Giải Nghĩa Lời Chúa Năm B
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật 32 Thường Niên Năm B
Câu Chuyện Về Người Góa Phụ
(Sách Các Vua, quyển I 17,10-16; Hipri 9,24-28; Marcô 12,38-44)
Phúc Âm: Mc 12, 41-44 {hoặc 38-44}
"Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết".
Khi ấy, {Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: "Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn".}
Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình".
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXXII Thường Niên Năm B
Sách Các Vua, quyển I 17,10-16; Hipri 9,24-28; Marcô 12,38-44
Nhiều khi chúng ta muốn giữ đạo một cách thoải mái. Nhưng Lời Chúa hôm nay cảnh giác chúng ta về quan niệm này. Tiên tri Êlia ngày trước đã giữ đạo rất vất vả. Ðức Yêsu trong bài Tin Mừng cũng bảo chúng ta đừng bắt chước các ký lục Dothái, nhưng hãy xem gương người góa phụ dám dâng cúng cả đồng trinh cuối cùng. Và tác giả Hipri cho chúng ta thấy Ðức Yêsu đã trở thành Thượng tế một cách khổ đau như thế nào. Chúng ta cần suy niệm các bài Kinh Thánh hôm nay để đón nhận ơn cứu độ của Chúa muốn đến với chúng ta hằng ngày trong đời sống.
1. Câu Chuyện Về Êlia
Chúng ta đã nói nhiều về Êlia. Ông là tiên tri của Chúa, sống ở thời đất nước Dothái phân đôi. Ông được lệnh nói tiên tri ở miền Bắc, tạm gọi là Israel. Các vua ở đây đi xa đường lối của Thiên Chúa mau lẹ hơn các vua ở Yuđa. Ðặc biệt, vua Omri, nước Israel đã cưới Izabel, công chúa nước Tyr, cho Akhab hoàng tử kế vị ông. Bà này đưa tà giáo vào cung điện, quảng cáo cho thần Baal, một thần được coi như nắm giữ mưa nắng ở trên trời và do đó cả mùa màng dưới mặt đất. Êlia chống đối hoạt động của bà. Có lần ông thách thức phe tà giáo ở núi Camêlô. Câu chuyện thời danh ấy ai ai cũng biết (I Các Vua 18,20-40). Nhưng rồi Izabel đã trả thù, bắn tin sai người bắt Êlia... Nhà tiên tri phải đi ẩn ở trên núi Horeb. Nhưng được thần lương bổ sức, ông lại tiếp tục. Cuộc đời của ông là cuộc đời chiến đấu với tà giáo để bảo vệ độc thần. Và các câu chuyện kể về ông đều ít nhiều nói lên sự phấn đấu này.
Trong đoạn trích sách Các Vua hôm nay cũng vậy. Có rất nhiều yếu tố chiến đấu mà không ý tứ người ta sẽ không dễ nhận ra. Tác giả kể có một góa phụ ở Serepta hôm ấy đi kiếm củi. Êlia thấy bà ta đội một cái bình trên đầu thì tưởng bà ta đi múc nước. Nhưng không, đó là một cái vò đựng một chút bột còn sót lại. Bà ta đi kiếm củi để về nướng chút bột đó lên nuôi sống mình và đứa con đang ở nhà.
Ðó là hình thức văn chương tác giả dùng để nói lên thời kỳ hạn hán và đói kém ở trong dân. Không phải vì Baal không làm mưa cho mùa màng tốt tươi nhưng vì Êlia đã tuyên sấm với Akhab rằng: "Yavê hằng sống! Thiên Chúa của Israel, Ðấng tôi chầu hầu, những năm tới đây sẽ không có sương, cũng không có mưa, trừ phi là thừa lệnh của tôi" (17,1). Tiếp theo đó, tác giả đã mô tả cảnh hạn hán để làm chứng hiệu lực của lời sấm, tức là uy quyền của Yavê và tiên tri của Người. Hơn nữa sự kiện lại xảy ra ở Serepta thuộc dân ngoại. Và điều này làm chứng Yavê cai trị toàn thế giới chứ không riêng gì ở đất Israel. Người thống trị cả những nơi mà người ta bảo là giang sơn của Baal hay của thần nào khác vì tất cả chỉ là ngẫu tượng và duy một mình Yavê là Chúa.
