Giải Nghĩa Lời Chúa Năm B

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 31 Thường Niên Năm B

Yêu Mến Ðồng Loại

(Sách Thứ luật 6,2-6; Hipri 7,23-28; Marcô 12,28-34)

 

Phúc Âm: Mc 12, 28b-34

"Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất".

Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn điều nào trọng nhất?" Chúa Giêsu đáp:

"Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó".

Luật sĩ thưa Ngài: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh".

Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật XXXI Thường Niên Năm B

Sách Thứ luật 6,2-6; Hipri 7,23-28; Marcô 12,28-34

Ðức Yêsu đã đến kếp nạp một dân tín hữu là dân mới của Thiên Chúa. Việc này đã được các bài Thánh Kinh trong Chúa nhật trước gợi lại. Hôm nay hình như Phụng vụ muốn tiếp nối tư tưởng lần trước và nói lên quy chế, hay luật pháp của dân mới. Ðó là luật cũ được kiện toàn. Vì thế chúng ta sẽ thấy bài Tin Mừng bổ khuyết cho bài Thứ luật, luật yêu anh em được đính vào luật mến Chúa. Rồi cũng như trong dân cũ có hàng tư tế, thì vị Thượng tế của đạo mới sẽ vượt xa các Thượng tế xưa, để dân mới luôn luôn đẹp lòng Thiên Chúa.

Tất cả những tư tưởng này rất rõ ràng trong ba bài Kinh Thánh hôm nay mà chúng ta cầu xin ơn Chúa giúp để đọc lại.

 

1. Ngươi Sẽ Yêu Mến Yavê

Bài sách Thứ luật hôm nay ghi lại lời kinh hằng ngày của người Dothái. Họ đọc lên không phải để thưa với Thiên Chúa nhưng để nhắc nhở cho mình nhiệm vụ căn bản nhất của người dân trong Nước Người. Ðó là lời của Môsê, vị lập quốc và lập luật. Lời vô cùng quan trọng vì sẽ đem phúc đến cho dân khi họ nắm giữ và sẽ làm cho dân nên lớn trong đất chảy sữa và mật. Tương lai và số mệnh của dân tùy ở việc thi hành những lời Môsê truyền hôm nay.

Ông dạy rằng: Hãy nghe, hỡi Israel, Yavê Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa độc nhất. Ngươi sẽ yêu mến Yavê Thiên Chúa của ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết sức lực ngươi. Các lời ta truyền cho ngươi hôm nay hãy ở nơi lòng ngươi, ngươi sẽ lập lại cho con cái ngươi.

Phân tách những lời này, người ta sẽ phải kính phục con người nào đã biết diễn tả như thế. Chắc chắn nội dung là của Môsê rồi, nhưng hình thức của các câu văn có thể phải là kết quả của nhiều thế hệ trung thành với truyền thống của Môsê. Quả vậy, chúng ta biết: sách Thứ luật đã không thành hình trong một ngày và do một tác giả nào. Nó càng không phải là tác phẩm của thời Môsê. Nó lấy lại luật Môsê, suy đi nghĩ lại và cộng với kinh nghiệm lịch sử của Dân Chúa. Có thể hàng tư tế đã là nguồn gốc của cuốn sách này. Họ suy niệm Luật Chúa đêm ngày rồi viết ra để khuyên nhủ đồng đạo. Thế nên nó được gọi là Thứ luật, tức là Luật đến sau Luật trước; luật bổ khuyết và diễn giải Luật pháp Sinai. Nó được công bố vào những năm có nguy hiểm nhất cho dân. Nước nhà phân đôi, miền Bắc đã bị xâm lấn, miền Nam đang ngấp nghé vực sâu. Ông vua yêu nước đã chạy đến truyền thống của dân tộc, đưa sách Thứ luật ra, mưu lập một cuộc canh tân cứu nước... nhưng đã không kịp về mặt chính trị, mà chỉ phục hồi được truyền thống Môsê.

