Giải Nghĩa Lời Chúa Năm B

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 18 Thường Niên Năm B

Câu Truyện Manna, Bánh Bởi Trời

(Xuất hành 16,2-4.12-15; Thư Êphêsô 4,17.20-24; Tin Mừng Yoan 6,24-35)

 

Phúc Âm: Ga 6, 24-35

"Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ".

Khi ấy, lúc đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền và đến Caphar-naum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?" Chúa Giê-su đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu".

Họ liền thưa lại rằng: "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?" Chúa Giêsu đáp: "Ðây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến".

Họ thưa Chúa Giêsu: "Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: "Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời". Chúa Giêsu đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian".

Họ liền thưa Người rằng: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi". Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ".

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật XVIII Thường Niên Năm B

Xuất hành 16,2-4.12-15; Thư Êphêsô 4,17.20-24; Tin Mừng Yoan 6,24-35

Lời Chúa hôm nay tiếp nối giáo huấn Chúa nhật trước. Chúng ta hy vọng sẽ lĩnh hội được nhiều tư tưởng thâm thúy hơn và nhiều ơn cao cả hơn. Cho được như vậy, chúng ta phải cố gắng tìm hiểu cặn kẽ các bài Kinh Thánh vừa nghe đọc.

 

1. Một Câu Truyện Ðược Nghiền Ngẫm Lâu Năm

Bài đọc I thuật lại một câu truyện đã xảy ra ở thời Xuất hành, tức là vào buổi dân Chúa mới được ra khỏi Aicập, khoảng năm 1250 trước Chúa Yêsu giáng sinh, cách chúng ta chừng 32 thế kỷ rưỡi. Chúng ta cứ tưởng tượng đoàn người Dothái bấy giờ đang đi theo Môsê nơi hoang địa. Cơm ăn nước uống còn thiếu, huống nữa là những "văn phòng phẩm" để ghi chép các việc xảy ra hằng ngày. Chắc chắn ở thời bấy giờ chẳng ai đã viết nhật ký trên giấy trắng mực đen. Nhưng trái lại, trí nhớ của con người khi ấy lại dính kỹ khác thường. Người ta nhớ hết những gì xảy ra, rồi truyền lại cho hậu thế, từ cha tới con, tới cháu, tới chắt... Phải đợi đến nhiều thế kỷ sau, những truyện ngày xưa ấy mới được viết ra trên các thứ "giấy" của thời bấy giờ. Riêng trong dân Dothái, các tác giả lại không phải là những văn sĩ thường. Họ là những con người đạo đức được Thiên Chúa thúc đẩy và trợ giúp viết lại truyện xưa nhưng để "dạy đạo". Các sự việc, như thế đã được suy nghĩ lại rất nhiều. Nói rằng các tác giả đã mặc cho chúng những bộ áo màu sắc tôn giáo, cũng chưa đủ. Phải nói rằng họ đã dùng ánh sáng đức tin và ơn soi sáng của Thánh Thần để nhìn và đọc lại các biến cố ngày trước, hầu nhận ra được sự can thiệp và bàn tay hướng dẫn lịch sử của Thiên Chúa ở trong các biến cố kia. Do đó, các câu truyện viết về những thời đại xa xưa trong Cựu Ước đều có mục đích huấn giáo hơn là kể truyện.

Câu truyện Manna hôm nay cũng vậy. Nó thuật lại những sự việc xảy ra thời xưa, nhưng đã được suy nghĩ trong nhiều thế kỷ và được viết ra để giáo huấn. Ai không hiểu như vậy sẽ đọc đoạn văn này theo nghĩa đen và không thấy nó nói gì với mình hơn điều này là ngày xưa đã có một chuyện như thế. Nhiều học giả không có đức tin, khi đọc trang Kinh Thánh này, không hiểu theo nghĩa đen, nhưng cũng không thấy nó nói gì cho đời sống của mình. Họ sẽ giải thích rằng: đoàn người Dothái bấy giờ vừa ra khỏi đất Aicập màu mỡ và đang tiến về "Ðất Hứa" chảy sữa và mật. Ở giữa sa mạc hoang vu, họ thiếu lương ăn nước uống. Họ kêu trách Môsê và ông này giới thiệu với họ một thứ phấn cây ăn được để cầm cự cho đến khi ra khỏi sa mạc. Nhưng nếu dừng lại ở chỗ giải thích như vậy, người ta chưa đọc Thánh Kinh, mà mới chỉ đọc truyện. Thánh Kinh là Lời Chúa. Khi đọc Thánh Kinh, người ta phải tự hỏi Chúa muốn nói gì đây? Hay ít ra, tác giả thánh muốn thông đạt tư tưởng nào?