Tác giả lại chọn câu chuyện một góa phụ. Phải chăng ông không có ý chống đối và mỉa mai bà Izabel? Góa phụ kia dễ thương biết bao và bà sẽ được phúc. Còn Izabel? Tác giả để cho độc giả từ đó mà suy.
Ông cho ta thấy Êlia phải xin nước, rồi xin bánh của một góa phụ. Ngày xưa các góa phụ là hình ảnh của những thành phần lam lũ, khổ sở, túng cực trong dân. Thế mà Êlia phải đến xin nước và bánh của một người như thế. Ðời ông không khổ cực và bị dồn vào túng cực sao? Ðiều này muốn nói lên thân phận Người Tôi Tớ Chúa. Họ bị "rạc gáo". Ðời họ còn hơn phong sương vì họ còn bị tầm nã, bắt bớ và giết đi. Dù sao bề ngoài họ cũng chỉ như những chiếc bình sành, tuy bên trong họ mang những kho tàng quý giá. Chính câu chuyện Êlia làm chứng. Ông đang đói khát cho bản thân mình. Nhưng Lời Chúa ông đang mang trong mình có thể làm cho bình bột không hết và bình dầu không cạn. Những ơn này dành để cho người khác. Và ở đây, cho người góa phụ thành Serepta.
Bà được ơn như vậy, mặc dầu bà là dân ngoại và đang sống trên đất của lương dân. Ðiều này làm chứng ơn Chúa không kỳ thị ai. Nhưng mọi kẻ có điều kiện đều có khả năng nhận được. Người là Thiên Chúa của mọi người và muốn thi ân cho hết thảy những ai biết đón nhận.
Người góa phụ thành Serepta không những tỏ ra rất nhân đạo, nhưng nhất là còn tin ở lời vị tiên tri và tin vào Lời Chúa. Chính niềm tin ấy khiến bà dám làm bánh cho nhà tiên tri ăn trước. Bà như quên và như bỏ mạng sống của mẹ con bà vì tin vào lời nhà tiên tri. Và Chúa đã thưởng công lòng tin này, khiến câu chuyện về bà hôm nay đáng được dùng để dẫn nhập vào bài Tin Mừng. Nhưng chúng ta đừng vội đi qua mà không ghi kỹ lấy nhiều bài học thâm thúy của đoạn sách Các Vua.
Không kể những tư tưởng về đạo độc thần và phổ quát, chúng ta hãy nhớ gương Êlia và người góa phụ này. Cả hai đã giữ đạo và sống đạo không dễ dàng. Êlia suốt đời phải chiến đấu; lắm lúc thật rã rời và nhục nhã. Người góa phụ trông cũng tội nghiệp: chỉ còn một chút bột mà cũng phải hy sinh. Nhưng đó là những con người thánh, dám vì lòng tin Chúa mà chịu đựng gian khổ thử thách. Hậu thế không quên được những con người như vậy. Cũng như câu chuyện về người góa phụ trong bài Tin Mừng hôm nay sẽ luôn luôn còn sống động.
2. Câu Chuyện Về Người Góa Phụ
Thoạt đầu chúng ta ít thấy có liên lạc giữa các đoạn Ðức Yêsu nói về các ký lục và câu chuyện về bà góa. Thánh Marcô đặt cả hai việc xảy ra trong Ðền thờ. Và có lẽ người đã dùng chữ bà góa trong câu nói về các ký lục: "ngốn cả nhà cửa các bà góa" để chuyển sang câu chuyện bà góa nọ bỏ hai trinh vào hòm tiền cúng. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể nhìn ra một liên lạc về ý tưởng. Phần đầu Ðức Yêsu sẽ công kích thái độ đạo đức giả dối của bọn ký lục; và phần sau Người trỏ cho chúng ta thấy thái độ đạo đức đích thực nơi người góa phụ, để dạy dỗ chúng ta.