Ðó là truyền thống độc thần, Israel chỉ được thờ một Chúa. Ngài là Yavê. Chính Ngài đã mạc khải danh xưng này cho Môsê trên núi Thánh. Có lẽ trong thời gian đầu Môsê tưởng Ngài chỉ là Chúa của Israel như những vị thần khác là Chúa của các lân bang và chỉ khác ở một điểm: trong khi các dân này thờ nhiều thần và vì thế gọi là đa thần; thì Israel chỉ thờ một mình Yavê và do đó được gọi là dân độc thần.

Sự khác biệt này nhiều khi thật khó giữ. Luôn luôn Israel bị cám dỗ thờ thêm thần khác, nhất là những thần của các sắc dân mạnh hơn, giàu hơn vì tưởng rằng chính các thần ban sự giàu sang sức mạnh cho dân của mình. Các tiên tri phải mạnh mẽ ngăn cản dân đi vào đường lối đó và nhắc đi nhắc lại dân phải trung thành với Yavê. Làm khác đi, thờ thêm thần khác, là "đánh đĩ" và ngoại tình.

Chúng ta không ngại nhắc đến những từ ngữ này. Chúng giúp chúng ta hiểu quan niệm tôn giáo của các tiên tri một cách sâu sắc. Người ta hay nói dân Israel chỉ có một lòng kính sợ Yavê, theo nghĩa họ khiếp sợ Ngài đến nỗi chẳng còn dám xưng danh của Ngài ra nữa. Họ dùng những kiểu nói vòng vo, gọi Ngài là Chúa, là Ðấng Tối Cao... chứ không dám xưng Ngài là Yavê nữa. Thật ra đó chỉ là một diện. Còn nhiều diện khác trong vấn đề này, đặc biệt còn có quan niệm sâu sắc của các tiên tri. Các ngài luôn luôn đề cao lòng yêu mến. Hôsê chẳng hạn đã táo bạo coi tôn giáo là hôn nhân giữa Yavê và Israel; một bên như "chồng" với một bên như "vợ", và tư cách căn bản của lòng đạo đức là nghĩa tín trung. Những tiên tri khác cũng đi vào chiều hướng đó; và trong ngữ vựng của các ngài mới có những từ ngữ như trên để nói đến thái độ thất tín đối với Yavê. Chúng ta phải hiểu quan niệm của các tiên tri như thế mới ý thức được hết sức mạnh của lời sách Thứ luật hôm nay, truyền cho Israel: hãy yêu mến Yavê Thiên Chúa của ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết sức lực ngươi; nghĩa là phải yêu Ngài với tất cả khả năng và như quên hết mọi sự khác, giống như khi đôi bạn khắng khít yêu thương nhau, mặc cho cuộc đời bể dâu và nước chảy đá mòn.

Cho được đi đến một lòng yêu mến như vậy, Israel đã được dần dần dạy cho biết: Yavê không phải chỉ là Chúa của dân, hoặc chỉ là Chúa trên các Chúa, nhưng Ngài còn là Chúa độc nhất và duy nhất trong tất cả hoàn vũ. Các thần của các lân quốc, chỉ là ngẫu tượng và Yavê phải thống trị địa cầu. Tôn giáo độc thần của Israel sẽ là tôn giáo độc thần của mọi dân nước. Thế nên câu sách Thứ luật hôm nay nói: Yavê Thiên Chúa của chúng ta là Yavê độc nhất, câu ấy có một ý nghĩa sâu sắc trong lòng các tiên tri, Yavê không phải chỉ là Chúa duy nhất của Israel, mà còn phải là Chúa độc nhất của mọi dân tộc. Và những điều này Israel phải ghi nơi lòng và lặp lại nơi con cái. Chính nhờ sự ghi nhớ và lập lại này mà có truyền thống Môsê, truyền thống độc thần, truyền thống sách Thứ luật chúng ta đọc hôm nay.