Chúng ta có thể đồng ý với các học giả mà quyết rằng thứ "Manna" mà dân Dothái ăn trong sa mạc là loại "lương thực bất đắc dĩ" cho kẻ chẳng tìm được thức ăn gì khác. Chính sách Dân số (11,4-6; 21,5) cũng coi khinh thứ thực phẩm này. Nhưng điều cốt yếu không ở tại giá trị của Manna. Chính lúc bấy giờ câu truyện đã quan trọng ở điểm khác. Và sau này giá trị của nó còn xê dịch thêm nữa.

Bấy giờ, câu truyện chú ý đến việc dân Dothái kêu trách Môsê và Aaron, tức là kêu trách Thiên Chúa. Có lần họ kêu trách như vậy, Người để rắn độc ra cắn nhiều người. Lần này, Người không phạt, nhưng lại "thử thách" họ. Người cho "mưa" thứ phấn cây ấy xuống và Môsê giới thiệu cho họ đó là thực phẩm mới Chúa ban. Nó chẳng ngon lắm, nhưng ăn được. Chúa đã cho họ ăn như thế để rồi xem họ có trung thành với Chúa không?

Có lẽ thoạt đầu chỉ có như vậy. Nhưng về sau qua nhiều thế kỷ suy nghĩ, trọng tâm của câu truyện xê dịch khác nhiều. Manna trở thành một thực phẩm hi hữu từ trời mưa xuống. Nó là tặng phẩm của Cha nhân ái ban cho thời đại vàng son vì thời gian sống nơi sa mạc gần gũi Chúa và được Chúa dẫn dắt không là vàng son sánh với các thời đại chung chạ với dân ngoại và trở thành dân lưu lạc sao?

Chúng ta cần nhớ lại bối cảnh xuất xứ của bản văn hôm nay để hiểu ý của tác giả. Ông sống nhiều thế kỷ sau biến cố Xuất hành. Ông là người đạo đức thấy dân Chúa càng ngày càng tội lỗi. Vì thế đối với ông, thời Chúa làm cho dân những kỳ công nơi Aicập và trong sa mạc là thời đại vàng son. Tiếng "Manna" thoát ra từ miệng dân khi thấy vật lạ, chỉ có nghiã là: "cái gì vậy". Ðối với ông, nó không còn là một dấu hỏi hay là một giọng nghi nan nữa, mà đã trở thành một ngạc nhiên, ngưỡng mộ: "cái gì (lạ) như vậy!".

Ông kinh ngạc trước lòng tốt và tặng phẩm của Chúa bao nhiêu thì lại càng rầu lòng vì thái độ bất trung, bất hiếu của dân. Ông nhấn mạnh đến ý nghĩa "thử thách" của thứ lương thực mới này. Không những nó được ban để xem dân có biết mở mắt ra mà tin tưởng và trung thành với Chúa không; mà Chúa còn cho kèm nhiều lệnh truyền: không được lấy quá mức ăn một ngày; riêng ngày áp hưu lễ được lấy gấp đôi để ngày Sabat nghỉ ngơi hoàn toàn hầu bắt chước Chúa. Những lệnh này suy ra nữa sẽ thấy tác giả muốn ngụ ý nói rằng: thời gian sa mạc là thời đại lý tưởng; ai ai cũng được nuôi dưỡng theo nhu cầu; nhưng không ai hơn ai và chẳng ai có sở hữu gì; mọi người sống "hằng ngày dùng đủ", hoàn toàn tùy thuộc ơn Chúa và không làm giàu làm có; người ta lại có nếp sống theo thời khóa biểu của Thiên Chúa.

Suy nghĩ như vậy thì đã đi xa cốt truyện lúc đầu. Nhưng đó mới là tư tưởng của tác giả Thánh Kinh và là ý Chúa muốn nói với chúng ta. Nó dẫn chúng ta vào bài Tin Mừng hôm nay, vì người Dothái, như ta sẽ thấy, có tư tưởng như thế khi họ gợi lại câu truyện Manna.

 

2. Một Cuộc Ðối Thoại Gay Go

Theo tác giả Yoan, thì sau khi Ðức Yêsu rút lui lên núi để tránh việc người ta tôn Người làm vua, các môn đệ đã lên thuyền trở về Capharnaum. Nhưng dùng quyền năng, Người cũng đã cùng cập bến với họ. Hôm sau, dân chúng mới về.