Trước hết, Người tỏ ra không ưa lối sống đạo của các ký lục. Họ khoe khoang, tham danh vọng, vì họ hay qua lại những nơi đông người, y phục xúng xính cho người ta dãn ra dành lối cho họ và chào cả trong hội đường lẫn nơi các bàn tiệc. Trong khi đó, Ðức Yêsu vẫn bảo người ta khi cầu nguyện phải khiêm tốn và cúi đầu, đấm ngực ăn năn thống hối. Và khi đi dự tiệc hãy ngồi những hàng ghế dưới. Có lần Người còn bảo môn đệ "chớ cho gọi mình là Thầy vì Thầy của các ngươi chỉ có một, còn các ngươi hết thảy đều là anh em" (Mt 23,8). Tệ hơn nữa, các ký lục còn làm nhiều bất công xã hội. Ðối với cả những phần tử đáng thương nhất, vì khổ sở nhất và cần được nâng đỡ nhất. Ðó là các bà góa. Họ có gì đâu? Của cải chồng họ để lại thuộc về trưởng nam. Có thể trước đó họ đã gửi gắm ở đâu được một chút của nào đó. Hay tài sản riêng họ có trước khi về nhà chồng, họ đã đem gửi nơi các ký lục mà họ tưởng sẽ là những người đạo đức nâng đỡ họ. Ai ngờ bọn này lại lợi dụng và dã tâm ngốn cả nhà cửa của họ! Trong khi đó, bọn ký lục còn làm bộ cầu nguyện lâu dài để mặc hình thức đạo đức. Nhưng Ðức Yêsu lên án thứ đạo đức giả hình này. Và Người muốn cho các môn đồ thấy sự đạo đức chân thật.
Cơ hội đến khi có nhiều người đến bỏ tiền vào hòm cúng. Lắm người giàu có bỏ nhiều. Bà góa khó nghèo nọ cũng đến và bỏ vào hai trinh, tức là không đáng kể gì. Nhưng Ðức Yêsu nói: bà đã bỏ nhiều hơn cả, vì mọi người lấy của dư bỏ vào, còn bà lấy tất cả của độ thân mà dâng cúng.
Dĩ nhiên có thể có nhiều bài học ở đây. Người ta không xem mặt mà bắt hình dong. Không phải vì bà góa nọ nghèo mà không đáng trọng bằng kẻ giàu có; và không phải vì bà bỏ ít mà lòng đạo đức của bà thua kém ai. Cũng như tác giả sách Các Vua đã lấy hình ảnh một góa phụ ở Serepta để đối chọi với con người lộng quyền ở thời bấy giờ là Izabel, thì ở đây thánh Marcô cũng đặt người góa phụ nghèo khó đối lập với bọn giàu có và các ký lục xúng xính trong y phục. Thân góa phụ đã đáng thương rồi. Thế mà Marcô còn thêm tính từ nghèo khó. Cũng như Êlia xưa đã đáng thương khi bị tầm nã, thế mà tác giả sách Các Vua còn bắt ông phải ngửa tay ra xin nước uống và bánh ăn của một góa phụ. Ðó là những con người nghèo của Chúa. Người mến họ vì họ dám phục vụ Người với hết cả linh hồn và sức lực. Kìa bà góa nghèo nọ đang đến bỏ vào hòm tiền, tất cả của độ thân của bà, tức là tất cả mạng sống của bà. Bà làm một cử chỉ mà Ðức Yêsu không thể không nhìn thấy như muốn báo trước chính công việc Người sẽ làm, là thí mạng sống mình cho chúng ta. Chúng ta hãy nghe tác giả thư Hipri bàn về vấn đề này.