Chúng ta cảm mến Thiên Chúa đã mạc khải chân lý độc thần này sớm sủa như vậy và nơi một dân nhỏ bé như thế. Nhiều lý luận loài người còn vấp phải sự kiện lịch sử này. Và chúng ta còn phải kiểm điểm về lòng tin của mình, xem mình có thờ ngẫu tượng naò ở bên cạnh Thiên Chúa hay không (như tiền, tình, quyền...)? Và biết đâu đã không có lúc chúng ta nao núng về niềm tin nơi Thiên Chúa chúng ta thờ? Như vậy chúng ta chưa "gần Nước Thiên Chúa" như người ký lục trong bài Tin Mừng hôm nay đâu.

 

2. Người Phải Yêu Mến Ðồng Loại

Thánh Marcô thuật câu chuyện này xảy ra trong khoảng thời gian giữa ngày Ðức Yêsu khải hoàn vào Yêrusalem và hôm Người bị nộp. Ðó là thời gian địch thủ tìm cơ hội bắt Người. Họ thay lượt nhau đến gài bẫy, hết các Thượng tế đến các Biệt phái, rồi phe cánh Hêrôđê và những người thuộc bè Sađóc. Hôm nay một ký lục đến hỏi Chúa Yêsu: "Giới răn thứ nhất trên hết là giới răn nào?". Ông không hỏi giới răn nào "trọng nhất", để chúng ta nghĩ đó là điều ông thắc mắc thật sự. Là vì ở thời đó luật Dothái có tới 613 khoản, và phân làm những khoản nặng và nhẹ, trọng và tùy; và sự sắp xếp nhiều khi có thể rõ ràng và dứt khoát. Ở đây, dường như người ký lục không muốn đi vào vấn đề chi tiết tỉ mỉ, ông chỉ muốn đánh giá quan điểm của Ðức Yêsu, xem Người có "chính thống", tức là có ở trong và tôn trọng truyền thống của đạo Môsê hay không? Và đó là điều mà các địch thủ với Người muốn biết.

Nhưng họ chỉ phải bẽ bàng; vì Ðức Yêsu đã có lần tuyên bố: Người không đến để hủy bỏ Luật pháp dù chỉ là một cái chấm hay một cái phẩy, nhưng là để kiện toàn và hoàn tất. Thế nên không có câu trả lời nào chính thống hơn câu của Người hôm nay: "Giới răn thứ nhất là: hãy nghe, hỡi Israel, Chúa Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa độc nhất. Phải yêu mến Người hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi". Người đã đọc lại kinh Thứ luật. Người có thể dừng lại ở đó. Và người ký lục kia nhất định phải thỏa mãn với câu trả lời.

Nhưng Ðức Yêsu đã không dừng lại. Người không phải như một người học trò thuộc bài và chưa phải là người bị hạch hỏi. Người muốn đóng vai Thầy dạy muôn dân. Thế nên, Người đã thêm: Thứ đến là ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như chính mình. Người cũng chỉ nhắc lại một câu trong sách Lêvi. Không ai có thể bảo Người không chính thống. Nhưng Người đã nhắc lại cho người ta một điều rất quan trọng mà thường khi họ sống đạo mà vẫn quên. Họ tưởng đạo chỉ là nhà thờ, kinh kệ và dâng lễ. Không, đạo còn là yêu mến đồng loại như chính mình tức là yêu người khác như bản thân. Ðiều này, trong thực tế, nhiều người giữ đạo "rất chính thống" mà vẫn quên và có ý quên vì nó khó giữ. Ðức Yêsu không đến để nguyên dạy người ta yêu mến Thiên Chúa. Người còn luôn bảo họ phải thi hành ý muốn của Thiên Chúa là cứu độ trần gian. Hơn nữa Người còn nói rõ không có giới răn nào khác lớn hơn hai việc mến Chúa yêu người này.

Người ký lục tỏ ra rất thông minh, chấp nhận ngay câu trả lời và bài học của Ðức Yêsu. Ông còn phụ họa thêm và nói rằng mến Chúa yêu người như vậy "ắt vượt quá các toàn thiêu và lễ tế thay thảy". Ðức Yêsu không thể không mừng khi gặp kẻ hiểu ý Người như vậy. Người tuyên bố: "Ông không xa Nước Thiên Chúa đâu!"

