, thì trong những gì có tính cách riêng biệt, phúc nghị nào riêng biệt có giá trị hơn phúc nghị tổng quát.

(2) Nếu cả hai đều riêng biệt hay tổng quát như nhau, thì cái nào phát hành trước có giá trị hơn cái sau, trừ khi cái sau đã minh thị nhắc đến cái trước, hoặc người đã được phúc nghị trước đã không xử dụng nó vì gian ý hay chểnh mảng đáng kể.

(3) Nếu hồ nghi không biết phúc nghị có vô hiệu hay không, thì phải thượng cầu lên kẻ đã cấp phúc nghị.

Ðiều 68: Một phúc nghị của Tòa Thánh trong đó không chỉ định người chấp hành, thì chỉ phải xuất trình cho Bản Quyền của người đã nhận được phúc nghị khi nào qui định như vậy trong bản văn, hoặc khi có liên can đến sự việc công cộng hoặc phải kiểm chứng các điều kiện.

Ðiều 69: Phúc nghị trong đó không có xác định thời hạn xuất trình thì có thể trao cho người chấp hành lúc nào cũng được, miễn là không có lừa đảo và gian ý.

Ðiều 70: Nếu trong phúc nghị có sự ủy thác việc ban cấp cho người chấp hành, thì người này có quyền ban cấp hay khước từ tùy theo sự phán đoán khôn ngoan là lương tâm.

Ðiều 71: Không ai bị bó buộc phải xử dụng một phúc nghị được ban cấp chỉ nhằm ích lợi thuần túy cá nhân, trừ khi bị một nghĩa vụ giáo luật bó buộc vì nguyên cớ nào khác.

Ðiều 72: Các phúc nghị được Tòa Thánh ban đã hết hạn thì có thể được Giám Mục giáo phận gia hạn khi có lý do chính đáng, nhưng chỉ được một lần và không quá ba tháng.

Ðiều 73: Các phúc nghị không bị thu hồi do một luật trái ngược, trừ khi chính luật ấy đã dự liệu cách khác.

Ðiều 74: Cho dù kẻ đã nhận được một ân huệ ban bằng miệng có thể xử dụng nó ở trong tòa trong, nhưng họ có nghĩa vụ phải chứng minh ân huệ ấy nơi tòa ngoài mỗi khi đương sự được hỏi cách hợp lệ.

Ðiều 75: Nếu phúc nghị bao hàm một đặc ân hay miễn chuẩn, thì còn cần phải tuân giữ những qui định dưới đây nữa.

 

Chương IV: Các Ðặc Ân

Ðiều 76: (1) Ðặc ân là một ân huệ được ban cấp nhằm ích lợi của một vài thể nhân hay pháp nhân, do nhà lập pháp hay một cơ quan hành pháp được nhà lập pháp ủy quyền.

(2) Sự chấp hữu một đặc ân từ một trăm năm hay đã lâu đời là căn cứ cho sự suy đoán rằng đặc ân đã được ban cấp.

Ðiều 77: Ðặc ân phải được giải thích theo quy tắc của điều 36, triệt 1. Tuy nhiên phải giải thích làm sao để cho những người hưởng dụng nó thực sự lĩnh nhận một ân huệ gì đó.

Ðiều 78: (1) Ðặc ân được suy đoán là vĩnh viễn, trừ khi có bằng chứng ngược lại.

(2) Ðặc ân đối nhân, nghĩa là gắn liền với cá nhân, chấm dứt cùng với người ấy.

(3) Ðặc ân đối vật chấm dứt do sự hủy hoại hoàn toàn của sự vật hay địa điểm. Tuy nhiên một đặc ân dành cho địa điểm sẽ được phục hồi nếu địa điểm được tái thiết trong vòng năm mươi năm.

Ðiều 79: Ðặc ân sẽ bị chấm dứt do sự thu hồi của nhà chức trách có thẩm quyền theo quy tắc của điều 47, miễn là duy trì quy tắc của điều 46.

Ðiều 80: (1) Không đặc ân nào chấm dứt do sự khước từ, trừ khi sự khước từ được chấp nhận do nhà chức trách có thẩm quyền.

(2) Bất cứ thể nhân nào cũng có thể khước từ một đặc ân được ban chỉ nhằm lợi ích thuần túy cá nhân.

(3) Các cá nhân không thể khước từ một đặc ân được ban cho một pháp nhân, hoặc vì danh dự của một nơi hay một vật. Pháp nhân cũng không thể khước từ một đặc ân đã ban nếu sự khước từ gây thiệt hại cho Giáo Hội hay cho người khác.

Ðiều 81: Ðặc ân không chấm dứt do sự mãn nhiệm của người đã ban cấp, trừ khi được ban với điều khoản "ad beneplacitum nostrum" (theo sở thích của ta) hay công thức tương tự.