Gặp Người, họ muốn hỏi Người đã trở lại Capharnaum bằng cách nào? Nhưng Người đã đọc được tâm tư của họ là lại muốn được nuôi ăn như hôm trước. Người liền dạy bảo: "Hãy lao công đừng vì lương thực hư nát, nhưng lương thực sẽ lưu lại mãi đến sự sống đời đời". Có thể nói Người đã chán ngấy với thái độ của người ta chỉ muốn lợi dụng quyền năng của Người để được những sự ở đời này… đang khi Người đã giao ước cho họ kho tàng Nước Trời là sự sống đời đời. Thành ra cuộc đời... vô cùng khó khăn.

Vừa nghe Người nói phải "lao công", họ đã nghĩ ngay đến "các việc đạo đức" mà thường tiên tri nào mới cũng đề ra để hứa hẹn hạnh phúc cho những ai thi hành. Cũng có thể họ chờ đợi Người phát biểu ý kiến về các việc đạo đức mà Luật dạy phải làm. Những thứ việc này nhiều lắm, làm không hết; nên người ta thắc mắc không biết phải làm việc nào và có thể bỏ việc nào? Nhưng Ðức Yêsu không phải là luật sĩ để có ý kiến về những vấn đề tỉ mỉ này. Người cũng không phải là tiên tri như mọi tiên tri khác. Người là Con Thiên Chúa được Chúa Cha sai đến và niêm ấn bằng uy quyền trong lời nói và việc làm. Người đã giới thiệu mình như thế mà người ta vẫn không biết mở mắt ra mà nhìn. Họ cứ hỏi những câu trên để lôi Người xuống ngang hàng với họ và đáp ứng các nhu cầu vật chất của họ. Nhưng Người không thể chiều theo dục vọng của người ta. Người như khẳng định: không có vấn đề nhiều việc đạo đức mà chỉ có một: đó là tin vào Ðấng mà Thiên Chúa sai đến.

Lời tuyên bố rõ rệt quá. Người ta hiểu: Ðức Yêsu bảo họ phải tin vào Người là Ðấng Thiên Sai. Những Ngài đã làm gì để chúng tôi tin? Họ nghĩ như vậy. Tác giả Yoan diễn tả ý họ một cách hơi khác. Ông vốn có óc phụng vụ và thiên về mầu nhiệm, như chúng ta đã có lần nói. Ông đặt những từ ngữ chuyên môn của mầu nhiệm đức tin và bí tích trên môi các diễn viên. Ông viết: họ nói với Ðức Yêsu: "Vậy thì ông làm dấu gì để chúng tôi thấy mà tin ông?". Ðối với Yoan "dấu" là những việc để khơi lên niềm tin và đòi được chấp nhận. Còn đối với người Dothái, những việc khiến họ tin phải vĩ đại kỳ diệu hơn cả những kỳ công mà Thiên Chúa đã làm trong quá khứ. Chẳng hạn Môsê đã cho dân được Manna thì vị Cứu thế phải cho dân được thứ lương thực mỹ vị và lâu dài hơn... một lần hóa bánh ra nhiều chưa bảo đảm. Hơn nữa họ còn lý tưởng hóa Manna theo các tác giả thời sau (như Tv 105, 40; 78, 24-25; Ne 9, 15.20; Kng 16,20-21) chứ không như tác giả sách Dân số (11,4-6; 21,5). Dù đã bị Ðức Yêsu khước từ cử chỉ của họ muốn tôn Người làm vua và dù đã qua một đêm suy nghĩ, họ vẫn còn mơ ước một vị tiên tri hoàn toàn với những vinh quang của trần gian này.

Một lần nữa, Ðức Yêsu lại phủ nhận lập trường của họ. Ngài vạch cho họ thấy nó sai từ căn bản. Họ nhắc lại truyện Manna, nhưng họ đã không đọc được ý của tác giả thánh trong câu truyện ấy như chúng ta đã trình bày ở trên. Họ chỉ giữ lại cái cốt truyện vật chất; còn tinh thần và ý nghĩa đạo đức sâu xa của nó thì họ bỏ qua. Hơn nữa họ còn "vật chất hóa" lời Thánh Kinh. Thánh vịnh nói: "Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời". Câu này họ hiểu về Môsê đã ban Manna cho họ. Ðức Yêsu bảo không phải. Môsê không ban Manna, nhưng chính Thiên Chúa đã ban. Còn nói gì đến việc ông ban bánh bởi trời! Làm sao ông có thể làm được việc đó? Chính Chúa Cha đang ban bánh ấy cho họ đây là chính Người đang nói với họ những lời hằng sống.

Chúng ta có thể chắc chắn rằng: các người Dothái khi nghe nói như vậy đã chẳng hiểu gì. Vì thế Ðức Yêsu còn phải giải thích nhiều nữa như chúng ta sẽ thấy trong Chúa nhật sau.