Lời khen này có thể trở thành một câu chất vấn lương tâm chúng ta. Chúng ta có thường coi các hành vi yêu người như toàn thiêu và lễ tế không? Chúng ta vẫn phải thi hành các nhiệm vụ mến Chúa, vì đó là lẽ sống của chúng ta như lời sách Thứ luật hôm nay nói: Ðó là giới răn thứ nhất, nhưng thứ đến còn phải yêu mến đồng loại như chính mình, điều mà Ðức Yêsu đã đính vào điều răn mến Chúa để làm nên như giới răn của Người. Chúng ta có thi hành không để chứng tỏ mình đang ở trong đạo mới? Ðể thâm tín thêm, chúng ta hãy đọc tiếp bài thư Hipri.

 

3. Người Là Vị Thượng Tế Thích Hợp

Tác giả so sánh các Thượng tế đạo cũ với vị Thượng tế đạo mới. Họ thì bị sự chết ngăn cấm lưu tồn mãi mãi; còn Ngài thì tồn tại đời đời nên giữ một tế vụ bất hủ. Ðó là sự khác biệt quan trọng. Càng quan trọng hơn nếu ta tìm hiểu sâu về ý nghĩa sự chết theo Thánh Kinh.

Ðối với các tác giả thánh, chết không phải chỉ là một hiện tượng thể lý, giết sức sống trong cơ thể, nhưng còn là hậu quả và hình phạt do tội lỗi. Sự chết không những hủy diệt thân xác, nhưng nhất là còn nói lên sự mâu thuẫn cùng cực với Thiên Chúa là sự sống. Chết và sống khác nhau hơn lửa với nước, nên ai đụng vào tử thi tức khắc đã trở nên ô uế, không được đến gần bàn thờ khi chưa chịu thanh tẩy. Chính điểm nay ngăn cấm các Thượng tế đạo cũ còn lưu tồn mãi mãi. Họ không tiếp tục làm tư tế được không những vì sự chết thể lý, nhưng nhất là vì đã trở thành tử thi, họ xa hẳn Thiên Chúa. Còn Ðức Kitô thì ngược lại. Chính sự chết đã đưa Người vượt qua về với Thiên Chúa và trở thành vị Thượng tế đời đời, sống luôn mãi để chuyển cầu cho nhân loại.

Tư tưởng trên đây dẫn sang một kết luận khác: tế vụ của các Thượng tế đạo cũ khi họ còn sống cũng không hoàn toàn. Vì muốn hoàn toàn, vị Thượng tế phải có khả năng ở gần Thiên Chúa để chuyển cầu cho chúng sinh, tức là phải vô tội. Thế mà có ai trong loài người được điều kiện này? Ngược lại Ðức Yêsu là Ðấng vô tội và vô tì, Người cao siêu vượt các tầng trời, nên Người ở gần Thiên Chúa và có khả năng chuyển cầu cho chúng ta...

Có lẽ đối với chúng ta không cần phải nói thêm về sự khác biệt giữa các Thượng tế đạo cũ và vị Thượng tế đạo mới. Nhưng điều quan trọng hơn cho chúng ta là hãy ghi nhớ bản chất của tế vụ mà Ðức Kitô đang thi hành. Người đang ở nơi Thiên Chúa và đứng gần Thiên Chúa để chuyển cầu cho chúng ta. Người đang nối trời với đất, Thiên Chúa với loài người. Lễ tế của Người vừa để tôn thờ Thiên Chúa vừa để cứu độ chúng ta. Chúng ta giữ đạo của Người, chúng ta vẫn đến nhà thờ dâng lễ và cầu nguyện trong chức tư tế của Người. Lẽ nào chúng ta không nhận ra rằng: một người đạo đức thật như có hai vai phải mang hai nhiệm vụ: mến Chúa và yêu người; phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân?

Vậy nếu chúng ta đã sốt sắng ở nhà thờ đối với Chúa, thì chúng ta hãy nhiệt tình với tha nhân ngoài xã hội. Khẩu hiệu kính Chúa và yêu nước, tốt đời và đẹp đạo có thể được sáng thêm trong phụng vụ hôm nay. Chúng ta hãy tận tâm thi hành trong niềm tin.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page