Ðiều 82: Ðặc ân nào không gây gánh nặng cho người khác thì sẽ không chấm dứt do sự không hưởng dụng hay hưởng dụng trái ngược; nếu gây gánh nặng cho người khác thì sẽ bị chấm dứt do thời hiệu hợp lệ.

Ðiều 83: (1) Ðặc ân chấm dứt khi đã mãn kỳ hạn hoặc đã hết số trường hợp đã dành, đừng kể khi phải giữ qui tắc điều 142, triệt 2.

(2) Ðặc ân cũng chấm dứt nếu, theo sự thẩm định của nhà chức trách có thẩm quyền, hoàn cảnh thời gian đã thay đổi khiến nó trở thành có hại, hoặc khiến sự xử dụng trở nên bất hợp pháp.

Ðiều 84: Người nào lạm dụng quyền hành được ban nhờ đặc ân thì đáng bị truất mất chính đặc ân đó. Do đó, sau khi đã cảnh cáo mà không có hiểu quả, Bản Quyền đã ban cấp hãy truất đặc ân bị lạm dụng; nếu đặc ân do Tòa Thánh cấp, Bản Quyền có nghĩa vụ thông báo cho Tòa Thánh biết.

 

Chương V: Các Sự Miễn Chuẩn

Ðiều 85: Sự miễn chuẩn, tức là tháo cởi một luật thuần túy thuộc Giáo Hội trong một trường hợp cụ thể, có thể ban, trong giới hạn thẩm quyền của mình, do những người giữ quyền hành pháp, hoặc do những người được cấp quyền miễn chuẩn, cách minh thị hay mặc nhiên, hoặc do chính luật hay do sự ủy nhiệm hợp lệ.

Ðiều 86: Không thể miễn chuẩn các luật ấn định những yếu tố cấu thành bản chất của các định chế hay của các hành vi pháp lý.

Ðiều 87: (1) Khi xét thấy điều này mang lại lợi ích thiêng liêng cho giáo hữu, Giám Mục giáo phận có thể miễn chuẩn họ khỏi giữ các luật có tính cách kỷ luật, dù phổ quát dù địa phương, do quyền bính tối cao của Giáo Hội ban hành cho lãnh thổ hay cho thuộc dân của mình. Tuy nhiên, ngài không được miễn chuẩn các luật về tố tụng, về hình sự, hay những luật mà Tòa Thánh đã dành đặc biệt sự miễn chuẩn cho chính mình hay cho một quyền bính khác.

(2) Nếu gặp khó khăn trong việc thượng cầu lên Tòa Thánh và đồng thời có nguy cơ thiệt hại nặng do sự trì hoãn, thì bất cứ Bản Quyền nào cũng có thể miễn chuẩn những luật ấy, kể cả khi sự miễn chuẩn được dành cho Tòa Thánh, miễn là sự miễn chuẩn vẫn quen được ban trong những hoàn cảnh tương tự và không chạm tới điều 291.

Ðiều 88: Bản Quyền sở tại có thể miễn chuẩn các luật giáo phận, và, khi xét thấy điều này mang lại thiện ích cho tín hữu, kể cả những luật do Công đồng giáo miền, giáo tỉnh hay do Hội Ðồng Giám Mục đã ra.

Ðiều 89: Các cha sở và các linh mục khác hoặc phó tế chỉ được miễn chuẩn các luật phổ quát khi nào đã được minh thị cấp quyền hạn như vậy.

Ðiều 90: (1) Không được miễn chuẩn luật Giáo Hội khi không có lý do chính đáng và hợp lý, xét theo hoàn cảnh của trường hợp cũng như tầm quan trọng của luật xin miễn chuẩn; nếu không, sự miễn chuẩn sẽ bất hợp pháp, và kể cả vô hiệu, trong trường hợp sự miễn chuẩn không được ban do chính nhà lập pháp hay do cấp trên của cơ quan lập pháp.

(2) Khi hoài nghi không rõ có đủ lý do hay không, thì sự ban cấp miễn chuẩn vẫn hữu hiệu và hợp pháp.

Ðiều 91: Ai có quyền hạn miễn chuẩn, thì có thể hành xử quyền ấy, dù mình hiện đang ở ngoài lãnh thổ, đối với những người thuộc quyền, kể cả khi họ không có mặt trong lãnh thổ; đối với những lữ khách đang có mặt trong lãnh thổ, nếu không ấn định minh thị ngược lại; cũng như đối với chính mình.

Ðiều 92: Phải giải thích chặt chẽ không những sự miễn chuẩn nói ở điều 36, triệt 1, mà kể cả chính quyền hạn miễn chuẩn được ban trong một trường hợp nhất định.

Ðiều 93: Sự miễn chuẩn với hiệu quả kéo dài trong thời gian sẽ chấm dứt theo hình thức tương tự như đặc ân, hoặc tại vì chắc chắn và hoàn toàn không còn tồn tại các lý do xin miễn chuẩn.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page