Hôm nay phụng vụ muốn chúng ta dừng lại ở điểm này để thấy cuộc đối thoại giữa Ðức Yêsu và người Dothái đã tỏ ra gay go. Một bên quá siêu nhiên, một bên quá vật chất. Cũng một câu truyện Manna, người Dothái chỉ nhìn thấy khía cạnh vụ lợi và thỏa mãn xác thịt. Còn Ðức Yêsu và các tác giả thánh đã nhìn thấy như "dấu" chỉ về niềm tin. Manna gợi lên bánh bởi trời; chứ bánh bởi trời không phải là Manna. Người ta hãy khao khát lương thực linh thiêng ấy, chứ đừng uốn những lời Kinh Thánh trở về thứ thực phẩm tạm bợ của thời gian lữ thứ...

 

3. Một Cuộc Chuyển Biến Sâu Sắc

Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay khuyên tín hữu Ephêsô đừng trở về nếp sống cũ của thời trước khi theo đạo, nhưng hãy mặc lấy con người mới đã được dựng nên trong sự công chính và thánh thiện, bắt nguồn trong sự thật. Lời khuyên ấy còn hợp với chúng ta. Chúng ta hết thảy đã sinh ra trong tội lỗi nhưng đã được tái sinh trong phép Rửa. Nếp sống cũ với con người cũ nơi chúng ta là các khuynh hướng và dục vọng tội lỗi mà đôi khi chúng ta còn cảm thấy mãnh liệt. Còn con người mới với nếp sống mới là sự thánh thiện và các khuynh hướng tốt lành của Chúa đã dựng nên trong chúng ta ngày rửa tội để sống theo tinh thần của Ðức Kitô.

Nếu người Dothái xưa thường có khuynh hướng vật chất hóa đến cả lời Thánh Kinh và chỉ muốn chờ đợi một vị cứu tinh để thỏa mãn những nhu cầu trần thế; nếu thánh Phaolô đã phải cảnh giác giáo dân Eâphêsô đừng trở về với nếp sống của dân ngoại, thì chúng ta cũng nên đề phòng sự vùng dậy của con người cũ. Và cho được như vậy, thánh Phaolô nói chúng ta phải nhớ lại đã được biết Ðức Kitô như thế nào. Cho chắc hơn phải nhìn Ðức Kitô nơi chính Ðức Yêsu.

Tại sao vậy?

Vì người Dothái đã chờ đợi Ðức Kitô, nhưng không muốn nhận Người là chính Ðức Yêsu. Họ đòi Ðức Kitô phải thể khác, vì Ðức Yêsu không chịu đáp lại các nhu cầu thực tiễn của họ. Và ở thời thánh Phaolô, đã bắt đầu có những kẻ xuyên tạc những điều về Ðức Yêsu để, theo ý họ, Người hợp với quan niệm của họ về Ðức Kitô hơn. Nghĩa là nhiều người muốn tôn thờ Ðức Kitô và xưng mình là Kitô hữu, nhưng lại không muốn Người chỉ như Ðức Yêsu đã tử nạn và phục sinh. Họ muốn và ao ước Người "khác" một chút... để cuối cùng đời sống của họ được "lợi" hơn. Họ không muốn lột xác để biến mình nên Kitô hữu tốt hơn, nhưng lại ao ước Kitô giáo đổi đi ít nhiều cho hợp với ước nguyện của họ.

Tâm lý này phát xuất từ con người cũ. Nó đã có nơi người Dothái và Ephêsô. Nó là cám dỗ năng đến với chúng ta. Thánh Phaolô cũng như thánh Yoan và tác giả bài Xuất hành bảo chúng ta phải dẹp đi và mặc lấy con người mới, tâm lý mới, đạo đức mới của Ðức Yêsu Kitô.

Chính Người giờ đây muốn trở nên bánh bởi trời nuôi dưỡng chúng ta cho sự sống muôn đời. Chúng ta hãy rước lễ với niềm tin và lòng mến. Chúng ta tin vào giá trị đường lối Ðức Yêsu đã đi và kêu gọi chúng ta đi vào... Chúng ta nhiệt tình đi vào đường lối đó, đường lối sống theo giáo lý của Chúa và tha thiết phục vụ anh em. Nó đòi hy sinh và có thể thiệt thòi những sự ở đời này; nhưng chấp nhận quảng đại đóng đinh xác thịt vào thánh giá Chúa Yêsu chắc chắn chúng ta sẽ cứu được linh hồn mình và linh hồn anh em. Xin Mình Thánh Chúa là lương thực hành hương về Nước Trời luôn nuôi dưỡng chúng ta.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page