3. Câu Truyện Về Ðức Kitô
Hôm nay tác giả nhắc cho chúng ta nhớ, Ðức Kitô cũng đã tiến vào thánh điện. Không phải thánh điện nhân tạo, do tay loài người dựng nên. Nói rõ hơn, không phải thánh điện trong đền thờ Yêrusalem ngày trước. Bởi vì ở đây không phải là nơi Thiên Chúa ngự thật sự. Yêrusalem chỉ là hình bóng hay bản sao của thánh điện trên trời. Ðây mới thật là thánh điện Ðức Kitô đã vào nhờ mầu nhiệm vượt qua của Ngài. Thánh điện trên trời này chính là bản tính Thiên Chúa và cung lòng của Người.
Như vậy, Ðức Yêsu vượt xa các ký lục và những người đến đền thờ dâng tiền hôm nay, kể cả bà góa nọ. Ngay các vị Thượng tế trong đạo cũ cũng thua kém hẳn Người. Vì họ cũng chỉ vào trong một thánh điện nhân tạo, cho dù nơi ấy có được gọi là nơi Cực Thánh, và chỉ có vị Thượng tế mỗi năm được vào một lần.
Ðức Kitô còn hơn hẳn họ vì Người vào thánh điện không phải là để thi hành một lễ tế vô giá trị như họ. Lễ dâng của Người có giá trị vô song. Họ thì chỉ dâng tế vật. Trường hợp vị Thượng tế thì dâng máu thay vật. Ðó là những của lễ "ở ngoài họ", cho dù có được gọi là thế vật cho họ đi nữa. Chính họ đã ý thức giá trị kém cỏi của những lễ dâng này, nên họ cứ phải dâng đi dâng lại. Và hằng năm vị Thượng tế lại phải vào nơi cung thánh. Nhưng nhân hoặc cộng các sự không hoàn toàn vần chỉ đem lại một cộng số hay tổng số không hoàn toàn.
Trong khi đó, lễ dâng của Ðức Kitô là chính Máu của Người, sự sống của Người. Và máu này, sự sống này lại tinh sạch tội lỗi, lại thánh thiện công chính hoàn toàn. Ðó là hy lễ dứt khoát, vẹn tuyền, tẩy xóa tội lỗi. Thế nên không thể lập đi lập lại, và chỉ cần thực hiện một lần vào chính lúc sung mãn của thời gian. Thành ra cũng một sự chết mà ở nơi mọi người chỉ mở sang sự phán xét, còn nơi Ðức Kitô lại đem đến ơn tha thứ cho mọi người.
Chúng ta hãy sung sướng cảm tạ lễ Vượt qua của Ðức Kitô. Nó mưu phần rỗi cho chúng ta. Chúng ta hãy thành tâm cử hành mầu nhiệm Vượt qua ấy trong thánh lễ này. Không phải chỉ để chiêm ngưỡng một hy tế của Ðức Kitô; nhưng còn để tham dự vào hành vi tiến lên thánh điện của Người. Êlia và bà góa phụ ở Serepta đã muốn tham dự vào lễ tế này khi Êlia chấp nhận cuộc đời phấn đấu và bà góa kia bằng lòng làm theo lời Thiên Chúa. Người đàn bà góa khó nghèo trong bài Tin Mừng quả thật cũng đã báo trước việc Ðức Kitô thí mạng sống mình để xóa tội trần gian. Tất cả những con người ấy đều có lòng đạo đức chân thật, khác hẳn những người ký lục mà Marcô nói tới hôm nay. Chúng ta sẽ giống hạng người nào? Chỉ có đời sống xả kỷ mới là tiêu chuẩn để giúp trả lời. Chúng ta cầu xin và quyết tâm bắt chước các gương tốt lành đã xem trong các bài Kinh Thánh hôm nay, và đặc biệt gương của Ðức Kitô sắp được tái hiện trên bàn thờ.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)